SỐ 201
ĐẠI TRANG NGHIÊM KINH LUẬN
Tác giả: Bồ-tát Mã Minh.
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Kính lễ Đấng Tối Thắng.
Dứt dục, vượt ba cõi
Và kính Nhất Thiết Trí
Pháp cam lộ mầu nhiệm
Cùng với tám bậc Thánh
Tăng thanh tịnh Vô cấu.
Tỳ-kheo Phú-na-hiếp
Các luận sư Di-chức…
Chúng Tát-bà, Thất-bà
Và chánh đạo ngưu vương,
Các vị luận sư này
Chúng con đều kính thuận.
Giờ con tuần tự nói
Bày rõ luận Trang Nghiêm
Người nghe được đầy đủ
Các thiện từ đó sinh
Đáng quy y hay không
Đáng cúng dường hay không
Điều thiện ác ở đây
Phải nên giải thích rõ.

CHƯƠNG 1

Tôi từng nghe:

Vào thuở xưa, tại nước Càn-đà-la có một người đi buôn đến nước Ma-đột-la. Trong nước này có một ngôi tháp Phật. Trong đoàn người đi buôn có một Ưu-bà-tắc, hằng ngày đến cung kính lễ bái ngôi tháp.

Trên đường đi đến tháp Phật có các Bà-la-môn thấy Ưu-bà-tắc lễ bái tháp Phật, họ đều cười cợt.

Một hôm, trời rất nóng bức, các Bà-la-môn này ăn cơm xong giải tán. Có người đứng trên đường, có người đứng cạnh cửa, có người tắm gội, có người xoa hương, có người đi, có người ngồi…

Khi Ưu-bà-tắc đi lễ tháp trở về, các Bà-la-môn thấy, liền gọi:

–Này ông Ưu-bà-tắc, hãy đến đây ngồi nói chuyện chơi. Nay ông không biết có trời Tỳ-nữu Ma-hê-thủ-la kia,… để kính lễ hay sao, mà lại đi lễ bái tháp Phật chẳng là phiền lắm sao?

Ưu-bà-tắc đáp:

–Tôi chỉ biết một ít công đức của Đức Thế Tôn, cho nên tôi quy ngưỡng, cung kính đảnh lễ Ngài. Tôi chưa biết trời của các ông có đạo đức gì mà muốn tôi đến đảnh lễ họ?

Các Bà-la-môn nghe nói vậy, nổi giận trợn mắt mắng:

–Ông là người ngu si! Bộ ông không biết thần đức của trời chúng ta mà dám buông lời như vậy.

Các Bà-la-môn liền nói kệ:

Thành quách A-tu-la
Cao rộng quanh ba lớp
Lơ lửng giữa hư không
Đông đủ nam và nữ.
Trời ta giương cung tên
Xa trúng thành quách đó
Nhất niệm tiêu rụi sạch
Như lửa cháy cỏ khô.

Ưu-bà-tắc nghe kệ rồi, cười lớn nói:

–Những việc như vậy ta cho là quá tầm thường, chẳng đáng tôn kính!

Rồi vị Ưu-bà-tắc nói kệ đáp lại:

Mạng như sương trên lá
Có sinh ắt có diệt
Tại sao người có trí
Cung tên thêm tàn hại.

Lúc ấy các Bà-la-môn nghe nói kệ như vậy, tất cả cùng nhau mắng Ưu-bà-tắc:

–Ông là người ngu si. Đức A-tu-la kia có thế lực rộng lớn thích làm việc ác. Thần đức của trời ta sức có khả năng giết hại, tại sao ngươi bảo là chẳng phải người có trí?

Ưu-bà-tắc bị trách mắng, ngậm ngùi thở dài, nói kệ:

Quán sát kỹ xấu tốt
Người trí tu nghiệp lành
Thường được quả báo lớn
Về sau hưởng an vui
Vì sao tội lỗi xấu
Lại cho là công đức?
Tà kiến đã thêm lớn
Khen ác cho là thiện
Do vì nghiệp ác này
Sau bị khổ báo lớn.

Các Bà-la-môn nghe Ưu-bà-tắc nói, bèn trợn mắt, giơ tay dọa nạt, tức giận nói:

–Ngươi là kẻ rất ngu si không tốt. Các vị trời như thế mà không hết lòng cung kính thì cung kính ai?

