ĐẠO PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG
TẬP I
Thiện Phúc
(Tổ Đình Minh Đăng Quang)

61- Muốn được Phật thọ ký thì phải làm sao?
62- Tiền có mang lại hạnh phúc cho chúng ta hay không?
63- Cái đẹp tâm hồn và cái đẹp bên ngoài. Cái đẹp nào đáng cho ta theo?
64- Chúng ta có tham ăn hay không?
65- Hãy trân trọng những gì mà chúng ta đang có trong hiện tại?
66- Mục đích của đạo Phật?
67- Những cản trở trên bước đường tu học?
68- Làm sao để có được đạo Phật trong cuộc sống hàng ngày?
69- Chánh pháp và cuộc đời.
70- Tùy hỉ nghĩa là gì?

61. MUỐN ĐƯỢC PHẬT THỌ KÝ PHẢI LÀM SAO?

Thọ ký không có nghĩa là ban cho mà là tiên đoán, nhưng chúng ta đừng lầm với tiên đoán của thầy bói, nói cho đúng hơn thọ ký của Phật giống như một sự bảo nhiệm của giáo sư đối với học trò. Ông thầy có thực tài nhìn thấy khả năng của học trò của mình và tiên đoán trước nó sẽ trình được luận án hay không. Ngài tiên đoán những gì sẽ xãy ra trên bước đường tu học của ta vì Ngài quan sát căn tánh, hành nghiệp, xem thể lực, trí lực, và đức hạnh của ta. Ngài dùng Phật nhãn thấy rõ được việc làm của đệ tử trong vô số kiếp tới.

Muốn được Phật thọ ký, chúng ta phải từ miệng Phật mà sinh ra, từ pháp Phật mà hóa thân. Nhưng cái quan trọng là phải phát tâm, có nghĩa là đang tu và sẽ tiếp tục tu, thì trước sau gì cũng sẽ tới chỗ Phật ngồi. Đức Phật đã dạy: “Chỉ có con đường thể hiện Bồ Tát hạnh mới dẫn đến quả vị Vô Thượng Giác và xây dựng thế giới Phật; đi ngoài lộ trình nầy, chúng ta chỉ là kẻ mù lang thang tìm hoa đốm trong hư không.”

62. TIỀN CÓ MANG LẠI HẠNH PHÚC CHO CHÚNG TA HAY KHÔNG?

Dẫu biết rằng trên đời nầy muốn thực hiện bất cứ một công trình nào cho đến nơi đến chốn đều phải có đầy đủ tài chánh, nhưng có những thứ dầu cho có tiền đầy kho cũng không mua được. Chẳng hạn như có ai dám nói lấy tiền ra mua sự thanh tịnh cho tâm hồn mình đâu. Tiền chẳng những không mang lại hạnh phúc cho ta, mà đôi khi nó còn sai khiến ta còng lưng làm đầy tớ cho nó. Hãy luôn nhớ câu nói của tiền nhân: “Hữu tiền nan mãi tử tôn hiền” nghĩa là tiền không mua được con cháu ngoan hiền, mà chỉ có cái đức mới để lại cho con cháu những giá trị tinh thần của cuộc sống. Thấy như vậy để ai trong chúng ta cũng đều nên tu. Tu phước hay tu huệ đều là tu theo Phật.

63. CÁI ĐẸP TÂM HỒN VÀ CÁI ĐẸP BÊN NGOÀI, CÁI ĐẸP NÀO ĐÁNG CHO TA THEO?

Sắc tức là cái nhan sắc bề ngoài thường ập vào mắt chúng ta, nó bắt chúng ta phải chạy theo, phải quỳ lụy, có khi phải bán rẽ chính ta để có được nó. Thói thường ta thích thân cận cái gì đẹp và xa lìa cái xấu, nhưng thế nào là đẹp thật sự và thế nào là xấu ác thật sự? Có những cái đẹp bên ngoài nó đáng sợ lắm, bao nhiêu triều đại vua chúa sụp đổ tan tành cũng chỉ vì ham mê sắc đẹp.

Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách,
Sắc bất ba đào dị nịch nhân.

