ĐẠO PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG
TẬP I
Thiện Phúc
(Tổ Đình Minh Đăng Quang)

71- Ý nghĩa của chữ “Xả” trong đạo Phật?
72- Tại sao chúng ta chưa sống được trong an lành?
73- Ta nên chạy trốn cái khổ hay ta diệt nó?
74- Đạo Phật đặt quan trọng trong niềm tin: Tin cái gì và tin như thế nào?
75- chúng ta có Phật tánh hay không?
76- Tội và phước với người Phật Tử.
77- Nghiệp báo và phước báo.
78- Phật coi ai là Phật Tử?
79- Tại sao gọi Đức Như Lai là vua của các pháp.
80- Tại sao chúng ta cần tu?

71. NGHĨA CỦA CHỮ “XẢ” TRONG ĐẠO PHẬT?

“Xả” là bỏ, là không chấp kể. Thói thường, ta hay tự hào đắc chí mỗi khi toại nguyện cái gì. Có khi bất bình, khó chịu, cãi vã, xung đột với bạn bè thân thuộc. Ấy là do tánh chấp trước, tự cho ta là quan trọng, tự cho pháp là quan trọng. Thế rồi oang oang tự đắc, đi đến đâu cũng tưởng ta là trung tâm của vũ trụ, chứ nào có biết đâu ta chỉ là một tên khùng điên đang thuyết pháp trước những người trí. Thí dụ như ta lúc nào cũng dương dương tự đắc ấy là chấp ta, tự hào công việc mình đạt được là số một ấy là chấp pháp.

Nói theo nghĩa thông thường, chữ “xả” là bỏ qua, có bỏ qua được mới có vui, mới có thanh tịnh. Như vậy ta thấy hai chữ “Hỉ” và “Xả” nó hổ tương với nhau trong cuộc sống hàng ngày. Có vui mới có bỏ qua được nghĩa là có “Hỉ” mới có “Xả.”

Khi ta ôm mãi thì ta được những gì? Thường thì những thứ ta ôm là những đố kỵ, thù hiềm, ganh ghét, ngã mạn cống cao.. Ôm những thứ đó thì làm sao mà vui cho được, mà không vui với phiền não đâu có xa. Như thế khi ta không xả được tức là phiền não, sân hận, là sanh tử luân hồi. Đức Thế Tôn đã dạy: “Đừng tìm về quá khứ, đừng tưởng tới tương lai, quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới.”

Ta ôm cái qua rồi và tưởng cái chưa tới tức là ta đang sống với cái không thực, trong khi cái hiện tại nó đang ở với ta thì ta lại quên mất nó đi. Chúng ta đã ôm cái quá khứ mà sống quá nhiều trong đau khổ, quá khứ đã qua rồi xin hãy bỏ đi. Ai có thù ghét ta trong quá khứ thì xin hãy “Xả,” bỏ mà đến với họ với cái tâm “Từ Bi.” Ta nào có biết đâu đôi khi họ cũng muốn làm hòa với chúng ta mà chúng ta không cho họ cơ hội. Biết đâu có khi ta cũng sai trái chứ đâu riêng người sai trái.

Tóm lại, học được chữ “Xả” của đạo Phật là được cái tâm quảng đại cao cả. Ở đó kẻ gần người xa đều bình đẳng, kẻ trí người ngu vẫn như nhau, mình và người không khác. Học được cái tâm “Xả” và thành tựu được cái “Xả” một cách hoàn toàn thì chứng quả Bồ Đề đâu có xa.