Khi ấy Ưu-bà-tắc ý chí rất an nhiên, nói:

–Tuy ta đơn độc nhưng quý trọng đạo lý, không thích dùng sức mạnh của bè đảng để tranh cãi.

Rồi Ưu-bà-tắc lại nói kệ:

Kẻ các ông tôn thờ
Hung ác, thích giết hại
Nếu ông tôn thờ y
Cho rằng có công đức
Thì cũng phải cung kính
Sư tử và cọp sói.
Xúc não sinh giết hại
Loài quỷ ác, La-sát
Người ngu rất sợ hãi
Sinh tâm cung kính chúng
Các bậc có trí tuệ
Phải nên quán sát kỹ
Nếu không tâm giết hại.
Mới đáng được cung kính.
Những người có công đức
Không hề có tâm hại
Người tu hành các ác
Chẳng khỏi có tâm giết.
Nếu không khéo phân biệt
Công đức và tội ác
Công đức tưởng là ác
Ác tưởng công đức
Tàn hại bức bách người
Được người ngu kính thuận;
Với người có công đức
Lại sinh lòng khinh chê
Thế gian đều điên đảo
Chẳng biết bậc đáng kính.
Người Càn-đà-la sinh
Phân biệt rõ thiện ác
Vì thế tin Như Lai
Không kính trời Tự tại.

Những người Bà-la-môn nghe xong lời kệ liền nói:

–Tên Càn-đà-la thuộc dòng dõi nào, có đạo đức gì mà gọi là Phật?

Ưu-bà-tắc đáp:

Ra đời cung họ Thích
Đầy đủ Nhất thiết trí
Các ác đã dứt trừ
Các thiện đều đầy đủ.
Đối với các chúng sinh
Làm lợi ích tất cả
Hiểu rõ các pháp tướng
Thấu suốt hết tất cả
Bậc Đại Tiên như vậy
Nên được gọi là Phật.
Các Bà-la-môn lại nói kệ:
Ngươi nói Phật Đại Tiên
Phải làm việc bức não
Trong cõi Diêm-phù này
Chiêm-mặc-lam-trì địa
Bà-tắc-bà-tư-trá
Đề-thích-a-cực-da
Các đại Tiên như vậy
Nổi tiếng khắp thế gian
Kiết được đại thần chú
Tàn diệt các cõi nước.
Phật Đại Tiên của ngươi
Cũng nên hành chú này.
Phật ngươi có đức lớn
Phải làm việc tàn hại
Nếu không làm độc hại
Sao gọi là Đại Tiên?

Ưu-bà-tắc không chịu nổi những lời phỉ báng ấy nên lấy tay bịt tai, nói:

Thôi, chớ nói lời ác
Phỉ báng Phật có chú
Khinh hủy Đấng Tối Thắng
Sau chịu khổ báo lớn.
Bà-la-môn lại nói kệ:
Nếu Phật không chú thuật
Không gọi là Đại lực
Nếu không não hại người
Sao gọi là Đại Tiên?
Ta chỉ nói lời thật
Vì sao gọi phỉ báng?
Rồi các Bà-la-môn
Vỗ tay cười lớn nói
Ông là người si mê
Phải rơi vào địa ngục.

Ưu-bà-tắc bảo các Bà-la-môn:

–Ông chớ có cười bừa. Ông bảo Như Lai không có công đức lớn, cũng không có sức mạnh, đó là nói dối. Thật ra Như Lai có công đức lớn, có sức mạnh dứt hẳn các loại chú thuật, không bao giờ còn làm những việc não hại chúng sinh. Bây giờ ông hãy lắng nghe, tôi sẽ nói cho ông biết.

Vị Ưu-bà-tắc liền nói kệ:

Vì có tham, sân, si
Nên tạo chú đại ác
Lúc đang kết ác chú
Ác quỷ ghi lời này
Đối chúng sinh tội lỗi
Mà làm việc não hại.
Phật dứt tham, sân, si
Từ bi lợi ích lớn
Bỏ hẳn các chú thuật
Chỉ làm những việc lành
Vì vậy Phật Thế Tôn
Hoàn toàn không não hại
Dùng công đức, sức mạnh
Cứu vớt vô lượng khổ
Nay sao ông lại nói
Phật không thế lực lớn?

Các Bà-la-môn nghe kệ xong, tâm không còn tức giận bèn nói với Ưu-bà-tắc:

–Nay tôi muốn hỏi chút việc, anh chớ có bực dọc. Này Ưu-bà- tắc nếu Phật không có thần chú ác thì tại sao được người cúng dường? Đã không làm tổn hại, cũng không làm lợi ích, vì sao mà được gọi là Đại Tiên?

