danh tướng

Phật Quang Đại Từ Điển


(名相) Một trong năm pháp. Danh là tên gọi sự vật, có khả năng làm sáng tỏ bản thể của sự vật. Tướng là tướng trạng của sự vật. Vì danh có thể hiển bày tướng trạng của sự vật nên gọi là Danh tướng. Bởi lẽ tất cả sự vật đều có danh có tướng, danh là cái mà tai nghe được, tướng là cái mắt thấy được. Nhưng danh và tướng này đều là hư giả không phù hợp với tính thực của pháp, chỉ là phương tiện tạm thời được bày đặt ra để giúp cho việc giáo hóa. Nhưng phàm phu hay phân biệt cái danh tướng hư dối để rồi dấy lên không biết bao nhiêu là vọng tưởng chấp trước. Trong các kinh luận có nhiều chỗ nói đến việc bám níu lấy danh tướng để rồi trôi theo danh tướng. Như kinh Lăng già quyển 4 (Đại 16, 511 thượng): Người ngu bám dính vào danh tướng, khiến tâm theo đó mà tán loạn lưu chuyển. Ma ha chỉ quán quyển 10 cũng nói: người học phân biệt danh tướng, hiểu biết theo văn, tâm mắt mờ tối, nhưng lại cống cao ngã mạn, khoe khoang với người, mong được nổi tiếng, tranh luận không ngừng. (xt. Danh).