đàn thiên tích tiểu

Phật Quang Đại Từ Điển

(彈偏析小) Gọi đủ: Đàn thiên tích tiểu thán đại bao viên. Tiếng dùng để biểu thị tính chất đặc thù của thời Phương đẳng thứ 3 trong năm thời giáo do tông Thiên thai lập ra. Từ ngữ này có xuất xứ từ sách Thiên Thai Tứ Giáo Nghi do ngài Đế quán của tông Thiên thai Cao li biên tập. Còn trong tác phẩm Pháp hoa kinh huyền nghĩa của ngài Trí khải thuộc tông Thiên thai ở đời Tùy, Trung quốc, thì có từ ngữ Tích tiểu đàn thiên, thán đại bao viên. Đàn nghĩa là chỉ trích bài bác; Thiên chỉ cho ba giáo (Tạng, Thông, Biệt) trong bốn giáo hóa pháp. Tông Thiên thai cho giáo pháp của ba giáo này là quyền giáo ứng cơ (giáo tạm thời thích ứng với các căn cơ), chứ chưa phải là giáo pháp rốt ráo viên dung, nên gọi là Thiên (một nửa, lệch về một bên = thiên chấp). Tích là chia chẻ; Tiểu chỉ cho giáo pháp Tiểu thừa (Tạng giáo) hoặc chấp vào giáo thuyết tư tưởng hời hợt hẹp hòi; Thán là khen ngợi; Đại chỉ cho giáo pháp Đại thừa hoặc giáo thuyết tư tưởng giữ lí trung chính, không thiên lệch, sâu xa, rộng lớn, viên dung; Bao là ca ngợi; Viên chỉ cho Viên giáo, tức giáo thứ 4 trong bốn giáo hóa pháp. Những giáo pháp do đức Phật nói trong suốt cuộc đời Ngài đã được đời sau kết tập thành các bộ loại kinh điển, tông Thiên thai dựa vào đó mà chia làm năm thời là thời Hoa nghiêm, thời Lộc uyển (A hàm), thời Phương đẳng, thời Bát nhã, thời Pháp hoa Niết bàn và tám giáo là bốn giáo Hóa nghi và bốn giáo Hóa pháp. Trong năm thời giáo, tông Thiên thai cho rằng đặc điểm của giáo pháp thời Phương đẳng là ở chỗ đàn thiên tích tiểu, thán đại bao viên, tức là chê bai sự nông cạn, thiên lệch, chưa rốt ráo của Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo và khen ngợi diệu nghĩa sâu rộng viên dung của Viên giáo; hoặc chỉ trích bác bỏ sự thiên chấp của Tiểu thừa giáo (Tạng) và khen ngợi Đại thừa giáo (Thông, Biệt, Viên). Mục đích của phương tiện Đàn thiên tích tiểu là nhằm giáo hóa hàng căn cơ Nhị thừa bỏ Tiểu theo Đại, hướng tới Thượng thừa. Trong các bản kinh thuộc Phương đẳng bộ, tông Thiên thai cho kinh Duy ma có thể hiển bày rõ tính chất đặc biệt đàn thiên tích tiểu, thán đại bao viên này nhất. Như trong Pháp hoa huyền nghĩa thích tiêm quyển 19, ngài Kinh khê Trạm nhiên cho rằng, phẩm Bồ tát trong kinh Duy ma thể hiện đủ tính chất Đàn thiên, phẩm Đệ tử thể hiện đủ tính chất Tích tiểu, phẩm Quán chúng sinh thể hiện đủ tính chất Thán đại, còn sự khen ngợi bồ tát Văn thù và cư sĩ Duy ma trong kinh thì thể hiện đủ tính chất Bao viên. Về tám giáo, thì bốn giáo Hóa nghi là những nghi tắc, phương thức giáo hóa chúng sinh của đức Phật được chia làm bốn loại lớn là Đốn giáo, Tiệm giáo, Bí mật giáo và Bất định giáo. Còn bốn giáo Hóa pháp thì chia phương pháp hóa đạo chúng sinh của đức Phật làm 4 loại lớn là Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo và Viên giáo. Trên đây là tổng thuyết giáo phán của tông Thiên thai và trong năm thời thì mỗi thời đều có đặc sắc và tinh thần chỉ thú riêng. [X. Tứ giáo nghi tập chú Q.thượng; Tứ giáo nghi tập chú bán tự đàm Q.1].