đại trí độ luận

Phật Quang Đại Từ Điển

(大智度論) Phạm: Mahàprajĩàpàramitazastra. Gồm 100 quyển, do bồ tát Long thụ soạn, ngài Cưu ma la thập dịch vào đời Hậu Tần, thu vào Đại chính tạng tập 25. Cũng gọi Đại trí độ kinh luận, Ma ha bát nhã thích luận, Đại trí thích luận, Thích luận, Trí độ luận, Trí luận, Đại luận. Nội dung luận này là giải thích kinh Đại phẩm bát nhã. Đại trí độ là dịch ý của từ Ma ha bát nhã ba la mật (nghĩa là đại trí tuệ vượt qua đến bờ bên kia). Tương truyền nguyên văn của bộ luận này có hơn mười vạn bài tụng, như vậy, bản 100 quyển hiện nay là ngài Cưu ma la thập đã dịch rút gọn lại, nếu dịch toàn bộ thì số quyển sẽ tới hơn 1.000. Bài tựa đầu sách là do sư Tăng duệ soạn. Luận này viện dẫn rất nhiều kinh điển, là bộ luận rất quan trọng để lí giải Phật giáo Đại thừa. Luận này giảng giải rõ ràng về học thuyết, tư tưởng, dụng lệ, truyền thuyết, lịch sử, địa lí, qui định thực tiễn và tăng già. Những kinh luận được dẫn dụng bao gồm Thánh điển nguyên thủy, các bộ luận của Phật giáo bộ phái và các kinh điển của Phật giáo Đại thừa ở thời kì đầu, như: Pháp hoa, Hoa nghiêm v.v… Luận cũng đề cập đến học phái Thắng luận và các hệ tư tưởng khác của Ấn độ ở thời bấy giờ, có thể nói đây là bộ Bách khoa toàn thư của Phật giáo thời bấy giờ. Về phương diện hoằng dương tư tưởng Bát nhã, ngài Long thụ còn một tác phẩm lớn nữa là Trung luận, đã đứng trên lập trường phủ định mà nói Bát nhã giai không, nhưng Đại trí độ luận thì đứng trên lập trường khẳng định tích cực mà tuyên dương Chư pháp thực tướng, ra sức phát huy tư tưởng Bồ tát đại thừa và sáu ba la mật thực tiễn. Cho nên, từ luận Đại trí độ, ta có thể hiểu rõ đại cương học thuyết Phật giáo ở thời kì trước ngài Long thụ, còn các học thuyết của Phật giáo Đại thừa từ ngài Long thụ trở về sau thì hầu như đều lấy luận Đại trí độ làm trung tâm để khai triển. Đây chính là lí do cắt nghĩa tại sao ngài Long thụ đã được suy tôn là Bát tông tổ sư (Tổ sư của tám tông). Bởi vì Đại trí độ không những chỉ là bộ luận trọng yếu đã hình thành tư tưởng duy thức ở Ấn độ, mà nó còn ảnh hưởng rất lớn đối với tư tưởng Chân như trong luận Đại thừa khởi tín, tư tưởng không và trung đạo là tương tức v.v… Ngoài ra, Phật thân quan và Pháp thân quan trong luận này là mở đường cho tư tưởng Mật giáo và là nguồn gốc của chân ngôn đà la ni. Từ khi được dịch ra, một phong trào nghiên cứu luận Đại trí độ nổi lên rất rầm rộ, rồi cùng với học phái Tam luận (Trung luận, Bách luận, Thập nhị môn luận), nó được kết hợp lại mà thành là học phái Tứ luận. Luận này được rất nhiều tông phái dẫn dụng, Tứ giáo nghĩa quyển 12 của tông Thiên thai đã tôn là Đại thừa thông thân luận. Thời gần đây, bản chép tay ngày xưa của luận này đã được đào thấy ở Đôn hoàng và Tân cương, đề tên: Ma ha bát nhã ba la mật ưu ba đề xá. Đem so sánh giữa bản hiện nay với bản chép tay này, thì thấy trong bản hiện nay có nhiều chỗ sai sót. Về sách chú sớ luận này thì rất nhiều, nhưng quan trọng hơn cả thì có: – Đại trí độ luận sao 20 quyển của ngài Tuệ viễn. – Đại trí độ luận sớ của ngài Đàm ảnh. – Đại trí độ luận sớ 14 quyển của ngài Tăng khản. – Thích luận huyền môn 1 quyển của ngài Tuệ tư. – Đại trí độ luận thích 10 quyển của ngài Hạnh hạ. – Đại trí độ luận sớ 24 quyển của ngài Tuệ ảnh. [X. Xuất tam tạng kí tập Q.2, Q.8, Q.10; Đại đường nội điển lục Q.3, Q.5; Tục cao tăng truyện Q.13].