72. TẠI SAO CHÚNG TA CHƯA SỐNG ĐƯỢC TRONG AN LÀNH?

Sở dĩ chúng ta chưa sống được trong an lành là vì chúng ta định mức cho sự an lành, còn định mức là còn chấp. Còn chấp thì làm sao có được an lành. Ta đặt điều kiện cho “Từ Bi Hỉ Xả,” thí dụ như ai đó làm ta bị nhục thì họ phải làm gì đó ta mới bỏ được, nghĩa là có định mức điều kiện nào đó. Đức Phật đã dạy: “Chúng sanh chỉ có hai cái tâm để lựa chọn, thứ nhất là tâm phàm thứ nhì là tâm thánh. Tâm phàm thì sầu não, ganh tị, tham, sân, si… còn tâm thánh thì ngược lại.” Tâm thánh chế ngự mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, khẩu, ý để được thanh tịnh và an lành. Có được tâm thánh là có được cái bản thể chơn như thường còn, bất sanh bất diệt, không nhiểm trước, không dính mắc. Nghĩa là ngay trong kiếp nầy ta có cuộc sống an lành. Nhưng làm sao để có được cái tâm thánh ấy? Hãy “Xả” bỏ đi và “Xả” bỏ vô điều kiện, có như vậy thì tự nhiên tâm ta sẽ thơ thới nhẹ nhàng. Mà bỏ được một lần, thì hai lần được, ba lần được để rồi đi tới chỗ lúc nào cũng bỏ được.

Trong đời sống hằng ngày, nếu chúng ta không thực hiện được chữ “Xả” thì tự chúng ta sẽ cứ mãi phải đề phòng nhau, ghìm nhau, hoặc giữ mức nhau thì làm gì có an lành? Tuy nhiên “Xả” có dễ không? Không dễ, nhưng không có nghĩa là không thực hiện được. Hãy cố gắng thực hiện chữ “Xả” trong mọi hoạt động hằng ngày của ta, hãy trì chí từng bước một thực hiện cho bằng được. Chuyện gì cũng do thói quen mà có, thì tu cũng không vượt ra ngoài định luật ấy. Tu là chuyển hóa những điều xấu thành tốt, sai thành đúng. Tu là học những điều nên làm và không học những điều không nên làm.

Hãy dùng cái “Dũng” của nhà Phật mà hành trì cho bằng được cái “Từ Bi Hỉ Xả” ngay trong cuộc sống hằng ngày của ta, đừng để cho những huyễn ảo tiếp tục lôi cuốn ta vào một cuộc sống không an lành, đầy não phiền của thế tục, và tiếp tục sanh tử luân hồi nữa.

73. TA TRỐN CHẠY CÁI KHỔ HAY TA DIỆT NÓ?

Khổ là những gì làm cho mình đau đớn, khó chịu như ốm đau, đói khát, buồn rầu, sợ hãi… Cái khổ của thế gian là vô cùng. Sinh ra với thân tứ đại đã là khổ, mà hoàn cảnh chung quanh càng làm cho ta khổ hơn. Thời gian làm cho ta héo gầy cũng là khổ; tâm ta biến chuyển từ vui đến buồn, từ thanh tịnh đến náo động cũng là khổ. Theo đạo Phật thì sanh ra là khổ, già và nhan sắc tàn phai là khổ, bịnh hoạn hành hạ thân xác là khổ, chết cũng làm cho con người sợ hãi ấy cũng là khổ, thương nhau mà xa cách chia lìa cũng khổ, mong cầu mà không được toại nguyện cũng khổ, hờn ghét mà phải mỗi ngày gặp nhau cũng là khổ… Cuộc đời là khổ đau như thế ấy, như vậy thì ta phải làm sao? Chạy trốn chúng hay diệt chúng? Chúng ta đang sống trong ba cõi, mà bất cứ cõi nào cũng có cái khổ riêng của nó. Khi ta còn trầm mê trong thế tục hễ khi quá khổ đau thì tìm cách tránh, rồi đến khi qua cơn khổ thì vùi đầu vào những cuộc vui tạm bợ, nhưng ta nào có biết vui để rồi chờ cái khổ khác đến. Thường thì chúng ta trốn chạy cái khổ ở những phòng trà, quán rượu, nhưng sau quán rượu phòng trà là cái gì? có thể là xì ke, ma túy hoặc ngục tù cũng không chừng. Có khi yên thân trở về nhà, nhìn bốn bức tường với bao nhiêu thứ chồng chất trong đầu. Quả thật cái cõi ta đang sống nó giống như căn nhà lửa, hễ mê muội thì bị nó thiêu đốt, còn tỉnh thức thì ta sẽ dập tắt nó.

Phật dạy chúng ta nên biết rõ căn cơ cội nguồn của cái khổ; biết cái khổ không chưa đủ, mà phải biết nguyên nhân phát sanh ra khổ để diệt nó ngay từ đó, để thoát ly cho khỏi nó mà giải thoát. Thấy đạo Phật diệt cái khổ như vậy đó, thì những ai chán đời, nản chí, buông xuôi, than vắn thở dài đều không phải là con Phật.

