đàm ma mật đa

Phật Quang Đại Từ Điển

(曇摩密多) (356 – 442) Phạm:Dharma-mitra. Dịch ý: Pháp tú, người nước Kế tân, đến Trung quốc vào thời đại Lưu Tống thuộc Nam triều. Sư xuất gia năm 7 tuổi, học thông suốt các kinh, đặc biệt là hiểu sâu về pháp Thiền. Sư đi du phương hoằng hóa, qua nước Cưu tư đến Đôn hoàng, sau sư vào Lương châu xây dựng Thiền đường trên ngôi chùa cũ ở công phủ Vũ uy để tuyên dương đạo Thiền. Niên hiệu Nguyên gia năm đầu (424) đời Tống, sư vào đất Thục, rồi đến Kiến nghiệp ở chùa Kì hoàn để dịch kinh. Vua và hoàng hậu đều đến theo sư thỉnh giới, người đến học Thiền với sư rất đông, nên tiếng tăm sư lừng lẫy và được tôn xưng là Đại thiền sư, cũng gọi Liên mi thiền sư (thiền sư có cặp lông mày liền nhau). Sau đó, sư đến huyện Mậu (Ninh ba, Chiết giang) làm chùa giáo hóa đồ chúng. Năm Nguyên gia thứ 10 (433) sư trở về Kiến nghiệp ở chùa Định lâm hạ núi Chung sơn. Năm Nguyên gia 12 (435) sư kiến thiết chùa Định lâm thượng làm nơi tu Thiền và dịch kinh. Năm Nguyên gia 19 (442) tháng 7 sư tịch, thọ 87 tuổi. Các kinh do sư dịch gồm có: – Ngũ môn thiền kinh yếu dụng pháp 1 quyển. – Quán Phổ hiền bồ tát hành pháp kinh 1 quyển. – Quán Hư không tạng bồ tát kinh 1 quyển. – Thiền bí yếu kinh 3 quyển. – Hư không tạng bồ tát thần chú kinh 1 quyển v.v… [X. Xuất tam tạng kí tập Q.2, Q.14; Lương cao tăng truyện Q.2; Thần hội truyện Q.3; Lịch đại tam bảo kỉ Q.10].