đẳng lượng cảnh

Phật Quang Đại Từ Điển

(等量境) Phần lượng của ba căn mũi, lưỡi, thân ngang bằng với phần lượng của đối cảnh mà chúng duyên theo. Nghĩa là phần lượng của cảnh sở thủ (đối tượng bị nắm bắt) phải tương đương với phần lượng của căn năng thủ (cái nắm bắt) thì mới có thể phát sinh tác dụng. Cứ theo luận Câu xá quyển 2 , khi 3 căn mũi, lưỡi, thân duyên theo 3 cảnh hương, vị, xúc, thì có 3 cách căn tiếp thu cảnh: Nếu cảnh có phần lượng nhỏ hơn căn thì căn dùng một phần nhỏ để tiếp thu; nếu cảnh có phần lượng bằng với căn thì dùng toàn căn. Khi cảnh ấy lớn hơn căn, như đưa bàn tay sờ mó cây đại thụ, thì trong niệm trước bàn tay duyên lấy một phần nhỏ bằng với căn rồi ở niệm sau thì duyên lấy cảnh còn lại. Đó là vì căn có khả năng phát ra thức một cách mau lẹ để duyên lấy cảnh, cho nên dường như đồng thời duyên lấy cảnh có phần lượng bằng với nó. Còn đối với mắt và tai thì cảnh sở duyên không bị giới hạn ở phần lượng. Như mắt, có lúc nó duyên cảnh nhỏ hơn nó, như thấy sợi lông; lại có lúc nó duyên lấy cảnh lớn hơn nó gấp bội, như thấy núi cao; có khi nó duyên lấy cảnh có phần lượng bằng với nó, như thấy trái nho, trái táo v.v… Nhưng mũi, lưỡi, thân thì chỉ có thể duyên lấy cảnh có phần lượng bằng với nó. Câu xá luận sớ quyển 2 (Đại 41, 831 hạ), nói: Nên biết mũi, lưỡi, thân, chỉ duyên cảnh đẳng lượng (cảnh có phần lượng bằng với chúng). [X. luận Thuận chính lí Q.8; luận Hiển tông Q.4].