LUẬN A TỲ ĐÀM TỲ BÀ SA
Tác giả: Tôn giả Ca Chiên Diên Tử
Giải thích: Năm trăm A La Hán
Hán dịch: Sa-môn Phù Đà Bạt Ma, Đạo Thái v.v…Đời Bắc Lương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Dẫn Nhập

(Đầu quyển 1)

Thế nào là pháp Thế đệ nhất? Vì sao gọi là pháp Thế đệ nhất? Chương như thế và giải thích nghĩa chương, ở đây sẽ nói rộng, về Ưuba-đề-xá.

Hỏi: Ai soạn kinh nầy?

Đáp: Phật – Thế tôn. Vì sao? Vì tánh, tướng của các pháp sâu xa, mầu nhiệm, chỉ có đấng Nhất thiết trí mới xét đoán được tường tận.

Hỏi: Ai hỏi, ai đáp?

Đáp: Hoặc có người nói: Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi, Đức Phật đáp.

Lại có thuyết nói: Năm trăm A-la-hán hỏi, Đức Phật đáp.

Lại có người nói: Chư thiên hỏi, Phật đáp.

Lại có người nói: Người biến hóa hỏi, Đức Phật đáp. Vì sao? Vì tánh, tướng của các pháp cần phải nói rộng, nhưng không ai hỏi. Bấy giờ, Đức Thế tôn hóa thành Tỳ-kheo, cạo bỏ râu tóc, đắp y tăng-già-lê, hình dáng đoan chánh. Vị Tỳ-kheo ấy hỏi, Đức Phật đáp. Chẳng hạn như hỏi: Nhân duyên các nghĩa kinh.

Hỏi: Nếu vậy vì sao lại nói là do Tôn giả Ca-chiên-diên-tử soạn?

Đáp: Vì Tôn giả kia thường ưa thọ trì đọc tụng, vì người khác giải thích, rộng nói, sao cho được lưu hành phổ biến. Vì danh xưng đều ở Tôn giả, nên nói là do Tôn giả tạo.

Lại có người nói: Chính Tôn giả Ca-chiên-diên-tử kia soạn kinh nầy.

Hỏi: Vừa nói: Tánh, tướng các pháp sâu xa, mầu nhiệm, chỉ đấng

Nhất thiết trí mới xét đoán được tường tận. Vậy Tôn giả Ca-chiên-diêntử làm sao có thể soạn được?

Đáp: Tôn giả Ca-chiên-diên-tử kia cũng có trí tuệ sâu rộng, bén nhạy, khéo nhận biết về tướng chung, tướng riêng. Lại biết nghĩa văn và giới hạn trước sau, hiểu ba tạng, ba minh, sáu thông, đủ tám giải thoát, lìa dục ba cõi, đạt được nguyện trí, đã tu hành và lập nguyện đối với năm trăm Đức Phật: Nguyện cho con ở đời vị lai, trong giáo pháp để lại của Đức Phật Thích- Ca- Mâu -Ni, có thể soạn ra kinh Atỳ-đàm.

Hỏi: Nếu vậy A-tỳ-đàm của Phật là thế nào?

Đáp: Ở mỗi khu vực, xóm ấp, vì hóa độ chúng sinh, nên Đức Thế tôn đã giảng nói bằng nhiều cách. Tôn giả Ca-chiên-diên-tử kia, trong giảng nói bằng nhiều cách ấy đã lập chương môn, soạn kệ tụng, đặt tên phẩm, nêu những kiền-độ: Nếu nói các thứ nghĩa không giống nhau, thì lập ra Kiền-độ Tạp, nếu nói tướng của sử, thì lập ra Kiền-độ Sử. Nếu nói tướng của trí thì lập ra Kiền-độ Trí. Nếu nói tướng của nghiệp thì lập ra Kiền-độ Nghiệp. Nếu nói tướng của bốn đại thì lập ra Kiền-độ bốn đại. Nếu nói tướng của căn thì lập ra Kiền-độ Căn. Nếu nói tướng của định thì lập ra Kiền-độ Định. Nếu nói tướng của kiến thì lập ra Kiền-độ Kiến. Như kinh Pháp Cú có chép: Đức Thế tôn đã vì chúng sinh ở các khu vực, xóm ấp, mà giảng nói bằng cách nói.

