đại từ ân tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(大慈恩寺) Ngôi chùa cổ ở phía nam thành Tây an, Trung quốc, do thái tử Trị (Cao tông) xây dựng vào năm Trinh quán 22 (648) đời Đường để báo đáp từ ân của mẹ là hoàng hậu Văn đức. Cũng gọi Từ ân tự. Chùa gồm hơn 10 viện, trên 1.000 gian, trang nghiêm hoành tráng. Khi chùa được hoàn thành, Thái tử đích thân đến dâng hoa lễ Phật, ban lệnh độ 300 người xuất gia làm tăng, thỉnh riêng 50 vị Đại đức đón ngài Huyền trang về làm Thượng tòa. Viện dịch kinh được xây dựng ở phía tây bắc của chùa để thờ kinh, tượng Phật và xá lợi mà ngài Huyền trang đã đưa từ Ấn độ về. Khi ngài Tam tạng A địa cù đa thỉnh được kinh tiếng Phạm từ Thiên trúc mang đến, ngài Huyền trang sợ bị cháy hoặc mất mát, nên vua mới cho kiến thiết tháp Đại nhạn (tháp bằng gạch năm tầng) theo kiểu Tây vực để cất giữ. Ở vách sau phía nam của tháp có hai tấm bia đá khắc bài Đại Đường Tam Tạng Thánh Giáo Tự của vua Thái tông và bài Tự Kí của Thái tử soạn, chữ do quan Trung thư lệnh là Chử toại lương viết vào năm Vĩnh huy thứ 4 (653). Sự nghiệp dịch kinh của ngài Huyền trang hầu hết được hoàn thành ở ngôi chùa này. Niên hiệu Hiển khánh năm đầu (656), ngài Huyền trang tâu vua dựng bia chùa Đại từ ân, vua chấp thuận và tự tay soạn văn bia. Bia này được dựng ở cửa Phương lâm. Về sau, qua nhiều đời gặp tai biến, chùa đã bị hủy hoại, chỉ còn lại tòa tháp Đại nhạn trên nền cũ. Khoảng năm Khang hi đời Thanh, tháp được sửa chữa và giữ gìn cho đến nay. [X. Thích thị lục thiếp Q.21; Khai nguyên thích giáo lục Q.8; Cựu đường thư bản kỉ 4; Cổ kim đồ thư tập thành chức phương điển 505].