ĐẠO PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG
TẬP I
Thiện Phúc
(Tổ Đình Minh Đăng Quang)

    THƠ CẢM TẠ THẦY BỔN SƯ
    HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC NHIÊN

    Kính Bạch Hòa Thượng,

    Cái duyên được ơn Tam Bảo cho con gặp được thầy quả là một đại duyên, thế mà suýt chút nữa con đã đánh mất. Con còn nhớ vào đầu năm 1985 khi con mới bước chân vào đất Mỹ với bao nhiêu khó khăn dồn dập, con đã tìm đến thầy để được nghe những lời chỉ dạy quí báu. Thầy đã giúp cho con vượt qua những khổ đau và thầy cũng khuyên con nên phát tâm quy y. Nhưng thú thiệt với thầy, lúc ấy con như chàng Cùng Tử bỏ nhà ra đi lăn lộn với danh với lợi, đâu có thiết gì đến những lời vàng ngọc của thầy. Rồi dòng đời đưa đẩy, đến năm 1990 và năm 1992, khi mẹ và nhạc phụ con qua đời, con lại đau khổ và lại tìm đến thầy để được thầy an ủi khuyên lơn. Nhưng rồi sau khi những đau khổ tạm qua, con lại phải quay cuồng với cuộc sống, mà quên đi những lời chỉ dạy của thầy. Thầy đã thương xót mà chỉ dạy cặn kẽ, thế mà con nào có quan tâm. Con nhớ có lần thầy đã nói:

    Con ơi, hãy phát tâm quy y và tu đi, đau khổ lúc nào nó cũng rình rập và chờ vật ngã con. Con phải tìm cách diệt nó chứ không thể chạy trốn nó được đâu. Con cũng vâng dạ, rồi đâu cũng vào đấy. Chàng cùng tử lại bỏ nhà ra đi. Thế rồi đến năm 1994, sau khi ba con ra đi vĩnh viễn, con mới thấy những lời dạy của thầy quả là thắm thía. Đau khổ lúc nào cũng rình rập đón bắt lấy mình. Con lại đến với thầy, nhưng lần nầy con đã đến với thầy khác hơn những lần trước, con đã xin thầy cho con quy y, dù chỉ tại gia. Con đã xin thọ giới và quyết tâm trì giữ những gì mà mình đã thọ.

    Kính Bạch Thầy,

    Chính nhờ những lời chỉ giáo của thầy mà giờ nầy con mới thực sự có một cuộc sống tương đối an lạc, chẳng những cho con,  mà còn cho cả gia đình, và những người quanh con nữa. Cuối cùng con cầu xin ơn Tam Bảo luôn gia hộ cho thầy có đầy đủ sức khỏe để tiếp tục hoằng pháp lợi sanh.

    Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
    Thiện Phúc

    LỜI MỞ ĐẦU

    Kính thưa quý đạo hữu,

    Sau những khuyến khích của nhiều đạo hữu, tôi đã mạo muội ghi lại trong tập sách nhỏ này những điều mà mình biết được về ý nghĩa của Phật pháp qua các bài nói chuyện của thầy Viện chủ chùa Huệ Quang, Thượng Tọa Thích Minh Mẫn, thầy giáo thọ Thích Minh Đức trong khóa tu học mùa hè năm 1994 cùng những buổi giảng pháp liên tục của các thầy Thích Nguyên Hạnh, Thích Từ Lực, Thích Viên Lý, Thích Minh Đạt, Thích Phụng Sơn, và thầy Phật Đạo hoặc trong những buổi tọa thiền hoặc trong những lúc vấn đáp về Phật pháp. Những buổi tu học và nói chuyện nầy không cố định dài hay ngắn, không có thứ tự cao thấp mà quý thầy chỉ tùy căn cơ, hoàn cảnh mà giảng giải những giáo lý đạo Phật cho mọi người cùng lợi lạc. Mục đích của thầy giáo thọ là giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tuy nhiên, có nhiều khi thầy xem kinh, đọc sử hoặc văn thơ, hễ thấy có đoạn nào hay, bài thơ nào có thể dạy cho đại chúng được thì Thầy bèn thuật lại và giảng cho đại chúng nghe Có khi quý Thầy trả lời những nghi vấn của các Phật tử, hoặc có lúc giải nghi và phá chấp cho thiền sinh.

