đạo dung

Phật Quang Đại Từ Điển

(道融) I. Đạo Dung. Vị tăng ở thời Ngụy Tấn, người Lâm lự, huyện Cấp tỉnh Hà nam. Sư xuất gia năm 12 tuổi, mới đầu học ngoại điển, đến năm 30 tuổi thì tài học siêu tuyệt, thấu suốt các kinh điển nội ngoại. Khi ngài Cưu ma la thập vào Quan trung, sư đến thăm hỏi. Qua cuộc đối thoại, ngài La thập rất thán phục kiến thức uyên bác của sư, vua Diêu hưng mời sư đến ở trong vườn Tiêu dao tham dự công tác dịch kinh với ngài La thập. Sau, sư trở về Bành thành, giảng thuyết Trung luận, Pháp hoa v.v… môn đồ rất đông. Trong khi sư giảng kinh Pháp hoa, sư chia văn kinh làm chín khoa (mà sư gọi là Cửu triệt), rất được người thời bấy giờ khen ngợi và gọi sư là Cửu triệt pháp sư. Sư có soạn Nghĩa sớ các kinh: Pháp hoa, Đại phẩm bát nhã, Kim quang minh, Thập địa và Duy ma. Sư tịch ở Bành thành, thọ 74 tuổi. [X. Lương cao tăng truyện Q.6; Pháp hoa truyện kí Q.2; Đại đường nội điển lục Q.3]. (xt. Cửu Triệt). II. Đạo Dung. Vị Thiền tăng thuộc phái Hoàng long tông Lâm tế ở đời Tống, tự là Cổ nguyệt, đệ tử nối pháp của ngài Đồ độc Trí sách. Sư tình cờ đọc La hồ dã lục, lòng rất cảm khái, bèn ghi chép lại những việc thấy nghe ở chốn tùng lâm trong khoảng 30 năm thành bộ sách Cận cổ chi danh tăng thiện hành lục, tức là bộ Tùng lâm thịnh sự 2 quyển. Những sự tích khác về sư không rõ. [X. Tùng lâm thịnh sự tự].