Tôn giả Đạt-ma-đa-la, sau khi Phật diệt độ, trong giảng nói bằng nhiều cách, đối với nghĩa vô thường đã lập ra phẩm Vô thường, cho đến nghĩa Phạm chí, cũng lập ra phẩm Phạm chí. Tôn giả Ca-chiên-diên-tử nầy cũng giống như thế.

Vả lại, Chư Phật xuất hiện ở đời, đều nói ba tạng, đó là tu-đa-la, Tỳ-ni và A-tỳ-đàm.

Hỏi: Có gì khác nhau giữa Tu-đa-la, Tỳ-ni và A-tỳ-đàm?

Đáp: Có người nói: Không có khác nhau. Vì sao? Vì đều xuất phát từ biển trí sông Phật, và từ tâm đại từ mà giảng nói.

Lại có người nói: Cũng có khác nhau. Khác nhau thế nào? Sao gọi là khác nhau? Đó là:

Gọi đây là Tu-đa-la, đây là Tỳ-ni, đây là A-tỳ-đàm. Hơn nữa, khác nhau vì phân biệt về tâm nên gọi là tu-đa-la, phân biệt về giới nên gọi là Tỳ-ni, và vì phân biệt về tuệ nên gọi là A-tỳ-đàm.

Hỏi: Nếu vậy thì trong Tu-đa-la vừa phân biệt về giới, vừa phân biệt về tuệ? Trong Tỳ-ni vừa phân biệt về tâm, vừa phân biệt về tuệ? Trong A-tỳ-đàm vừa phân biệt về tâm, vừa phân biệt về giới? Ba Tạng như thế, có gì khác nhau?

Đáp: Vì dựa vào phần nhiều: Trong Tu-đa-la phần nhiều nói về Tâm pháp, trong Tỳ-ni phần nhiều nói về Giới pháp, trong A-tỳ-đàm phần nhiều nói về Tuệ pháp.

Lại nữa, trong Tu-đa-la: Nếu phân biệt về tâm thì gọi là Tu-đa-la, nếu phân biệt về giới thì gọi là Tỳ-ni, nếu phân biệt về tuệ thì gọi là A-tỳ-đàm.

Trong A-tỳ-đàm, nếu phân biệt về giới thì gọi là Tỳ-ni, nếu phân biệt về tâm thì gọi là Tu-đa-la, nếu phân biệt về tuệ thì gọi là A-tỳđàm.

Trong Tỳ-ni, nếu phân biệt về tuệ thì gọi là A-tỳ-đàm, nếu phân biệt về giới, thì gọi là Tỳ-ni, nếu phân biệt về tâm thì gọi là Tu-đa-la. Đó gọi là sự khác nhau của ba tạng.

Lại nữa, nên tìm xét thứ lớp trong Tu-đa-la. Vì những lý do nào Đức Thế tôn nói Tu-đa-la nầy? Kế lại nói Tu-đa-la nầy? (Như nói: Tin Phật, kế nên tin pháp, là thứ lớp tìm nghĩa).

Trong Tỳ-ni, nên tìm xét về nhân duyên. như nói giới nầy duyên việc như thế nào để chế ra?

Trong A-tỳ-đàm nên dùng tướng để tìm xét, không dùng thứ lớp.

Lại nữa, trong Tu-đa-la vì dựa vào lực, nên nói. Tỳ-ni vì dựa vào tâm đại từ, nên nói. A-tỳ-đàm vì dựa vào vô úy, nên nói.

Lại nữa, trong giảng nói bằng nhiều cách có sự xen lẫn gọi là tu-đa-la, nói rộng về giới luật gọi là Tỳ-ni, nói về tướng chung, tướng riêng, gọi là A-tỳ-đàm.

Lại nữa, chưa trồng căn thiện, khiến cho gieo trồng căn thiện gọi là tu-đa-la. Đã gieo trồng căn thiện, muốn cho thành thục, gọi là Tỳ-ni. Khi căn thiện đã thành thục, được chánh giải thoát, gọi là A-tỳ-đàm.

