ĐẠO PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG
TẬP I
Thiện Phúc
(Tổ Đình Minh Đăng Quang)

41- Chánh niệm và vọng niệm.
42- Ngôi nhà tâm linh.
43- Ngôi nhà tâm linh được xây dựng như thế nào?
44- Làm cách nào để tâm chúng ta lúc nào cũng trì chánh niệm?
45- Tại sao phải chuyển hóa và chuyển hóa như thế nào?
46- Những giọt nước mưa xuyên qua ánh mặt trời.
47- Tại sao chúng ta nên phát tâm ăn chay?
48- Thân tứ đại là vô thường.
49- Phật Giáo và cuộc đời.
50- Đạo phật diệt cái khổ ra sao?

41. CHÁNH NIỆM VÀ VỌNG NIỆM

Thường thì chúng ta không sống thực cho chúng ta, chúng ta không sống cho hiện tại mà tâm chúng ta cứ dong ruổi đến những vùng quá khứ hoặc chạy theo ảo tưởng của tương lai. Quá khứ còn đâu mà ta lại phí thì giờ hoài công vô ích, hãy để thì giờ đó mà sống cho hiện tại của ta. Cái mà chúng ta đang có thực là cái ngày mà chúng ta đang sống đấy. Còn tương lai nào ai mà biết được chuyện gì sẽ đến? Thế tại sao chúng ta lại phí thì giờ mơ tưởng đến nó. Tất cả chỉ là ảo tưởng ; tuy nhiên, ta luôn bị chúng vây quấn lấy hết ngày nầy đến ngày khác. Làm sao ta có thể nhất tâm chánh niệm? Điều nầy rất khó nếu ta không chịu tập thiền vì thiền sẽ giúp ta chú tâm vào cái gì ta đang làm để quán chiếu vào đời sống hàng ngày của ta. Thí dụ như lúc ta đi, ta biết lúc nào ta giở chân lên, bước tới và để chân xuống, ấy là ta đang có chánh niệm trong thiền vậy. Cái lợi lạc trước nhất là ta biết những chướng ngại vật để tránh mà không bị vấp ngả do đó mà đi đến nơi đến chốn an lành. Kế nữa, nếu ta thực hiện được như vậy tâm ta chỉ chú tâm vào những bước đi, không bị dong ruổi, không bị những vọng niệm vây quấn, ấy là ta đã có được chánh niệm vậy.

42. NGÔI NHÀ TÂM LINH

Ai cũng biết hình ảnh ngôi nhà và làm sao để xây dựng nó. Tuy nhiên đó chỉ là hình tướng và vật thể của ngôi nhà thế tục. Ngôi nhà tâm linh không như một ngôi nhà thường, nó không được dựng lên bởi vật chất mà bởi phúc đức và sự tu tập trong đời sống hàng ngày. Nếu ta không có một ngôi nhà thế tục để ở đã là khổ, phải vất vưởng lang thang nay đây mai đó, huống hồ tâm linh không nơi nương tựa thì thực là bơ vơ lạc lỏng.

Không riêng gì người Á đông chúng ta mà mọi người trên thế giới nầy đều cần có một ngôi nhà tâm linh vì nó là món ăn tinh thần, nó là chỗ cho tâm ta về nương. Mỗi cá nhân nên xây dựng cho chính mình một ngôi nhà tâm linh trong đời sống hàng ngày để có chỗ thanh tịnh và an lạc cho tâm ta.

43. NGÔI NHÀ TÂM LINH ĐƯỢC XÂY DỰNG NHƯ THẾ NÀO?

Bất cứ ngôi nhà nào cũng được dựng lên từ nền móng, tường vách và mái che. Tuy nhiên, nền móng của ngôi nhà tâm linh không xây bằng bê tông cốt sắt mà nó được xây đắp bởi năm giới cấm của nhà Phật. Như vậy chỉ có những ai phát nguyện trì giới mới có khả năng xây dựng nền móng của ngôi nhà tâm linh. Khi nền móng đã vững vàng rồi thì ta bắt đầu làm vách. Tường vách của ngôi nhà thế tục dùng để cản giông gió bụi cát từ bên ngoài, thì tường vách của ngôi nhà tâm linh giữ cho tâm ta đừng vướng bụi trần, giúp cho tâm ta định tĩnh đừng dong ruổi. Cuối cùng là mái che cũng là đỉnh chóp của căn nhà. Mái che của căn nhà thế tục dùng để che nắng che mưa, trong khi mái che của căn nhà tâm linh chính là trí tuệ của đạo pháp giúp ta vén cho được bức màn vô minh.