Mưa nó không kiềm tỏa, nhưng nó có thể giữ chân chúng ta; sắc không có sóng gió bão bùng như biển cả mà nó có khả năng giết chết nhiều người và làm sụp đổ nhiều triều đại. Như vậy đủ thấy sắc đẹp thường là tàn độc.

Ngược lại, cái đẹp của tâm hồn nó không lộ ra, nó thầm thầm, nhưng nó chính là cái đẹp mãi không tàn, không già, và càng ngày thì nó càng thâm thúy.

64. CHÚNG TA CÓ THAM ĂN HAY KHÔNG?

Tham ăn ở đây không có nghĩa là dành ăn như trẻ nít, mà là “tranh” đủ thứ chuyện. Chúng ta hãy bình tâm mà hỏi lại chúng ta xem chúng ta có tranh ăn hay không? Thưa có, chúng ta vẫn hàng ngày tranh ăn trong cuộc sống nầy. Ngay cả chùa chiền cũng vậy, chuà A than phiền chùa B giành mất Phật tử của mình, chùa C lớn, chùa D nhỏ, chùa Đ đẹp chùa E xấu… Hãy tu đi và tu cho đúng nghĩa của nó, đừng ham cầu danh lợi. Tu để biết rằng thà có ít mà có trong chánh pháp chứ đừng có nhiều, có rộng mà không phải trong chánh pháp. Tỉ như có chùa nhỏ mà thực tâm giáo dân dạy chúng; có chùa nhỏ mà không phải móng tâm làm tiền như chùa lớn thì công đức gấp vạn triệu lần cất chùa đồ sộ mà tâm không trong chánh niệm.

Chúng ta có tham ngủ nghỉ không?

Hãy tính tổng cộng thời gian ngủ nghỉ của chúng ta thì chúng ta sẽ thấy rằng nó chiếm quá hơn một phần ba thời gian cuộc sống của chúng ta rồi, như vậy có đủ chưa? Thưa quá đủ rồi. Thế nhưng ta còn muốn thêm nữa và muốn nhiều thứ khác nữa như chăn êm nệm ấm, phòng ốc rộng rãi… Chính cái ngủ nầy nó sanh ra cái trây lười để kiếp lai sanh thành rắn tha hồ mà ngủ nghỉ. Là Phật tử chân chánh, một khi quyết chí tu trì thì phải có quyết tâm, phải sắp xếp thì giờ trong ngày cho hợp lý. Hợp lý từ cái ăn, cái uống, tụng niệm, hành trì và ngủ nghỉ, có được như vậy thì tâm ta mới bớt động, có được như vậy thì ta mới tránh được cái trây lười.

65. HÃY TRÂN TRỌNG NHỮNG GÌ MÀ CHÚNG TA ĐANG CÓ TRONG HIỆN TẠI.

Thói thường chúng ta hay hời hợt với những gì chúng ta đang có trong hiện tại, mà chỉ lo viễn vong về quá khứ hoặc chạy theo những ảo tưởng của tương lai. Chúng ta không biết quí trọng những gì mà chúng ta đang có, để đến lúc mất mát đi rồi chúng ta mới tiếc. Hãy đọc bài thơ sau đây thì ta mới cảm thấy trân trọng những gì chúng ta đang có:

Quân tại Tương giang đầu,
Thiếp tại Tương giang vĩ.
Tương cố bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương giang thủy.

Chàng ở đầu sông thiếp cuối sông, cùng xoay về tìm nhau nhưng chẳng thấy, chỉ được cùng uống nước sông Tương.

Nhiều khi chúng ta sanh chán những gì mà ta đang có vì nó quá nhàm, nhưng một mai mất nó đi rồi mới thấy thiếu thốn. Muốn không bị hối hận, ngay từ bây giờ chúng ta hãy nhìn những người quanh ta bằng gương mặt hoan hỉ, bằng nụ cười hiền từ, bằng quí trọng và yêu thương. Có được như vậy chẳng những ta và người được thanh tịnh mà tất cả những hiềm khích, nghi kỵ và soi mói sẽ tự nhiên tan biến.

