đạo giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(道教) I. Đạo Giáo. Giáo pháp do đức Phật nói gọi là Đạo giáo, tức là đạo Phật, hoặc Phật giáo. II. Đạo Giáo (Taoism). Tông giáo lấy tư tưởng Lão trang làm trung tâm kết hợp với tín ngưỡng thần tiên và tín ngưỡng dân gian, đồng thời chịu ảnh hưởng của Nho gia và Phật giáo mà được hình thành. Đạo giáo bắt đầu từ Trương lăng đời Đông Hán, đến đời con Trương lăng là Trương hoành và cháu là Trương lỗ thì tập đại thành. Giáo nghĩa Đạo giáo lấy tư tưởng vô vi làm nền tảng và hấp thu rất nhiều giáo lí của Phật giáo và tư tưởng Nho gia. Sự phát triển của Đạo giáo bắt nguồn từ pháp thuật của thầy cúng thời cổ đại và phương thuật thần tiên ở thời Tần, Hán, lại dung hợp âm dương, ngũ hành, sấm vĩ, chú thuật v.v… mà thành lập hệ thống tư tưởng Đạo giáo, đồng thời, pha trộn với tư tưởng Phật giáo để mở rộng. Khoảng năm 125-144 (đời vua Thuận đế) thời Đông Hán, Trương lăng đề xướng Ngũ đẩu mễ đạo (đạo năm đấu gạo), tôn thờ Lão tử làm Giáo chủ, dùng Lão tử ngũ thiên văn làm kinh điển chủ yếu, thế là Đạo giáo bắt đầu hình thành và như đã nói ở trên, đến đời con là Trương hoành và cháu là Trương lỗ thì đại thành. Khoảng năm 167-189 đời Linh đế nhà Hậu Hán, Trương dác lập ra Thái bình đạo là một phái trọng yếu của Đạo giáo ở thời kì đầu. Phái này dùng sách Thái bình thanh lãnh làm kinh điển chủ yếu, dùng Thiện đạo giáo hóa đồ chúng và dùng bùa chú để trị bệnh. Tín đồ có tới vài mươi vạn, ở rải rác khắp 8 châu: Thanh, Từ v.v… cùng với pháp Ngũ đẩu mễ đạo của Trương hoành, Trương lỗ đều trở thành cơ sở cho các cuộc khởi nghĩa của nông dân thời bấy giờ. Về sau, có kinh Lão tử hóa Hồ cổ xúy cho thuyết Lão tử sang Ấn độ giáo hóa người Ấn và đức Phật là đệ tử của Đạo giáo! Xét về nội dung thì sách này là kinh giả được ngụy tạo vào thời Tây Tấn. Đến đời Đông Tấn, năm 317, Cát hồng soạn thiên Bão phác tử chỉnh lí và trình bày rõ về lí luận phương thuật thần tiên, đồng thời, hệ thống hóa nội dung tư tưởng của Đạo giáo mà trở thành cuốn sách cơ bản. Đến khoảng năm 440 – 450 đời Bắc Ngụy, đạo sĩ Khấu khiêm chi ở Tung sơn tự xưng vâng mệnh Thái thượng lão quân chấn chỉnh lại Đạo giáo, loại bỏ Tam Trương Ngụy Pháp (Pháp giả dối của ba người họ Trương), tham khảo nghi lễ của Phật giáo mà chế định chương nhạc, xác lập cơ sở quốc giáo hóa Đạo giáo, gọi là Bắc Thiên Sư Đạo, hoặc Tân Thiên Sư Đạo. Không bao lâu, vào đời Tống thuộc Nam triều, có đạo sĩ Lục tu tĩnh (406 – 477) ở Lô sơn và vào đời Lương, có đạo sĩ Đào hoằng cảnh (456 – 477) sửa lại kinh sách, biên soạn phép tắc về trai giới và giáo nghĩa. Từ đó, lí luận cũng như hình thức tổ chức của Đạo giáo dần dần