Những chất liệu để xây dựng nền móng của căn nhà thế tục là xi măng, sắt… thì chất liệu giúp ta xây dựng nền móng của căn nhà tâm linh là những giới cấm trong đạo Phật. Những giới luật nầy nó còn rắn chắc hơn cả bê tông cốt sắt. Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ và không uống rượu đều là những chất liệu tinh hảo giúp ta làm lành lánh ác, chúng quả là một gia tài quí báu giúp ta xây dựng tốt ngôi nhà tâm linh.

Ta dùng ván hoặc gạch để làm tường vách cho ngôi nhà thế tục, còn ngôi nhà tâm linh thì sao? Đức Thế Tôn đã nói tâm ta như con vượn chuyền cây, nó lao chao dong ruổi, nếu ta không tìm cách kềm nó lại thì ta sẽ mãi chịu khổ hãi phiền não vì nó. Đời sống vốn dĩ đã khổ bởi dây chuyền của khổ nghiệp và phiền não. Nỗ lực đừng để cho tâm ta dong ruổi không phải dễ, nhưng làm được. Đức Thế Tôn đã ngồi liên tục bốn mươi chín ngày đêm để được giác ngộ, vậy tại sao chúng ta không bắt chước theo Ngài mà xây dựng tường vách cho ngôi nhà tâm linh của ta bằng những sinh hoạt thiền quán. Thiền quán để chi? Để nhốt con vượn chuyền cây lại, để đừng cho nó dong ruổi nữa. Để cho tâm ta bớt lao chao và từ đó mà được định tỉnh hơn. Khi tâm ta được định tĩnh thì không lo gì, vì chắc chắn chúng ta sẽ có trí huệ của đạo pháp che chở ta trong những cơn giông bão trên đời.

Tóm lại, hãy trân trọng những sinh hoạt tu học, coi đó như những phương tiện giúp ta làm lành tránh dữ, bớt lao chao; chẳng những thế nó còn giúp cho tâm ta được định tỉnh, che chở ta qua những gió lửa của dục vọng bên ngoài. Chính những sinh hoạt tu học giúp chúng ta xây dựng ngôi nhà tâm linh vững chắc, mà khi đã có ngôi nhà tâm linh vững chắc rồi thì chuyện giải thoát đâu có xa.