Ưu-bà-tắc nói:

–Đức Như Lai đại Từ bi hoàn toàn không dùng thần chú ác độc làm tổn hại chúng sinh, cũng không vì việc lợi dưỡng mà chỉ vì lợi ích cho chúng sinh nên được người cúng dường.

Rồi vị ấy nói kệ:

Đại bi thương chúng sinh
Hằng mong cứu khổ họ
Thấy người khác chịu khổ
Còn hơn mình chịu khổ
Sao còn kết chú độc
Và làm việc não hại?
Thể tánh chúng sinh khổ
Sinh già bệnh chết ngặt
Như đắp tro lên ghẻ
Sao còn gây thêm ác
Thường dập tắt nóng bức
Bằng các pháp mát mẻ.

Các Bà-la-môn nghe nói, liền cúi đầu suy nghĩ những lời ấy:

–Đây là việc tốt đẹp, chúng ta muốn phát sinh lòng tin. Anh thuộc Kiện-đà-la khéo phân biệt nơi thù thắng, anh tin những điều này thật là ít có, cho nên rất đáng khen. Kiện-đà-la thật đúng như tên gọi.

Gọi Kiện-đà, nghĩa là giữ, giữ điều thiện bỏ điều ác, cho nên được gọi
là Kiện-đà.

Các Bà-la-môn liền nói kệ:

Nếu giữ được địa này
Đáng gọi Thiện trượng phu
Trên hết trong Trượng phu
Thật là Kiện-đà-la.

Khi đó, Ưu-bà-tắc suy nghĩ: “Các Bà-la-môn này trong tâm muốn tin hiểu, đều có thể thành pháp khí. Bây giờ ta sẽ phân biệt, nói rộng về công đức của Phật cho họ biết”. Lúc đó, vẻ mặt Ưu-bà-tắc rất vui vẻ, nói:

–Thấy các anh tin Phật, tôi rất vui mừng. Hôm nay các anh may mắn được nghe tôi nói chút ít về công đức và tội ác. Các anh nên quán sát rõ ràng.

Rồi vị ấy nói kệ:

Quán sát công đức Phật
Ai thấy đều đầy đủ
Giới, văn và định, tuệ
Không ai sánh bằng Phật.
Các núi, Tu-di cao
Các dòng, biển rộng nhất
Trời người ở thế gian
Không ai sánh bằng Phật.
Thường vì các chúng sinh
Chịu tất cả đau khổ
Giúp cho được giải thoát
Không lúc nào xa rời.
Ai có quy y Phật
Mà không được lợi ích?
Ai có quy y Phật
Mà không được giải thoát?
Ai thực hành lời Phật
Mà không dứt phiền não?
Phật dùng sức thần thông
Hàng phục các ngoại đạo
Tiếng tốt vang khắp nơi
Đầy khắp mười phương cõi.
Phật rống tiếng Sư tử
Nói các hành vô ngã
Chỗ thường hằng Phật nói
Không mắc kẹt hai bên,
Cõi trời và nhân gian
Đều nói lời như vậy
Nếu không phân biệt được
Các nghiệp báo kết sử.
Sau khi Phật Niết-bàn
Các nước xây tháp miếu
Trang nghiêm ở thế gian
Như các sao trên không
Vì thế cho nên biết
Phật là Đấng hơn hết.

Các Bà-la-môn nghe lời ấy, có người sinh lòng tin, có người xuất gia, có người đắc đạo.


CHƯƠNG 2

Lại nữa, nên phân biệt về luận. Điều gọi là Luận tức là pháp vậy. Đối với pháp phải nên khéo suy nghĩ. Nếu suy nghĩ thì hiểu được nghĩa của pháp ấy.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa có người Bà-la-môn tên Kiều-thi-ca, giỏi về Tăngkhư luận, Vệ-thế-sư luận, hoặc Đề-toái-ma luận… các bộ luận như thế, đều phân biệt thấu suốt. Vị Bà-la-môn ấy ở trong thành Hoa Thị. Bên ngoài thành có một ngôi làng, người Bà-la-môn có chút việc tới ngôi làng đó để đến nhà một người bạn thân. Khi ấy người bạn thân Bà-la-môn vì có duyên sự nên đi vắng. Kiều-thi-ca nói với người trong nhà ấy:

–Trong nhà cô có kinh sách gì không? Tôi muốn đọc để đợi người ấy về.

