đàm loan

Phật Quang Đại Từ Điển

(曇鸞) (476-?) Vị cao tăng của Tịnh độ giáo ở thời Nam Bắc triều, người Nhạn môn (huyện Đại, tỉnh Sơn tây), có thuyết nói sư là người Vấn thủy Tinh châu (Thái nguyên, Sơn tây), không rõ họ gì. Nhật bản tôn sư là Sơ tổ trong 5 vị Tổ của tông Tịnh độ, Tổ thứ 3 trong 7 vị tổ của Chân tông. Nhà sư ở gần núi Ngũ đài, sư thường được nghe những chuyện thần tích kinh dị, nên lúc 10 tuổi sư lên núi xin xuất gia. Sư rất chăm học, thông suốt các kinh. Sư đọc và chú giải kinh Đại tập, công việc chưa xong sư bỗng lâm bệnh, chữa mãi không khỏi. Một hôm sư chợt thấy cửa trời mở rộng, tự nhiên hết bệnh, liền phát tâm đi tìm cầu pháp trường sinh bất tử. Nghe đồn học pháp tiên có thể sống lâu, sư bèn đến Giang nam thăm đạo sĩ Đào hoằng cảnh ở núi Cú dung được họ Đào trao cho một bộ kinh Tiên 10 quyển. Trên đường về, sư ghé qua Lạc dương ra mắt ngài Bồ đề lưu chi, được ngài trao cho bộ kinh Quán vô lượng thọ, sư liền bỏ hết kinh Tiên mà chuyên tu Tịnh độ. Vua Hiếu tĩnh nhà Đông Ngụy tôn sư là Thần Loan và ban sắc chỉ cho sư trụ trì chùa Đại nham ở Tinh châu. Về sau, sư trụ trì chùa Huyền trung tại Phần châu. Sư thường đến phía bắc núi Giới sơn giảng kinh, hoằng dương pháp môn niệm Phật. Sư tinh thông nội ngoại điển, tăng ni và Phật tử rất kính phục, họ gọi đạo tràng giảng kinh của sư là Loan Công Nham. Sư là người đặt nền tảng cho việc kiện toàn Tịnh độ giáo ở đời Đường sau này. Ngoài ra, sư còn là học giả nổi tiếng thời bấy giờ về Tứ luận (Trung luận, Bách luận, Thập nhị môn luận, Đại trí độ luận). Đời sau tôn sư là Tổ của tông Tứ luận. Sư cũng là người kết hợp hai trào lưu tư tưởng lớn của Phật giáo Ấn độ nơi tổ Long thụ và ngài Thế thân, đem tư tưởng Không tông dung hợp vào giáo nghĩa Tịnh độ được đời sau rất coi trọng. Về năm sư tịch thì có mấy thuyết, nhưng có thể đoán định là sư tịch từ năm Thiên bảo thứ 5 (554) trở về sau. Sư có các trứ tác: Vãng sinh luận chú 2 quyển, Tán A di đà Phật kệ, Lễ tịnh độ thập nhị kệ, Lược luận Tịnh độ an lạc nghĩa.