44. LÀM CÁCH NÀO ĐỂ TÂM TA LÚC NÀO CŨNG CÓ CHÁNH NIỆM?

Tâm ta lúc nào cũng dong ruổi như con vượn chuyền cây, không lúc nào chịu ở yên một chỗ. Chính vì vậy mà ta phiêu lưu từ hết vọng niệm nầy đến vọng niệm khác, hôm nay ngồi đây mà tâm cứ nhớ đến thời quá khứ vàng son, hoặc mơ tưởng đến tương lai xa mờ. Làm thế nào để ta trút bỏ những vọng niệm để thật sự sống với chánh niệm của hiện tại? Chúng ta muốn được như vậy, chỉ còn cách duy nhất là phải tìm cách tu tỉnh lại, hoặc ở chùa, hoặc ở nhà, hoặc ở bất cứ đâu. Đừng hẹn, đừng đợi cho tội ác chồng chất lên đến già, hoặc đến hưu trí rồi mới tu. Nên nhớ rằng: “mồ hoang lắm kẻ tuổi còn xanh.” Ta phải tự tạo cho ta cái duyên để được gần gủi Phật pháp và phải tu bất cứ ở đâu. Chẳng hạn như khi lái xe ta biết ta đang lái xe và chủ tâm vào việc lái xe, ấy là ta đang tu vậy. Hãy xem cái xe như là vị Bồ Tát đã giúp đưa ta an toàn từ chỗ nầy đến chỗ khác, từ đó tay chân ta sẽ dịu dàng lái cẩn thận và lái với cái tâm thanh tịnh, bình tỉnh và thong thả. Nếu trên xe có người, xin hãy vì họ, lái làm sao cho họ cảm thấy thoải mái sung sướng, chứ đừng để họ phải hoảng sợ mà phải luôn miệng niệm Phật. Hãy tập thiền ngay cả trong lúc lái xe để thấy cái vi diệu của nó. Xin đừng lầm tưởng “thiền” là mơ mơ màng màng, lái xe mà mơ mơ màng màng là chết sớm. Thiền ở đây là tâm thanh tịnh, tỉnh táo, biết ta đang làm gì; thiền là để chánh niệm chế ngự vọng niệm. Lái xe mà thiền có nghĩa là ta biết ta đang lái xe chứ không chen vào bất cứ vọng niệm nào. Lắm tai nạn đã xãy ra chỉ vì trong lúc lái xe mà tâm ta dong ruổi.

Tóm lại, thiền quán đúng cách sẽ giúp ta lúc nào cũng có chánh niệm. Mà thiền có thể được ở bất cứ nơi nào lúc nào, như vậy nếu ta muốn ta sẽ có được chánh niệm từ ngày này qua ngày khác hoặc năm nầy qua năm khác, hoặc mãi mãi.

45. TẠI SAO PHẢI CHUYỂN HÓA VÀ CHUYỂN HÓA NHƯ THẾ NÀO?

Chúng ta từ vô thỉ đã tạo bao nhiêu nghiệp chướng bởi lầm mê, chính vì vậy mà cứ luân hồi lên xuống. Giờ đây chúng ta muốn ngưng tạo nghiệp, ngưng luân hồi lên xuống thì chúng ta phải chuyển hóa lầm mê thành trí huệ. Bằng cách nào? Ta nên nhớ rằng muốn được trí huệ thì trước hết tâm ta phải thanh tịnh, muốn được thanh tịnh thì con đường sáng duy nhất là hãy đến trước đài vô Thượng Giác để hướng về ánh từ quang, lạy Phật tổ soi đường dẫn bước.

Hãy lạy Phật tổ mà sám hối bao tội ác gây ra bởi tham, sân si và thệ nguyện rằng từ nay lòng ta sẽ thanh tịnh, sẽ trì giới, sẽ phát tâm làm lành tránh dữ. Từ nay ta sẽ nương nhờ Tam Bảo mà vượt qua bể khổ. Tam Bảo với lòng đại từ đại bi thương xót chúng sanh sẽ giúp ta sạch được ba nghiệp “Tâm, thân, ý.” Tam Bảo sẽ là đuốc sáng soi cho ta thấy đâu là chánh kiến, đâu là chánh niệm. Nhờ Tam Bảo mà mỗi khi buồn giận, ta biết định tâm niệm Phật, biết trở về hơi thở và biết dừng hẳn những tham sân si. Mở mắt thức dậy ta biết trân trọng những gì mà ta có trong đời, trân trọng những gì mà ta có ngày hôm nay.

Tam Bảo còn dạy cho chúng ta cái “Bi Trí Dũng” của nhà Phật nghĩa là biết làm cho mọi người thêm vui, bớt khổ; làm với cái trí huệ sáng suốt và lòng can đảm. Dám làm những điều thiện, tự tin, không nghi, không sợ tiếng vào lời ra; cho dù ai có nói ra nói vô, ta vẫn không bỏ cuộc. Hãy chiêm nghiệm lại hình ảnh của Đức Phật, cho dầu cực khổ cách nào, Ngài vẫn tinh tiến không lùi bước, đó chính là cái “dũng” của đạo Phật. Đức Thế Tôn dù bị vu oan giá họa, nhưng Ngài vẫn thẳng đường “Đại Từ, Đại Trí, Đại Dũng cảm” mà tiến tới.