Lại nữa, vì mới nhập vào pháp, nên gọi là tu-đa-la. Đã nhập vào pháp, là thọ trì giới, nên gọi là Tỳ-ni. Người đã thọ giới, khiến cho được chánh giải thoát, gọi là A-tỳ-đàm.

Tu-đa-la, Tỳ-ni, A-tỳ-đàm, đó gọi là khác nhau.

Hỏi: Tôn giả kia vì nhân duyên gì soạn kinh nầy?

Đáp: Vì muốn làm lợi ích cho người. Nếu có người nào, thọ trì đọc tụng hiểu, giảng nói nhớ nghĩ, vô lượng phiền não và các hành vi ác không hiện ở trước, do sự chuyên tu ân cần nầy, nên có thể nhập vào pháp tướng. Ví như có người muốn giúp ích cho người khác, trong ngôi nhà tối đốt ngọn đèn to, để cho kẻ có mắt được thấy các thứ sắc. Tôn giả cũng giống như thế. Vì muốn giúp ích cho người khác nên soạn kinh nầy. Đức Phật cũng giống như vậy, vì làm lợi ích cho chúng sinh, nên nói mười hai bộ kinh:

  1. Tu-Đa-La.
  2. Kỳ- Dạ.
  3. Ba-Già-La-Na.
  4. Già-Đà.
  5. Ưu-Đà- Na.
  6. Ni -Đà-Na.
  7. A- Ba- Đà-Na.
  8. Y- Đế- Mục-Đa -già.
  9. Xà- Đà- già.
  10. Tỳ- Phật-Lược.
  11. A-Phù- Đà -Đạt -Ma.
  12. Ưu- Ba-Đề-Xá.

Vì sao? Vì có chúng sinh, dù đã có nhân trong, nhưng không có duyên ngoài, chung qui, vẫn không thể tu hạnh thắng tiến, nếu gặp duyên ngoài thì có thể tu hành. Ví như các thứ hoa Bát-đầu-ma, Phânđà-lợi, Câu-vật-đầu, Ưu-bát-la ở dưới ao nước, nếu ánh sáng mặt trời không chiếu đến, thì chúng sẽ không nở, không tỏa hương thơm. Nếu ánh sáng mặt trời chiếu đến, thì chúng sẽ nở hoa, ngát hương. Ví như trong ngôi nhà tối có các thứ vật, nếu không có sự sáng suốt đèn chiếu vào, thì không thể thấy; có đèn thì thấy. Chúng sanh cũng vậy, dù có nhân bên trong, nhưng không có duyên bên ngoài, chung qui vẫn không thể tu hành thắng tiến, nếu gặp ngoại duyên thì có thể tu tập hạnh thắng tiến.

Vì việc nầy nên Đức Phật nói kệ:

Ví như trong nhà tối
Tuy có các thứ vật
Nếu không đèn soi sáng
Có mắt cũng không thấy.
Nếu người dù có trí
Không nghe pháp từ người
Người ấy không thể nào
Phân biệt nghĩa thiện, ác.
Ví như người có mắt
Nhờ đèn thấy các sắc
Có trí dựa học rộng
Phân biệt nghĩa lành, dữ.
Học rộng, thì biết pháp
Học rộng, dễ tránh ác
Học rộng, lìa vô nghĩa
Học rộng, được Niết-bàn.

Kinh Phật cũng nói: Có hai nhân, hai duyên thì phát sinh chánh kiến:

  1. Nghe pháp từ người khác.
  2. Trong tâm suy nghĩ chân chánh.

Lại nói: Người nào có được bốn pháp là điều rất ít có:

  1. Gần thiện trí thức.
  2. Nghe pháp từ người khác.
  3. Trong tâm suy nghĩ chân chánh.
  4. Tu hành đúng như pháp.

Lại nói: Nếu đệ tử ta, nhất tâm nghe pháp, thì sẽ dứt được năm cái, tu hành đầy đủ bảy pháp giác phần. Ví như Phật Thế tôn, vì làm lợi ích cho người, nên nói mười hai bộ kinh. Tôn giả Ca-chiên-diên-tử kia cũng giống như thế.