    Xét thấy có rất nhiều người hâm mộ Phật pháp nhưng không có duyên được dịp nghe quý Thầy giảng dạy, tôi đã cố gắng, mạo muội ghi lại một ít tài liệu cần thiết để giúp cho những ai muốn thấy cái tích cực của Phật giáo trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Vì ghi lại trong lúc quý Thầy giảng giải nên chỉ ghi được đại ý của các vấn đề. Tuy nhiên, những điều mà quý Thầy đã giảng dạy thật vô cùng quý báu.

    Chúng tôi chỉ ghi lại đây một số bài thiết yếu để tưởng nhớ lời dạy dỗ của quý Thầy, vì lòng từ bi vô hạn mà quý Thầy đã  không ngại xa xôi mà đến để tưới những trận pháp vũ vô cùng quý báu tại miền Nam California nầy.

    Kính thưa quý đạo hữu,

    Đức Từ Phụ đã dạy: Thân người khó được. Phật Pháp khó gặp. Thời gian qua mau. Mạng người chóng hết. Được thân người và gặp được Phật Pháp mà để cho thời gian luống qua vô ích thì quả là uổng cho một kiếp người. Xin hãy lắng nghe và phụng hành theo những lời khuyên dạy của Đức Từ Phụ để trước tiên chẳng những mình được bớt quay cuồng và mệt mỏi trong cái thế giới vật chất nầy, mà còn giúp cho những người thân, bạn hữu và mọi người cùng được hưởng sự lợi lạc.

    Xin nguyện cho ai nấy đều sớm về nương nơi Tam Bảo và phát tâm Bồ Đề để cùng nhau đi trên con đường mà năm xưa Đức Từ Phụ đã đi, để có một ngày nào đó tất cả chúng sanh đều trọn thành Phật quả.

    Viết tại chùa Huệ Quang
    Khóa tu học mùa hè năm 1994

    THIỆN PHÚC

    THƠ CẢM TẠ THẦY VIỆN CHỦ CHÙA HUỆ QUANG,
    THẦY GIÁO THỌ MINH ĐỨC, CÁC THẦY GIẢNG SƯ VÀ QUÝ SƯ CÔ

    NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

    Kính bạch quý thầy và quý sư cô,

    Tuy ba tháng an cư kiết hạ trôi qua thật mau, ba tháng tuy ngắn ngủi nhưng cái duyên được quý thầy dạy dỗ quả là quý báu hơn cả một đời. Thế hệ chúng con là thế hệ của những người tha hương với những hoài bão, ưu tư chẳng những cho chính mình mà còn cho thế hệ tương lai nữa. Cuộc sống hằng ngày của chúng con tùy thuộc rất nhiều vào thế giới chung quanh và chịu hoặc bị ảnh hưởng từ nếp sống gia đình đến xã hội. Chúng con, một mặt, không muốn bị ngã quỵ trong cái xã hội quá ư phức tạp nầy; mặt khác, chúng con lúc nào cũng muốn cho mình có được một cuộc sống đạo đức. Chính vì vậy mà chúng con luôn bị dằn vật bởi hai tư tưởng đối chọi nhau, tưởng chừng như không bao giờ thoát ra được. May thay khóa tu học mùa hè và giảng kinh Pháp Hoa do thầy viện chủ chùa Huệ Quang tổ chức, thầy Thích Minh Đức làm giáo thọ, cùng các thầy khác ở California cũng như ở khắp các tiểu bang khác trên nước Mỹ, mà giáo pháp do quý thầy giảng dạy y như là những pháp vũ tối cần thiết đã tắm gội cho chúng con trong cơn nắng hạn .

    Kính bạch quý thầy và quý sư cô,

    Chúng con không dám nói là chúng con đã hoàn toàn dứt hẳn hết những tham, sân, si. Chúng con dù có tinh tấn nhưng có lúc hãy còn giải đãi; tuy nhiên có một điều chúng con dám cả quyết là nhờ đuốc từ bi của Đức Phật, giáo pháp mà quý thầy đã dạy dỗ, và sự phát tâm hộ trì của quý sư cô chùa Huệ Quang, mà chỉ sau gần ba tháng tu học, chúng con đã bớt tham, bớt sân, bớt si, bớt ích kỷ, ganh tị, hiềm khích, bớt ngã mạn cống cao và do đó mà tâm chúng con cảm thấy thanh tịnh hơn.

    Quý thầy đã đưa chúng con từ những con người gần như là người máy trở về sống thực với cái tâm của chính mình. Quý thầy đã dạy cho chúng con thấy, hiểu và làm theo đúng sự thật, nhìn sự vật bằng cái nhìn như thị. Và chính quý thầy đã dạy cho chúng con có được cái tương đối tĩnh trong một xã hội quá động, quá bạo lực, quá giành giựt như một đấu trường. Và cuối cùng quý thầy đã dạy cho chúng con làm sao mượn cái thân tứ đại nầy để rèn luyện bản thể và thực chứng chân tâm để được qua bờ rốt ráo bên kia.