66. MỤC ĐÍCH CỦA ĐẠO PHẬT?

Phật giáo bác bỏ quan niệm có một Chúa sáng thế, nhưng vũ trụ tồn tại, sinh mạng tồn tại là không thể hoài nghi. Đức Phật không có địa vị của Chúa Sáng Thế, Ngài không muốn chúng sanh sùng bái Ngài trên hình thức, mà hãy thực hành những điều Ngài dạy. Ngài là bậc giác ngộ trong nhơn gian, thấu rõ mọi nguyên lý của thế gian nầy, tuy ngài không thể thay đổi trạng thái vốn có của thế gian, nhưng Ngài có thể dùng những gì Ngài biết để hóa độ chúng sanh ra khỏi rừng mê bể khổ. Ngài là vị thầy thuốc giỏi nhất, cho thuốc chúng sanh tùy căn cơ tùy bịnh. Nếu chịu uống thuốc của Ngài cho, thế nào chúng sanh cũng khỏi bịnh. Còn nếu như không chịu uống, ngài chỉ thương xót mà bó tay chứ không làm gì khác hơn được.

Mục đích đức Phật sáng lập ra đạo Phật là để giúp chúng sanh thoát khổ, được vui. Ngài dạy cho chúng sanh làm cách nào cho bớt khổ thêm vui, chứ tự Ngài không thể thoát khổ và được vui thay cho chúng sanh. Nói cách khác, Ngài dạy rằng tất cả mọi người phải chịu trách nhiệm cho bất cứ việc làm nào của mình, nghĩa là “Trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu.”

Đức Phật dạy chúng ta hãy quí trọng những gì ta đang có, hãy biết rằng ta đang còn sống để mà quí trọng cái hơi th· của ta. Trong kinh Kim Cang, Đức Phật vạch cho ta thấy những cái quan trọng trong việc tu học nó xuất phát từ cái nói, cái ngồi, cái cười, cái đi, cái đứng, ăn, uống, ngủ, đến cái suy nghĩ… Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy mục đích của đạo Phật là giúp chúng ta thật sự sống như một con người thật chứ không như người máy. Chúng ta nên đặt lại cách sống để đừng bị quay cuồng trong cuộc sống nầy, một cuộc sống không có phẩm chất.

Đức Phật hỏi chúng ta tại sao bứt rứt, tại sao muốn thương mà không thương được? tại sao sợ? Ngài bảo chúng ta đừng bứt rứt, đừng sợ, hãy sống vui, dám vui ngay cả trong những lúc đau khổ. Hãy làm chủ lấy ta và sống thật cho ta. Khi ăn ta biết ta ăn, để mà trân trọng những thức ăn và người nấu ra nó. Khi ngủ ta biết ta ngủ để tâm ta thanh tịnh không dong ruỗi. Khi đi ta biết ta đi để biết trân trọng đôi chân đã giúp ta đi đến nơi về đến chốn… Nếu chúng ta biết chúng ta đang làm gì, nghe gì, cảm gì thì cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn. Thí dụ như ta biết đang có gió nhẹ nhẹ thì da ta sẽ cảm thấy mát, nếu ta biết ta đang ăn thì ta sẽ được hương vị và ý nghĩa của cái ăn.

Tóm lại Phật giáo vừa là một tôn giáo, mà vừa là một triết lý mà Đức Phật là một nhà giáo dục vĩ đại, là bậc đạo sư cho loài người và loài trời. Ngài nêu rõ mục đích của đạo Phật là giúp và hướng dẫn những gì Ngài chỉ thì sẽ được quả vị Phật như Ngài, ai không nghe và không làm theo thì Ngài sẽ thương xót mà tiếp tục dạy dỗ. Thuốc Ngài cho, nếu ai chịu uống thì hết bịnh luân hồi sanh tử để đi đến giải thoát; ai không chịu uống thì Ngài thương xót cho cảnh đày đọa lên xuống của họ, nhưng Ngài vẫn tiếp tục cho thuốc, uống hay không tùy họ.