Lại nữa, vì muốn phá trừ bóng tối vô minh, như ngọn đèn xua tan bóng tối, phát ra sự sáng suốt, A-tỳ-đàm cũng giống như thế: Phá trừ bóng tối vô minh, mang đến sự sáng suốt trí tuệ.

Lại nữa, vì muốn cho hình tượng vô ngã được rõ ràng. Ví như chiếc gương sáng, thì hiện các sắc tượng, nếu người nào có thể dùng tuệ A-tỳ-đàm, khéo phân tướng riêng chung, tướng riêng, thì hình tượng vô ngã, vô nhân tự nhiên hiển hiện.

Lại nữa, vì muốn vượt qua sông sinh tử. Ví như trăm ngàn na-dotha chúng sinh, đều nương vào chiếc thuyền vững chắc, không có sự sợ hãi, từ bờ bên nầy sẽ qua đến bờ bên kia. Cũng thế, trăm ngàn na-dotha Chư Phật, Thế tôn và các quyến thuộc, cũng giống như vậy. Dựa vào thuyền A-tỳ-đàm, không hề sợ hãi, từ bờ bên nầy sang bờ bên kia.

Lại nữa, vì muốn các kinh Tu-đa-la làm ngọn đèn sáng. Như người cầm đuốc, thì không hề sợ hãi bóng tối. Cũng thế, người tu hành cầm đuốc A-tỳ-đàm, đối với nghĩa Tu-đa-la không không hề sợ hãi!

Lại nữa, vì quan sát các pháp thiện, bất thiện, vô ký, như người khéo biết vật báu, khéo phân biệt các báu như kim cương, v.v… Cũng thế người trí dùng tuệ A-tỳ-đàm để phân biệt các pháp thiện, bất thiện, vô ký.

Lại nữa, vì hiện bày người có A-tỳ-đàm thì như núi Tu-di không gì có thể làm cho nghiêng động. Như núi chúa Tu-di đứng sừng sững, yên định trên đất “Kim luân”, gió mạnh bốn phương thổi đến, không thể làm lay động. Cũng thế, người trí dùng núi Tu-di của tuệ A-tỳ-đàm, an trí trên địa “Kim luân” giới, bốn thứ gió tà điên đảokhông thể lay động.

Lại nữa, vì ba nhân duyên, nên Tôn giả Ca-chiên-diên-tử soạn ra kinh nầy, đó là:

  1. Vì tăng ích cho trí.
  2. Vì khai thị ý giác ngộ.
  3. Vì dứt trừ ngã, nhân.

Tăng ích cho trí: Nghĩa là tất cả kinh, luận trong các pháp nội, ngoại, không gì bằng A-tỳ-đàm.

Khai thị ý giác ngộ: Nghĩa là chúng sinh thường mê ngủ, không có lúc thức, do đó, không biết thế nào là sử nhất thiết biến? Thế nào là không biến sử? Thế nào là tự giới duyên biến sử, thế nào là tha giới duyên biến sử? Thế nào là duyên hữu lậu? Thế nào là duyên vô lậu? Thế nào là duyên hữu vi? Thế nào là duyên vô vi? Thế nào là gồm nhiếp? Thế nào là Tương ưng? Thế nào là nhân? Thế nào là duyên? Ai thành tựu? Ai không thành tựu?

Người biết rõ các pháp xa gần như thế v.v…, là nhờ oai lực của A-tỳ-đàm.

Dứt trừ ngã, nhân: Nghĩa là Tôn giả Ca-chiên-diên-tử kia, soạn kinh A-tỳ-đàm, không hề nói có ngã, nhân, trong tất cả mọi chỗ, thường nói không có ngã, không có nhân.

Vì các nhân duyên như thế v.v…, nên Tôn giả kia soạn kinh A-tỳđàm nầy.

Hỏi: Thể của A-tỳ-đàm là gì?