Vợ của người bạn thân liền đi lấy sách, tình cờ lấy nhằm kinh Thập Nhị Duyên trao cho Kiều-thi-ca. Kiều-thi-ca được quyển kinh rồi, liền đi vào chỗ vắng vẻ trong rừng để đọc kinh ấy. Đọc đến chỗ:

“Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên già, bệnh, chết, ưu bi khổ não. Đó gọi là Tập đế. Vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì các khổ nhóm họp như già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não…liền diệt.”

Kiều-thi-ca mới đọc qua một lần chưa hiểu rõ lắm, đến lần thứ hai liền hiểu rõ vô ngã, pháp của ngoại đạo dính mắc nhị kiến: Ngã kiến và biên kiến. Đối với các pháp hiểu sâu rằng chúng đều sinh diệt, vô thường. Ông tự nghĩ: “Tất cả luận thuyết bên ngoài đều không có pháp ra khỏi sinh tử, chỉ có trong kinh này mới có pháp giải thoát ra khỏi sinh tử”. Tâm sinh vui mừng, Kiều-thi-ca liền giơ hai tay nói thế này:

–Hôm nay ta mới được thật luận, mới được thật luận!

Kiều-thi-ca ngồi ngay thẳng suy nghĩ, hiểu một cách sâu sắc về ý nghĩa mười hai nhân duyên. Với vẻ mặt hớn hở như hoa mới nở, Kiều-thi-ca nói thế này:

–Hôm nay ta mới biết pháp xuất thế giải thoát sự buộc ràng của sinh tử, mới biết các luận thuyết của ngoại đạo thật gian dối, không lìa sinh tử.

Ông bèn buồn than:

–Pháp Phật chí chân chí thật, nói có nhân có quả, nhân diệt thì quả diệt. Còn trong pháp của ngoại đạo thật là luống dối, nói có quả mà không có nhân, không hiểu nhân quả, không biết giải thoát. Nhớ lại niềm tin trước kia của ta thật là buồn cười, làm sao ở trong pháp ngoại đạo mà muốn ra khỏi dòng sinh tử? Xưa kia ta là ngoại đạo mà muốn ra khỏi sinh tử, cũng ví như có người bị chìm đắm trong sóng lớn sông Hằng, sợ mất thân mạng nên vùng vẫy trong sóng nước nhưng vẫn không thoát khỏi tai nạn, bị chết chìm trong nước. Ta cũng như vậy, sống trong ngoại đạo kia mà muốn ra khỏi sinh tử. Nhưng trong pháp ngoại đạo không có pháp giải thoát ra khỏi thế gian, bị chìm đắm trong sinh tử, mất cả thân mạng, đọa vào ba đường ác. Nay gặp luận này phải thực hành theo mới được ra khỏi sinh tử. Kinh luận ngoại đạo như lời nói của kẻ ngu cuồng, chín mươi sáu thứ ngoại đạo đều là luống dối. Chỉ có Phật đạo là chân thực cùng cực, chánh đáng cùng cực. Sáu vị giáo chủ ngoại đạo và những người trí khác đều tự xưng là Bậc Nhất Thiết Trí, đó đều là nói dối. Chỉ có Đức Phật, Thế Tôn mới là Đấng Nhất Thiết Trí, chân thật không luống dối.

Khi ấy Kiều-thi-ca nói kệ:

Những điều ngoại đạo làm
Luống dối, không chân thật
Như đứa bé chơi đùa
Gom đất làm thành quách
Bị voi say đạp lên
Sụp đổ chẳng còn gì
Phật phá luận ngoại đạo
Sự việc cũng thế thôi.

Bấy giờ Bà-la-môn Kiều-thi-ca hiểu sâu Phật pháp, sinh tâm kính tin, bỏ pháp ngoại đạo, dứt trừ tà kiến, ngày đêm thường đọc kinh Thập Nhị Duyên.

Lúc ấy người bạn của Kiều-thi-ca cùng các Bà-la-môn khác trở về nhà, hỏi vợ mình:

–Tôi nghe Kiều-thi-ca đến nhà mình, hiện giờ anh ấy ở đâu?

