ĐẠO PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG
TẬP I
Thiện Phúc
(Tổ Đình Minh Đăng Quang)

11- Chúng ta hãy sống cho những giây phút hiện tại.
12- Làm sao tạo cho mình một cuộc sống đầy ý nghĩa?
13- Nếp sống tín nguỡng của người Phật Tử.
14- Hình thức lễ bái có phải là cứu cánh không?
15- Tại sao chúng ta thờ Phật, thờ Tổ và Tiền Vãng.
16- Tại sao phải dâng hoa quả, Nhang đèn và nước trong?
17- Tại sao mỗi khi Phật Tử gặp nhau lại chắp tay, cúi đầu và niệm mô phật?
18- Ý nghĩa của cách chào theo đạo Phật.
19- Phật Giáo và những tôn giáo khác?
20- Năm giới cấm của Phật Giáo và thế giới văn minh.

11. CHÚNG TA HÃY SỐNG NHỮNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI.

Khi chúng ta tu dĩ nhiên mục đích của cúng ta là đạt thành chánh quả, nghĩa là thành Phật. Tuy nhiên cái lợi lạc trước mắt là chúng ta biết sống cho hiện tại, sống lạc quan và trân trọng những gì mà chúng ta đang có. Đừng tưởng nhớ về quá khứ, vì sao? Vì hạnh phúc và đau khổ của hôm qua không là hạnh phúc và đau khổ của hôm nay, và chúng cũng không tạo được hạnh phúc hoặc đau khổ cho hôm nay. Đừng mơ tưởng đến tương lai, vì sao? Vì tâm ta vốn dĩ đã rong ruổi nhiều rồi, đừng bắt nó phải rong ruổi nhiều thêm nữa. Tưởng về quá khứ và mơ đến tương lai chỉ làm phí những thì giờ quí báu của một đời người mà thôi.

Hãy giúp cho tâm ta thanh tịnh bằng cách hãy sống cho hiện tại, trân trọng những gì ta đang có. Có như vậy ta mới có cơ gieo những duyên tốt vào cuộc sống bằng chánh pháp của ta.

12. HÃY SỐNG LÀM SAO CHO CUỘC ĐỜI NẦY KHÔNG TRÔI QUA VÔ ÍCH.

Ta hãy sống làm sao cho cuộc sống ta xứng đáng và đầy ý nghĩa. Thế nào là cuộc sống xứng đáng và đầy ý nghĩa? Sống nhỏ nhen, bỏn sẻn, tham lam, ích kỷ, ganh tị, hiềm khích ư? Thưa không. Hãy sống vị tha, rộng lượng, không tị hiềm, không ganh ghét, hãy sống hòa mình với mọi người.

Sống mà lao theo vật chất thì không khác chi những con thiêu thân đang lao mình vào đèn tự sát vậy. Người sáng suốt đừng nên lao vào những trò ăn chơi vô ích mà hãy dành những thì giờ quí báu đó để mang lại những niềm vui và làm bớt đau khổ cho kẻ khác. Đó mới chính là chân đại nghĩa của cuộc sống.

Hãy tập sống như những vị bồ tát hóa thân, sống vị tha với hạnh nguyện giúp mọi người thoát ra vũng bùn đau khổ. Sống dấn thân vào đời để cứu độ chúng sanh.

13. NẾP SỐNG TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ.

Đạo Phật là đạo của trí tuệ và sự thật. Con đường mà Đức Phật mở ra cho chúng sanh là con đường đi đến sự thật. Đạo Phật đã hòa nhập vào dân gian để biến thành một nền tín ngưỡng dân gian phổ cập đến mọi người.

Bất cứ tôn giáo nào cũng nói đến đức tin, thờ phụng và cầu nguyện. Đạo Phật cũng vậy, đạo Phật cũng dạy về đức tin, thờ phụng và cầu nguyện. Tuy nhiên, có những cái đã tự sáp nhập vào đạo Phật từ địa phương chứ không phải là của đạo Phật.

Chẳng hạn như đồng bóng, bói toán… có nhiều người tưởng lầm là của đạo Phật; kỳ thật những thứ ấy xuất phát từ lòng tin mù quáng của con người và vì thế tạo ra rất nhiều mê tín dị đoan và làm cho nhiều người có sự suy nghĩ sai lầm về đạo Phật.

