đảo hợp quá

Phật Quang Đại Từ Điển

(倒合過) Đảo hợp, Phạm: Viparìtànvaya. Tiếng dùng trong Nhân minh. Đây là lỗi đảo ngược thứ tự Nhân trước Tông sau khi dùng Hợp tác pháp trong luận chứng Nhân minh, là lỗi thứ 5 trong 5 lỗi Tự đồng dụ thuộc 33 lỗi của Nhân minh. Bởi vì nhiệm vụ của Đồng pháp dụ thể là thành lập theo chiều thuận, tức là dùng pháp năng lập (lời nói giải thích rõ ràng) để giúp cho pháp sở lập (nghĩa lí được giải thích rõ ràng) được thành tựu, cho nên cần phải nêu Nhân (lí do) ra trước, rồi sau mới chứng thực Tông (mệnh đề), nghĩa là Nhân đồng phẩm ở trước, Tông đồng phẩm ở sau. Nếu đảo lộn thứ tự này mà đặt Tông trước Nhân sau thì là dùng pháp sở lập giúp cho pháp năng lập được thành tựu. Như vậy, kết quả sẽ là chứng minh cái không muốn chứng minh, còn điều muốn chứng minh thì lại không chứng minh. Như đối với Thanh luận sư mà đệ tử Phật lập luận thức: Tông: Âm thanh là vô thường. Nhân: Vì do sự động tác mà có ra. Trong luận thức này, theo qui định Nhân trước Tông sau thì Đồng pháp dụ thể phải là: Phàm những cái do sự động tác mà có ra đều là vô thường mới đúng với Tông Âm thanh là vô thường. Nay nếu đảo lộn Tông trước Nhân sau mà nói: Phàm những cái vô thường đều là do sự động tác mà có ra thì kết quả sẽ là: Âm thanh là cái được tạo ra chứ không phải Âm thanh là vô thường. Âm thanh có tính chất do sự động tác mà có ra, điều này thì người lập luận cũng như địch luận đều thừa nhận, không cần phải chứng minh, mà điều cần chứng minh ở đây là âm thanh là vô thường hay không vô thường? Cho nên, kết quả của sự đảo hợp đã tạo thành lỗi như đã nói ở trên. [X. Nhân minh nhập chính lí luận sớ Q.hạ phần cuối]. (xt. Tiên Nhân Hậu Tông, Tiên Tông Hậu Nhân, Hợp Tác Pháp).