đạo

Phật Quang Đại Từ Điển

(道) I. Đạo. Phạm: Màrga, Pàli: Magga. Dịch âm: Mạt già. Con đường thông suốt đưa đến mục đích, hoặc chỉ cho đường đi. Cứ theo luận Câu xá quyển 25 nói, thì Đạo là con đường đưa suốt đến Niết bàn, là chỗ nương tựa để cầu quả Bồ đề. Theo đó thì Đạo là cái phép tắc tu hành để đạt đến mục đích cuối cùng của Phật giáo. Cứ theo luận Đại trí độ quyển 84 nói, thì có bốn con đường là: Nhân thiên, Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát. Nhân thiên dùng pháp Thập thiện, Bố thí để cầu phúc lạc ở thế gian; hàng Nhị thừa dùng 37 phẩm trợ đạo để cầu Niết bàn; hàng Bồ tát cũng dùng 37 phẩm trợ đạo và sáu pháp Ba la mật để cầu Phật quả. Ngoài ra, hoặc, nghiệp, khổ gọi là ba đường; hoặc là đường đưa đến nghiệp; nghiệp là đường đưa đến khổ, khổ lại đưa đến hoặc: ba đường vòng quanh như bánh xe quay không dứt. Lại nữa, ba đường, năm đường, sáu đường v.v… tùy theo nghiệp thiện, ác mà đưa đến quả báo ở cõi trời, cõi người, địa ngục v.v… tuần hoàn, luân chuyển. Nhưng, muốn dịch Bồ đề là đạo (đường) thì phải gọi riêng Bồ đề là Quả đạo (đường quả), còn gọi những đường trên đây là Nhân đạo (đường nhân). Con đường chế phục phiền não để đến Niết bàn thì có 2 loại là: Hữu lậu đạo và Vô lậu đạo. 1. Hữu lậu đạo (cũng gọi Thế gian đạo, Thế tục đạo), là Nhân thiên đạo đã nói ở trên. Lại ở trong ba cõi… chín cõi, thì ngoại trừ Hữu đính địa, còn tất cả là dứt trừ Tu hoặc của tám địa dưới, còn giai vị Gia hạnh (cũng gọi đạo Gia hạnh) trước giai vị Kiến đạo dùng trí hữu lậu tu sáu Hành quán, thì thuộc Hữu lậu đạo Cứ theo tông Câu xá, nương theo trí hữu lậu để đoạn trừ phiền não thì gọi là Hữu lậu đoạn, cho nên chủ trương Hữu lậu đạo là một trong các Đoạn đạo. Nhưng tông Duy thức cho rằng Hữu lậu đạo chỉ có thể chế phục phiền não hiện hành (Hiển thế vị: ở vị thế rõ ràng), chứ không thể đoạn trừ phiền não chủng tử (Tiềm thế vị: ở vị thế ẩn kín), vì thế gọi Hữu lậu đạo là Phục đạo (năng phục đạo). 2. Vô lậu đạo(cũng gọi Xuất thế gian đạo, Thánh đạo): Dùng định của chín địa (tức là Vị chí định, Trung gian định, Tứ căn bản định, Hạ tam vô sắc định) làm chỗ nương, rồi nhờ trí vô lậu mà đoạn trừ phiền não (Vô lậu đoạn). Tông Duy thức gọi là Đoạn đạo, Phục đạo, hàm ý là đạo có thể đoạn trừ phiền não, vì thế cũng gọi là Đối trị đạo, Năng trị đạo. Nếu đem Hữu lậu đạo, Vô lậu đạo phối hợp với Kiến đạo, Tu đạo, Vô học đạo thì Kiến đạo và Vô học đạo thuộc về Vô lậu đạo, còn Tu đạo thì vừa là Vô lậu đạo cũng vừa là Hữu lậu đạo. Về quá trình dứt trừ phiền não, chứng được chân lí thì tông Câu xá và tông Duy thức chia làm 4 loại (4 đạo): 1. Gia hạnh đạo(cũng gọi Phương tiện đạo): Giai đoạn chuẩn bị đoạn trừ phiền não, nhưng khác với nghĩa Gia hạnh đạo của Gia hạnh vị. 2. Vô gián đạo (cũng gọi Vô ngại đạo): Tức là đạo đoạn trừ phiền não giống như Đoạn đạo (Vô lậu đạo) nói ở trên. Sau Vô gián đạo này mới có thể đoạn trừ phiền não. Vì có nghĩa không gián cách nên gọi là vô gián. 3. Giải thoát đạo: Đạo đoạn trừ phiền não, chứng được chân lí giải thoát. 4. Thắng tiến đạo(cũng gọi Thắng đạo): Tức là Giải thoát đạo sẽ tiến lên đoạn trừ phiền não phẩm sau cùng (lúc này Thắng tiến đạo trở thành là Gia hạnh đạo sẽ đoạn phiền não phẩm sau cùng); hoặc đã đoạn hết phiền não rồi, không còn phải đoạn phiền não phần sau cùng nữa; hoặc quán xét tư duy về pháp đã đoạn. Ngoài 4 loại nêu ở trên, còn có 11 loại đạo được chép trong luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập quyển 9 là: Quán sát sự đạo, Cần công dụng đạo, Tu trị định đạo, Hiện quán phương tiện đạo, Thân cận hiện quán đạo, Hiện quán đạo, Thanh tịnh xuất lí đạo, Y căn sai biệt đạo, Tịnh tu tam học đạo, Phát chư công đức đạo và Biến nhiếp chư đạo đạo. Luận Đại trí độ quyển 27 thì nêu ra: – Hai loại đạo: Thiện đạo, Ác đạo, Thế gian đạo, Xuất thế gian đạo, Định đạo, Tuệ đạo, Học đạo, Vô học đạo, Hướng đạo, Quả đạo. – Ba loại đạo: Thanh văn đạo, Duyên giác đạo, Bồ tát đạo, Ba la mật đạo, Phương tiện đạo, Tịnh thế giới đạo, Sơ phát ý đạo, Hành bồ tát đạo, Thành tựu chúng sinh đạo. – Bốn loại đạo: Thiên đạo, Phạm đạo, Thánh đạo, Phật đạo. – Sáu loại đạo: Lục thần thông đạo, Lục ba la mật đạo. – Bảy loại đạo: Thất giác đạo, Thất tưởng đạo. – Tám loại đạo: Bát chính đạo, Bát bối xả. – Chín loại đạo: Cửu thứ đệ đạo, Cửu a la hán đạo. – Mười loại đạo: Thập vô học đạo, Thập trí đạo. Ngoài ra, còn có những dụng ngữ rất quen thuộc là: Giáo đạo, Chứng đạo, Nan hành đạo, Dị hành đạo v.v… Đồng thời, những người được Thánh đạo hoặc Vô thượng đạo gọi là Đắc đạo. Thiền tông thì dùng danh từ Đạo với ý nghĩa là biện minh, cho nên gọi tham thiền, triệt ngộ, khai tâm nhãn (mở con mắt tâm) là Biện đạo. [X. luận Đại trí độ Q.26, Q.86; luận Tam vô tính Q.thượng; Nhiếp đại thừa luận thích Q.12, Q.14 (bản dịch đời Lương); Pháp hoa huyền nghĩa thích tiêm Q.9; Đại thừa nghĩa chương Q.18]. (xt. Định). II. Đạo: Danh từ dịch khác của Bồ đề.