đàm nghĩa

Phật Quang Đại Từ Điển

(談義) Hàm ý là giảng nói nghĩa lí của Phật pháp. Cũng gọi Đàm nghị, Pháp vấn, Văn đàm. Phẩm Li thế gian trong kinh Hoa nghiêm (bản dịch mới) quyển 53 (Đại 12, 281 hạ), nói: Này các Phật tử! Bồ tát ma ha tát có 10 thứ biết trong ba đời. Những gì là 10? Đó là: Biết những sự an lập, biết các ngôn ngữ, biết đàm nghĩa, biết phép tắc, biết cách xưng danh, biết những luật định, biết các tên giả, biết lí vô tận, biết sự tịch diệt, biết tất cả pháp không. Tại Nhật bản, Đàm nghĩa đặc biệt được dùng với nghĩa đàm thuyết, vấn đáp. Đến đời sau danh từ Đàm nghĩa dùng để giải thích rõ những chỗ còn nghi ngờ trong Phật pháp và trình bày nghĩa sâu xa một cách giản dị; trong trường hợp này, nó đồng nghĩa với các từ thuyết giáo, pháp đàm. Ngoài ra, từ thời Trung cổ trở đi, các chùa viện địa phương, có thiết lập Đàm nghĩa sở để tiện cho việc nghiên cứu về giáo học. Ở thời Giang hộ (Edo) có các tục ngữ như Đàm nghĩa tăng, Môn đàm nghĩa, Trường đàm nghĩa v.v… [X. luận Đại trí độ Q.11; Đại nhật kinh sớ Q.3; Hi du tiếu lãm Q.6; Loại tụ danh vật khảo Q.166].