74. ĐẠO PHẬT ĐẶT QUAN TRỌNG VÀO NIỀM TIN, NHƯNG TIN CÁI GÌ? VÀ TIN NHƯ THẾ NÀO?

Trong đạo Phật, niềm tin phải là chánh tín, chứ không mê tín. Niềm tin phải dựa trên trí tuệ chứ không ai sao tôi vậy. Trước khi tin phải hiểu rõ niềm tin dựa trên sự phân tích và những kinh nghiệm thực tiển. Đức Thế Tôn đã khai mở cho ta thấy được những gì ta đã trải qua như sanh, lão, bịnh, tử … và Ngài dạy chúng ta những phương cách đi đến rốt ráo, đi dến giải thoát, còn chuyện có ngộ và có nhập những gì Ngài đã nói hay không lại là chuyện khác. Chuyện đó chỉ có chúng ta mới làm được, chứ không ai khác có thể làm được cho ta, ngay cả Đức Phật.

Đức Phật dạy ta về lẽ vô thường của sự vật, không phải Ngài chỉ nói suông mà Ngài chỉ cho chúng ta thấy thực cái vô thường. Nay còn mai mất, sớm nở tối tàn, “mới đó vầng đông vừa ló dạng, quay đầu bóng nguyệt đã tròn xoe.” Những khi ta gần gủi người thân, ta cho rằng sự gần gủi ấy là tuyệt đối, nhưng than ôi sự thực đâu phải vậy, mà sự thực là thấy đó rồi mất đó, còn đó rồi tiêu đó, thương đó rồi ghét đó, vui đó rồi buồn đó, có cái gì là tuyệt đối đâu? Đức Thế Tôn đã giác ngộ được lẽ vô thường và muốn chúng sanh cũng thấy được như Ngài, thấy để mà tin, tin để mà tu, và tu để mà chuyển hóa những xấu ác thành thánh thiện để đi đến chỗ giác ngộ rốt ráo như Ngài.

Trong đạo Phật, niềm tin là do sự hiểu biết tuyệt đối mà tin chứ không tin mù quáng, không mê tín và không dựa vào tha lực và quyền năng tối thượng nào cả. Quyền năng tối thượng như xưng ta là con cháu Thượng Đế chẳng hạn, ai chứng minh được chuyện đó? Mà nếu không chứng minh được thì ngay bây giờ ta hãy tự lo lấy cho ta cái đã rồi hẳn nhờ đến người khác.

Tóm lại, hãy hiểu cho rõ giáo lý của Đức Phật để mà tin, một niềm tin có thể biến ta thành học trò của “Tam Bảo.” Có là học trò của “Tam Bảo” thì mới có cơ hội được giải thoát, cũng như có học mới có thành vậy.

75. CHÚNG TA CÓ PHẬT TÁNH HAY KHÔNG?

Chúng ta ai vốn cũng có sẵn Phật tánh, nhưng vì dòng đời cứ trôi cứ đẩy ta xa lìa cái Phật tánh sẵn có ấy. Tâm ta vốn sẵn thanh tịnh. Mặc dù cái câu “Nhơn chi sơ tánh bổn thiện,” nó không bộc hết được ý nghĩa của cái Phật tánh lúc ban đầu, vốn vắng lặng, vốn tịnh tịch của ta, nhưng nó cũng là một thí dụ điển hình cho cái tấm gương chưa nhuốm bụi trần lúc ban đầu. Nó cho ta thấy là tâm ta vốn bất biến, không sanh không diệt, lúc nào cũng có thể tánh sáng suốt thuần tịnh của chơn như, dù có bụi hay không thì gương vẫn là gương, dù có nhuốm bụi trần hay không thì chơn tâm vẫn là chơn tâm thanh tịnh.

