đẳng lưu

Phật Quang Đại Từ Điển

(等流) Phạm: Niwyanda, Pàli: Nissanda. Đẳng là đồng đẳng (cùng), lưu là lưu loại (dòng), đẳng lưu nghĩa là cùng một dòng. Luận Câu xá quyển 21 (Đại 29, 109 hạ), nói: Vô tàm, khan, trạo cử là đẳng lưu của tham. Nghĩa là Vô tàm v.v… chảy ra từ dòng nước tham, có cùng tính chất với tham, cho nên gọi là Đẳng lưu. Nếu nói về thời gian thì cái trước là Đồng loại nhân hoặc Biến hành nhân, mà cái sau thì gọi là Đẳng lưu quả. Còn pháp đồng loại nối nhau sinh khởi thì gọi là Đẳng lưu tương tục. Cứ theo luận Du già sư địa quyển 54, thì sự lưu chuyển tương tục của sắc uẩn có ba loại: Đẳng lưu lưu, Dị thục sinh lưu và Trưởng dưỡng lưu. Trong đó, Đẳng lưu lưu lại được chia làm 4 loại là: Dị thục đẳng lưu, Trưởng dưỡng đẳng lưu, Biến dị đẳng lưu và Bản tính đẳng lưu (cũng gọi Tự tính đẳng lưu). Mật giáo gọi thân Phật tùy theo loại mà thị hiện trong 9 cõi là Đẳng lưu thân. Đó là vì lòng từ bi mà Ngài thị hiện một cách bình đẳng giữa mọi loài trong 9 cõi. [X. luận Đại tì bà sa Q.127; Câu xá luận quang kí Q.22; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.1 phần đầu; Thành duy thức luận thuật kí Q.2 phần cuối].