đạo

Từ điển Đạo Uyển


道; C: dào; J: dō; nguyên nghĩa là “Con đường”; Một biểu thị quan trọng của Ðạo giáo, một giáo phái vốn bắt nguồn từ chữ Ðạo này. Ðạo được nêu ra và trình bày cặn kẽ trong hai quyển sách trứ danh của triết học Trung Quốc: Ðạo đức kinh của Lão Tử và Trang Tử nam hoa chân kinh của Trang Tử. Mặc dù theo nguyên nghĩa thì Ðạo là con đường đi, nhưng Ðạo cũng được hiểu là “giáo lí”, “chân lí.” Danh từ này được sử dụng rất sớm theo ý nghĩa “nhân đạo”, con đường mà nhân loại phải đi, nên đi. Các triết gia theo Nho giáo đều hiểu Ðạo dưới nghĩa này. Trong Ðạo đức kinh, từ này lần đầu tiên mang một đặc tính siêu nhiên, là cái thâu nhiếp tất cả, là cơ sở của vạn vật hiện hữu, là nguyên lí tuyệt đối. Ðạo là sự thật duy nhất, là nơi xuất phát của thế giới hiện hữu. “Sự thật cuối cùng” này được Lão Tử – vì không thể tìm được một tên tương ưng – tạm gọi là Ðạo: 道可道非常道。名可名非常名 Ðạo khả đạo – phi thường đạo Danh khả danh – phi thường danh *Ðạo mà ta có thể gọi được không phải là đạo thường còn; cái Danh mà ta có thể gọi được không phải là Danh thường còn. Ðạo là “Mẹ nhiệm mầu” (玄牝; huyền tẫn) của vạn vật, là nguồn gốc của tất cả hiện hữu (ÐÐK VI). Nhưng Ðạo cũng là nơi vạn vật quy tụ. Ðây là một nguyên lí cố định. Theo Ðạo giáo thì tỉnh thức, Giác ngộ chính là trực chứng được sự trở về Ðạo của vạn vật. Trong chương thứ 14 của Ðạo đức kinh, Ðạo cũng được mô tả là không thể xem bằng mắt, nghe bằng tai …, là hình trạng của cái không hình trạng (Nguyễn Duy Cần dịch): Xem mà không thấy, nên tên gọi là “Di” (夷); Lóng mà không nghe, nên tên gọi là “Hi” (希); Bắt mà không nắm bắt được, nên gọi là “Vi” (微); Ba cái ấy không thể phân ra được, vì nó hỗn hợp làm Một. Trên nó thì không sáng, dưới nó thì không tối. Dài dằng dặc mà không có tên, rồi lại trở về chỗ không có. Ấy gọi là cái hình trạng không hình trạng, cái hình trạng của cái không có vật…. Giữ cái đạo xưa để mà trị cái có của hiện nay. Biết được cái đầu mối của xưa, ấy gọi là nắm được giềng mối của Ðạo. Ðạo hiện hành một cách tự nhiên, hành động của Ðạo được diễn tả bằng “vô vi”, là không làm nhưng cũng vì thế mà không có một việc gì bị bỏ qua (Bất hành nhi hành). Trong thế giới hiện hữu này thì người ta có thể suy ra được cái “thể” (體) của Ðạo qua cái “dụng” (用), cái “lực” (力) của nó, được gọi là Ðức (德). Ðạt được sự thống nhất với Ðạo là mục đích tối cao của các Ðạo gia. Trí hiểu biết thông thường không đủ để tiếp cận được Ðạo; hành giả phải tự trở thành một đơn vị với Ðạo, phải đạt được sự giản đơn, sự trống rỗng diệu dụng của Ðạo. “Ðắc Ðạo” chỉ có thể là một bước nhảy vượt qua mọi kinh nghiệm nhận thức thông thường, là một sự trực nhận siêu phàm. Trong thời kì Phật giáo được truyền qua Trung Quốc lần đầu, các Cao tăng tại đây chưa tìm được những thuật ngữ tương ưng nên thường sử dụng thuật ngữ của Ðạo giáo để trình bày Phật pháp và Ðạo được xem là đồng nghĩa với Phật pháp, là con đường đưa chúng sinh đến Niết-bàn. Tại Nhật, chữ Ðạo thường được hiểu là việc kế thừa đức Phật trên con đường tu tập đạt Niết-bàn, giải thoát và Thiền tông tại đây cũng hiểu chữ Ðạo dưới nghĩa này. Nương theo ý nghĩa này, người cũng gọi tất cả những phương pháp tu tập, thực hành thấm nhuần vị Thiền là Ðạo, như Kiếm đạo (劍道; j: kendō), Trà đạo (荼道; j: chadō), Hoa đạo … Dần dần, chữ Ðạo được tín đồ của tất cả các tôn giáo tại Ðông, Ðông nam á hiểu như là chân lí tuyệt đối, là “nguyên lí cuối cùng” của vũ trụ. “Ðắc Ðạo”, “Ðạt Ðạo” là những danh từ đồng nghĩa với Giải thoát, chứng Niết-bàn, Giác ngộ của Phật giáo.