đạo an

Phật Quang Đại Từ Điển

(道安) I. Đạo An. Vị tăng đời Đông Tấn. Sư sinh năm Nguyên gia thứ 6 (312), có thuyết nói năm Kiến hưng thứ 2 (314) đời Đông Tấn, người Phù liễu, Thường sơn (Chính định, tỉnh Hà bắc). Sư xuất gia năm 12 tuổi, rất thông minh, học tập và nghiên cứu các kinh luận, kiến thức siêu việt, nối pháp ngài Phật đồ trừng. Về sau, miền Bắc loạn lạc, sư cùng với thầy đi lánh nạn các nơi, khi đến Tương dương tỉnh Hồ bắc thì ở lại giảng diễn giáo hóa 15 năm. Vua Phù kiên nhà Tiền Tần nghe danh sư, đem binh vây đánh Tương dương, thỉnh sư về ở chùa Ngũ trùng tại Trường an, tôn thờ làm thầy. Sư từng đề nghị với vua Phù kiên đi Tây vực thỉnh ngài Cưu ma la thập đến Trung quốc. Sư chỉnh lí các kinh luận đã được dịch ra chữ Hán rồi biên soạn thành bộ Chúng kinh mục lục. Bộ sách này hiện nay không còn, nhưng bộ Xuất tam tạng kí tập được biên soạn thành là căn cứ theo bộ mục lục này của sư. Ngoài ra, sư còn dốc sức vào việc phiên dịch kinh điển, viết lời tựa và chú thích các kinh, gồm tất cả 22 bộ. Khi giải thích, sư chia các kinh điển làm ba phần: Tựa, Chính tông và Lưu thông. Phương pháp phân chia này đến nay vẫn còn được dùng theo. Sư cũng đặt ra nghi thức Tăng đoàn, hành qui, lễ sám v.v… và qui định lấy họ Thích làm họ Tăng và qui định này đã được đời sau làm theo. Trong việc nghiên cứu, sư dùng kinh Bát nhã làm chính, nhưng sư cũng tinh thông A hàm, A tì đạt ma và là người đầu tiên áp dụng phương pháp phê bình văn kinh. Trong lịch sử Phật giáo, sư đã có những cống hiến rất lớn lao. Sư tịch vào năm Thái nguyên thứ 10 (385). Có thuyết nói Thái nguyên năm đầu, Thái nguyên năm 14. Lại vì trên tay của sư có một cái bướu thịt nổi lên, nên người đời thường gọi sư là Bồ tát Ấn thủ. Sư cùng với Tập tạc xỉ hay dùng các từ ngữ Tứ hải Tập tạc xỉ, Di thiên Thích đạo an để đối đáp qua lại, cho nên người đời sau bèn gọi sư là Di thiên Thích đạo an. [X. Lương cao tăng truyện Q.1, Q.2, Q.5; Xuất tam tạng kí tập Q.15; Lịch đại tam bảo kỉ Q.8; Tục cao tăng truyện Q.9, Q.29; Tập thần châu tam bảo cảm thông lục Q.trung, Q.hạ; Pháp uyển châu lâm Q.13]. II. Đạo An. Vị tăng đời Bắc Chu, người Hồ thành, Phùng dực (Thiểm tây) họ Diêu. Năm sinh năm mất không rõ. Thủa nhỏ, sư đã mến đạo tu thiền. Sau, sư ở ẩn trên núi Thái bạch để nghiên cứu và tu tập định, tuệ. Sư cũng thông suốt các sử truyện và Bách gia chư tử. Sau khi thụ giới Cụ túc, sư tuyên giảng kinh Niết bàn và luận Đại trí độ ở vùng Vị tân, được các nhân sĩ Nho, Đạo trong triều ngoài nội tôn sùng. Sau đó, sư phụng mệnh Vũ đế nhà Bắc Chu đến ở chùa Đại trung