Phật đã dạy rằng chơn tâm vốn thanh tịnh, bao la, rộng rãi như hư không vô tận. Đó là tánh thanh tịnh sẵn có không phải do tu mới có được, nó huân tập ở bên trong. Khi chúng ta biết mà tìm đường trở về với cái chơn tâm ấy tức là trở về với cái Phật tánh vẫn có của ta vậy. Tuy nhiên chúng sanh vì không ngộ được Phật tánh, vì mãi mê vọng tưởng như chàng cùng tử đã bỏ nhà lưu lạc, bốn năm chục năm sau quay về thì thân ta giờ nầy xác xơ quá mà nhà ta thì sang trọng quá. Chàng cùng tử là ai? Là ta đó, còn căn nhà sang trọng là gì? Là chánh pháp giúp đưa ta về với cái Phật tánh của ta.

Tóm lại, chúng ta ai cũng có Phật tính và ai cũng muốn trở về với cái Phật tánh của mình như chàng cùng tử dù bốn năm mươi năm lăn lóc vì miếng cơm manh áo, có khi vì tiền tài danh vọng mà cứ chạy liên tục. Tuy nhiên, có một lúc nào đó ta cũng nghĩ đến, có khi quay về hẳn với cái Phật tánh ấy mà cũng có khi lừng khừng không muốn quay về với nó.

76. TỘI VÀ PHƯỚC VỚI NGƯỜI PHẬT TỬ

Mọi sự an vui và đau khổ trên đời nầy đều do tội và phước mà sanh ra, vì thế muốn có được sự tu hành chân chính, trước hết chúng ta phải thấu hiểu thế nào là tội và thế nào là phước. Tội và phước là những hành động thiết thực trong cuộc sống nầy chứ không phải là chuyện ảo huyền.

Thế nào là tội?

Tội là hành động làm cho người khác đau khổ trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Người làm tội hiền hay dữ? Dĩ nhiên là người dữ người xấu. Tội có nhẹ có nặng, tội nhẹ là tội gây ra bởi việc làm không cố ý nghĩa là hành động do thân hoặc khẩu gây ra nhưng không được sự đồng tình của ý. Tội nặng là những hành động cố ý, nghĩa là do sự phối hợp của cả thân, khẩu và ý.

Tóm lại, tội phát xuất từ ba nghiệp thân, khẩu, và ý của chúng ta. Nơi thân: giết người, trộm cắp, tà dâm. Nơi miệng: nói dối, nói lưỡi đòn xóc, nói thêu dệt và nói hung ác. Nơi ý: tham, sân, si và tà kiến. Nếu có sự hợp tác chặt chẻ của ba nghiệp nầy là trọng tội.

Thế nào là phước?

Phước là những hành động đem lại sự an vui cho mình và cho người ở quá khứ, hiện tại và tương lai. Người biết làm phước thường là người có tâm hướng thiện. Làm phước có hai thứ: hữu lậu và vô lậu.

Thế nào là phước hữu lậu?

Làm cho mình và cho người an vui tương đối trong vòng sanh tử luân hồi là phước hữu lậu. Muốn thực hiện được phước dù là phước hữu lậu ta phải ứng dụng cả ba thứ thân, khẩu và ý.

Về thân, lúc nào ta cũng sẵn sàng làm hết sức mình để cứu mạng chúng sanh nhứt là con người. Bởi vì con người biết suy tưởng cho nên khi ta cứu mạng họ, họ sẽ an vui và biết ơn vô kể. Ấy là ta đang tập hạnh bố thí của Bồ tát. Sẳn sàng giúp người khi gặp cảnh khốn cùng. Những người đang lâm vào cảnh khốn khó, nếu được cứu giúp sẽ vui mừng vô hạn. Chúng ta muốn được an vui thì trước hết phải sẵn sàng mang sự an vui bủa khắp cho mọi người, đó cũng chính là nền tảng của phước đức. Đừng dại khờ ôm lấy những cái vô thường mà nuôi cái tâm bỏn xẻn của ta, hãy ban những gì ta có cho những người đang thiết tha cần nó. Hãy mượn của cải vô thường làm phương tiện an vui cho người và chính nguồn an vui ấy sẽ trở về với chúng ta một cách bền vững lâu dài. Hơn nữa, muốn được phước báo ta cần phải giữ gìn hạnh trung thành trinh bạch, không tà dâm. Người biết đạo lý không bao giờ dám xâm phạm đến danh giá và hạnh phúc của gia đình người khác. Hãy tự hỏi lòng ta xem có muốn gia đình ta được trinh bạch và danh giá hay không mà lại đi phá hoại sự trinh bạch và danh giá của gia đình khác. Làm được như vậy, sự an vui không những chỉ hạn hẹp trong gia đình mà sẽ lan tràn đến xã hội nữa.

