danh

Phật Quang Đại Từ Điển


(名) Tên. Phạm: nàman. Dịch âm Hán: Na ma. Một trong những pháp Tâm bất tương ứng hành. Một trong 75 pháp Câu xá, một trong 100 pháp Duy thức. Thông thường chỉ cho tên gọi, nhưng theo sự giải thích trong Phật học, thì tùy theo tiếng gọi vật thể, khiến người nghe tên mà tướng của vật thể nổi hiện lên ở trong tâm, làm cho người ta sinh khởi tuệ giác. Cứ theo luận Câu xá quyển 5, thì Danh là nghĩa tác tưởng, như tưởng sắc, thanh, hương, vị, xúc… Đây là liên hệ Danh với ấn tượng chủ quan mà bàn, nên còn gọi là Danh tưởng. Vả lại, Danh và tướng dáng của sự vật ăn khớp với nhau nên cũng gọi là Danh tướng. Nếu Danh có bao hàm nội dung nhất định thì gọi là Danh nghĩa. Ngoài ra, Câu xá luận quang kí nói, Danh còn có các nghĩa: theo, về, đến, gọi lại… Ý nói Danh hay theo tiếng, về với cảnh, gọi sắc lại… Cũng sách đã dẫn còn nói, Danh có khả năng giải thích rõ nghĩa, giúp người ta sinh khởi tuệ giác. Theo Câu xá luận quang kí quyển 5 thì có 3 loại danh: Danh, Danh thân, Đa danh thân. Chẳng hạn như chữ sắc hoặc chữ hương đều là từ đơn, gọi là Danh, ghép hai chữ sắc và hương lại với nhau làm từ ghép thì gọi Danh thân; ghép từ 3 chữ trở lên như sắc hương vị hoặc sắc, hương, vị, xúc… thì gọi là Đa danh thân. Đây là bàn về Nhất tự sinh (sinh một chữ). Nếu nói theo nhị tự sinh thì khi ghép hai chữ lại với nhau gọi là Danh; ghép bốn chữ lại với nhau thì gọi là Danh thân, ghép từ sáu chữ trở lên gọi là Đa danh thân. Nếu là Đa tự sinh thì cứ theo đây mà suy ra. Ngoài ra, về mối quan hệ giữa Danh, Cú, Văn, thì Văn (Phạm: vyaĩjana, Hán âm: Tiện thiện na) tức chỉ cho chữ, như chữ a, i… Văn là chỗ nương của Danh, Cú, tự thể của nó không có nghĩa. Danh là do dùng văn một cách liên tục mới cấu thành tên gọi của sự vật, do đó mới có thể biểu thị ý nghĩa cá biệt của sự vật. Cú (Phạm:pada, Hán âm: bát đà) là do liên kết danh lại thành một câu có ý nghĩa hoàn chỉnh, như câu: Hoa này là màu hồng. Cả Danh, Cú, Văn đều là một trong những pháp Tâm bất tương ứng hành. Chủng loại của Văn, Cú cũng giống với Danh tướng. Nếu ghép hai Văn lại với nhau thì gọi là Văn thân, ghép hai Cú lại với nhau gọi là Cú thân; nếu ghép từ ba chữ trở lên thì gọi Đa văn thân, Đa cú thân.Hữu bộ cho rằng tự thể của Danh, Cú, Văn lìa tiếng, cho nên là có thật; nhưng Kinh bộ và phái Duy thức thì chủ trương có giả. Còn Bát nhã học Đại thừa thì cho Danh và Thực đối lập nhau. Triệu luận và Bất chân không luận thì chủ trương khái niệm Danh tướng là khách thể chứ không phải bản thể, vì nó không phản ánh được tính chân thực của khách quan; nó cũng không thể được dùng để biểu thị và nắm bắt tính chân thực của khách quan. Cho nên nó được dùng để phủ định tính thực tại của sự vật khách quan. [X. luận Đại tì bà sa Q.14; luận Thành duy thức Q.2; luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.2; Thành duy thức luận thuật kí Q.2 phần cuối; Đại thừa nghĩa chương Q.2; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.1 phần đầu]. (xt. Văn, Cú).