    Chúng con tuy chưa nắm được hết diệu lý của giáo pháp do quý thầy giảng dạy, nhưng chúng con nguyện sẽ hành trì, sẽ phá bỏ cái chấp ta, chúng con vẫn biết rằng dù cho chúng con có là chàng tráng sĩ và cửa Tùng, cửa Tùng thì không mở, nhưng cửa chùa Huệ Quang vẫn luôn rộng mở. Cho dù chúng con có là những chàng Cùng Tử, bỏ Đức Từ Phụ để lăn lóc với danh với lợi, nhưng Đức Từ Phụ lúc nào cũng thương xót mà đón nhận các con trở về. Tuy vậy, chúng con nguyện sẽ tiếp tục tinh tấn tu học để khỏi phụ công ơn của quý thầy .

    Chúng con xin quý thầy hãy thương xót mà tiếp tục hướng dẫn chúng con và chúng con xin cầu ơn Tam Bảo luôn gia hộ cho quý thầy được đầy đủ sức khỏe để tiếp tục hoằng pháp lợi sanh.

    Cuối cùng, chúng con xin đê đầu đảnh lễ quý thầy và quý sư cô đã thương xót mà gia hộ cho chúng con một mùa hè đầy Pháp vũ của Đức Phật.

    NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

    Mùa hè 94
    Thiện Phúc

     

    ĐẠO PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG
    TẬP I

    1- Phật giáo là gì?
    2- Tại sao gọi đạo Phật là đạo phá ngã?
    3- Từ bi hỉ xả trong đạo Phật là thế nào?
    4- Ta nên tu vào lúc nào và tu như thế nào?
    5- Đạo Phật trong đời sống hàng ngày.
    6- Hai loại Phật Giáo.
    7- Thế nào là biết dừng?
    8- Tu là biết chiêm nghiệm những bài học quá khứ.
    9- Tu là tự thấy lỗi mình thay vì thấy lỗi người.
    10- Tu là tạo cho mình một cuộc sống đơn giản.

    1. PHẬT GIÁO LÀ GÌ?

    Phật giáo là giáo pháp mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói ra và các đệ tử của Ngài sau mấy lần kiết tập kinh điển đã ghi lại gần như toàn bộ những điều Ngài nói để truyền bá lại cho đến bây giờ. Đức Thích Ca Mâu Ni Phật là người đã đạt được tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn.

    Nguyên nhân phát sinh của đạo Phật?

    Xã hội Ấn Độ thời đại Đức Phật đản sinh quả là một xã hội phức tạp và vô cùng bất công bởi sự phân chia giai cấp để đối xử một cách bạo ngược giữa người với người. Đức Phật đã nhìn thấy những tôn giáo khác, như Bà la môn hoặc những tôn giáo thờ thần, không đem đến cho con người sự giải thoát và xã hội được yên ổn. Nên Ngài đã quyết chí xuất gia tìm giải thoát cho mình, cho những người thân và cho chúng sanh. Với tinh thần tích cực lợi tha và từ bi bình đẳng mà không bao lâu sau, giáo lý của Phật lan tràn chẳng những ở Ấn Độ mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Phật giáo bắt nguồn từ Đức Phật là bậc đại giác; tuy Ngài không phải là Chúa sáng thế, nhưng Ngài thấu rõ hết tất cả mọi nguyên lý của thế gian này và Ngài có khả năng hướng dẫn chúng ta, nói riêng và chúng sanh nói chung, được giác ngộ như Ngài. Ngài không là chúa sáng thế, nhưng Ngài là ông thầy thuốc giỏi nhất, biết tùy bịnh của cúng sanh mà cho thuốc. Uống thuốc của Ngài cho, thế nào cũng khỏi bịnh. Ngài là bậc đạo sư cho loài người và trời. Ngài đã chỉ cho chúng ta chỗ giải thoát, con đường đi đến giải thoát và làm sao đi trên con đường ấy cho đến nơi đến chốn. Ngài không mị chúng sanh hay dùng ma thuật hoặc khẩu hiệu rỗng tuếch “chịu tội cho chúng sanh”. Đối với Ngài, ai nghe và làm theo thì giải thoát, ai không nghe thì vẫn trầm luân, nhưng Ngài không bỏ một chúng sanh nào, mà vẫn  tiếp tục thương xót dạy dỗ cho đến khi nhứt thiết chúng sanh đều trọn thành Phật đạo.