Về khẩu, có bốn điều phải thực hành cho bằng được. Ấy là nói chân thật để đem lại niềm vui và tin tưởng cho người. Bất cứ trong trường hợp nào, chúng ta cũng luôn luôn cố gắng, nói lên những lẽ thật. Chơn thật là nguồn gốc của tin yêu và thương mến. Nói đúng lý để giúp mọi người nhận ra được lẽ chánh. Trong cuộc sống vốn dĩ đã phức tạp nầy, mọi người đã khó có nhận định đâu là chánh, đâu là tà. Cho nên ta cố gắng nói ra lời đúng lý hầu làm sáng tỏ mọi ngờ vực của người. Hãy nên luôn nhớ: “mặc người phi pháp, chúng ta vẫn giữ đúng pháp.” Nói lời hòa thuận để đem lại tình đoàn kết cho mọi người. Tất cả việc làm phân ly chia rẽ đều tạo nên thống khổ cho con người. Là người tu theo Phật, chúng ta không thể làm thế, mà luôn luôn dùng lời hòa thuận để hàn gắn lại những rạn nứt. Thấy ở đâu có mầm rạn nứt, tan rã là chúng ta nỗ lực dùng lời hòa thuận làm chất keo hàn gắn lại. Cuối cùng là nói lời nhã nhặn để đem lại ôn hòa vui vẻ cho người. Mọi sự căm phẫn bực tức đều làm cho người đau khổ, trái lại sự nhã nhặn sẽ làm dịu đi mọi sự bực dọc của người. Người tu theo đạo Phật, nguyện trọn đời làm bớt khổ và ban vui cho người khác thì không lý do gì mà ta dùng lời lẽ thô ác.

Về ý, chúng ta phải tập từ bi, nhẫn nhục và chánh kiến. Cố gắng mang lại tình thương cho chúng sanh và tiêu diệt những tham lam độc ác. Nên nhớ rằng nổi khổ của chúng sanh là do lòng tham ác tạo nên, diệt hết tham ác tự nhiên khổ cũng không còn. Chúng ta nên tập nhẫn nhục để chịu đựng mọi cảnh ngang trái mà không sanh sân hận. Có nhẫn nhục được, chúng ta sẽ giữ được nhận định đứng đắn, từ nhận định đứng đắn ta sẽ có được sáng suốt, vui tươi và đi đúng hướng. Chính chánh kiến là đội binh tiên phong giúp ta tu phước, tuy vẫn là phước hữu lậu, vẫn còn sanh tử, song đi đến đâu cũng là hài lòng và mãn ý.

Thế nào là phước vô lậu?

Phước vô lậu là sự an vui tuyệt đối không giới hạn. Do thoát ly sanh tử nên an vui miên viễn. Tất cả những an vui sanh tử đều là tạm bợ, chỉ có tiêu diệt hết mầm sanh tử thì mới có an trụ vô sanh và an vui viên mãn. Muốn đạt được phước vô lậu chúng ta phải nhắm “vô sanh” làm mục đích và phải thấy cho được tướng giả sanh diệt để đừng bao giờ lầm kẹt vì nó.

Tại sao phải cần tránh tội làm phước?

Cuộc đời nầy vốn dĩ đã khổ đau lắm rồi, nếu không làm cho nó vui được thì thôi chứ đừng làm cho nó phải khổ đau thêm. Tránh gây đau khổ cho người cũng là tránh tạo nghiệp cho mình. Nên nhớ rằng bất cứ gì ta làm trong hiện tại cũng đều là nhân của cái quả ở vị lai. Nếu ta gieo nhân khổ thì làm sao hái quả vui cho được. Hãy tránh tối đa trong việc gieo nhân khổ và hãy luôn nhớ rằng “giọt nước tuy nhỏ nhưng cũng có thể làm tràn hồ.” Thế nên, dù một tội nhỏ, tránh được ta cũng quyết tránh. Cợn cáu dù ít ta cũng nên gạn bỏ đi. Ngược lại, làm việc phước dù thật nhỏ, làm được, cũng quyết làm.