Đáp: Là tuệ căn vô lậu, tự thể gồm nhiếp một giới, một nhập, một ấm. Một giới, nghĩa là pháp giới, một nhập, nghĩa là pháp nhập, một ấm, nghĩa là hành ấm. Nếu lấy tương ưng, có chung thì gồm nhiếp ba giới, hai nhập, năm ấm. Ba giới, nghĩa là: ý giới, ý thức giới và pháp giới. Hai nhập là: Ý nhập và pháp nhập. Năm ấm là: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Lại, Tu-đa-la có nói: Nầy Đế-thích! Trong đêm dài sinh tử, tâm chân chất, ngay thẳng, không có tà vạy, dua nịnh. Những điều đã hỏi, vì để nhận biết rõ, chứ chẳng phải để quấy rối, nên Ta sẽ dùng A-tỳ-đàm sâu xa, ông hãy tùy ý hỏi.

Ở đây, thế nào là nghĩa sâu xa? Đó là tuệ căn vô lậu?

Lại như kinh nói: Có Phạm chí, họ Độc Tử, tánh chân chất, ngay thẳng, không có cong vạy, dua nịnh. Những điều ông đã hỏi vì để nhận biết rõ, chứ chẳng phải để quấy nhiễu, nên ta sẽ dùng A-tỳ-đàm sâu xa ông tùy ý hỏi.

Ở đây, nghĩa sâu xa là gì? Là tuệ căn vô lậu.

Lại có Bà-la-môn Phạm-ma-du và Phạm chí Tu-bạt, cũng nói như trên.

Như Phật bảo Phạm chí Tiên Ni: Pháp của Ta sâu xa, khó hiểu, khó diễn đạt, khó biết, khó thấy, không thể tư duy, phân biệt mà hiểu được. Chỉ người có trí vi diệu quyết định mới nhận biết được ông là người trí tuệ cạn cợt không thể biết được. Vì sao? Vì không tức là vô ngã, mà ông thì chấp ngã! Suốt đêm dài sinh tử, ông thường có kiến khác, dục khác tâm khác. Do đó, ông là người trí tuệ nông cạn không thể biết được!

Ở đây thế nào là nghĩa sâu xa? Đó là tam-muội không.

Như nói người ngu không có mắt, mà lại luận về nghĩa sâu xa với Tỳ-kheo, Thượng tọa có trí tuệ.

Trong đây, thế nào là nghĩa sâu xa? Đó là pháp thối lui.

Như Phật bảo Tôn giả A-nan: Pháp mười hai nhân duyên nầy, sâu xa, khó hiểu, khó diễn đạt, khó biết, khó thấy, không thể tư duy, phân biệt mà hiểu được, chỉ người có trí tuệ mầu nhiệm quyết định mới hiểu được, ông là người trí tuệ nông cạn không thể hiểu được!

Trong đây, thế nào là nghĩa sâu xa? Đó là nhân duyên.

Như nói: Chỗ nầy sâu xa, đó là duyên khởi. Pháp nầy lìa dục vắng lặng, Niết-bàn. Trong đây, thế nào là nghĩa sâu xa? Đó là tánh lặng dứt của nhân duyên.

Như nói: Các pháp sâu xa, nên khó thấy, vì khó thấy nên sâu xa. Trong đây, thế nào là nghĩa sâu xa? Đó là thể tánh sâu xa của tất cả các pháp.

Hỏi: thế nào là thể của A-tỳ-đàm?

Đáp: Là tuệ căn vô lậu. Do sức của tuệ căn vô lậu, nên đã giúp cho chỗ sinh được tuệ, có thể thọ trì mười hai bộ kinh, đọc tụng hiểu, cũng gọi là A-tỳ-đàm. Lại cũng do sức của tuệ căn vô lậu, nên có thể làm cho văn tuệ biết được tướng riêng, tướng chung. Lại khiến cho văn tuệ kiến lập tướng chung, tướng riêng. Lại còn giúp cho văn tuệ dứt trừ cái ngu của tự tánh và ngu trong duyên, không nhận lầm về pháp. Lại cũng do sức của tuệ căn vô lậu, nên có thể giúp cho tư tuệ bất tịnh, an ban, niệm xứ v.v…, cũng gọi là A-tỳ-đàm. Lại cũng do sức của tuệ căn vô lậu, nên có thể làm cho tu tuệ được Noãn, Đảnh, Nhẫn và pháp Thế đệ nhất, cũng gọi là A-tỳ-đàm.

Lại, cũng do tuệ như thế v.v…, đã làm cho tuệ căn vô lậu chuyển biến được sáng sạch, gọi là A-tỳ-đàm.

