dân tục

Phật Quang Đại Từ Điển


(民俗) Phong tục của một dân tộc. Ta có thể thấy từ nhiều phương diện, sự giáo hóa của Phật giáo đã thấm sâu vào đời sống hàng ngày của các tầng lớp dân chúng tại các nước mà Phật giáo đã truyền vào và có ảnh hưởng rất lớn đối với phong tục tập quán của mỗi nước. Như ở Miến điện, Thái lan, v.v… thuộc phạm vi Phật giáo Nam truyền, tất cả thanh niên đều phải một lần thể nghiệm đời sống xuất gia. Tại các nước châu Á nói chung, những tập tục như: kiêng sát sinh, tin có đời sau, thích ăn chay, ngay cả tín ngưỡng dân gian, việc cúng lễ trong năm, chế độ xã hội, nghi thức mai táng v.v… hầu hết đều có quan hệ mật thiết với Phật giáo. Như ở Trung quốc hàng năm có những tập tục: Tháng giêng lễ Phật, cúng quỷ ở miếu Thành hoàng;tháng hai đốt hương trong hội rước Phật và ngày Thánh đản Quan âm; tháng 4 tắm Phật, phóng sinh, cơm A di, Phật tử cụ v.v… trong ngày Phật đản; tháng sáu Thánh đản bồ tát Dương tứ, Trung thu nhi đồng làm tháp báu, tháng Chạp nấu cháo Lạp bát (cháo nấu với các thứ đậu vào ngày 8 tháng chạp-ngày đức Phật thành đạo), cuối mùa đông diễn sự tích Mục liên cứu mẹ. Ngoài ra, cấm sát sinh để cầu mưa khi hạn hán, tụng kinh lễ sám cầu siêu cho vong linh những người thân và bạn bè đã qua đời, hội Vu lan bồn rằm tháng bảy, cho đến mỗi khi quốc gia gặp phải chiến tranh, lụt lội v.v… thường thỉnh các bậc cao tăng cầu đảo cho khỏi tai nạn v.v… Ở Nhật bản, những ngữ vựng, ẩn ngữ, lí ngạn như: giảng, đàn na, mễ, bát nhã thang, đối mã nhĩ niệm Phật, Phật nhan diệc tam độ v.v…, rồi truyền thuyết hoằng pháp thanh thủy, Lạp Địa tạng, cho đến tượng Địa tạng bằng đá, tháp Canh thân bên đường v.v… tất cả đều là những tập tục dân gian đặc biệt được hình thành do ảnh hưởng Phật giáo. Ở Tây tạng, trước cửa nhà treo miếng vải viết sáu chữ: Án ma ni bát minh hồng; trên các mộ đá dựng cột khắc hoặc chép kinh văn trên lá cờ,hoặc khắc sáu chữ danh hiệu Quan âm trên đá v.v… cũng đều là dân tục rất phổ biến sau khi Phật giáo truyền vào.