Hãy tâm niệm mang lại hạnh phúc cho người và lấy cái hạnh phúc, cái an lạc của người, làm cái hạnh phúc và an lạc của mình. Hạnh phúc và an lạc không phải dễ tìm, nhưng cũng không có khó. Chúng ở ngay trong ta, đừng nhìn cuộc đời tương phản nầy mà chán nản vì những kẻ buông lung phóng túng lại đôi khi được hưởng giàu sang phú quí, còn những ai cố giữ gìn lại chả được gì mà còn mất mát nữa là khác.

Ta hãy nhìn Đức Thế Tôn đã đầy đủ vô lượng phước đức, thế mà vẫn xỏ kim cho A na luật để mót phước, huống hồ gì chúng ta.

Tóm lại, tội phước chẳng những chuyện là thực tế, mà có khi còn là chuyện nhãn tiền nữa. Hãy tự mình tránh tội làm phước và tán thán những ai đang tránh tội làm phước, hoặc đang tiếp tay làm giảm thiểu đau khổ cho chúng sanh.

77. NGHIỆP BÁO VÀ PHƯỚC BÁO

Nghiệp báo tức là nghiệp quả báo ứng vì nghiệp nhơn ta gây thì nghiệp quả ta chịu. Nghiệp là hành động tạo tác theo thói quen của mỗi người. Nghiệp có thiện có ác, hể làm nghiệp thiện thì được phước báo còn làm nghiệp ác thì gặt ác báo. Nghiệp tạo nên từ thân khẩu ý, hể làm lành, nói lành, nghĩ lành thì tạo nên nghiệp lành. Ngược lại, làm dữ, nói dữ, nghĩ dữ thì tạo thành nghiệp dữ.

Khi tạo nghiệp, dù lành hay dữ, chúng sẽ rơi vào tàng thức của ta. Kẻ nhận lãnh cũng vậy, được ban vui hoặc làm khổ, tất cả những thứ ấy cũng rơi vào tàng thức của họ, hoặc biết ơn hoặc thù hằn… Khi nào đó, hai bên gặp nhau thì hạt giống ân oán ấy trổi dậy, khiến hai bên trao đổi thù đáp và cứ thế ân oán càng ngày càng lớn, nghĩa là ta sẽ mãi luân hồi sanh tử. Nếu mỗi ngày ta gieo vào tàng thức những hạt giống vui tươi, đến khi thân nầy sắp hoại diệt, những hình ảnh vui tươi ấy sẽ hiện đến với chúng ta, mời chúng ta đến cảnh vui tươi. Ngược lại, nếu mỗi ngày chúng ta gieo rắt đau khổ cho người, khi lâm chung, những hạt giống đau khổ ấy tạo cho ta những hình ảnh đau khổ và chính những hình ảnh đau khổ ấy sẽ cứ mãi đuổi bắt lấy chúng ta.

Làm sao hết nghiệp?

Nghiệp là do chúng ta gieo vào tàng thức, muốn hết nghiệp thì chính chúng ta phải loại hết những chủng tử nghiệp trong tàng thức ra. Khi kho tàng thức sạch hết những chủng tử thì sanh tử cũng dứt, tức là ta đã đạt được “Không Như Lai tàng” hoặc là kho “Như Lai trống.”

Tóm lại, chỉ có chúng ta mới có khả năng không để cho những chủng tử nó tiếp tục dẫn dắt chúng ta mãi lẩn quẩn luân hồi sanh tử. Không một tha lực nào hoặc một quyền lực của thần linh nào có thể làm được điều đó.

Tại sao Bồ Tát sợ nhơn, chúng sanh sợ quả?

Thói thường hay nói: “ngừa bịnh hơn trị bịnh” vì biết ngừa bịnh thì cơ thể sẽ tráng kiện và không phải mất tiền trị bịnh. Trong đạo Phật, sợ nhơn khổ mà chẳng gây thì làm gì có quả khổ, chứ còn đợi đến quả khổ mới sợ thì đã muộn rồi, có khi đã chịu những đau đớn dằng vặc rồi. Cho nên người nào cũng nơm nớp sợ quả.

