Đái Truyền Hiền

Phật Quang Đại Từ Điển

(戴傳賢) (1890 – 1949) Ông gốc người huyện Ngô hưng tỉnh Chiết giang, nhưng sống ở huyện Quảng hán tỉnh Tứ xuyên, tự Quí đào, Tuyển đường, bút hiệu là Thiên cừu, pháp danh Bất không, Bất động, về già lấy hiệu Hiếu viên. Ông từng giữ chức Viện trưởng viện Khảo thí và từ thời Dân quốc (1911) trở đi, ông là một người hộ pháp quan trọng trong giới Phật giáo. Ông có ảnh hưởng rất lớn đối với chính trị, Phật giáo và xã hội. Sau cuộc Bắc phạt, ông từng ra sức ngăn chặn phong trào tịch thu tài sản của các chùa miếu để mở trường học. Sau biến cố 1918, ông làm lãnh tụ hội đồng Phật giáo Mông cổ, kiến lập các pháp hội Nhân vương hộ quốc, Dược sư Phật thất, Thời luận kim cương v.v… Ông lãnh đạo toàn thể thiện tín trong nước phát nguyện cứu quốc. Ông thâm tín Phật pháp, ông thường đề cao giáo nghĩa Lục độ của Phật giáo. Năm Dân quốc 21 (1932), tại Hà nam Phật học xã, ông giảng diễn đề tài Chấn hưng Phật giáo và Chấn hưng Trung quốc. Năm sau, trên đài phát thanh Trung ương, ông giảng đề tài Sự nghiệp cứu quốc và cải cách tôn giáo ở Trung quốc. Tóm lại, ông đã có công lớn trong việc chấn hưng Phật giáo đương thời ở Trung quốc. Ông để lại các tác phẩm: Bát nhã ba la mật đa môn luận tụng, Nhân vương hộ quốc bát nhã ba la mật đa kinh tụng, Nhân vương hộ quốc pháp hội phát nguyện văn, Dược sư Phật thất pháp hội phát nguyện văn, Báo ân thập bát tụng, Nhật tụng nhân vương hộ quốc ngũ đại bộ kim cương bồ tát đà la ni, Đới quí đào tiên sinh Phật học luận tập.