danh hiệu

Phật Quang Đại Từ Điển


(名號) Phạm: nàmadheya, Pàli: nàmadheyya. Cũng gọi Danh tự, Danh. Chủ yếu nói về danh hiệu của Phật và Bồ tát. Vì danh hiệu này có thể nói lên công đức của Phật, Bồ tát và hiển bày rõ lòng kính ngưỡng, tán thán của chúng sinh đối với Phật, Bồ tát, cho nên cũng gọi là Bảo hiệu, Tôn hiệu, Gia hiệu v.v… Lại vì danh hiệu này là bồ đề của chư Phật, nên còn gọi là Quả danh, Quả hiệu, Quả thượng danh hiệu. Và lại theo số chữ của danh hiệu thì có các tên là Danh hiệu bốn chữ, Danh hiệu sáu chữ, Danh hiệu chín chữ, Danh hiệu mười chữ v.v… Về nghĩa chữ của danh hiệu, cứ theo Đại thừa nghĩa chương quyển 20 phần cuối của ngài Tuệ viễn, thì hiển bày rõ thể là danh, biểu lộ đức là xưng, danh xưng biểu hiện ra ngoài khiến mọi người đều biết gọi là Hiệu. Còn theo Hoa nghiêm thám huyền kí quyển 4, thì danh là tên riêng của đức Thích ca; hiệu chỉ cho mười hiệu là tên chung của chư Phật. Qua sự trình bày trên đây, thì danh hiệu có thể biểu hiện thể tính chân như và công đức viên mãn của chư Phật Bồ tát. Lại nữa, danh hiệu cũng từ chư Phật Bồ tát mà ra, vì danh và thể không lìa nhau, cho nên danh hiệu của chư Phật cũng đồng như pháp thể của chư Phật. Do đó, trong các kinh luận đã có nhiều thuyết cho rằng nếu người thành tâm xưng niệm danh hiệu của chư Phật, tư duy nhớ nghĩ chư Phật, thì có thể tiêu trừ các tội chướng, tai nạn, hoặc có thể được vãng sinh Tịnh độ. Như phẩm Phổ môn trong kinh Pháp hoa quyển 7 nói, người cung kính lễ bái bồ tát Quán thế âm và thụ trì danh hiệu của Ngài, có thể được nhiều phúc đức. Còn kinh Vô lượng thọ thì nói, nếu người dốc lòng thành kính xưng niệm Nam mô a di đà Phật, thì trong mỗi niệm có thể diệt trừ tội chướng của 80 ức kiếp. Ngoài ra, nếu xưng niệm danh hiệu của chư Phật Bồ tát như Phật Thích ca mâu ni, bồ tát Địa tạng, đức Phật Dược sư, bồ tát Di lặc, bồ tát Văn thù, bồ tát Đại thế chí v.v… cũng có thể diệt tội được phúc. Trong các danh hiệu, danh hiệu đức Phật A di đà nhờ sự lưu truyền của tông Tịnh độ mà phổ biến ở thế gian, những người thành tâm chuyên cần xưng niệm danh hiệu của Ngài thì lúc lâm chung chắc chắn được sinh về Tịnh độ cực lạc. Danh hiệu Đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn của bồ tát Quan thế âm cũng được người đời xưng niệm rộng rãi. [X. kinh Tạp a hàm Q.40; kinh Hoa nghiêm (bản dịch cũ) Q.4 phẩm Như lai danh hiệu; kinh Xưng tán tịnh độ Phật nhiếp thụ; kinh Dược sư bản nguyện; kinh Di lặc thượng sinh; luận Thập trụ tì bà sa Q.5 hẩm Dị hành; Vãng sinh luận chú Q.hạ].