Nếu ta thử phân tách những gì của đạo Phật ta sẽ thấy rằng trong đạo Phật không có cái gì mà không có ý nghĩa, hoặc là không mang lại sự trong sáng cho tâm hồn cả. Đức Phật đã dạy: “Đừng bao giờ vội tin một điều gì cho dù điều đó được rất nhiều người nói tới.” Nói như thế không có nghĩa là người Phật tử không tin sự cầu đảo vào nguyện lực của chư Phật và chư Bồ  Tát. Nguyện lực nầy tạo thành một loại thần lực không thể nghĩ bàn. Thí dụ như những người vượt biển gặp giông tố, cầu Phật Quán Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn và nhờ thế mà thoát nạn.

Đạo Phật không tin việc đốt giấy tiền vàng bạc; tuy nhiên, đạo Phật không cấm Phật tử đốt giấy tiền vàng bạc. Đạo Phật khuyến khích Phật tử thay vì đốt giấy tiền vàng bạc, nên dùng tiền ấy để bố thí cho kẻ nghèo hoặc cúng dường Tam bảo. Nên nhớ rằng cho dù có đốt triệu triệu giấy tiền vàng bạc mà không thành tâm thì cũng bằng như không.

14. HÌNH THỨC LỄ BÁI TRONG ĐẠO PHẬT CÓ PHẢI LÀ CỨU CÁNH TRONG VIỆC TU HỌC HAY KHÔNG ?

Thưa không, tất cả những hình thức lễ bái trong nhà Phật chỉ là những phương tiện để trợ giúp ta tu học chứ không phải là cứu cánh. Những hình thức nầy nó còn biểu lộ sự thành kính của ta đối với bậc toàn giác như Đức Thế Tôn và ngưỡng vọng rằng tương lai ta cũng sẽ thành Phật như Ngài. Đừng mê lầm cứu cánh với phương tiện và đừng để bị nô lệ vào những hình thức đó.

Chúng chỉ là những phương tiện, những con thuyền đưa ta đến bến bờ bên kia mà thôi.

15. TẠI SAO CHÚNG TA THỜ PHẬT, THỜ TỔ VÀ TIỀN VÃNG?

Phật tử khi đã hiểu ngộ Phật pháp, thì lúc nào cũng thấy bản thân Phật tràn đầy hư không và pháp giới, không cần dùng tranh tượng phật làm môi giới cảm thông và cảm ứng. Như tổ sư Đan Hà của Thiền Tông đời Đường đã chẻ tượng Phật làm củi  để sưởi vì ngài đã chứng ngộ thì ngài đâu còn chấp vào tranh tượng. Tuy nhiên, chúng ta có mấy ai đã đạt được mức ngộ đạo như ngài Đan Hà, thì làm sao dám có thái độ bất kính đối với tượng Phật và Bồ Tát.

Phật tử thờ Đức Phật vì Đức Phật là bậc thầy. Ngài tượng trưng cho lòng ‘từ bi hỉ xả’ và là tấm gương cho ta noi theo chứ không là thần linh với quyền uy cho ta sợ hãi. Khi ta chiêm ngưỡng Phật, ta chiêm ngưỡng Ngài như con chiêm ngưỡng cha, như học trò chiêm ngưỡng tôn sư. Trong kinh Pháp Hoa, Phật là đại thí chủ với trí tuệ thâm sâu. Ngài là đấng chánh đẳng chánh giác và Ngài cũng muốn tất cả chúng sanh đều được như Ngài.

Phật là một đấng cha lành, là mẹ hiền, Ngài đã ban phát cho chúng sanh tất cả. Thần linh còn nổi giận si mê trong khi Phật không còn tham, sân, si nữa. Ngài thực là bậc toàn giác đáng cho chúng ta tôn kính.

Thầy tổ là những người đã nối tiếp Đức Phật để trao giềng mối Phật pháp cho ta, vậy thì thờ phụng các ngài là điều hợp tình hợp lý.

Còn tiền vãng là những bậc tiền nhân đã quá vãng. Không có những bậc này há có chúng ta chăng? Chắc chắn là không. tiền vãng trong đó có ông bà tổ tiên là những người đã sanh ra mẹ cha ta, rồi sau đó mới có ta. Vậy thì chúng ta thờ tổ tiên là để nhắc nhở công ơn những người đã sinh ra thế hệ chúng ta.