Hỏi: Nếu tuệ căn vô lậu là thể của A-tỳ-đàm, thì sao kinh nầy lại gọi là A-tỳ-đàm?

Đáp: A-tỳ-đàm đầy đủ, cũng gọi là A-tỳ-đàm. Như trong kinh chỗ nào cũng nói: Do các thứ vật nên đặt nhiều thứ tên. Do có lậu, nên nói là lậu. Như nói bảy lậu là phiền não, là sự cháy hừng hực, là khổ não. Thật ra lậu có ba, đó là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Vì có nhơ nhớp, nên nói là cấu. như kệ nói:

Nữ làm nhơ phạm hạnh
Nữ ràng buộc chúng sinh
Khổ hạnh là phạm hạnh
Không dùng nước rửa sạch.

Người nữ thật ra chẳng phải nhơ. Nhơ thật sự có ba: Đó là vết nhơ tham, sân, si.

Vì có vui, nên nói là lạc. Như kệ nói:

Vui khi uống ăn
Đắp y cũng vui
Kinh hành hang núi
Đây cũng lại vui.

Uống ăn v.v… chẳng phải vui. Vui thật là lạc thọ.

Vì có sử, nên nói là sử, ví như nói: Tỳ-kheo bị sắc sai khiến, bị sắc ràng buộc. Sắc chẳng phải sử. Sử thật có bảy, có vị, nên nói là vị, ví như nói Tỳ-kheo chạy theo sắc, sắc là cái móc của ma. Mắt chẳng phải vị, vị thật là ái, có dục, nói là dục, như nói sự tốt đẹp của năm dục, có thể làm cho tâm ái tăng trưởng, đắm nhiễm. Sắc v.v… chẳng phải dục, thật ra dục là ái. Có thối lui, nói là thối lui. Như nói A-la-hán thời giải thoát có năm nhân duyên thối lui:

  1. Làm việc, nhọc nhằn.
  2. Tụng kinh nhiều.
  3. Tranh cãi, thưa kiện.
  4. Đi xa.
  5. Bệnh kéo dài.

Chẳng phải làm việc v.v… mà thối lui, thật ra thối lui là pháp bất thiện, vô ký ẩn mất. Có nghiệp, nói là nghiệp, như nói: Tỳ-kheo có ba thứ ý nghiệp bất thiện, sinh quả báo khổ, đó là tham, giận dữ, tà kiến. Thể của chúng chẳng phải nghiệp, nghiệp thật ra có ba: Thân, miệng, ý. Vì có báo, nên nói là báo. Như Tôn giả A-nê-lô-đầu nói: Ta nhờ quả báo bố thí một bữa ăn, nên bảy lần sinh lên tầng trời Ba Mươi Ba, bảy lần sinh vào nước Ba-la-nại. Thức ăn chẳng thể sinh báo, mà sinh báo là pháp thiện, bất thiện, thiện là pháp hữu lậu. Trong kinh chỗ nào cũng nói như thế v.v… vì có các thứ vật nên nói các thứ tên.

Ở đây cũng thế. Vì có A-tỳ-đàm nên nói là A-tỳ-đàm.

Hỏi: Do nghĩa nào mà gọi là A-tỳ-đàm?

Đáp: Tôn giả Hòa-tu-mật nói: Có thể quyết định phân biệt được mười hai bộ kinh, gọi là A-tỳ-đàm. Lại nói: Hiểu được mười hai nhân duyên, gọi là A-tỳ-đàm.

Lại nữa, đối với bốn Thánh đế, có thể theo thứ lớp quyết định đúng đắn, gọi là A-tỳ-đàm.

Lại nói: Có khả năng giải thích pháp tu tập, nhập Thánh đạo, gọi là A-tỳ-đàm.

Lại nói: Có thể chứng đắc Niết-bàn, gọi là A-tỳ-đàm.

Tôn giả Bà-đàn-đà nói: Xuất ly phiền não, ràng buộc, giải thoát, sinh tử, Niết-bàn, các pháp như thế v.v… do danh, vị, cú, thân, thứ lớp soạn tập, phân biệt, giải thích, gọi là A-tỳ-đàm.