46. NHỮNG GIỌT NƯỚC MƯA XUYÊN QUA ÁNH MẶT TRỜI

Tất cả các pháp của thế gian nầy chỉ là tạm bợ, cũng như tất cả những hoài bảo mà mình mong đợi chỉ là nhữ giọt nước mưa xuyên qua ánh mặt trời. Nhìn thì đẹp lắm, đủ màu đủ sắc, kim cương cũng không bì kịp, nhưng có ai bắt được chúng đâu, có chăng chỉ là những giọt nước làm mát tay ta trong giây lát chứ chả được gì. Chúng ta là thế đó, cứ mãi chạy theo dục vọng, ham muốn. Tại sao chúng ta cứ mãi chạy theo những ảo tưởng? Tại sao chúng ta chả bao giờ thỏa mãn với hiện tại? Ta cứ mãi cho là chưa đủ. Dĩ nhiên là trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải có những dự định, những toan tính. Nhưng xin đừng để những dự định ấy nó làm chậm trể sự tu học của ta. Đừng để phí thì giờ để bắt lấy những viên ngọc nước và đừng vịn vào bất cứ lý do gì để mà trì hoản việc tu học. Xin hãy sống thật với ta, xin hãy nhìn và học ở những vị bồ tát.

47. TẠI SAO CHÚNG TA NÊN PHÁT TÂM ĂN CHAY?

Trong cuộc sống hàng ngày nhiều khi ta muốn phát tâm ăn chay nhưng không được trọn vẹn vì chúng ta đi làm. Một đôi khi có tiệc tùng trong sở cũng như những giao tế hằng ngày làm sao mà tránh được. Nói như thế không có nghĩa là ta không phát tâm ăn chay. Đạo Phật tuy không bắt buộc Phật tử ăn chay, nhưng đạo Phật khuyến khích Phật tử nên phát tâm ăn chay, vì sao? Ăn chay là một nét đặc sắc của đạo Phật, là phát xuất từ lòng từ bi đối với tất cả mọi loại hữu tình. Ăn chay sẽ làm cho ta nhẹ nghiệp vì người ăn chay đa số không nghỉ đến sát sanh, từ đó thân tâm thanh tịnh và cuộc sống sẽ phấn chấn hơn. Khi ăn chay tức là ta đang gieo cái “nhân” tốt thì đương nhiên cái “quả” sẽ tốt thôi.

Tuy nhiên, nếu không ăn chay được thì cũng xin đừng sát sanh, tự mình sát sanh, chỉ huy sát sanh hay có ý nghỉ sát sanh cũng đều phạm vào giới thứ nhất của năm giới cấm trong đạo Phật. Không ăn chay được thì cũng xin phát tâm là ăn để sống, chứ không phải sống để mà hôm nay ăn gà tươi, ngày mai ăn vịt tươi, hoặc mốt ăn cao lương mỷ vị.

48. THÂN TỨ ĐẠI LÀ VÔ THƯỜNG, CHẤP CÓ NÓ LÀ TẠO THÊM NGHIỆP; CHỈ CÓ “TỪ BI HỈ XÔ CỦA NHÀ PHẬT LÀ VĨNH HẰNG.

Chúng ta, xuất gia cũng như tại gia, đã có nghiệp, đang tạo nghiệp và sẽ tiếp tục tạo nghiệp nếu chúng ta không chuyển hóa được cái kiếp trầm luân ở cõi ta bà nầy. Những cái mà chúng ta đang mang ấy là giả tá. Thí dụ như cái thân tứ đại nầy do duyên tạo cho bốn cái đất, nước, lửa, gió nương nhau mà thành, nhưng chúng hay phản nhau mà gây đau khổ phiền não cho ta. Tỉ như vì lý do gì đó mà thân nhiệt trong người lên cao thì mắt ta hoa lên, tai ta lùng bùng, đầu thì nhức… Như vậy tự cái lửa nó phản bội ba cái kia mà gây đau khổ cho cái thân.

