đại tự tại thiên ngoại đạo

Phật Quang Đại Từ Điển

(大自在天外道) Một trong 16 thứ ngoại đạo ở Ấn độ đời xưa. Ngoại đạo này cho rằng Đại tự tại thiên (trời Ma hê thủ la) là thần sáng tạo ra vũ trụ. Cũng gọi Tự tại thiên ngoại đạo, Ma hê thủ la luận sư. Tín đồ của ngoại đạo này lấy tro bôi khắp mình, cho nên còn gọi là Đồ khôi ngoại đạo (Ngoại đạo bôi tro). Họ đề xướng thuyết Tam thần nhất thể (Ba vị thần chung một thể): Ma hê thủ la là bản thể, còn Phạm thiên và Na la diên là do Ma hê thủ la hóa hiện. Theo luận Ngoại đạo tiểu thừa niết bàn nói, thì luận sư Ma hê thủ la chủ trương trời Ma hê thủ la là thường trụ bất biến, tất cả loài hữu tình, vô tình trong ba cõi đều do trời Ma hê thủ la sinh ra. Nói về thân thể của Ma hê thủ la thì hư không là đầu của Ngài, địa cầu là mình Ngài, nước là nước tiểu, núi là phân, tất cả chúng sinh là vi trùng ở trong bụng của Ngài, gió là sự sống, lửa là hơi ấm, tội phúc là nghiệp, tất cả sinh diệt, Niết bàn đều là Ma hê thủ la. Trong Ấn độ giáo, trời Đại tự tại là tên khác của thần Thấp bà (Phạm:Ziva). Phái Thấp bà hiện nay vẫn thịnh hành ở Nam Ấn độ và ở Kashmir. Trong các bộ luận của Phật giáo, như luận Đại tì bà sa quyển 199, luận Du già sư địa quyển 7 v.v… đều có nghị luận đả phá, bác bỏ học thuyết của ngoại đạo này. Còn trong Mật giáo thì hình tượng của Hàng tam thế minh vương trong tư thái: Chân trái đạp Đại tự tại thiên, chân phải đạp Ô ma thiên hậu, là biểu thị tướng hàng phục loại ngoại đạo này. [X. phẩm Minh vãng duyên trong kinh Ma đăng già Q.thượng; luận Hiển dương thánh giáo Q.10; luận Tam vô tính Q.hạ; luận Câu xá Q.7; luận Thành duy thức Q.1; Trung quán luận sớ Q.1 phần cuối, Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.1 phần đầu]. (xt. Y Xa Na Luận Sư).