    2. TẠI SAO GỌI ĐẠO PHẬT LÀ ĐẠO PHÁ NGÃ?

    Vì đạo Phật chủ trương phá bỏ cái “ta”. Cái “ta” đã bám vào thân này không biết từ đời kiếp nào và nó chứa đầy những tham, sân, si; chứa đầy những tranh chấp tị hiềm. Nghĩa là cái ta chứa đầy những thứ đưa ta đến đau khổ. Đạo Phật dạy ta hãy phá bỏ nó đi để tâm ta được thảnh thơi thanh tịnh hơn. Đức Phật dạy ta dùng trí tuệ quán sát thân nầy là do ngũ uẩn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức họp thành. Những món nầy không có món nào làm chủ thể cả, chỉ do sự chung hợp lại mà thành. Nếu ta nói sắc là ta thì thọ, tưởng, hành, thức là gì và ta bỏ chúng đi đâu? ….vân vân.

    Tóm lại cái “ta” mà chúng ta đang nói đó nó không có chủ thể nhất định. Phải hiểu như vậy ta mới phá bỏ được những cái chấp sai lầm từ đời này qua kiếp nọ. Khi đã phá bỏ được cái “ta” rồi, từ từ trí tuệ sẽ phát và từ đó ta có khả năng vén bức màn đen tối từ vô thỉ, do đó mà những đau khổ không thể tiếp diễn nữa. Khi mê mờ trong đêm tối, thấy sợi dây ta bảo là rắn rồi đâm ra sợ hãi; đến khi được ngọn đuốc soi sáng, nhìn kỹ lại thì là sợi dây, đâu có gì phải còn sợ hãi, hoặc lo âu nữa.

    Tóm lại, dùng trí tuệ quán được cái vô ngã tức là chúng ta cầm đuốc soi cho biết rõ ấy chỉ là sợi dây chứ đâu có gì mà sợ.

    Như vậy cái chủ thuyết “phá ngã” của đạo Phật làm sáng tỏ sự thật, nó phá tan cái sai lầm truyền kiếp của chúng sanh. Bao nhiêu nỗi đau khổ đều do sự lầm mê mà ra, chúng ta phải sáng suốt dùng trí tuệ quán sát kỹ càng để vén bức màn đen tối từ vô thỉ. Một khi mê mờ đã bị trí huệ diệt sạch thì những khổ đau sẽ không thể tiếp diễn nữa.

    3. TỪ BI HỈ XẢ TRONG ĐẠO PHẬT LÀ THẾ NÀO?

    Phật dạy chúng ta hãy phát tâm Bồ Tát lợi mình, lợi người.

    Trước hết phải có tâm từ, bi, hỉ, xả chẳng những với loài người mà còn đối với chúng sanh mọi loài.

    Lòng đại từ hay cho chúng sanh tất cả mọi sự yên ổn, cả tinh thần lẫn vật chất. Chính do lòng đại từ nầy mà đối với muôn loài chúng sanh không não hại và cũng chính vì lòng đại từ nầy
    mà ta không bao giờ giận dữ. Hơn thế nữa, do lòng đại từ mà ta chỉ thấy đức tính trong sạch của người chứ không bao giờ để tâm moi móc lỗi lầm của họ. Lòng đại từ cũng giúp ta diệt đi cái nhìn một bên thiên lệch theo thói thường của phàm phu.

    Tóm lại, lòng đại từ đối với người thì mang lại sự an vui, còn đối với mình thì khắc chế những tức giận và tâm não loạn.

    Còn thế nào là bi? bi là thương xót chúng sanh. Đại bi là lòng thương xót chúng sanh một cách quảng đại. Chính do lòng đại bi nầy khiến ta thương xót mà độ hết các chúng sanh, không chừa bỏ một chúng sanh nào. Với tâm đại bi, ta lúc nào cũng muốn san sớt những khổ đau của người khác và nguyện hành trì không nhàm chán, không bao giờ bỏ một việc thiện nào dù là một việc nhỏ.

    Hỉ là vui chẳng những cho mình mà còn cho người nữa.

    Thấy ai tu thiện, tâm không ganh ghét. Hoan hỉ với chính mình, thường giữ tâm vui vẻ, đi nghe chánh pháp, làm việc thiện, không bao giờ thối chuyển và không biết mệt mỏi. Đối với người, thấy người làm lành như chính mình làm lành vậy. Thấy ai được bớt khổ thêm vui thì sanh tâm vui mừng; thấy người làm công đức lành thì tùy hỉ khen ngợi. Thấy lỗi người không sanh tâm ghen ghét .