Tôn giả Cù-sa nói: Cầu giải thoát, nghĩa là các hạnh đã thực hành, người chưa phân biệt đều phân biệt, đó gọi là khổ, là nhân của khổ, là đạo, là quả của đạo, là đạo phương tiện, là đạo vô ngại, là đạo giải thoát, là đạo thắng tiến, là đạo hướng quả, là đắc quả, gọi là Atỳ-đàm.

Tôn giả Ba-xa nói: Trí nầy là trí rốt ráo, trí nầy là trí bậc nhất, trí nầy là trí không ngộ nhận, gọi là A-tỳ-đàm.

Người của A-tỳ-đàm nói: Có thể lựa chọn các thứ để hiểu ro, chứng biết tất cả các pháp gọi là A-tỳ-đàm.

Lại nói: Pháp tánh sâu xa, có thể đạt đến tận đáy nguồn của chúng, gọi là A-tỳ-đàm.

Lại nói: Có thể làm thanh tịnh pháp nhãn gọi là A-tỳ-đàm.

Lại nói: Hiển phát trí tuệ sâu xa, gọi là A-tỳ-đàm.

Lại nói: Nếu người nào dùng tuệ A-tỳ-đàm phân tướng riêng chung, tướng riêng, thì không ai có thể đúng như pháp mà nói lỗi của họ, gọi là A-tỳ-đàm.

Bộ Di-sa-tắc nói: Như đèn có công năng sáng, gọi là A-tỳ-đàm. Như nói: Trong tất cả sự chiếu sáng, sự chiếu sáng của trí tuệ là trên hết.

Bộ Đàm-ma-quật nói: Pháp nầy tăng thượng, gọi là A-tỳ-đàm.

Như nói: Trong tất cả các pháp, tuệ là trên hết.

Phái Thí dụ nói: Trong các pháp, Niết-bàn là trên, vì pháp nầy là kế đó, nên gọi là A-tỳ-đàm.

Phái Thanh Luận nói: A-tỳ là trừ bỏ, cũng nói là lựa chọn. Trừ bỏ tức là trừ bỏ các phiền não kiết phược sử, Triền. Lựa chọn là lựa chọn các pháp như đạo phẩm như Duyên khởi, ấm, nhập, giới v.v…

Lại nữa: A-tỳ dịch là tăng thượng mạn, như gọi là tăng thượng mạn

Như nói: Người trên gọi là người tăng thượng. Như nói: Dật trên gọi là tăng thượng dật. Kinh nầy tăng thượng nên gọi là A-tỳ-đàm.

Lại nữa: A-tỳ gọi là hiện tiền, tất cả các pháp như đạo phẩm thiện v.v…, đều hiện trước mặt, gọi là A-tỳ-đàm.

Lại nữa: A-tỳ dịch là cung kính. Pháp nầy tôn trọng đáng kính nên gọi là A-tỳ-đàm. Kinh nầy được gọi là nền tảng của trí tuệ.

Hỏi: Vì sao gọi là nền tảng của trí tuệ?

Đáp: Vì các trí rốt ráo đều xuất xứ từ kinh nầy, nên gọi là nền tảng.

Lại nữa: Kinh nầy gọi là chỗ đặt chân của trí. Các trí rốt ráo đều nhờ kinh nầy mà được thành lập, cho nên gọi là chỗ đặt chân của trí.

Hỏi: Kinh nầy có lợi ích gì?

Đáp: Thuận theo giải thoát, thuận theo vô ngã, dứt chấp ngã, nhân, nói rõ về vô ngã, phát ý giác cho con người, sinh ra trí tuệ, dứt trừ sự ngu si, cắt đứt lưới nghi, được quyết định, trừ bỏ sự hừng cháy, hướng đến xuất ly, được nối tiếp trong thú vui vắng lặng, chấm dứt sinh tử luân hồi, thuận theo pháp không, tiến đến bờ Niết-bàn, có thể dứt tất cả dị kiến của ngoại đạo, đối với pháp Phật có khả năng sinh khởi tất cả tâm hân hoan, ưa thích. Kinh nầy có những lợi ích như thế, nên gọi là A-tỳ-đàm.