đạo đế

Phật Quang Đại Từ Điển

(道諦) Phạm: Màrga-satya,Pàli: Magga-sacca. Cũng gọi Đạo thánh đế (Phạm: Margàryasatya), Thú khổ diệt đạo thánh đế, Khổ diệt đạo thánh đế, Khổ xuất thánh đế. Con đường chân chính đưa đến cảnh giới diệt khổ, một trong 4 Thánh đế, là giáo nghĩa cơ bản của Phật giáo. Về nội dung của Đạo đế, các kinh luận nói không giống nhau, phổ thông có hai thuyết: 1. Kinh A hàm – Thánh điển căn bản của Phật giáo nguyên thủy – cho rằng Đạo đế tức là Bát chính đạo: Chính kiến, Chính chí, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính phương tiện, Chính niệm và Chính đạo. 2. Luận Đại trí độ quyển 19, luận Thành thực quyển 2 phẩm Tứ đế và luận Tứ đế quyển 4 phẩm Phân biệt đạo đế thì cho rằng Đạo đế bao gồm cả 37 giác chi: Tứ niệm trụ, Tứ chính đoạn, Tứ thần túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi và Bát thánh đạo chi. Về tự tính của Đạo đế, giữa các luận và các bộ phái cũng có nhiều thuyết khác nhau. Cứ theo luận Đại tì bà sa quyển 77, thì: 1. Các luận sư A tì đạt ma phần nhiều cho hữu học pháp và vô học pháp là Đạo đế. 2. Các luận sư Thí dụ cho Xa ma tha (Phạm: samatha, dịch là Chỉ) và Tì bát xá na (Phạm: vipazyanà, dịch là Quán) là Đạo đế. 3. Các luận sư Phân biệt cho Bát chính đạo thuộc pháp hữu học là Đạo, cũng là Đạođế, còn pháp hữu học khác và tất cả pháp vô học chỉ là Đạo, chứ không phải Đạo đế. 4. Đại luận sư Diệu âm (Phạm: Ghowa) của Thuyết nhất thiết hữu bộ cho rằng pháp ngũ uẩn dùng để đối trị tự tương tục và tha tương tục, hoặc đối trị hữu tình số và vô tình số đều là Đạo mà cũng là Đạo đế. Ngoài ra, các nhà Duy thức đem Đạo đế phối với Chính hạnh chân như trong 7 chân như và dùng 3 tính Duy thức là Biến kế sở chấp, Y tha khởi, Viên thành thực để giải thích tướng của Đạo đế: 1. Tri đạo, cũng gọi Biến tri đạo: Biết rõ Biến kế sở chấp không có tự thể. 2. Trừ đạo, cũng gọi Vĩnh đoạn đạo: Dứt hết các pháp giả tạm do các thứ nhân duyên bên ngoài sinh khởi (Y tha khởi). 3. Chứng đắc đạo, cũng gọi Chứng đạo: Tức có thể chứng lí Nhân không và Pháp không. [X. kinh Tăng nhất a hàm Q.17; phẩm Thánh đế trong luận Pháp uẩn túc Q.6; luận Tam vô tính Q.thượng; luận Thành duy thức Q.8; Đại thừa nghĩa chương Q.3 phần đầu]. (xt. Tứ Đế).