    Xả là không chấp trước nghĩa là đối với thuận cảnh không sanh tâm yêu thích vì yêu thích là còn vướng mắc, chưa xả. Còn đối với nghịch cảnh thì không sanh tâm oán hận. Đối với người
    oán ta, ta không sanh tâm oán hận người; còn đối với kẻ thân cũng không sanh luyến ái. Người có tâm xả coi tất cả mọi chúng sanh bình đẳng, không để ngoại cảnh lay chuyển.

    4. TA NÊN TU VÀO LÚC NÀO VÀ TU NHƯ THẾ NÀO?

    Tu có nghĩa chuyển hóa những điều xấu thành điều tốt để sửa mình, mà tự sửa mình để làm được điều tốt thì không phải đợi đến ba mươi, bốn mươi, năm mươi, hoặc đợi đến già rồi hẳn tu. Ở cái cõi ta bà nầy có ai biết được ngày mai sẽ ra sao, vậy thì ngay từ bây giờ chúng ta hãy gieo những nhân lành. Ta hãy sống cho trọn vẹn cuộc sống hăm bốn giờ qua của ta và chuẩn bị cho hăm bốn giờ sắp tới trong tinh thần “từ bi hỉ xả” của Đức Phật.

    Thức dậy miệng mỉm cười
    Hăm bốn giờ tinh khôi
    Xin nguyện sống trọn vẹn
    Mắt thương nhìn cuộc đời

    Hãy mỉm cười vào mỗi sáng ta thức dậy. Cười cho ta, cười cho người, và cười cho cuộc đời. Ta biết rằng hăm bốn giờ sắp tới của ta là tinh khôi, là ta sẽ sống với lòng “từ bi hỉ xả” của

    Đức Thế Tôn. Ta hãy sống trọn vẹn với những gì mà Ngài đã dạy. Đừng nghĩ rằng hôm qua là kẻ cướp mà mặc cảm mà không tu, vì dù có tu cũng không biết đến bao giờ mới đắc đạo.

    Phật đã dạy hôm qua làm điều xấu ác của quỉ dạ xoa mà hôm nay phát tâm bồ tát và hành trì bồ tát đạo thì đường thành Phật sẽ không xa .

    Tạc nhật dạ xoa tâm,
    Kim triêu bồ tát diện,
    Bồ tát dữ dạ xoa
    Chỉ cách nhật điều tuyến

    Có nghĩa là hôm qua là tâm địa dạ xoa, hôm nay là Bồ Tát.

    Từ dạ xoa qua bồ tát chỉ cách nhau một sợi chỉ. Ngược lại hôm qua là bồ tát mà hôm nay móng tâm vọng động, nghĩ và làm điều ác thì tự ta biến thành dạ xoa.

    Vấn đề tu trong cuộc sống nầy quả trọng yếu, vì nếu chỉ biết tin Phật pháp mà không biết sinh hoạt thực tiễn theo đúng Phật pháp thì chỉ vun xới được thiện căn, chứ biết chừng nào mới thành Phật. Thí dụ như ta vô nhà hàng đọc những thực đơn nhưng chưa bao giờ ăn vậy.

    5. ĐẠO PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

    Phật giáo không phải là một tôn giáo có tính cách chính trị cho nên Phật giáo đồ cũng không có tham vọng chính trị. Tuy nhiên, trong xã hội cận đại dù là ở ẩn trong rừng sâu, cũng khó mà tách hẳn mọi sinh hoạt chính trị. Chính vì thế, là Phật tử chân chính, tham gia chánh trị phải có lý tưởng, có nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm, phục vụ hết sức mình cho quần chúng mà không hoạt đầu.

    Khi còn tại thế Đức Phật Thích Ca thường giúp cho quốc vương đại thần nhiều ý kiến kiến quý báu. Tuy nhiên, Phật đã dạy ta phải tu trong cuộc sống vật chất đầy nhiễu nhương nầy.

    Cuộc sống mà chúng ta đang sống là cuộc sống đầy văn minh vật chất. Văn minh vật chất có thể đưa ta lên cung trăng và các hành tinh khác, nhưng nó đâu có đem lại thanh tịnh và an lạc cho ta.

