đẳng giác

Phật Quang Đại Từ Điển

(等覺) I. Đẳng Giác. Cũng gọi Đẳng chính giác. Một trong 10 tôn hiệu của Phật. Đẳng giác nghĩa là sự giác ngộ chân chính bình đẳng, tức giác ngộ chân lý hoàn toàn. Chỉ cho sự giác ngộ của chư Phật. (xt. A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề). II. Đẳng Giác. Cũng gọi Đẳng chính giác, Hữu thượng sĩ, Nhất sinh bổ xứ, Kim cương tâm, Lân cực. Về nội dung thì đã ngang bằng với Phật, nhưng về mặt tu hành thực tế thì còn kém Phật một bậc, gọi là Đẳng giác. Trong 52 giai vị tu hành của Bồ tát, Đẳng giác ở giai vị thứ 51, trong 6 chủng tính thì thuộc chủng tính thứ 5. Đây là giai vị tu hành cùng tột của Bồ tát. Bồ tát Đẳng giác khi chưa thành Phật, còn ở địa vị phàm phu y theo chân lí mà tu hành, thì gọi là Nhập trùng huyền môn. [X. phẩm Thụ trì trong kinh Nhân vương bát nhã ba la mật Q.hạ; phẩm Hiền thánh học quán trong kinh Bồ tát anh lạc bản nghiệp Q.thượng; phẩm Thập minh trong Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.14; Tứ giáo nghi Q.6; Đại thừa nghĩa chương Q.17 phần cuối]. III. Đẳng giác. Giai vị ngang hàng với Đẳng giác kim cương tâm (tâm kim cương của Bồ tát Đẳng giác) của bồ tát Di lặc. Tịnh độ chân tông của Nhật bản cho rằng người có tín tâm đối với tha lực chắc chắn được vãng sinh thành Phật, cho nên so sánh tín tâm này với Đẳng giác kim cương tâm của bồ tát Di lặc, mà gọi là Hoành siêu kim cương tâm, đồng thời, cho rằng ngay trong đời hiện tại cũng có thể lên ngôi Đẳng giác ngang hàng với bồ tát Di lặc.