Người vợ trả lời:

–Vừa rồi, ông Bà-la-môn ấy mượn quyển sách, tôi lấy sách đưa cho ông ta mà không biết sách gì. Nhưng khi được sách rồi, ông ta mở ra xem và lật qua lật lại, búng ngón tay ca ngợi với điệu bộ vui vẻ khác thường.

Người chồng nghe vợ nói, liền đến gặp bạn mình, thấy Kiều-thica ngồi ngay thẳng suy nghĩ, liền hỏi ông ta:

–Anh đang suy nghĩ điều gì thế?

Kiều-thi-ca đáp bằng bài kệ:

Ngu si không trí tuệ
Xuống lên trong ba cõi
Như bánh xe thợ gốm
Quay vòng mãi không cùng
Tôi nghĩ cách giải thoát
Khỏi mười hai nhân duyên.

Lúc bấy giờ, người bạn nói:

–Chỉ có anh mới sinh tâm ít có đối với kinh này, chứ bên họ Thích của tôi mà có kinh này sẽ đem xóa chữ đi để dùng viết kinh của Tỳ-thế-sư.

Bà-la-môn Kiều-thi-ca nghe nói như vậy bèn quở trách bạn:

–Anh là người si mê, tại sao lại muốn dùng nước để xóa kinh này? Giáo pháp nhiệm mầu thế này thì phải dùng vàng ròng để ghi chép và đựng kinh này trong hộp báu, rồi cúng dường các thứ.

Kiều-thi-ca liền nói kệ:

Nếu ta có tiền của
Sẽ xây tháp bằng vàng
Xây nền bằng bảy báu
Rồi trải thảm lên trên
Rất trang nghiêm đẹp đẽ
Để dâng lên cúng dường
Dù làm được việc ấy
Vẫn chưa xứng ý ta.

Người bạn nghe nói rất tức giận, bảo:

–Trong kinh này đâu có điều gì sâu nhiệm, chưa từng có thì làm sao hơn kinh của Tỳ-thế-sư kia, mà ông muốn đem vàng ròng và các thứ trân bảo để cúng dường?

Khi ấy, Kiều-thi-ca vẻ mặt buồn bã nói:

–Vì sao anh lại khinh thường kinh Phật đến thế? Luận Tỳ-thế-sư đó có rất nhiều điều sai lầm, thì làm sao mà anh lại đem so sánh với lời Phật dạy được? Như luận thuyết của Tỳ-thế-sư không biết rõ pháp tướng nên lẫn lộn nhân quả. Đối với pháp nhân quả cạn cợt, gần gũi nhất liên quan đến bình và mẻ sành mà còn không có tuệ giải để phân biệt, biết được, huống gì là hiểu rõ nghĩa của thân người, các căn trong thân, giác tuệ, nhân quả.

Lúc bấy giờ, người bạn nói với Kiều-thi-ca:

–Vì sao anh nói luận thuyết của Tỳ-thế-sư là không hiểu nhân quả? Trong luận ấy nói: mẻ sành là nhân của chiếc bình, tại sao anh nói không hiểu nhân quả?

Kiều-thi-ca nói:

–Luận thuyết Tỳ-thế-sư của anh đúng là có nói như vậy, nhưng không đúng lý. Bây giờ, anh hãy xem như nhân nơi sợi chỉ đặt làm sợi dọc sợi ngang, sau đó mới có vải. Chiếc bình sành cũng như vậy. Đầu Tiên nhân có chiếc bình, sau có mẻ sành. Nếu đầu tiên không có bình, làm sao mà có mẻ sành? Lại nữa, mẻ sành thì không dùng được, còn chiếc bình thì dùng được; vì thế mẻ sành không được coi là nhân. Anh hiện thấy người thợ gốm lấy bùn làm thành chiếc bình mà không dùng ngói bể. Lại thấy sau khi chiếc bình bị bể, thì mới có mẻ sành, nếu chiếc bình ấy chưa bể, làm sao có mẻ sành?

Người bạn nói:

–Ý của anh cho rằng luận thuyết của Tỳ-thế-sư đều không đúng lý như vậy chẳng lẽ chúng tôi luống công và tự chuốc lấy đắng cay hay sao?

Lúc đó, các Bà-la-môn đồng tu của người bạn nghe nói như vậy, sinh tâm buồn bã nói:

–Nếu như lời anh nói thì giờ đây luận thuyết của Tỳ-thế-sư không thể tin được nữa ư?

