đăng minh

Phật Quang Đại Từ Điển

(燈明) Phạm,Pàli:Dìpa. Gọi tắt: Đăng. Đèn sáng. Chỉ cho ngọn đèn thắp trước bàn thờ để cúng dường Phật hoặc thắp sáng trong nhà. Cứ theo luật Tứ phần quyển 50 và luật Ma ha tăng kì quyển 35 chép, thì chúng tăng được phép dùng đèn để thắp sáng trong phòng, cách thiết bị và cách sử dụng đều có qui định. Chẳng hạn việc cung cấp cho các vị tỉ khưu các thiết bị như: dầu đèn, bấc đèn, chai, lọ đựng dầu, v.v… rồi chỗ để đèn, và trước khi thắp đèn, tắt đèn đều phải thông báo trước. Trong các kinh điển có rất nhiều chỗ nói về công đức thắp đèn sáng cúng dường trước tháp Phật, tượng Phật và kinh quyển v.v… Như kinh Thí đăng công đức nói, tin kính Tam bảo, cúng dường chút ít đèn sáng cũng được phúc báo vô hạn. Kinh này nói tiếp, sau khi đức Phật nhập diệt, cúng dường đèn sáng ở các chùa tháp, thì ở đời hiện tại có thể được ba thứ tịnh tâm; đến lúc lâm chung, nhờ thiện tâm không mất, có thể được 3 thứ trí tuệ, sau khi chết thì được sinh lên cõi trời Đao lợi. Phẩm Dược vương trong kinh Pháp hoa quyển 6 nói: Thiêu một ngón tay cúng dường tháp Phật được công đức gấp bội phần bố thí của báu. Kinh Hiền ngu quyển 3 cũng nói, người đàn bà nghèo chí thành cúng một ngọn đèn mãi mãi chưa tắt, còn bậc vương giả cúng nhiều ngọn đèn thì đã tắt hết. Đây nhấn mạnh lòng chí thành là quan trọng. Tùy theo nhiên liệu mà đèn được chia ra nhiều loại. Như phẩm Đà la ni trong kinh Pháp hoa quyển 7 nêu 7 loại: Đèn tô (bơ) đèn dầu, đèn dầu thơm, đèn dầu hoa bát la, v.v… Kinh Hoa nghiêm quyển 16 (bản dịch cũ) thì nêu 10 loại như: Đèn báu, đèn ma ni, đèn sơn, đèn hương trầm thủy, đèn hương vương, đèn vô lượng ánh sáng, v.v… Đèn sáng phần nhiều được đặt trên cây đèn, đài đèn hoặc để trong lồng đèn. Đèn được thắp suốt ngày đêm gọi là Thường đăng minh, hoặc Trường minh đăng. Pháp hội thắp nhiều đèn cúng dường chư Phật gọi là Vạn đăng hội (hội muôn ngọn đèn). Đèn sáng có năng lực phá tan bóng tối thành ánh sáng, nên trong kinh thường ví dụ pháp và trí tuệ là đèn. Như nói trí tuệ chiếu phá ngu si ám chướng, nên mới gọi trí tuệ là bó đuốc trong đêm dài vô minh. Ngoài ra, pháp mạch gọi là Pháp đăng, sư phụ truyền pháp cho đệ tử gọi là Truyền đăng, kế thừa gọi là Tục đăng, tiếp nỗi mãi không dứt gọi là Vô tận đăng. Trong Mật giáo, đèn được nhân cách hóa mà gọi là Bồ tát Kim cương đăng, là một trong bốn món cúng dường. Đèn cùng với át già (nước trong), hương thoa, vòng hoa, thức ăn, hương đốt, v.v… hợp thành 6 thứ cúng dường, khi phối với 6 ba la mật thì Đăng minh tương đương với Trí ba la mật. [X. kinh Tăng nhất a hàm Q.38; kinh Đại bát niết bàn (bản Bắc) Q.21; kinh Bồ tát bản hạnh Q.thượng; kinh Đăng chỉ nhân duyên; Hữu bộ tì nại da tạp sự Q.13; Đại tỉ khưu tam thiên uy nghi Q.hạ; luận Đại trí độ Q.30; Tứ phần luật hành sự sao Q.hạ phần 4; Thiền lâm tượng khí tiên khí vật môn].