danh tự

Phật Quang Đại Từ Điển


(名字) Tên chữ. Chỉ chung danh và tự. Có nhiều nghĩa. 1. Chỉ cho tên gọi của tất cả sự vật. 2. Chỉ sự làm sáng tỏ nghĩa của sự vật. Đồng nghĩa với Danh. 3. Chỉ tên và hiệu của người. Trong Phật giáo, danh tự được xem như giả đặt ra, mượn nó để giải thích rõ nghĩa chân thực của các pháp, nhưng nó không phải bản thể của các pháp, cho nên là hư giả chẳng thật. Do đó, các kinh luận phần nhiều chỉ dùng danh tự để gọi những cái chỉ có tên chứ không có thực (tức là những cái mà danh và thực không phù hợp với nhau). Như: 1. Danh tự tỉ khưu: Tỉ khưu chưa thụ giới cụ túc hoặc đã phá giới. 2. Danh tự sa di: Sa di 20 tuổi đến 70 tuổi. 3. Danh tự La hán: La hán không có thực chất, mà mạo danh La hán. 4. Danh tự Bồ tát: Chỉ Bồ tát giai vị Thập tín trong 52 giai vị Bồ tát, mới phát khởi một niệm tín tâm. 5. Danh tự tướng: Tướng phân biệt do danh ngôn giả lập. (xt. Danh)