    Trái lại, nó tạo cho ta đầy phiền não, nó biến xã hội ta đang  sống thành một xã hội đầy hận thù, tranh chấp và tị hiềm. Người nghèo mong được giàu, kẻ giàu mong được giàu hơn, dân da đen không thích da trắng, dân da trắng không thích da đen… Chính đạo Phật là đuốc sáng dẫn ta ra khỏi biển mê nầy. Đạo Phật dạy ta tu, tu để con người ta được tốt hơn , tu để được sống trong an vui hạnh phúc, tu để lòng đừng vướng bận và tâm hồn được thanh tịnh hơn. Tu trong đạo Phật là bắt đầu điều chỉnh và sửa chữa cái nhìn biên kiến của ta. Tức là tập bỏ cái nhìn chủ quan mà hãy nhìn vào chân sự thật. Tu là sống làm sao như hoa sen, mọc lên trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Con người cũng vậy, tu làm sao mà sống trong một xã hội đầy thị phi, tranh chấp, hận thù mà mình không thị phi, không tranh chấp, không hận thù.

    Tu để ta đừng nghĩ rằng danh vọng, quyền uy và tiền bạc là chân hạnh phúc, mà chúng chỉ là những thứ ngoại thân. Tu để thấy rằng hạnh phúc nó ở chính ta, nó ở ngay trong tâm ta, ta chính là hạnh phúc. Càng đi tìm những hạnh phúc giả tạo bên ngoài bao nhiêu thì mình càng xa mình, tức là xa cái hạnh phúc thật bấy nhiêu.

    Đạo Phật kêu gọi là hãy thực hành cái “từ bi hỉ xả” trong cuộc sống hằng ngày, chứ đừng tới chùa mới nói “từ bi hỉ xả” mà tâm vẫn chứa chấp đầy hận thù ganh ghét.

    6. HAI LOẠI PHẬT GIÁO

    Nội dung của đạo Phật trong quá khứ, hiện tại và trong những thử thách vẫn vậy, thì trong tương lai và những thử thách sắp tới cũng sẽ như vậy. Đức Phật là bậc toàn giác, Ngài thấy rõ mọi nguyên lý của thế gian nầy, Ngài đã là một nhà hướng đạo tuyệt vời, và Ngài đã dẫn dắt chúng sanh vượt ra ngoài biển khổ.

    Tuy nhiên, Ngài lại không thể thay đổi trạng thái vốn có của thế  gian nầy nói cách khác Ngài không phải là thần thánh. Nếu chúng sanh không chịu sự hướng dẫn của Ngài thì Ngài chỉ biết thương xót chứ không làm gì được. Thế nhưng có nhiều người lầm tưởng mà giao phó hết cho Ngài, đến độ thành mê tín, dị đoan. Tưởng Ngài có thể chuộc tội thế cho chúng sanh, chính vì
    vậy mà ta thấy có hai loại đạo Phật. Một là đạo Phật sống, và thứ là đạo Phật chết.

    Đạo Phật chết là thứ đạo Phật mà tín đồ chỉ có niềm tin chứ không có thực hành. Tín đồ mỗi tháng vài ngày đi chùa, vài ngày ăn chay thế thôi. Phật tử của đạo Phật chết chỉ biết có cái bàn thờ Phật, hình tượng Phật, hoặc là ngôi chùa nơi có bàn thờ và tượng Phật. Phật tử của đạo Phật chết chỉ biết tụng kinh như kéc mà không biết mình đang tụng những gì, kinh dạy những gì… nghĩa là không biết chuyển pháp. Đáng thương thay cho những Phật tử của cái đạo Phật chết nầy.

    Trái lại, đạo Phật sống là đạo Phật ở chính mình. Tất cả những động tác hằng ngày từ cái đi, cái đứng, cái ăn, cái ngủ… nghĩa là tại bất cứ nơi nào, lúc nào cũng có thể là đạo tràng để cho tín đồ của đạo Phật sống tu. Những tín đồ của đạo Phật sống lúc nào cũng mang hình ảnh của Phật ngay trong con người của mình, lúc nào cũng sống theo những lời Phật dạy. Những người theo đạo Phật sống tin rằng trong ta có rất nhiều cánh cửa như mắt, tai, mũi, lưỡi … chúng lúc nào cũng mở ra để thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nơi có đầy dẫy những đẹp đẽ, xấu xa, giông bão. Nếu chúng ta yếu đuối, chúng ta sẽ lập tức bị cuốn hút quay cuồng trong đó. Những tín đồ theo đạo Phật sống lúc nào cũng biết khép bớt những cánh cửa ấy lại để bớt thấy, bớt nghe, bớt ngửi, bớt tiếp xúc. Chỉ nhìn những gì đáng nhìn, không nhìn những gì không đáng nhìn. Khép bớt lỗ tai lại để đừng nghe những thị phi, đố kỵ. Hãy rụt lưỡi lại để bớt nếm những mùi vị kích động dục vọng của con người; mà dục  vọng là những gì không cùng tận. Chính những dục vọng đó đã dưa con người đến những tinh cầu xa xôi nhưng chúng không bao giờ làm cho con người được an ổn.

