đạo khải

Phật Quang Đại Từ Điển

(道楷) (1043 – 1118) Vị Thiền tăng ở đời Tống, người Nghi thủy Nghi châu (huyện Nghi thủy tỉnh Sơn đông), họ Thôi, người đời tôn làm tổ thứ 8 của tông Tào động. Mới đầu, sư theo Đạo thuật (phép tu của Đạo giáo) trong núi Y dương, học được phép tịch cốc (không ăn cơm), sau biết là sai lầm, sư liền bỏ mà học Phật rồi xuất gia ở chùa Thuật đài tại kinh đô, sau sư tham học thiền sư Đầu tử Nghĩa thanh và được pháp của ngài. Năm 1080, sư hoằng pháp ở núi Tiên động tại Nghi châu, rồi lần lượt trụ trì các chùa: Chiêu đề ở Lạc dương, Đại dương sơn ởDĩnh châu, Thiền viện Sùng ninh bảo thọ ở núi Đại hồng… thuộc Tùy châu, xiển dương tông phong Tào động, người về theo học rất đông. Năm 1104, vua Huy tông nghe tiếng Sư, triệu sư về trụ trì Thiền viện Thập phương tịnh nhân, ban cho sư áo đỏ và danh hiệu Định chiếu thiền sư. Nhưng sư cho rằng áo ấy không phải do Phật chế, nên sư khước từ, vua nổi giận, hạ lệnh thích chữ vào mặt và đày đi Tuy châu, sư vẫn quyết không chịu khuất phục. Sau, vua tỉnh ngộ, trả tự do cho sư, sư bèn làm chùa trên bờ hồ Phù dung, hoằng dương Thiền pháp. Năm 1117, vua Huy tông ban ngạch chùa là Hoa nghiêm thiền tự, về sau lại ban tên là Hưng hóa tự. Tháng 5 năm sau (1118) sư tịch, thọ 76 tuổi. Người đời gọi sư là Phù dung Đạo khải. Sư có trứ tác: Phù dung Đạo khải thiền sư ngữ lục 1 quyển (cũng gọi Định chiếu thiền sư ngữ yếu). [X. Thiền lâm tăng bảo truyện Q.7; Liên đăng hội yếu Q.28; Ngũ đăng hội nguyên Q.14; Hồ bắc kim thạch chí Q.10].