được hoàn bị, gọi là Nam Thiên Sư Đạo. Đến đời Đường, Đạo giáo phát triển càng thêm mạnh. Pháp tôn của Đào hoằng cảnh là đạo sĩ Vương viễn tri dung hợp Nam thiên sư đạo với Bắc thiên sư đạo để làm thành cơ sở của Đạo giáo. Thời đại nhà Đường, các vua chúa xây dựng nhiều đền thờ Lão tử, Đạo quán, và trong các kì thi lại thêm vào môn Đạo đức kinh. Năm 637, vua Thái tông ra lệnh đặt Đạo giáo trên Phật giáo; chính sách Đạo trước Phật sau này đã trở thành phương châm nhất quán của đời Đường. Vua Đường Cao tông (ở ngôi 650 – 683) nhận Lão tử là tổ tiên của Vương thất nhà Đường và phong hiệu là Thái Thượng Huyền Nguyên Hoàng Đế, hạ lệnh cho mỗi châu phải xây cất một Đạo quan. Đến vua Huyền tông (ở ngôi 712 – 756) thì lại càng tôn sùng huyền học và xếp các sách của Lão tử, Trang tử, Liệt tử vào hàng Chân kinh. Đến cuối đời Đường đầu đời Ngũ đại, Đỗ quang đình dốc sức vào công tác chỉnh lí các kinh điển và hoàn thành việc biên tập các nghi lễ của Đạo giáo. Lã động tân cho từ bi độ thế là con đường thành đạo và lấy việc diệt trừ tham, sân, si thay cho việc học tập kiếm thuật. Chủ trương này của họ Lã đã có ảnh hưởng rất lớn đối với việc phát triển giáo lí Đạo giáo ở thời Bắc Tống. Vua Tống chân tông (ở ngôi 998-1022) sai các ông Vương khâm nhược và Trương quân phòng biên tập tạng kinh của Đạo giáo, trong đó, lấy Vân Cấp Thất Tiêm 122 quyển làm tác phẩm tiêu biểu. Chân tông còn cho xây cất nhiều Đạo quan. Vua Tống huy tông (ở ngôi 1101 – 1125) từng tự cho mình là Giáo chủ đạo quân hoàng đế, hạ lệnh tìm kiếm Đạo giáo tiên kinh ở khắp nơi trong nước, sửa chữa bản khắc ấn hành toàn bộ Đạo tạng; lại đặt chức Bác sĩ ở nhà Thái học để coi về các môn Đạo đức kinh, Trang tử, Liệt tử v.v… Đây là thời kì hoàng kim của Đạo giáo. Từ cuối đời Ngũ đại và đầu đời Tống trở về sau, Nam thiên sư đạo và Bắc thiên sư đạo cùng với các phái Thượng thanh, Linh bảo, Tịnh minh dần dần dung hợp, để đến đời Nguyên thì tất cả gồm về một phái Chính Nhất lấy bùa chú làm chủ yếu. Khoảng năm 1167 đời Kim, Vương trùng dương sáng lập Toàn chân giáo ở Hải ninh, Sơn đông. Đồng thời, Lưu đức nhân cũng sáng lập Đại đạo giáo (Sau gọi là Chân đại đạo giáo), Tiêu bão trân sáng lập Thái nhất đạo v.v… đều lưu hành ở Hà bắc, nhưng không bao lâu thì tàn lụi, duy có Toàn chân giáo vẫn hưng thịnh. Vào thời ấy, Toàn chân giáo và Thiên sư đạo là hai dòng chủ yếu của Đạo giáo. Vương trùng dương cố gắng dung hòa Tam giáo (Nho, Đạo, Thích), loại bỏ những yếu tố bùa chú, mê tín, tiếp thu giáo lí của Phật giáo (đặc biệt là Thiền tông) và chủ nghĩa xuất gia. Vào thời vua Thế tổ (ở ngôi 1260 – 1293)nhà Nguyên, do kinh Lão tử hóa Hồ mà phát sinh ra cuộc