Như trên ta đã biết thân ta là giả tạm, là mượn; mà hễ giả, hễ mượn là không có thật. Nói cho đúng ra thân ta là tạm bợ mà thôi, có gì đâu mà phải chấp nó để tạo thêm nghiệp. Chúng ta có mấy ai nghĩ đến cái việc chúng ta đang chuẩn bị hoàn trả về cho tứ đại những gì của tứ đại? Chúng ta biết đó, nhưng hình như chúng ta có khuynh hướng phủ nhận những biến chuyển thay đổi trong cuộc sống của ta. Thí dụ như con người từ trẻ đến già, tất phải trải qua những chuyển biến rõ nét từ tóc đen đến tóc bạc, từ da thẳng má hồng đến da nhăn má hóp, từ răng chắc đến răng long… Chúng là những thông điệp báo cho chúng ta cái ngày chúng ta phải trả lại cái thân giả tạo nầy đấy. Chúng báo cho chúng ta thấy một ngày qua đi là một ngày chúng ta đi gần đến nhà mồ. Như vậy thì chúng ta đâu có nhiều thì giờ để suy nghỉ viễn vong về quá khứ và tương lai. Quá khứ có mang lại cho chúng ta những thứ mà ta cần không? Quá khứ nó ít khi mang lại cho chúng ta hạnh phúc, mà đa phần nó vừa làm ta mất thời giờ và vừa làm ta khổ. Còn tương lai có phải là những thực tế để cho chúng ta trân trọng không? Thưa không, trái lại nếu ta cứ mơ mộng với tương lai thì ta chỉ chuốc lấy thất bại và đau khổ mà thôi.

Nếu ngay bây giờ, trong hiện tại, chúng ta chọn lấy con đường ta đi và biết được điểm mà chúng ta muốn đến thì quả thật là hạnh phúc. Chúng ta hãy can đảm sống theo con đường “Từ bi hỉ xả” của nhà Phật, sống bằng cái hạnh của chư Bồ tát ngay từ bây giờ đi thì không đợi đến kiếp sau mà rất có thể ngay trong kiếp nầy chúng ta cũng được giải thoát.

Chúng ta chạy theo giàu sang, danh vọng, tiền bạc, của cải, tài sắc, quyền uy là chúng ta chạy theo cái gì? Là chúng ta chạy theo ảo ảnh đấy, mà hễ nói ảo ảnh là không có thật. Chúng ta sanh ra đời với hai bàn tay trắng với nợ nần của nhiều đời trước không chừng. Nếu không khéo đến khi lìa đời chẳng những với hai bàn tay trắng, mà không chừng đôi vai ta còn nặng thêm gánh của những nghiệp chướng trong kiếp nầy. Làm sao để ta có thể tránh được tình trạng chưa trả nợ cũ mà còn thêm nợ mới? Hãy tu đi, hãy sống theo con đường “Từ bi hỉ xả” của Đức Phật, hãy tập sống theo hạnh nguyện của chư Bồ Tát đi thì sẽ không mang thêm nợ của đời nầy, mà nếu có nợ nần của những đời trước cũng sẽ được giảm bớt. Tu là sao? Tu là biết dừng lại, để biết đừng chạy theo những ảo ảnh. Tu là biết ban vui cho người, tu là biết làm cho người bớt khổ đau phiền não, tu là biết vui theo cái vui của người, và tu là biết xả bỏ hay không chấp ngã.

Tóm lại, chấp cái thân vô thường là mang thêm nghiệp chướng và tiếp tục trầm luân sanh tử. Còn đi theo con đường “Từ bi hỉ xả” của nhà Phật là rốt ráo, là giải thoát, là Niết Bàn.

49. PHẬT GIÁO VÀ CUỘC ĐỜI

Phật giáo cũng như bất cứ một tôn giáo nào, đều có nhân sinh quan của nó. Nhân sinh quan là quan niệm về cuộc đời. Theo đạo Phật mà không biết cái quan niệm về cuộc đời của nó thì quả thật chưa phải là Phật tử.