16. TẠI SAO PHẢI DÂNG HOA QUẢ, NHANG, ĐÈN VÀ NƯỚC TRONG?

Đèn là ánh sáng để phá tan bóng tối u mê giống như trí tuệ của Phật phá tan sự u mê của chúng sanh. Như vậy dâng đèn  tượng trưng cho sự đem giáo pháp của Phật mà thắp sáng thế gian để không còn u tối nữa.

Nhang được thắp lên để tỏ sự kính trọng lúc cúng dường đức Phật. Hương thơm của nhang bay khắp nơi giống như sự vị tha của Phật đánh tan những tị hiềm, bỏn sẻn, nhỏ nhen của thế
gian. Hương thơm của Ngài giải thoát khỏi phiền não, âu lo, u mê và đau khổ. Và đó chính là cái hương thơm thật sự và vĩnh cửu. Tuy hương nhang không bay ngược chiều gió; nó cũng nhắc cho ta nhớ cái hương thơm của đức hạnh cần có của một Phật Tử chân chính. Lúc thắp nhang cúng Phật, ta nên nguyện: “Con xin thắp nén hương này để cho con có cuộc sống trong lành giống như hương thơm của cây hương nầy vậy.”

Hoa quả là kết tinh của các loại cây cỏ. Dâng hoa quả cúng dường lên Đức Phật là ta muốn dâng cái gì tinh khiết nhất để tự nhắc nhở tâm ta nên khởi tâm lành và thanh tịnh. Lúc dâng hoa ta thường dâng hoa sen, tại sao vậy? Vì hoa sen là biểu tượng cho sự tinh khiết, trong sạch và tốt đẹp. Hoa sen chính là hình ảnh của Đức Phật, nó vươn lên từ trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Nước trong tượng trưng cho giáo pháp và lòng “từ bi hỉ xả” của Đức Phật. Chính thứ nước mát cam lồ nầy đã diệt những ngọn lửa dục vọng, phiền não và xấu ác.

Tóm lại, những thứ ta vừa kể chỉ là những phương tiện và đừng bao giờ lầm phương tiện với cứu cánh mà hỏng cho việc tu hành của ta. Cứu cánh của chúng ta lúc nào cũng là tu cho thành Phật. Như vậy Phật tử nên tránh bày biện đủ thứ trên bàn thờ mà chỉ cần đơn giản. Một bình hoa đơn sơ và hương trầm là đủ, miễn sao lòng ta thành, tâm ta thanh tịnh. Không nên xài những thứ nhang ướp mùi dầu nồng vì như vậy sẽ làm khó chịu người khác.

Một thẻ nhang trầm để lòng mình và những người chung quanh được thanh thoát nhẹ nhàng là đủ.

17. TẠI SAO MỖI KHI PHẬT TỬ GẶP NHAU LẠI CHẮP TAY, CÚI ĐẦU VÀ NGUYỆN MÔ PHẬT?

Phật tử mỗi khi gặp nhau nên chắp tay với ý nghĩa là ta muốn nói với Đức Thế Tôn là tuy con còn u mê nhưng trong tương lai con cũng muốn thành Phật. Hơn nữa, khi chắp tay cúi đầu, ta vừa bày tỏ sự khiêm tốn của mình và ta cũng kính trọng người kia như một vị Phật trong tương lai vậy.

Khi ta nói “Mô Phật” là tỏ lòng ta về qui y Phật và xa lánh ma quỷ. Cách chào hỏi trên của Phật tử quả là dễ thương. Phật tử nên xưng hô với nhau là đạo hữu có nghĩa là anh em trong chính pháp của Đức Phật. Hãy quên đi những quyền uy và địa vị của thế tục vì những điều đó đều đi ngược với tinh thần của Phật pháp.

18. Ý NGHĨA CỦA CÁCH CHÀO THEO ĐẠO PHẬT.

Những tín đồ Phật giáo khi gặp nhau và chào nhau bằng cách chấp hai tay trước ngực và niệm Mô Phật, hoặc A Di Đà Phật. Cái chào nầy có ý nghĩa gì? Chấp tay và cúi đầu nói lên sự khiêm tốn của ta, còn niệm Mô Phật hoặc A Di Đà Phật ý xưng tụng đạo hữu đối diện như một vị Phật tương lai. Cầu cho đạo hữu có trí tuệ, công đức vô lượng như các chư Phật. Thiền sư Nhất Hạnh đã có câu kệ cho cái chào trong đạo Phật như sau:
“Sen búp xin tặng người, một vị Phật tương lai.”