    Tóm lại, chính cái đạo Phật sống nầy giúp ta thực sự tu, giúp ta bớt nhìn, bớt nghe, bớt nói, bớt ăn, bớt tiếp xúc để cho lòng bớt chứa, và do đó mà tâm được thanh tịnh hơn.

    7. THẾ NÀO LÀ BIẾT “DỪNG”?

    Lúc ta chưa biết đạo lý, chúng ta buông lung, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ… làm đau khổ chúng sanh, tức là ta tạo ra nghiệp ác. Khi biết đạo lý, ta dừng lại không làm ác nữa, là tu vậy. Tất cả những hiện tượng từ sinh lý đến tâm lý và vật lý, từ lớn đến nhỏ đều có sự lôi cuốn và đều có vị ngọt, nhưng bên trong cái vỏ bọc đường ấy là cái gì? Nếu ta chịu khó bình tâm mà suy xét cho kỹ thì ta thấy rằng bên trong cái vỏ bọc đường ấy là những nguy hiểm và phiền não đang rình rập chúng ta. Chẳng hạn như nhìn những quảng cáo trên truyền hình lòng ta ham muốn, dục vọng trỗi dậy bắt ta phải mua, nhiều khi là những thứ xa xỉ. Mua xong phải nay lưng ra trả, hoặc thiếu nợ, như thế có phải là phiền não lắm không ?

    Tóm lại, Phật tử chân chính lúc nào cũng biết dừng hẳn những dục vọng, tham sân, si để chẳng những mang lại niềm an lạc cho mình mà còn cho người nữa.

    8. TU LÀ BIẾT CHIÊM NGHIỆM NHỮNG BÀI HỌC TRONG QUÁ KHỨ ĐỂ SỐNG AN ỔN CHO HIỆN TẠI.

    Có nhiều người cho rằng, tu là để dành riêng cho những ai rảnh rang nhàn hạ, những ai có thừa của thừa tiền, còn mình làm đầu tắt mặt tối, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, thì giờ đâu mà tu. Quan niệm như vậy quả là thái quá. Trước hết, tu đâu có cần tiền và đâu có tốn nhiều thì giờ. Trong mọi hoàn cảnh chúng ta đều tu được. Tu trong cảnh bận rộn, cảnh nghèo khó, cảnh bịnh hoạn, tại gia hoặc xuất gia… Tu là chiêm nghiệm những bài học mà ta đã đi qua trong cuộc sống hàng ngày để mà sống cho tốt, cho đúng với cái “từ, bi, hỉ, xả” của nhà Phật.

    Trong cuộc sống hằng ngày không ai mà không trải qua những tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố… đến những thất bại, những đau khổ chán chường của cuộc đời. Vấn đề ở đây là ta có biết học hỏi ngay từ những thất bại của mình, những dại dột của mình để được trưởng thành hay không thôi. Và luôn nhớ rằng tất cả những gì mà ta đã kinh qua trong cuộc sống, dù thành công hay thất bại, đều là những chất liệu nuôi dưỡng cuộc sống tinh thần của ta.
    Đức Phật đã dạy: ” Tất cả sự vật đều vô thường.” Tất cả những cái đẹp trên thế gian nầy đều cùng chung số phận mong manh, vô thường, không tồn tại mãi. Tất cả các pháp (mọi sự việc) trên đời nầy đều hàm chứa một ý nghĩa nào đó của cuộc sống và sự chết. Nghĩa là chúng dạy cho ta những chân lý, có điều là chúng ta có biết vén màn lên để thấu hiểu được chân lý đó không thôi. Thí dụ nhìn một cây nến đang cháy dỡ, người biết chiêm nghiệm sẽ nghĩ là cây nến đang tự diệt trong sự sống của nó, để biết rằng cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Chúng ta đang sống, có nghĩa là chúng ta cũng đang đốt dần sự sống của ta để  đi gần đến sự hoại diệt . Tuy nhiên, sự hoại diệt không nhứt thiết là phải đợi cho nến cháy hết, mà bất cứ lúc nào cũng có thể xãy đến được. Một ngọn gió hoặc vô tình hoặc cố ý sẽ làm tắt đi ngọn nến. Đời con người ta cũng có khác chi cái ngọn nến ấy đâu? Nó cũng mong manh vô thường, có thể tự hoại diệt hoặc bị hoại diệt bất cứ lúc nào như ngọn nến kia.

