đại túc thạch quật

Phật Quang Đại Từ Điển

(大足石窟) Động đá ở huyện Đại túc, tỉnh Tứ xuyên, Trung quốc. Bắt đầu được đục mở vào đời Đường và tiếp tục qua các đời Ngũ đại, Tống, Minh cho đến đời Thanh. Toàn huyện có 23 chỗ mở động và tạc tượng, rải rác ở các vùng núi phía tây nam, tây bắc và đông bắc, trong đó có 19 chỗ tập trung ở núi Bảo đính và Bắc sơn v.v… Núi Bảo đính ở cách huyện Đại túc về phía đông bắc khoảng 15km, chung quanh vách núi có 13 chỗ tạc tượng. Mười ba chỗ này do Triệu trí phượng – người truyền bá Mật tong – bắt đầu đục mở vào khoảng năm Thiệu hưng (1131 – 1162) đời Nam Tống. Đời Minh và đời Thanh tiếp tục công việc. Tượng ở đây phần nhiều là tượng cúng dường trong Mật tông, nhưng cũng có tượng Thiền tông, vì núi Bảo đính là nơi trọng yếu của sự kết hợp giữa Thiền và Mật giáo ở thời kì đầu. Ngoài ra, những bức điêu khắc miêu tả kinh Báo ân phụ mẫu, biến tướng Thập vương và Địa ngục v.v… biểu hiện một cách cụ thể nền nghệ thuật Phật giáo được Trung quốc hóa và đã thâm nhập hạ tầng xã hội. Trong hang động cũng có tạo tượng Đạo giáo và Nho giáo. Bắc sơn ở cách huyện Đại túc 2km về mạn bắc, chia làm hai khu Nam, Bắc, có 290 hang động dọc theo sườn núi được đục mở vào thời vua Chiêu tông nhà Đường, bên trong những hang động này tạc rất nhiều tượng Phật, Bồ tát. Từ đó về sau, những hang động tiếp tục được khai tạc, cho đến đời Ngũ đại và Tống thì các hang động đều là khám thờ cỡ vừa và nhỏ. Trong đó, thờ tượng Phật A di đà, Phật Dược sư, tượng tổ Thiền tông và các loại kinh biến được khắc bằng đá, các tượng của Đạo giáo và Nho giáo v.v… Những tượng ở đây phần nhiều gần với đời sống hiện thực và mang đậm sắc thái địa phương.