đàm thiên

Phật Quang Đại Từ Điển

(曇遷) I. Đàm Thiên (384 – 482). Vị tăng ở đời Tống, Tề thuộc Nam triều, người Kiến khang, tổ tiên là người nước Nguyệt chi, họ Chi. Sư rất ham học Phật, Nho, hay bàn về Lão Trang, thạo thư pháp (nghệ thuật viết chữ Hán), lại giỏi về Phạm bái (tán tụng, đọc canh). Lúc đầu sư trụ trì chùa Kì hoàn, sau dời đến ở chùa Ô y. Năm Kiến nguyên thứ 4 sư tịch, thọ 99 tuổi. Sư có chú sớ bộ Thập địa kinh luận. II. Đàm Thiên (542 – 607). Vị tăng ở đời Tùy, người Nhiêu dương, Bác lăng (Hà bắc), họ Vương. Thủa nhỏ sư theo cậu học Lục kinh, đặc biệt ham Chu dịch. Năm 21 tuổi, sư y vào ngài Đàm tĩnh xuất gia ở chùa Giả hòa thuộc Định châu. Mới đầu sư học kinh Thắng man, sau khi thụ giới Cụ túc, ẩn cư ở chùa Tịnh quốc núi Lâm lự, nghiên cứu các kinh luận Đại thừa như kinh Hoa nghiêm, kinh Thập địa, kinh Duy ma, kinh Lăng già, luận Đại thừa khởi tín, luận Duy thức v.v… Sư mắc bệnh tâm nhiệt, nằm mộng thấy nuốt mặt trăng sáng mà hết bệnh, do đó mới đổi tên là Nguyệt đức. Khi Vũ đế nhà Bắc Chu diệt Phật, sư về Kiến khang lánh nạn ở nhà Thứ sử Tưởng quân tại Quế châu, sư được đọc luận Nhiếp đại thừa, cảm thấy tâm ý rỗng suốt. Đầu đời Tùy, sư đến chùa Mộ thánh ở Bành thành giảng luận Nhiếp đại thừa, luận Đại thừa khởi tín, kinh Lăng già v.v… Từ đây học phái Nhiếp luận được truyền đến phía Bắc. Năm Khai hoàng thứ 7 (587), vua ban chiếu chỉ triệu sư về trụ trì chùa Đại hưng thiện tại Kinh đô hoằng dương luận Nhiếp đại thừa, mấy nghìn người đến theo học. Năm Khai hoàng thứ 10 (590), theo lời đề nghị của sư, vua Văn đế cho tất cả tăng ni, vì nạn diệt Phật đã phải hoàn tục hoặc trốn tránh, nay được xuất gia trở lại, con số này đến mười vạn người. Niên hiệu Nhân thọ năm đầu (601), vua ban lệnh xây 30 tòa tháp Xá lợi trên khắp nước, sư vâng mệnh đến chùa Phượng tuyền ở Kì châu trông coi việc xây ngôi tháp tại đây. Sau đó vua lại ra lệnh mỗi châu đều phải xây chùa và kiến tạo linh tháp. Tất cả những việc này đều nhờ công lao của sư. Sau đó, sư được triệu về ở chùa Thiền định tại kinh đô. Năm Đại nghiệp thứ 3 (607) sư thị tịch, hưởng thọ 66 tuổi. Đệ tử của sư gồm có các vị: Tịnh nghiệp, Đạo triết, Tĩnh lâm, Huyền uyển, Đạo anh, Minh ngự, Tĩnh ngưng v.v… Sư để lại các tác phẩm: Nhiếp luận sớ 10 quyển và chú giải kinh Lăng già, luận Khởi tín, luận Duy thức, luận Như thực. Ngoài ra còn có Cửu thức chương, Tứ minh chương, Hoa nghiêm minh nan phẩm huyền giải v.v… tất cả gồm 20 quyển, nhưng đều đã thất lạc. [X. Tục cao tăng truyện Q.2, Q.12, Q.18, Q.20]. (xt. Nhiếp Luận Tông).