Bồ tát có nghĩa là hữu tình giác là một chúng sanh có giác ngộ và đang giáo hóa kẻ khác đi đến giác ngộ. Bởi là người giác ngộ nên thấy được nhơn đau khổ sẽ tạo thành quả khổ đau nên lúc nào cũng cẩn thận dè dặc trong lúc gây nhơn. Ngược lại, chúng sanh si mê, khi ưa thích thì cứ làm, đến hồi lãnh quả thì kinh hoàng hoảng hốt. Chỉ biết sợ quả khổ mà không chịu gieo nhơn lành.

Đã là Phật tử, chúng ta nên tu theo hạnh “Bồ tát sợ nhơn.” Đừng tin ai khi họ nói tôi hút thuốc, tôi uống rượu mà không bao giờ ghiền. Tốt nhứt, ta đừng hút thuốc, đừng uống rượu thì ta lấy gì ghiền. Đó là cách ứng dụng thực tiển của câu “Bồ tát sợ nhơn” vào chính bản thân ta vậy. Còn ngoài xã hội, nếu không muốn nghèo đói, tật nguyền thì xin đừng hành hạ hoặc lường gạt kẻ khác đến nổi họ phải tật nguyền nghèo đói mà đâm ra thù hận chúng ta. Để rồi một ngày nào đó họ trả thù thì ta lại mang kiếp tàn phế và nghèo hèn. Trong gia đình cũng thế, hễ ta gieo nhơn nào thì gặt lấy quả nấy. Thí dụ như ta hiếu thảo với cha mẹ ta, thì con cái nó cũng hiếu thảo với ta. Bảo con cái siêng năng tinh tấn mà ta thì lười biếng thì làm gì có lẽ ấy.

Tóm lại, chúng ta hãy tập tu theo hạnh “Bồ tát” chứ đừng nhắm mắt làm càng đến khi gặp quả khổ mới kêu la, than khóc thì đã quá muộn. Phải sớm thức tỉnh, giác ngộ để tránh xa bến khổ. Biết sợ nhân, bản thân đã thức tỉnh; khuyên bảo người khác sợ nhân, quả thực đã giác tha. Thực hiện được như thế quả thực chúng ta đang chứng quả “Bồ Tát” không nhân, không quả của “Không Như Lai tàng” vậy.

78. PHẬT COI AI LÀ PHẬT TỬ? VÀ LÀM SAO CHO XỨNG LÀ PHẬT TỬ?

Đức Phật xem tất cả chúng sanh là con Phật, ngay cả những người từ bỏ Phật. Thí dụ về anh chàng “Cùng Tử” cho ta thấy rõ cái lòng đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả và thương xót chúng sanh muôn loài của Đức Phật. Đức Phật đã dạy: “Trên đời nầy chỉ có tình thương và sự tha thứ mới diệt được hận thù.”

Chúng ta hãy tập cho bằng được bốn chữ “Từ Bi Hỉ Xả,” hãy lấy từ bi mà rửa hận thù, phải hiểu kẻ thù thật sự của ta không phải là chúng sanh mà là tham dục và sân si. Như vậy mới xứng đáng là con Phật. Muốn theo dấu chân Phật, ta trước tiên phải làm đầy đủ bổn phận với chính ta, với gia đình ta và với mọi người. Với ta, ta phải tu tâm dưỡng tánh, trau dồi đức hạnh để cho thân tâm được an lạc, thanh tịnh trong hiện tại và giải thoát trong tương lai. Với gia đình, làm con phải hiếu, phải phụ giúp cha mẹ, phải luôn nghĩ đến ơn nghĩa sanh thành dưỡng dục, khi cha mẹ đau ốm phải hết lòng săn sóc thuốc men. Làm cha mẹ phải nuôi nấng dạy dỗ con cái, khuyên răn, nhắc nhở, định liệu gả cưới cho kịp lúc xuân thời cho con cái, phải cho con cái bàn tính chuyện nhà. Làm chồng không khắt khe với vợ từ cái chi tiêu đến ăn uống, phải tin cậy phó thác công việc cho vợ, không được sanh tâm tà vạy, sớm mận tối đào làm cho vợ ghen tương sầu não. Làm vợ phải kính yêu hoà thuận với chồng, phải quán xuyến nhà cửa, phải giữ gìn tiết hạnh, lúc chồng nóng giận không nên bừng mặt cãi lẫy làm mất hòa khí, phải biết cần kiệm trong mọi chi tiêu, và nhất là phải biết quí trọng cha mẹ chồng… Với mọi người, ta không nên tiết lộ chuyện của người khác, thấy ai làm quấy thì khuyên can, nhắc nhở nhau tránh dữ làm lành, nếu dư ăn dư để thì giúp đỡ kẻ thiếu hụt. Với thầy, phải kính mến như cha mẹ, vâng lời thầy dạy bảo, giúp thầy trong cơn tai biến. Nếu ta làm được những điều nầy thì quả ta xứng đáng làm con Phật, mà con Phật thì có quyền thừa hưởng gia tài của Phật, ấy là rốt ráo, giải thoát, và Niết bàn.