Như vậy cái chào trong đạo Phật dạy cho Phật tử hãy cư xử với nhau như những vị Phật tương lai. Ngoài ra, cái chào của đạo Phật còn nói lên sự tôn trọng tha nhân và sự khiêm tốn của ta.

Lúc nào ta cũng niệm rằng: “Ta không ngã mạn cống cao và  tâm ta lúc nào cũng nghĩ rằng ta đang đối diện với một vị Phật tương lai.” Có phải chăng ta đã tu từ cái chào thân thương ấy củađạo Phật?

19. PHẬT GIÁO VÀ NHỮNG TÔN GIÁO KHÁC

Các tôn giáo khác xem Thượng đế của họ là cứu rỗi nghĩa là tha lực từ bên ngoài. Chẳng hạn như đạo Gia tô đã thần linh nhân cách hóa thượng đế của họ. Họ cho rằng Chúa sáng thế đứng bên ngoài vũ trụ, là vị thần vạn năng. Thượng đế của Đạo giáo Trung Quốc là Ngọc Hoàng, thượng đế của Ấn Độ giáo là Đại phạm Thiên… Trong khi Phật giáo không sùng bái Thượng Đế mà cũng không sợ Thượng Đế. Phật giáo chủ trương chính mình là sự cứu rỗi. Phật giáo có thừa nhận thượng đế tồn tại, nhưng không cho rằng Thượng Đế sáng tạo ra vũ trụ. Bất quá, vì các đời trước Thượng Đế có tu phước báo nên đời nầy được sinh lên các cõi trời mà hưởng phước. Nếu Thượng Đế có tham dự vào các nghiệp họa phúc của chúng sanh ở đời nầy, thì quý ngài cũng sẽ đầu thai kiếp tương ứng để đền trả y như chúng sanh thế thôi.

20. NĂM GIỚI CẤM CỦA PHẬT GIÁO VÀ THẾ GIỚI VĂN MINH.

Năm giới cấm của Phật giáo đã và đang càng ngày càng thấm vào xã hội Tây phương và đó cũng chính là con đường duy nhất để duy trì luân lý và đạo đức trong xã hội. Nhiều người đã hiểu lầm về Phật giáo, cho rằng Phật giáo mê tín dị đoan, thờ hình tượng… Thực ra Phật giáo chẳng những là một tôn giáo lớn,  một môn triết học cao thâm mà còn là một biểu tượng của khoa học.

Những gì mà Đức Phật đã nói cách đây trên 2500 năm đã được khoa học chứng minh rất cụ thể. Đức Phật đã ra đời khi mà thế giới nầy chưa có một nền khoa học tiến bộ, vậy mà Ngài đã để lại cho chúng sanh những bộ kinh điển cao thâm. Gần 600 năm trước Thiên Chúa, Phật đã nói rằng thân nầy là kết hợp bởi tứ đại: đất, nước, lửa, gió, thì ngày nay khoa học đã công nhận y như vậy. Thân thể người ta được cấu tạo bởi nước, những chất hữu cơ và vô cơ (tức là đất), thân nhiệt là lửa, và không khí chúng ta đang thở là gió.

Những giới cấm của Phật giáo sẽ làm cho xã hội văn minh đang băng hoại bớt băng hoại. Phật đã dạy cho chúng sanh những phương pháp tu tập để diệt những tức giận và tham si, những quán niệm từ bi để đem lòng từ bi đó rải khắp muôn chúng. Ngài đã cắt ái ly gia để tu tập, đắc đạo và mang lại cho chúng sanh một nguồn suối Từ bi vô lượng.

Đức Phật đã dạy, trước hết chúng ta phải từ bi với chính ta để đừng cho sự si mê nó đốt cháy chúng ta. Một khi mà ta từ bi với chính ta thì tất cả xấu ác tự nhiên tiêu tan và đương nhiên những người quanh ta cũng được lợi lạc. Đó là tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn mà Đức Phật đã từng ngộ, và Ngài muốn tất cả chúng ta đều được đi trên con đường mà năm xưa Ngài đã đi.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12