đăng lục

Phật Quang Đại Từ Điển

(燈錄) Cũng gọi Truyền đăng lục. Các tác phẩm ghi chép cơ duyên truyền pháp của những bậc Tổ sư Thiền tông qua các đời. Đăng hoặc truyền đăng nghĩa là truyền pháp cho người, như ngọn đèn này truyền sang ngọn đèn khác nối tiếp nhau không dứt. Các tác phẩm Đăng lục đã manh nha vào thời đại Nam Bắc triều, nhưng đến sau khi Thiền tông được thành lập thì Đăng lục mới chính thức xuất hiện. Trải qua nhiều truyền nối, đến đời Tống thì cực thịnh. Từ đó về sau, các đời Nguyên, Minh, Thanh kế thừa truyền thống này, cho nên các tác phẩm Đăng lục xuất hiện ngày càng nhiều. Thông thường, năm bộ Đăng lục trứ tác vào đời Tống được xem như cột mốc để phân định về thời kì hình thành và phát triển của Đăng lục. Đó là các bộ: Cảnh đức truyền đăng lục, Thiên thánh quảng đăng lục, Kiến trung tĩnh quốc tục đăng lục, Liên đăng hội yếu và Gia thái phổ đăng lục. I. Thời Kì Trước Ngũ Đăng (5 bộ Đăng lục) có bộ: Tổ đường tập, 20 quyển, là bộ Đăng lục chính thức của Thiền tông xưa nhất hiện còn, do hai vị sư Tĩnh và Quân biên soạn ở chùa Chiêu khánh tại Tuyền châu vào năm Bảo đại thứ 10 (952) nhà Nam Đường đời Ngũ đại. Nội dung bộ Lục này kế thừa thuyết Tổ thống trong Bảo lâm truyện, theo thể cách viết sự thực mà biên chép ngữ yếu của các Thiền sư, đồng thời, thu tập văn học Thiền, như kệ tụng, ca hành v.v… và cả lịch sử của Thiền tông Triều tiên. Đây là tư liệu rất quí cho việc nghiên cứu về lịch sử, văn học, tư tưởng, v.v… của thời Ngũ đại. II. Thời Kì Ngũ Đăng. Như đã nói ở trên, thời kì này gồm có 5 bộ: 1. Cảnh đức truyền đăng lục, 30 quyển, gọi tắt: Truyền đăng lục, do ngài Đạo nguyên soạn vào niên hiệu Cảnh đức năm đầu (1004) đời Tống, được đưa vào Đại chính tạng tập 51. Nội dung dùng tài liệu trong các bộ Bảo lâm truyện, Tổ đường tập, ghi chép 7 đức Phật quá khứ và 52 vị Tổ sư Thiền tông thuộc 5 nhà qua các đời, gồm 1701 pháp hệ truyền đăng. Đây là tư liệu căn bản để nghiên cứu lịch sử của Thiền tông Trung quốc. 2. Thiên thánh quảng đăng lục, 30 quyển, do cư sĩ Lí tuân Úc biên soạn vào đời Tống, ấn hành vào năm Thiệu hưng 18 (1148), được xếp vào Vạn tục tạng tập 135. So với Cảnh đức truyền đăng lục, thì thấysách này không ghi chép thêm được bao nhiêu những vị Thiền sư thuộc các tông phái và các thế hệ, chẳng qua chỉ thay đổi về thứ tự các Chương, Tiết mà thôi. 3. Kiến trung tĩnh quốc tục đăng lục, 30 quyển, Mục lục 3 quyển, do ngài Phật quốc Duy bạch biên soạn vào đời Tống, hoàn thành vào niên hiệu Tĩnh quốc năm đầu (1101), thu vào Vạn tục tạng tập 136. Đây là tác phẩm nối tiếp bộ Cảnh đức truyền đăng lục, cho nên được gọi là Tục đăng lục. 4. Liên đăng hội yếu, 30 quyển, do ngài Hối ông Ngộ minh soạn vào năm Thuần hi thứ 10 (1183) đời vua Hiếu tông nhà Nam Tống, cũng gọi Thiền tông liên đăng lục, được thu vào Vạn tục tạng tập 136. 5. Gia thái phổ đăng lục, 30 quyển, Mục lục 3 quyển, do ngài Lôi am Chính thụ soạn vào năm Gia thái thứ 4 (1204) đời Tống, được đưa vào Vạn tục tạng tập 37. Nội dung thu chép cơ duyên ngữ yếu của các bậc Tông sư, Ni sư, Vương hầu, Công khanh v.v… Ngoài 5 bộ Đăng lục vừa nêu ở trên, trong thời kì Ngũ đăng còn có các bộ. 1. Truyền đăng ngọc anh tập, 15 quyển, do cư sĩ Vương tùy soạn vào niên hiệu Cảnh hựu năm đầu (1034) đời Tống, được thu vào Tống tạng di trân tập 3 (bản in ảnh của nhà Xuất bản Tân văn phong tại Đài loan). Đây là bản bạt sao san định bộ Cảnh đức truyền đăng lục 30 quyển của ngài Đạo nguyên. 