đẳng sinh gia gia

Phật Quang Đại Từ Điển

(等生家家) Đối lại: Bất đẳng sinh gia gia. Chỉ cho bậc Thánh có số lần sinh xuống cõi người, sinh lên cõi trời bằng nhau. Trái lại, nếu số lần thụ sinh không bằng nhau thì gọi Bất đẳng sinh gia gia. Trong hàng Thanh văn, bậc Thánh Nhất lai hướng đã đoạn trừ ba phẩm hay bốn phẩm tu hoặc ở cõi Dục thì gọi là Thánh giả gia gia, gọi tắt là Gia gia, có nghĩa là từ nhà này đến nhà kia, tức là từ cõi người sinh lên cõi trời hoặc ngược lại, từ cõi trời sinh xuống cõi người, phải qua lại 2 hay 3 lần như thế rồi mới có thể vào Niết bàn. Bậc Thánh gia gia cũng có nhiều loại khác nhau: Người ba lần sinh lên cõi trời, ba lần sinh xuống cõi người gọi là Tam sinh gia gia; người sinh hai lần như thế gọi là Nhị sinh gia gia. Trong đó lại có Nhân gia gia và Thiên gia gia khác nhau. Trong trường hợp Tam sinh gia gia, thì Thiên sinh gia gia đầu tiên đắc đạo ở cõi người, mệnh chung rồi phải sinh lên cõi trời, sau đó mới lại sinh xuống cõi người hai lần và sinh lên cõi trời hai lần, cuối cùng, được quả Niết bàn ở cõi trời. Ngược lại, Nhân gia gia thì đầu tiên đắc đạo ở cõi trời, rồi phải sinh xuống cõi người 3 lần và sinh lên cõi trời 3 lần, cuối cùng, đắc quả ở cõi người. Các bậc Thánh nói trên, đều có số lần sinh ở cõi người, cõi trời bằng nhau, nên đều thuộc về Đẳng sinh gia gia. Theo đó, thì Tam sinh nhân gia gia và Tam sinh thiên gia gia đều có thể được gọi là Tam sinh đẳng sinh gia gia, tức là Tam sinh nhân gia gia cũng gọi là Tam sinh đẳng sinh nhân gia gia và Tam sinh thiên gia gia cũng gọi là Tam sinh đẳng sinh thiên gia gia. Lại còn bậc Thánh đắc đạo ở cõi trời, một lần sinh xuống cõi người, lại một lần nữa sinh lên cõi trời, cuối cùng, sinh trở lại cõi người mà vàoNiết bàn. Loại Thánh giả này sinh lên cõi trời 2 lần, sinh xuống cõi người 2 lần, cho nên gọi là Nhị sinh đẳng sinh nhân gia gia. Do đó nên biết Đẳng sinh gia gia được gọi là Thiên gia gia hoặc Nhân gia gia đều là căn cứ vào nơi chỗ cuối cùng (cõi người hay cõi trời) trong đó các ngài đã chứng được quả Niết bàn mà quyết định. Còn về Bất đẳng sinh gia gia thì không những chỉ y cứ vào cõi chứng quả, mà còn phải xem số lần thụ sinh của các Ngài vào nơi nào và bao nhiêu lần để xác định tên gọi. Như bậc Thánh đắc đạo ở cõi trời rồi sinh xuống nhân gian một lần, sau đó lại sinh lên cõi trời và chứng Niết bàn, đó là sinh lên cõi trời 2 lần, sinh xuống cõi người 1 lần, cho nên gọi là Nhị sinh bất đẳng sinh thiên gia gia. Trái lại, sinh ở nhân gian hai lần, sinh lên cõi trời một lần, thì gọi là Nhị sinh bất đẳng sinh nhân gia gia. Tam sinh bất đẳng sinh thiên gia gia hoặc Tam sinh bất đẳng sinh nhân gia gia cũng đều căn cứ theo đây mà suy ra. Cách tính toán được trình bày trên đây đã bắt nguồn từ Ấn độ và được các vị Luận sư như: Chúng hiền, Nan đà chủ trương. Sau, truyền sang Trung quốc cũng được các ngài Khuy cơ, Phổ quang, Pháp bảo v.v… đón nhận. Gần đây, cũng có người căn cứ vào thuyết của luận sư Giới hiền của Ấn độ mà đưa ra cách giải thích khác. [X. luận Đại tì bà sa Q.53, luận Tạp tâm Q.5; luận A tì đạt ma tạp tập Q.13; luận Du già sư địa Q.26; phẩm Hiền thánh trong luận Câu xá; Câu xá luận bảo sớ Q.24; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.5 phần đầu].