đan

Phật Quang Đại Từ Điển

(單) Tiếng dùng trong Thiền lâm. Tờ giấy ghi chép văn thư, đơn từ hoặc các việc trong tùng lâm, gồm có các loại: 1. Danh đơn, gọi tắt là Đơn. Miếng giấy ghi tên mỗi người, dán ở chỗ ngồi, hoặc dán ở giường nằm của mình trong nhà Tăng. Thông thường dùng giấy mầu hồng để ghi. 2. Bạ đơn, cuốn sổ ghi tên của tăng chúng trong tùng lâm. 3. Thảo đơn, cuốn sổ ghi tuổi hạ (sổ tăng tịch) của chư tăng trong thời kì an cư. 4. Sai đơn, cũng gọi Sai trướng, Sai định. Tờ giấy ghi các chức vụ theo thứ tự đã được luân phiên phân bổ. 5. Kinh đơn, tờ giấy vàng ghi tên các bộ kinh mà đại chúng phải đọc tụng hàng ngày. 6. Đơn trướng, sổ chi thu tiền bạc. 7. Nhật đơn, giấy ghi chép các khoản chi thu mỗi ngày. 8. Tuần đơn, giấy ghi chép các khoản chi thu 10 ngày một lần. 9. Nguyệt đơn, giấy ghi các khoản thu chi hàng tháng. 10. Đơn ngân, cũng gọi Đơn sấn. Tờ giấy ghi các khoản chi linh tinh phát cho chúng tăng thường trụ hàng tháng. 11. Đơn vị, gọi tắt là Đơn. Cũng gọi Quải đáp đơn. Chỗ ngồi hoặc nằm của mỗi người trong nhà Tăng. Chỗ ngồi hoặc nằm này dài 6 thước (Tàu), rộng 3 thước. Hai đơn ở hai bên cạnh mình gọi là Lân đơn. Khi từ biệt chùa viện mà đi gọi là Khởi đơn, hoặc gọi là Trừu đơn (rút đơn). Những đồ dùng khi ngủ nghỉ, gọi là Miên đơn; cái mền để đắp, gọi là Bị đơn. Khai sáng tăng đường gọi là Khai đơn. Nếu người phạm giới bị đuổi ra khỏi chùa, gọi là Thiên đơn. [X. mục Thỉnh tang tư chức sự, chương Trụ trì trong Sắc tu Bách trượng thanh qui Q.thượng; mục Du phương tham thỉnh, mực Nhật tụng quĩ phạm, chương Đại chúng, mục Hạ tiền xuất thảo đơn, chương Tiết lạp và mục Phó tự, chương Lưỡng tự trong Sắc tu Bách trượng thanh qui Q.hạ; Thiền uyển thanh qui Q.1, Q.2; mục Tạp chí trong Tổ đường sự uyển Q.8; Kết chế thảo đơn pháp trong Tăng đường thanh qui Q.3]. (xt. Đơn Trướng, Thỉnh Giả).