2. Ngũ đăng hội nguyên, 20 quyển, Mục lục 2 quyển, do ngài Phổ tế soạn vào đời Nam Tống, được đưa vào Vạn tục tạng tập 138. Nội dung sách này tóm tắt nghĩa tinh yếu của 5 bộ Đăng lục, lược bớt những chỗ rườm rà, đem số 150 quyển của 5 bộ rút lại còn 20 quyển và hợp chung làm một bộ, cho nên đặt tên là Ngũ đăng hội nguyên. Sau khi bộ sách này xuất hiện thì Ngũ đăng lục nêu trên ít được lưu thông, giới học giả đều hoan hỉ vì sự tiện lợi của nó. Đây là đặc sắc nổi bật của bộ sách này. Ngoài ra, Ngũ đăng lục phần nhiều chỉ căn cứ vào hệ thống của 2 đại sư Nam nhạc Hoài hải và Thanh nguyên Hành tư mà phân chia các thế hệ qua các đời, chứ từ đó trở xuống không chia ra tông phái nữa, cho nên khi đọc Ngũ đăng, người đọc khó có được quan niệm thống nhiếp. Nhưng Ngũ đăng hội nguyên thì phân chia tông phái rõ ràng, gốc ngọn phân minh, tìm biết rất tiện. Cho nên từ thời Nguyên, Minh trở lại đây, bất cứ ai quan tâm nghiên cứu Thiền học cũng có bộ sách này: Đây lại là một đặc sắc quan trọng nữa của bộ sách. 3. Ngũ đăng hội nguyên bổ di, 1 quyển, do ngài Nam thạch Văn tú (1345 – 1418) soạn vào năm Vĩnh lạc 15 (1417) đời Minh, được thu vào Vạn tục tạng tập 142. 4. Ngũ đăng hội nguyên tục lược, 4 quyển hoặc 8 quyển, gọi tắt: Ngũ đăng tục lược, do ngài Viễn môn Tịnh trụ soạn vào năm Sùng trinh 17 (1644) đời Minh, thu vào Vạn tục tạng tập 138. III. Từ Sau Thời Ngũ Đăng gồm có các bộ: 1. Tục truyền đăng lục, 36 quyển, Mục lục 3 quyển, do ngài Viên cực Cư đính biên soạn và hiệu đính vào đời Minh, được xếp vào Đại chính tạng tập 51. 2. Tăng tục tập truyền đăng lục, 6 quyển, Mục lục 1 quyển, do ngài Nam thạch Văn tú đời Minh soạn, thu vào Vạn tục tạng tập 142. 3. Chỉ nguyệt lục, 32 quyển, cũng gọi Thủy nguyệt trai chỉ nguyệt lục, do cư sĩ Cù nhữ tắc soạn vào đời Minh, thu vào Vạn tục tạng tập 143. 4. Kế đăng lục, 6 quyển, Mục lục 1 quyển do ngài Vĩnh giác Nguyên hiền (1578 – 1657) soạn vào đời Minh, thu vào vạn tục tạng tập 147. 5. Ngũ đăng nghiêm thống, 25 quyển, Mục lục 2 quyển, do 2 ngài Phí ẩn Thông dung và Bách si Nguyện công soạn chung vào đời Minh, được xếp vào Vạn tục tạng tập 139. 6. Tục đăng tồn cảo, 12 quyển, Mục lục 1 quyển, do ngài Nhược am Thông vấn soạn vào đời Minh, cư sĩ Thi bái vậng tập. 7. Giáo hóa biệt truyền, 16 quyển, do Lê mi (Quách ngưng chi) biên soạn vào đời Minh, thu vào Vạn tục tạng tập 144. 8. Tục chỉ nguyệt lục, 20 quyển, do Niếp tiên soạn vào đời Thanh, được xếp vào Vạn tục tạng tập 143. 9. Tổ đăng đại thống, 18 quyển, Mục lục 2 quyển, do Vị trung Tịnh phù soạn vào năm Khang hi 11 (1672) đời Thanh. 10. Ngũ đăng toàn thư, 120 quyển, Mục lục 16 quyển, do Tể luân Siêu vĩnh biên soạn và ấn hành vào năm Khang hi 36 (1697) đời Thanh, thu vào Vạn tục tạng tập 140 đến tập 142. 11. Tục đăng chính thống, 42 quyển, Mục lục 1 quyển, do ngài Biệt am Tính thống biên soạn và ấn hành vào năm Khang hi 30 (1691) đời Thanh, thu vào Vạn tục tạng tập 144. 12. Ảm hắc đậu tập, 9 quyển, do cư sĩ Tâm viên soạn và cư sĩ Hỏa liên ấn hành vào năm Càn long 59 (1794) đời Thanh, thu vào Vạn tục tạng tập 145. 13. Cẩm giang thiền đăng, 20 quyển, Mục lục 1 quyển do ngài Trượng tuyết Thông túy (1610 – 1693) soạn vào đời Thanh, được đưa vào Vạn tục tạng tập 145. 14. Kiềm nam hội đăng lục, 8 quyển, do Thiện nhất Như thuần biên tập vào đời Thanh, thu trong Vạn tục tạng tập 145. Trong 24 Đăng lục nói ở trên, 22 bộ trước (kể cả Ngũ đăng) có tính cách thông sử, 2 bộ còn lại có tính chất địa phương. Ngoài ra, còn có nhiều bộ Đăng lục khác, không thể ghi đủ. Bởi vì trong các bộ Đăng lục có thu chép các bài kệ tụng, công án, cổ tắc, cơ ngữ, truyện kí v.v… cho nên có thể coi đó là nguồn tư liệu quí giá về phương diện lịch sử tư tưởng của Phật giáo Trung quốc.