đạo hậu

Phật Quang Đại Từ Điển

(道後) Chỉ cho giai vị sau khi đã chứng ngộ Thực đạo. Chưa khế hợp Thực đạo là Đạo tiền, chứng ngay Thực lí là Đạo trung, từ lúc chứng trở về sau là Đạo hậu. Cứ theo Nhiếp đại thừa luận thích quyển 14 (bản dịch đời Lương), thì Đạo tiền là chỉ cho hàng Bồ tát trước Thập địa; Đạo trung là chỉ hàng Bồ tát từ Sơ địa trở lên đến Thập địa, tu tập trí Vô phân biệt; còn Đạo hậu thì chỉ cho Bồ tát từ Kim cương tâm trở lên. Pháp hoa huyền nghĩa thích tiêm quyển 9 (Đại 33, 881 thượng), nói: Đạo nghĩa là đạo chân thực tự hành. Chưa khế hợp với Thực đạo, Chân như tại triền, nên gọi là Lí, bởi vậy gọi Địa tiền là Đạo tiền. Từ bậc Sơ địa trở lên đã chứng được thực lí, lại do lí này mà thành tựu hậu hành, gọi là Đạo trung. Từ các địa này tu hành mà hiển bày lí rốt ráo, nghĩa là sau khi đã tu hành chứng ngộ, thì gọi là Đạo hậu. Kim quang minh huyền nghĩa quyển thượng (Đại 39, 2 trung), nói: Nên biết Đạo tiền tròn đầy tính đức, Đạo trung tròn đầy phần đức, Đạo hậu tròn đầy cứu cánh đức. [X. luận Đai trí độ Q.26, Q.27; luận Đại tì bà sa Q.141; Nhiếp đại thừa luận thích (bản dịch đời Lương) Q.15]. (xt. Đạo).