Kiều-thi-ca đáp:

–Luận thuyết của Tỳ-thế-sư chẳng những bây giờ mới không đáng tin mà từ trước đến nay người khéo quán sát lâu ngày cũng không thể tin. Vì sao? Vì thuở xưa, khi Đức Phật có mười năng lực chưa ra đời, tất cả chúng sinh đều bị vô minh che lấp, đui mù không có mắt tuệ cho nên đối với luận thuyết của Tỳ-thế-sư cho là sáng suốt nhất. Khi mặt trời Phật đã mọc thì ánh sáng trí tuệ chiếu sáng, luận thuyết của Tỳ-thế-sư không có điều gì đáng hiểu biết nên phải bỏ đi. Thí như con chim cú mèo ban đêm bay đi kiếm ăn thì phát huy được khả năng của nó, còn ban ngày vì phải trốn trong hang nên không thể phát huy được khả năng của nó. Luận thuyết của Tỳ-thế-sư cũng như vậy, khi mặt trời Phật đã mọc thì luận thuyết kia vô dụng.

Người bạn lại nói:

–Nếu như anh bảo luận thuyết của Tỳ-thế-sư không bằng kinh Phật, nhưng kinh Phật đây có thể sánh được với luận Tăng-khư không?

Kiều-thi-ca đáp:

–Như kinh Tăng-khư nói, có năm phần bàn luận về nghĩa được rốt ráo: 1. Thệ; 2. Nhân; 3. Dụ; 4. Đẳng hướng; 5. Quyết định. Nhưng trong kinh Tăng-khư của ông không có ví dụ để có thể dễ hiểu rõ ràng giống như con bò lớn, huống gì là phân rõ pháp tướng để có thể hiểu được. Vì sao? Vì trong kinh Tăng-khư của anh nói Bát-la-đà-na không sinh, thường trùm khắp tất cả mọi nơi và đi khắp nơi. Như trong kinh Tăng-khư nói: Bát-la-đà-na không từ cái khác sinh mà thể tánh là thường hằng, có khả năng sinh ra tất cả biến, tất cả chỗ và đến khắp mọi nơi. Nói về việc ấy như vậy thì có nhiều lỗi lầm. Vì sao? Vì ở trong ba cõi không có một pháp nào chỉ sinh ra vật khác mà không do vật khác sinh ra, cho nên có lỗi. Lại nữa, trùm khắp tất cả mọi nơi và có khả năng đến khắp mọi nơi, điều này cũng có lỗi. Vì sao? Nếu trước đã trùm khắp thì đến là đến đâu? Nếu đã đi đến thì khắp sẽ không khắp? Hai luận lý này trái ngược nhau, ý nghĩa của chúng tự phá nhau. Nếu như vậy thì không đứng vững. Như lời anh nói, không từ vật khác anh ra mà lại sinh ra vật khác, ở khắp mọi nơi mà đi đến khắp nơi, lời nói ấy thật là phi lý.

Người bạn nói với Kiều-thi-ca:

–Anh thân thiết với họ Thích nên nói như vậy. Nhưng trong kinh Phật cũng có lỗi lớn vì nói sinh tử không có đầu mối. Lại nói tất cả pháp đều vô ngã.

Kiều-thi-ca đáp:

–Tôi thấy pháp Phật dạy sinh tử không có đầu mối, tất cả đều vô ngã, nên giờ đây tôi dốc lòng kính tin. Nếu người chấp ngã, thì không bao giờ được đạo giải thoát. Người nào biết vô ngã thì không có tham dục, vì không có tham dục nên được giải thoát. Nếu có chấp ngã thì có tham ái, đã có tham ái nên bị luân hồi sinh tử, làm sao mà được đạo giải thoát? Lại nữa, nếu nói sinh tử có sự bắt đầu thì cái thân đầu tiên này là từ thiện ác mà có hay không từ thiện ác tự nhiên mà có? Nếu từ thiện ác mà có thân thì không được gọi là có thân đầu tiên, hoặc không từ thiện ác mà có thân này thì pháp thiện ác này làm thế nào mà có? Nếu như vậy thì pháp của ông, một nửa là từ nhân sinh và một nửa không từ nhân sinh. Nếu nói như vậy thì có sự sai lầm lớn. Pháp của Phật tôi, không có sự bắt đầu, cho nên không có lỗi.

Người bạn nói với Kiều-thi-ca:

–Có ràng buộc thì có giải thoát, anh nói vô ngã thì không có sự ràng buộc. Nếu không có sự ràng buộc thì ai được giải thoát?

