đạo đức

Phật Quang Đại Từ Điển

(道德) Nguyên lí thiện ác, chính tà có liên quan đến hành vi của nhân loại. Đạo đức, chữ La tinh là mors, cùng nghĩa với chữ êthos (tập tục), bởi vì tập tục là nền tảng của đạo đức và pháp luật, trong đó, pháp luật là phép tắc trong hoạt động xã hội, còn đạo đức thì là mẫu mực tất yếu của cá nhân trong phép tắc sinh hoạt xã hội loài người. Ngài Khổng tử đề cao Nhân, Đức là trung tâm của quan hệ nhân luân. Còn các tông giáo như Cơ đốc giáo, Phật giáo v.v… cũng rất coi trọng sức mạnh đạo đức. Cơ đốc giáo chủ trương thương yêu mọi người bằng tinh thần bác ái của Chúa, từ đó mở rộng tư tưởng luân lí. Phật giáo thì răn ác, khuyến thiện, cấm chỉ mười điều ác (Thập bất thiện nghiệp) như giết hại, trộm cướp v.v… Trong tinh thần căn bản của Phật giáo, thì Đức là tự mình được lợi ích; Đạo là làm lợi ích cho người khác. Bài kệ trong Thất Phật thông giới nói (Đại 2, 551 thượng): Chư ác mạc tác, Chư thiện phụng hành Tự tịnh kì ý, Thị chư Phật giáo. (Đừng làm các điều ác, Nên làm các việc thiện, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy). Xem bài kệ trên có thể lí giải được quan niệm đạo đức nhân luân của Phật giáo. [X. kinh Siêu nhật minh tam muội Q.hạ; kinh Vô lượng thọ Q.hạ; luận Đại trí độ Q.15; luận Biện chính Q.5 (Pháp lâm); Tập cổ kim Phật đạo luận hành Q. bính Văn đế chiếu lệnh Huyền trang pháp sư phiên Lão tử vi Phạm văn sự (Đạo tuyên)].