    Tóm lại, tất cả mọi thứ trên thế gian nầy đều đáng cho ta những bài học, đều thuyết cho ta những pháp hay. Tất cả những va chạm trên đời nầy đều đáng cho ta chiêm nghiệm để rút ra những bài học quí giá cho cuộc sống hằng ngày. Và nếu chúng ta biết làm như vậy thì chúng ta sẽ có một cuộc sống xứng đáng hơn.

    9. TU LÀ TỰ MÌNH THẤY LỢI CỦA MÌNH CHỨ ĐỪNG THẤY LỢI CỦA NGƯỜI.

    Tu là tự mình chuyển nghiệp cho mình. Tu là làm cho mình hiền bằng cách tu ở ba nghiệp: thân, khẩu và ý. Có nhiều người đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, ăn chay nhưng hễ hở ra là cứ bươi móc lỗi người, trong khi lỗi mình chồng chất mà không hề đả động đến. Như vậy làm sao gọi là tu? Trên đời nầy bao nhiêu sự tan nát rã rời cũng do từ ta hay biết, hay xoi mói lỗi người mà không bao giờ thấy được lỗi mình. Phật dạy: “Hãy tĩnh tâm mà nhìn cho ra được cái lỗi của mình để mà sám hối, để chuyển cái xấu thành cái tốt.” Khi ta đã biết lỗi thì ta mới có cơ may để mà sửa chữa. “Hãy đừng đổ lỗi cho nhau, hãy tự nhìn lại chính mình, hãy biết mình là phàm phu, mà phàm phu là chưa giác ngộ. Đừng nhìn thấy lỗi người, vì thấy lỗi người làm cho tâm ta điên
    đảo, tạo ra tranh chấp và đau khổ.”

    Nên nhớ rằng tất cả những gì người khác có được là của người khác chứ không phải là của ta. Cái hạnh phúc, giàu sang của kẻ khác không giúp được ta giàu sang hạnh phúc. Đừng để tâm ta rong ruổi nữa. Đừng hỏi thầy tu tu ra sao, mà hãy tự hỏi mình tu ra sao. Được như vậy tâm ta mới bớt viễn ly điên đảo mộng tưởng, được như vậy tâm ta sẽ thanh tịnh hơn và ta sẽ có được khả năng chuyển hóa những đau khổ thành ra hạnh phúc.

    10. TU LÀ TẠO CHO MÌNH MỘT CUỘC SỐNG ĐƠN GIẢN

    Phật dã dạy: “Đa dục vi khổ” nghĩa là càng ham muốn nhiều thì càng đau khổ nhiều. Càng hi vọng nhiều thì càng thất vọng nhiều; càng ham mong nhiều thì càng không toại nguyện nhiều; càng phức tạp nhiều thì càng rối rắm nhiều. Càng nghe nhiều thì càng chứa nhiều, càng chứa nhiều thì tâm ta càng trĩu nặng nhiều, tâm ta càng trĩu nặng thì ta ít được thanh tịnh hơn.

    Xã hội văn minh cho ta những vật chất nhưng nó đã cướp mất ở chúng ta cuộc sống đơn giản cố hữu, nó đã cướp mất cái hạnh phúc chân thật ở chính ta. Đôi khi nó cướp mất cả ta hồi nào mà ta không hay, nghĩa là nó đã làm cho ta đánh mất chính ta. Con ta, vợ ta, thân bằng quyến thuộc là những người mà ta quí hơn tất cả mọi thứ vật chất trên đời nầy, mà bất hạnh thay đôi khi ta chửi rủa họ cũng vì những vật chất rất tầm thường.

    Muốn tránh cảnh làm nô lệ cho vật chất tiện nghi, hãy tập cho mình có cuộc sống đơn giản. Càng ít nhu cầu bao nhiêu thì càng ít lo bấy nhiêu. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta phải đi lùi với đời sống xã hội bên ngoài. Chúng ta cứ sống, cứ tạo ra của cải vật chất để làm tốt đẹp cho cuộc sống hiện tại và thế hệ mai sau, nhưng đừng chạy theo vật chất, đừng làm nô lệ  cho vật chất. Hãy tập sống đơn giản để không phải quá ưu tư, và từ đó tâm ta tự nhiên sẽ thanh tịnh hơn.

    Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12