Phật giáo quan niệm về đời sống con người như thế nào?

Cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm, Đức Thích Ca Mâu Ni đã nói rõ rằng đời sống con người phải bao gồm quá khứ, hiện tại và vị lai. Ba cái này nó gắn liền nhau, hãy nhìn những gì ta đang làm thì biết tương lai ta sẽ đi về đâu. Nhìn cái cây đang rạp theo chiều gió nào thì biết lúc chết cây sẽ ngả nằm theo chiều ấy. Tương tự, hãy nhìn những gì đang xãy đến với ta thì biết trong quá khứ chúng ta đã làm những gì.

Mỗi người chúng ta đều quan niệm khác hẳn về cuộc sống, kẻ nào hạnh phúc vui vẻ thì theo chủ nghĩa lạc quan; còn kẻ chán đời, yếm thế, đau khổ, chán chường thì bi quan. Còn đạo Phật thì sao? Đạo Phật quan niệm “nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển, thân chúng sanh là ô uế, bất tịnh, và giả tạm như một tia chớp.” Nói như thế không có nghĩa là những người tu theo đạo Phật là khắc khổ, sầu não, chán nản… Ngược lại, hãy nhìn những nhà sư chân chính ta sẽ thấy lúc nào họ cũng vui tươi, điềm đạm, sáng suốt và cương quyết. Lời nói của họ hiền hoà và môi họ lúc nào cũng chực ban cho những người chung quanh một nụ cười. Tại sao những nhà sư ấy lại vui vẻ như vậy? Họ có biết rằng theo giáo lý nhà Phật thì cuộc đời nầy giả tạm lắm, có gì đáng vui đâu? Họ biết lắm chứ và họ biết rất thâm sâu nữa là khác. Họ biết rằng thân phận con người là bèo là bọt, là đau khổ, bất tịnh… Chính vì vậy mà họ không muốn cho nó bèo bọt hơn, khổ hơn, bất tịnh hơn bằng cách ban vui cho bất cứ ai đối diện họ. Họ biết nhìn thẳng vào sự đau khổ để biết chân tướng của nó để mà có sức chịu đựng. Họ biết rằng đường đời dẫy đầy nguy hiểm, nếu cứ nhắm mắt mà đi thì sớm muộn gì cũng lọt hố.

Tóm lại, đạo Phật chỉ cho ta phải nhìn cho kỹ chung quanh mà đi để không lọt hố. Chính Đức Phật đã dạy: “Các con hãy thắp đuốc chánh pháp lên để đánh tan những u minh tăm tối để đi đến chỗ giải thoát rốt ráo.”

Tuy nhiên, có người cho rằng cần gì phải giải thoát vì đời sống tự nó cân bằng nghĩa là có khổ, có vui, có buồn, có sung sướng, có chán chường, có đói, có no… Hễ đói thì khổ mà hể ăn được no thì vui thế thôi, tại sao lại phải giải thoát những thứ ấy cho thêm mệt?

Thật ra cuộc sống nó đâu có đơn giản như ta tưởng mà trái lại nó rất phức tạp. Thí dụ như ta đói, ăn no xong ta có chịu dừng lại để mà vui với cái no hay không, hay là đã no rồi lại muốn được ăn ngon, đã ngon rồi lại muốn cái ngon hơn… Ta cứ mãi quanh co lẩn quẩn bởi những ham muốn chứ ta nào dám nhìn thẳng vào sự thật sanh, già, bịnh, chết đâu. Thường thì ta muốn trẻ mãi, khoẻ mãi và sống mãi. Chính những cái muốn ấy tạo ra những mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày của ta. Mâu thuẫn tức là ngược lại với những gì ta mong muốn. Theo nhà Phật thì ngược lại với những gì ta mong cầu là khổ. Đó là điểm chính yếu mà đạo Phật muốn chỉ cho chúng ta thấy. Đạo Phật muốn cho ta có một cái nhìn “như thị” nghĩa là nhìn sự vật là sự vật chứ không bị những vọng niệm dẫn dắt đi đâu cả. Cái hoa là cái hoa, chứ không đẹp không xấu. Tuy nhiên, người biết tu, nhìn một đóa hoa đang nở, có thể thấy được sự vô thường của vũ trụ. Đạo Phật còn dạy chúng ta biết tri túc và biết hòa hợp với thiên nhiên. Con người chúng ta chả bao giờ chịu bằng lòng với những gì đang xãy ra cả, thí dụ như nắng hạn thì đi cầu mưa, mà mưa to gây lụt lội thì ta thán. Ta nào có biết đâu tất cả những mưa gió bão bùng đều là do những nhân duyên hợp lại, khi những nhân duyên không còn thì tự nó cũng tan đi chứ ai mà cản cho được.