79. TẠI SAO GỌI ĐỨC NHƯ LAI LÀ VUA CỦA CÁC PHÁP?

Vua là người nắm quyền trong một nước. Gọi Phật là vua của các pháp có nghĩa là Phật làm chủ các pháp. Chính Ngài tự tại với các pháp, Ngài bày kiểu pháp nào cho thích hợp với loại chúng sanh nấy để mà khai thị cho chúng sanh. Ngài biết chỗ nào cần loại mưa gì, lớn, nhỏ, nặng hạt, nhẹ hạt… để cho vạn vật đều hưởng, đều thấm nhuần. Khi Ngài ban pháp vũ cho chúng sanh thì Ngài ban đồng đều, còn sự hấp thụ thì tùy khả năng, tùy trình độ của mỗi loài. Đức Thế Tôn còn vượt lên trên cái danh từ mà ta dùng để chỉ vua chúa; vì vua còn nổi giận khi thần dân hoặc triều đình phạm luật. Với Đức Phật, ai không nghe theo thì Ngài thương xót mà tiếp tục dạy dỗ.

80. TẠI SAO CHÚNG TA CẦN TU?

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta như những con lật đật vậy, chúng ta buông cái nầy bắt cái nọ… Chúng ta làm nô lệ cho các pháp, thương thương, ghét ghét, vui vui, buồn buồn. Mới phút trước thương rồi phút sau ghét đó, mới hôm trước vui đó hôm sau buồn đó, não đó; mới phút trước muốn tu đó rồi phút sau không muốn đi chùa.. Chúng ta cứ mãi dong ruổi theo những vọng niệm như một tên nô lệ, chúng sai chi ta làm đó. Hãy tự nhìn lại chính mình để thấy chúng ta đã quá nhiều lần lừa dối chính chúng ta, nhiều khi giận ai đó mà miệng vẫn cứ nói không; nhiều khi ghét ai đó mà mặt vẫn cứ làm bộ vui… Tại sao lại như vậy? Tại vì chúng ta không chịu nhìn lại chính chúng ta. Chúng ta phải nhìn cho rõ để thấy chỗ nào cần mở chỗ nào cần đóng. Hãy quan sát lại mình một cách chân thật để thấy những cái tham sân si của ta. Đừng sợ mà thấy rằng có khi ta là dạ xoa, cái can đảm ở đây là dám nhận ta là dạ xoa để mà chuyển hóa cái dạ xoa thành thánh thiện. Xin đừng nhìn người khác mà hãy nhìn lại chính mình, hãy thường thấy lỗi của ta mà không thường thấy lỗi của mgười.

Hãy tự soi để nếu thấy ta là bồ tát thì cười hoan hỉ, nhược bằng dạ xoa thì cũng cười mà tha thứ cho ta. Hãy xa lìa cái cống cao ngã mạn, hãy bỏ tất cả những tham sân si phiền não. Hãy can đảm làm theo lời Phật dạy: “Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng lấy mình.” Hãy luôn nhớ thân nầy không vĩnh cửu, xuân đến thì tươi, đến thu thì khô héo. Hãy nhìn đời ung dung tự tại, không sợ hãi vì thịnh và suy như sương mai trên ngọn cỏ mà thôi.

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn vật xuân vinh, thu hựu khô.
Nhâm vận thịnh suy vô bố úy,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Thiền sư Vạn Hạnh đã ung dung tự tại đến như vậy đó trước khi ngài viên tịch.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12