Kiều-thi-ca đáp:
–Tuy không có ngã nhưng vẫn có sự ràng buộc và giải thoát. Vì sao? Vì phiền não che lấp cho nên bị ràng buộc, nếu dứt được phiền não thì được giải thoát, cho nên tuy không có ngã mà vẫn

có sự ràng buộc và giải thoát.

Các Bà-la-môn lại nói:

–Nếu không có ngã thì ai có đời sau?

Kiều-thi-ca nói:

–Các anh hãy lắng nghe, do các nghiệp phiền não ở quá khứ mà có thân hiện tại và các căn. Từ đời hiện tại gây ra các nghiệp, do nhân duyên này mà có thân vị lai và các căn. Giờ đây tôi muốn nói thí dụ để nói lên ý nghĩa ấy. Thí như hạt giống, nhờ các duyên hòa hợp cho nên nảy mầm. Nhưng hạt giống này thật không có sinh mầm. Khi hạt giống tiêu đi thì mầm lớn lên, vì hạt giống tiêu đi cho nên không thường và mầm sinh cho nên không đoạn. Đức Phật dạy sự thọ thân cũng như vậy. Tuy là vô ngã nhưng nghiệp báo không mất.

Các Bà-la-môn nói:

–Tôi nghe anh nói pháp vô ngã, tâm nhơ bẩn của chúng tôi đã được gội rửa, nhưng còn một vài thắc mắc, bây giờ muốn hỏi anh: nếu vô ngã thì sao việc trước đây đã làm vẫn còn nhớ mà không quên?

Kiều-thi-ca đáp:

–Do có ghi nhớ cùng tương ưng với tâm cho nên có thể nhớ nghĩ việc trong ba đời mà không quên mất.

Lại hỏi:

–Nếu vô ngã thì quá khứ đã mất, tâm hiện tại sinh ra, sinh diệt đã khác, vì sao mà nhớ được không quên?

Đáp:

–Tất cả thức thọ sinh làm hạt giống vào trong thai mẹ. Nước ái thấm nhuần làm cho thân cây được sống, như hạt Hồ đào tùy theo loại mà sinh. Thân năm ấm này gây ra nghiệp có công năng đưa đến thân sau, nhưng thân năm ấm trước không sinh ra thân năm ấm sau. Vì nhân duyên của nghiệp nên thọ thân năm ấm sau. Sinh diệt tuy khác nhưng nối tiếp không đứt đoạn. Như đứa bé bị bệnh, người mẹ cho uống thuốc, đứa bé nhờ thế nên hết bệnh. Người mẹ tuy chẳng phải là đứa con nhưng nhờ năng lực của thuốc truyền sang đứa con. Thân năm ấm cũng như vậy, vì có nghiệp lực cho nên thọ thân hậu ấm, nhớ nghĩ không quên.

Các Bà-la-môn lại nói:

–Trong kinh mà anh đọc chỉ nói về pháp vô ngã, nay anh giải ngộ có sinh tâm vui mừng không?
Khi ấy Kiều-thi-ca liền tụng cho các Bà-la-môn nghe Kinh Thập Nhị Duyên và nói rằng: Vô minh duyên hành, hành duyên thức… cho đến sinh duyên già, chết, ưu bi, khổ não. Vô minh diệt thì hành diệt… cho đến già, chết diệt, cho nên ưu bi, khổ não diệt. Do các duyên không có chủ tể, cho nên đối với mười hai nhân duyên tôi giải ngộ pháp vô ngã. Chẳng phải trong kinh này chỉ nói về vô ngã thôi mà còn nói có thân cho nên có tâm. Do có thân tâm và các căn cho nên có sự hoạt động của thức, hiểu biết, phân biệt. Tôi ngộ lý này liền hiểu rõ pháp vô ngã.

Lại hỏi:

–Nếu như anh nói sinh tử thọ thân nối tiếp không đứt đoạn, giả sử có thân kiến thì có lỗi gì?

Đáp:

–Vì thấy có thân kiến cho nên gây ra các nghiệp, ở trong năm đường thọ thân hình thiện ác. Khi thọ thân ác sẽ bị các khổ não. Nếu dứt trừ thân kiến sẽ không gây ra các ngiệp. Vì không gây ra các nghiệp cho nên không thọ thân, không thọ thân cho nên các khổ dứt hẳn, đạt đến Niết-bàn. Vì sao nói rằng thân kiến không có lỗi? Lại nữa, nếu thân kiến không có lỗi lầm nên không bị sinh tử, không ở trong ba cõi chịu khổ sinh tử. Thế cho nên có lỗi.