tranh luận gay gắt giữa Phật giáo và Đạo giáo. Đạo giáo thua cuộc. Vua ra lệnh cấm Đạo giáo lưu hành. Do đó, sự phát triển của Đạo giáo bị ngưng lại và thế lực cũng suy vi dần. Từ đấy về sau, Đạo giáo bị chia làm hai phái lớn là Chính nhất và Toàn chân, tiếp tục lưu truyền ở đời Minh, nhưng đến đời Thanh thì tàn lụi dần. Ở thời kì đầu, lúc thế lực của Đạo giáo cường thịnh, thì tổ chức giáo đoàn thường kết hợp với quyền lực của quốc gia, nên Đạo giáo đã trở thành một tông giáo dành riêng cho hàng vua quan và những người chuyên tu. Đến khi Đạo giáo suy vi thì lại chuyển thành tông giáo dân gian, lấy sự sinh hoạt và luân lí thường ngày của dân chúng làm cơ sở, nên mới gọi là Dân Chúng Đạo Giáo, đồng thời, một số lượng lớn các kinh sách Đạo giáo cũng theo đó mà xuất hiện. Đạo giáo cho rằng ước vọng căn bản của loài người là mong được may mắn, hạnh phúc, giầu sang, sống lâu, vinh hiển v.v… Để đạt được lí tưởng ấy, Đạo giáo tích cực khuyên người làm việc thiện, cử hành các nghi thức cầu đảo, bùa chú để trừ tai họa, được phúc lợi. Nhờ mang đậm sắc thái dân gian thông tục dễ thích ứng ấy, nên số tín đồ của Đạo giáo tăng lên rất nhanh. Nói chung, Đạo giáo tuy có nhiều chi phái, nhưng tín ngưỡng và giáo nghĩa cơ bản thì vẫn không ngoài Đạo, cho rằng Đạo chính là đầu mối của hư vô, gốc rễ của tạo hóa, ngọn nguồn của thần minh, bản nguyên của thiên địa, cũng như vũ trụ, âm dương, vạn vật đều do Đạo biến hóa mà sinh ra. Thần tối cao mà Đạo giáo tôn thờ là Tam thanh tôn thần được nhân cách hóa từ Đạo, trong đó, Đạo Đức Thiên Tôn tức là Lão tử. Nhưng từ đời Tống trở về sau thì Đạo giáo dân chúng hoặc thần cách hóa các tinh tú tự nhiên như: Bắc đẩu thần quân (thần cách hóa của 7 vì sao Bắc đẩu), Huyền thiên thượng đế(thần cách hóa của sao Bắc cực), hoặc thần cách hóa các nhân vật lịch sử như: Văn xương đế quân(thần của sự học vấn), Lã tổ(thần cách hóa của Lã động tân), Quan thánh đế quân(thần cách hóa của Quan vũ) v.v… để tôn thờ. Còn về phương pháp tu luyện cụ thể của Đạo giáo thì có: Phục nhĩ (dùng thuốc tiên), Đạo dẫn (một loại thể dục nhẹ nhàng), Thai tức (……. cũng gọi Phục khí, Hành khí, là phương pháp hít thở, hút lấy nguyên khí của vũ trụ vào trong cơ thể để được trường sinh bất tử), Phù lục (văn bí mật của bùa, chú), Phòng trung (phép lấy âm bổ dương), Tịch cốc (…… Không ăn những loại hạt do tạp khí dưỡng thành), Nội đơn (…….), Ngoại đơn (…….) v.v… Về nghi thức tôn giáo thì có: Lập đàn cúng tế, cầu đảo, tụng kinh, lễ sám v.v… Về kinh điển của Đạo giáo thì ngoài Đạo tạng hiện còn gồm 5.485 quyển, còn có Vạn lịch tục đạo tạng, Đạo tạng tập yếu v.v… (xt. Tam Giáo Luận Hành, Phật Đạo Chi Tranh).