67. NHỮNG CẢN TRỞ TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG TU HỌC?

Sắt thép bên ngoài còn có thể đốt được, luyện được chứ sắt thép bên trong ta như giận, hờn, thương, ghét, cống cao ngã mạn… là những bức tường sắt rất khó tôi luyện. Đó là những cản trở chính cho bước đường tu học của ta. Chính cái ý thức và vô ý thức (mạt na) đã điều khiển những tên lính nhãn, nhĩ, tỉ thiệt, thân cùng với ông quản lý A lại gia đã chất chứa những phiền não, trần lao, khổ lụy, ái dục, si mê mà làm ra muôn việc lành, dữ, tốt, xấu, vui, buồn, thương, ghét, giận hờn… Mà thường thì dữ nhiều hơn lành, xấu nhiều hơn tốt, buồn nhiều hơn vui, ghét nhiều hơn thương, giận hờn nhiều hơn vị tha. Như vậy tu theo đạo Phật là lội ngược dòng đời, là lấy thiểu số thiện lành đè bẹp đa số xấu ác, khó lắm và nhiều cản trở lắm. Tuy nhiên, dù cản trở cách mấy ta cũng cố làm chứ không lẽ để cho nghiệp lực nó dẫn dắt chúng ta trở lên lộn xuống hoài sao? Hãy mở phá những rào cản ấy đi, hãy rũ những tên lính nhãn nhĩ tỉ thiệt thân ý cùng ta tu để không còn lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, tử nữa. Vì không có xúc thì thọ diệt, mà thọ diệt thì đâu có ái, thủ, hữu, để đi đến chỗ không sanh không diệt.

68. LÀM SAO ĐỂ CÓ ĐƯỢC ĐẠO PHẬT TRONG CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY?

Trong cuộc sống hàng ngày nhiều khi chúng ta tự đẩy chúng ta xa rời ngay cả những người thân ta, tại sao vậy? Vì ta chỉ nhìn người bằng cái nhìn của ta hoặc ta đối xử với người quá câu chấp, không biết thương xót, không chịu bỏ qua, không chịu vui theo cái vui của người.. Đó là những yếu tố chính tạo ra hiểu lầm, thù ghét, tranh chấp, buồn giận và đau khổ.

Để khỏa lấp đi những hầm hố nầy, chúng ta chỉ cần làm ngược lại những gì đã xãy ra. Thay vì tàn ác thì ta nhân từ, thay vì tị hiềm ganh ghét thì ta thương xót, thay vì cố chấp ganh tị thì ta vui theo cái vui của người, thay vì khư khư ôm lấy thì ta xả bỏ. Hằng ngày mà ta làm được những điều nầy tức là ta đã có đạo Phật trong đời sống vậy.

Thế nào là “Từ Bi Hỉ Xả”?

Từ Bi là ban vui và làm cho bớt khổ còn Hỉ Xả tức là vui mà bỏ đi đừng ôm lấy để cho tâm ta được thanh tịnh và an lạc. Ta phải coi sự vui khổ của người như sự vui khổ của chính mình, chia vui sớt khổ ấy là lòng từ bi. Ban vui cứu khổ mà không thấy ta là kẻ ban ân, kia là kẻ thọ ân ấy mới thật là từ bi. Cứu giúp để mong được đền đáp là sự đổi chác chứ không phải là lòng từ bi. Hãy tập cảm thông nỗi khổ của người; thấy người khổ cơ hồ như chúng ta chịu khổ. Thấy người vui như cái vui của chính ta. Hãy tập sống như thế ấy chẳng những với người thân thuộc, mà ngay cả với những người xa lạ. Khi lòng từ bi thì mọi sân hận tham lam đều bị tiêu diệt. Người từ bi không sân hận đánh chưởi ai. Người từ bi không tranh giành hơn thua mà trái lại còn mang tài vật và lòng thương ra ban bố cho người. Từ bi không bao giờ chứa chấp đau khổ và tham lam. Một khi từ bi tràn lấn thì tham lam phải rã rời.