Điểm quan trọng khác của đạo Phật là tuy nhận chân cuộc đời là đau khổ và đầy tai ách, người Phật tử vẫn nhìn thẳng vào sự thật và hãnh diện đã được sinh ra làm kiếp con người vì con người có suy tưởng, có quả cảm, có trí tuệ và thân người khó được. Chính nhờ cái thân người nầy mà ta có được cơ hội tu tiến. Đức Phật đã nói: “Nhơn thân nan đắc” nghĩa là thân người đâu phải dễ được, mà hễ được rồi lại để mất thì muôn kiếp khó tái hồi. “Thiên niên thiết thọ khai hoa dị, nhất thất nhơn thân vạn kiếp nan.” Như vậy ta thấy một khi được thân nầy mà buông xuôi một đời luống qua vô nghĩa thì thật là uổng lắm. Cũng chính Đức Thế Tôn đã dạy: “Địa ngục quá khổ, ngạ quỷ đói khát, súc sinh thì ngu si, cõi trời thì nhiều dục lạc nên không thể tu được. Chỉ có làm người là đủ điều kiện tiến tu hơn cả.” Khổ quá cũng khó tu, mà sướng quá cũng khó tu. Chỉ có cõi nhơn có khổ có sướng, nhưng kham được, cho nên con người có một giá trị thật đặc biệt trong việc tu học. Dù biết thân nầy ô uế, giả tạm, nhưng ta cần phải mượn nó làm con thuyền qua bờ thanh tịnh và an lạc.

Còn một điểm nữa trong Phật giáo là “đạo lý vô ngã.” Một khi đã là Phật tử thì hãy cởi bỏ đi cái “chấp ngã” nghĩa là đừng nghĩ đến cái ta, đừng chấp cái thân nầy thường còn, bất biến. Có người cho rằng con người có phần linh hồn bất biến nghĩa là thân xác nầy dù tan hoại thì linh hồn vẫn còn đó. Có người lại cho rằng khi thân xác nầy tan hoại thì hết không còn gì để mà bàn với luận. Chính những cái nhìn sai lệch nầy đã đẩy con người vào những cuộc thụ hưởng bất kể đến tội phúc quả báo. Một khi họ đã quan niệm như vậy thì tu cũng bằng thừa.

Là Phật tử nên nhớ con người chúng ta không bất biến và tự tại. Con người do tâm lý và vật lý phối hợp, cả hai đều tùy duyên chuyển biến khi thăng khi trầm nhưng không bao giờ mất hẳn. Chỉ có một con đường duy nhất đưa ta đến chỗ không thăng trầm vỉnh viễn, ấy là con đường giải thoát rốt ráo mà năm xưa Đức Từ Phụ đã đi.

50. ĐẠO PHẬT DIỆT CÁI KHỔ RA SAO?

Trong đạo Phật, sanh là khổ, già là khổ, bịnh là khổ, chết là khổ, yêu thương chia lìa là khổ, cầu việc chi không được là khổ, ghét hận gần nhau là khổ,v. v. Như thế tất cả cái khổ do “ngã” làm gốc, không có “ngã” thì không có khổ. Cái “ngã” mà ta chấp là có; từ đó nó sanh ra tham, sân, si và chính nó làm cho ta tiếp tục luân hồi sanh tử. Nếu chúng ta diệt hết ngã tưởng và tham, sân, si đi thì cái khổ cũng đều theo đó mà tự diệt.