hưng, tiếng tăm lừng lẫy. Thời ấy, người đời phần nhiều trọng đạo Lão mà gièm chê Phật, vua cũng thế, nên sư viết Nhị giáo luận 1 quyển dâng vua, rồi lánh vào rừng sâu ẩn tu. Vũ đế hạ lệnh cho người đi tìm, sau khi tìm được, vua ban cho sư cái hốt bằng ngà, cùng với lụa là châu báu và chức vị trong triều đình, nhưng sư đều từ chối, không nhận. Đệ tử của sư có các vị: Tuệ ảnh, Bảo quí v.v… [X. Quảng hoằng minh tập Q.8; Lịch đại tam bảo kỉ Q.11; Tục cao tăng truyện Q.23]. III. Đạo An (1617 – 1688). Vị tăng ở cuối đời Minh đầu đời Thanh, người huyện Tấn giang tỉnh Phúc kiến, họ Hồ. Sư xuất gia ở núi Đới vân. Lúc đầu, sư tham lễ ngài Cổ hàng, không khế hợp, sau sư đến học nơi ngài Vĩnh giác, lãnh ngộ huyền chỉ. Sư lần lượt ở Cổ sơn và Nhiếp sơn tại Kim lăng, xiển dương tông phong. Năm Khang hi 27 sư tịch, thọ 72 tuổi. [X. Tăng đính Phật tổ đạo ảnh Q.3 (Hư vân)]. IV. Đạo An (1907 – 1977). Vị cao tăng Trung quốc thời hiện đại, người Kì dương, tỉnh Hồ nam. Thủa nhỏ sư đã thông kinh sử từ chương, từng tự cho mình là nhà Lí học. Sau đọc truyện Thích ca và luận Hộ pháp của ông Trương thương anh, sư mới qui y Phật pháp. Năm 20 tuổi, sư xuất gia ở chùa Phật quốc và thụ giới Cụ túc tại chùa Đại la hán ở Hành dương, rồi tham thiền ở chùa Nhân thụy 3 năm. Sau đó, sư vào hang Long trì núi Nam nhạc ở Hành sơn tu hành khổ hạnh trong 18 tháng, công phu thiền định ngày thêm sâu. Sư còn kiêm tu cả Thiền và Giáo với các ngài Thường ngộ, Thiền tĩnh, Linh đào, Thiện nhân v.v… Ngoài ra, sư nghiên cứu cả triết học Trung quốc và phương Tây. Năm 1953, sư đến Đài loan giảng kinh hoằng pháp. Đầu tiên, sư giảng dạy luận Câu xá ở Di lặc nội viện tại Tịch chỉ, sau đó, chủ trì Ban nghiên cứu Phật học tĩnh tu, tổ chức khóa giảng Phật học tại các viện Đại học chuyên khoa, xây cất chùa Tùng sơn, sáng lập trường Trung học Từ hàng, phát hành nguyệt san Sư tử hống, Văn khố, kế tiếp, mở nhà in kinh tại Đài loan và thường đi dự các hội nghị Phật giáo thế giới. Sư từng đảm nhiệm các chức vụ: Viện trưởng viện Phật học Nam nhạc, Giáo sư các Học viện Sư phạm quốc lập Nam nhạc, Học viện Văn hóa Trung quốc (nay là Đại học Văn hóa) và Trụ trì các chùa: Chúc thánh ở Nam nhạc, Tùng sơn, Thiện đạo ở Đài bắc, Huyền trang ở Nhật nguyệt đàm. Các trứ tác của sư gồm có: Trung quốc Đại tạng kinh phiên dịch khắc ấn sử, Trung quốc Đại tạng kinh điêu khắc sử thoại, Trung quán sử luận cập kì triết học, Càn khôn vạn cổ nhất hoàn nhân, Nhị lực thất văn tập v.v… Năm 1977 sư tịch, hưởng thọ 71 tuổi, 50 tuổi hạ. [X. Đạo an pháp sư thất thập tuế kỉ niệm luận văn tập].