69. CHÁNH PHÁP VÀ CUỘC ĐỜI.

Đạo và cuộc sống hằng ngày nếu được hòa hợp tự nhiên và trọn vẹn giữa thân và tâm thì quả thật cuộc đời nầy là niềm vui sướng hạnh phúc. Chúng ta đều biết tâm ta là con vượn chuyền cây, ý ta nó chạy vòng vòng và nhanh như ngựa. Từ vui, buồn thương ghét, oán hận… đến tham lam, bỏn xẻn, tị hiềm, có khi những ý tưởng đó đến và đi trong một sát na. Có khi nào ta mơ ước đầu óc có được chút thảnh thơi, thanh tịnh để cuộc sống ta có được niềm vui hay không? Có chứ, nhưng nhiều khi chúng ta không biết phải làm sao. Đạo Phật dạy chúng ta hãy sống trong chánh pháp đi thì tự nhiên niềm vui suớng hạnh phúc sẽ đến, vì sao? Vì khi sống trong chánh pháp chúng ta sẽ nhìn những thăng trầm của cuộc đời là chuyện dĩ nhiên, chúng ta sẽ thấy không có gì lạ cả, mới cao sang đó rồi bần tiện đó, mới phú quí đó rồi cơ hàn đó, mới vinh hoa đó rồi nhục nhằn đó, mới quan quyền đó rồi tù đày đó, mới vui đó rồi buồn đó, mới độ lượng đó rồi bỏn xẻn đó, mới trẻ đó rồi già đó…

Đạo Phật dạy ta nhìn cuộc đời bằng con mắt “như thực” nghĩa là sự vật thế nào thì ta nhìn nó như thế ấy, có như vậy ta mới không bị vọng niệm nó dẫn dắt ta vào những vùng đau khổ phiền não. Có như thế, cuộc sống của ta là cuộc sống tỉnh thức, tâm ta sẽ trong sáng, thoải mái, linh động. Có như thế, lòng ta sẽ không điên đảo vì những tương tranh của khổ đau và phiền muộn từ bên ngoài. Có như thế, tham, sân, si sẽ không có đất dụng võ trong ta. Như thế cuộc sống trong chánh pháp của ta nếu không phải là Niết Bàn, là giải thoát chứ là gì?

70. TÙY HỈ NGHĨA LÀ GÌ? TẠI SAO KHÔNG TÙY HỈ ĐƯỢC LÀ KHÔNG TỐT?

Tùy hỉ là vui theo, nhưng mà vui theo cái gì? Có khi vui theo cảnh trần, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp… để cho nó mặc tình làm chủ ta, không biết phân biệt chỉ biết vui theo dục vọng, theo thói quen phóng túng của phàm phu. Cũng có khi vui theo ác nghiệp mà tạo thêm nghiệp chướng, và có khi vui theo những việc nhơn từ phước thiện, như khi thấy ai đem của bố thí cho kẻ nghèo ta tán thành giúp theo. Thấy ai vui mình cũng vui theo, những sự vui theo nầy là những bước đi đến con đường thiện nghiệp.

Đúng nghĩa của tùy hỉ là vui theo cái vui của người khác mà không bị bất cứ một vọng niệm nào nó dẫn dắt. Ngược lại, trong cái vui của người khác mà mình cũng muốn dự phần vào thì không phải là tùy hỉ. Tỉ như có một người bạn có con thi đỗ bác sĩ, họ báo tin vui cho mình; mình cũng vui nhưng liền theo đó vọng niệm ganh tị nó dẫn dắt ta đi đến chỗ không còn tùy hỉ nữa. Ờ con chị đỗ bác sĩ, em gái tôi cũng mới đỗ dược sĩ…

Khi ta không tùy hỉ được thì thấy ai vui mình sẽ không vui, thấy ai hơn mình sẽ không vừa ý. Nếu mình có bảo họ mình vui thì cũng chỉ là qua loa bề ngoài chứ thực sự mình không có được trọn vẹn niềm vui của họ. Có đôi khi thấy ai giỏi hơn ta, giàu hơn ta, ta đâm ra sân hận, đố kỵ, thay vì mừng cho họ.

Tóm lại, Đức Phật đã dạy: “hãy vui với cái vui của người cho dù cái vui đó lớn hay nhỏ, hãy tùy hỉ trọn vẹn, đừng móng tâm buồn phiền, ganh tị mà tổn đức.” Khi ta biến được cái vui của người thành cái vui của ta thì có phải cuộc sống ta thêm vui bớt phiền và cứ như thế ta dần dà sẽ chỉ có vui mà không có não phiền. Ấy là ta đang đi đến rốt ráo, giải thoát vậy.

Hãy nghe lời Phật dạy, hãy vui vẻ mà tu, tu với cái lòng “Từ Bi Hỉ Xả” thì việc chứng đạo sẽ không xa.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12