Muốn diệt cái khổ, trước hết ta phải nhận là ta đau khổ, rồi đi tìm nguyên nhân gây ra cái khổ (chính ta chấp ngã mà có), cuối cùng theo chơn lý Tứ Thánh Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo để làm vơi đi cái khổ và từ từ đi đến chỗ rốt ráo, thế là đoạn được sanh tử luân hồi.

Người tu học theo đạo Phật, khi có đau khổ thì tìm cách làm vơi khổ, nhưng biết rằng cái khổ nó vẫn còn đó, lúc nào nó cũng sẵn sàng bổ nhào đến quấn lấy chúng ta. Chính vì biết cái khổ nó vẫn còn đó nên người tu học quyết chí học theo Tứ Diệu Đế của Đức Thế Tôn mà giải thoát. Ngược lại, phàm phu lúc khổ thì than thân trách phận, lúc vui thi mãi mê thụ hưởng, quên đi giặc khổ đang rình rập cướp lấy cái tâm thanh tịnh của ta.

Đức Phật sở dĩ ứng thân thị hiện nơi đời là do bởi chưa có tôn giáo nào đạt được “chơn thiện mỹ ” nên chúng sanh cứ mãi lặn ngụp trong rừng mê bể khổ. Vì một nhơn duyên lớn mà đức Phật xuất hiện ra nơi đời, nhân duyên ấy là gì? Ấy chính là “Khai thị cho chúng sanh được ngộ nhập Phật tri kiến,” để cho chúng sanh được từ đó mà đổi mê ra ngộ, đổi khổ ra an lạc.

Chúng sanh đang lăn trôi lặn hụp trong biển sanh tử luân hồi, đang sống trong cảnh vô thường khi trẻ khi già, khi lành khi ốm, khi sống khi chết. Chúng sanh đang sống trong cảnh giới tối tăm, buồn tủi và đau khổ; nếu có vui cũng chỉ trong chốc lát, như người đi biển khát nước, uống nước mặn vào, đỡ khát trong chốc lát, nhưng về sau lại càng khát hơn. Chúng sanh bị không biết bao nhiêu nghịch cảnh ở chung quanh chi phối, ràng buộc, như kẻ bị tù tội giam hảm trong ngục tù không bao giờ được tự do.

Đạo Phật như một luồng nước ngọt cho người đi biển trong cơn khát, đạo Phật tháo gỡ những nghịch cảnh và phá bẻ gông cùm tù ngục cho chúng sanh đi đến giải thoát. Đạo Phật giúp cho chúng sanh giải thoát những vô thường và đem đến cho những ai biết tu hành một sự an vui toàn vẹn và bất tận. Đức Phật cũng khai thị cho chúng sanh thấy được những trói buộc, và làm cho con người có đầy đủ năng lực để thực hiện những ý nguyện tốt đẹp của mình để có được một cuộc sống an nhiên tự tại. Đạo Phật còn giúp cho chúng sanh gạn lọc những ô trọc của cõi đời để có được một cuộc sống trong trắng hơn, tinh khiết hơn, bớt vướng bợn nhơ của trần tục hơn.

Ở đời chuyện gì cũng có cái chuyển biến thay đổi từ từ của nó, ví như cuộc đời từ trẻ đến già thì tóc phải từ đen chuyển thành hoa râm rồi đến bạc, từ da thẳng má hồng đến da nhăn má hóp, từ răng chắc đến răng long… Đó là những thông điệp báo cho ta thấy cuộc đời ta nó trôi qua mau như vậy đó. Một ngày ta sống là một ngày ta đang chết, thế mà ta cứ dong ruổi chạy theo những vọng niệm, ta cứ để cho chúng dẫn dắt ta về những vùng quá khứ luyến tiếc để thêm khổ đau, hoặc những mù mịt của tương lai. Chúng ta được gì ở tương lai? Chạy theo tương lai tức là chạy theo ảo ảnh, không có thật, chúng ta chẳng những không được gì mà còn chuốc lấy đau khổ nữa.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12