đại vân luân thỉnh vũ kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(大雲輪請雨經) Phạm: Mahà-megha-sùtra. Gồm 2 quyển, do ngài Bất không dịch vào đời Đường, thu vào Đại chính tạng tập 19. Gọi tắt: Đại vân luận kinh, Thỉnh vũ kinh. Nội dung đức Phật nói cho các vị Đại tỉ khưu, Bồ tát và hơn 180 Long vương ở lầu gác báu trong cung của long vương Nan đà ưu ba nan đà, về các bài thần chú Đà la ni được trì tụng trong lúc cầu mưa, về 10 thứ cúng dường vân hải, về sự lợi ích khi trời mưa, về 54 danh hiệu Phật và Đại đà la ni. Kinh này có 3 bản dịch khác: 1. Phẩm Đại vân thỉnh vũ 64, 1 quyển, do ngài Xà na da xá dịch vào đời Bắc Chu. 2. Đại phương đẳng đại vân kinh phẩm Thỉnh vũ 64, 1 quyển, do ngài Xà na quật đa dịch vào đời Tùy. 3. Đại vân luân thỉnh vũ kinh, 2 quyển, do ngài Na liên đề da xá dịch vào đời Tùy. Bản thứ 3 này được học giả người Anh là S. Beal dịch ra tiếng Anh và xuất bản vào năm 1871. Đến 1880, bản tiếng Phạm và bản dịch Anh văn của kinh này lại được ông C. Bendall người Anh ấn hành. Gần đây, ở Thổ lỗ phồn Tân cương người ta đã đào được một số kinh điển Phật, trong đó có kinh Tisastvustik bằng cổ ngữ Thổ nhĩ chữ Hồi cốt, có nội dung rất giống với kinh này. [X. Đại đường trinh nguyên tục Khai nguyên thích giáo lục Q.thượng; Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục Q.15].