Khi ấy vị Bà-la-môn quán sát thuận nghịch nghĩa mười hai duyên sinh, có niệm tín giải rất sâu, trong tâm vui mừng, khen ngợi pháp Phật bằng bài kệ sau đây:

Khi Như Lai tại thế
Nói pháp dẹp các luận
Phật nhật soi thế gian
Lấn át các tà thuyết.
Nay con gặp di pháp
Như ở trước Thế Tôn
Thù diệu trong họ Thích
Đạt sâu các pháp tướng,
Cái gọi là Như Lai
Chân thật không luống dối
Quán các pháp nghịch thuận
Tiếng khen khắp mười phương.
Hướng về Niết-bàn Phật
Chắp tay cung kính lễ
Ca ngợi Phật Thế Tôn
Thật có tâm đại bi
Hơn hết trong các tiên
Thế gian không ai sánh
Nay con quy y Phật
Giới, định, tuệ vô thượng.

Kiều-thi-ca nói:

–Sao bây giờ anh lại hiểu sâu xa công đức của Phật như vậy?

Người bạn đáp:

–Tôi nghe được pháp này cho nên biết Phật có vô lượng công đức. Như hương trầm thủy màu đen có nhiều dầu, nhờ vậy khi đốt mùi hương ngào gạt, xa gần đều ngửi thấy. Như thế, tôi thấy thân định, tuệ của Như Lai liền biết Đức Thế Tôn có công đức lớn. Nay tôi tuy không gặp Đức Phật nhưng thấy Thánh tích của Ngài thì biết Ngài là Đấng trên hết. Cũng như có người thấy dấu chân voi ở bên ao hoa, nên biết voi rất lớn. Tôi xem luận Nhân Duyên, mặc dầu không được gặp Phật nhưng biết công đức Thánh tích của Phật rất lớn.

Kiều-thi-ca thấy bạn mình có niềm tin hiểu sâu xa, ca ngợi việc chưa từng có nên nói:

–Xưa nay anh đã từng đọc tụng kinh sách ngoại đạo quá nhiều mà bây giờ nghe kinh Phật, chỉ trong phút chốc mà ông đã hiểu rõ nghĩa thú của kinh và xả bỏ hết kinh sách của ngoại đạo, đó là rất ít có.

Kiều-thi-ca liền nói kệ:

Bỏ luận thuyết tà kiến
Tin hiểu pháp chánh chân
Người như vậy khó được
Nên ngợi khen ít có
Không chỉ khen mình anh
Còn khen cả luận ngoài
Vì nghĩ lý cạn thấp
Chúng ta đều xả bỏ.

Vì các luận kia có nhiều lỗi sai làm cho chúng ta sinh tâm nhàm chán, sinh tâm tin hiểu. Đức Phật thật là Bậc Đại Nhân không ai sánh bằng. Tiếng tăm Ngài vang khắp các nước trong mười phương. Tất cả các luận tà kiến của ngoại đạo đều có lỗi, cũng như lời nói quanh co không thể hiểu được. Vì các luận ấy đều có lỗi nên tôi xả bỏ và được đến với pháp Phật. Cũng như vào mùa xuân, mùa hạ, mọi người đều bị nóng nực nên muốn tránh mặt trời và đến mùa đông lạnh thì mọi người đều nhớ đến mặt trời. Các luận của ngoại đạo cũng lại như vậy.

Mọi người rất muốn xả bỏ như mặt trời mùa hạ nóng bức. Nhưng cũng do các luận đó mà ta sinh được tín tâm, nên cũng nghĩ đến nó. Giống như khi lạnh vẫn nghĩ nhớ đến mặt trời mùa đông.

Người bạn hỏi Kiều-thi-ca:

–Bây giờ chúng ta nên làm gì?

Kiều-thi-ca nói:

–Bây giờ chúng ta nên xả bỏ tất cả các luận thuyết tà kiến, xuất gia học đạo trong pháp Phật. Vì sao? Vì như trong đêm tối đốt ngọn đuốc lớn, tất cả chim bồ câu đều bị rơi xuống đất. Ngọn đèn trí tuệ Phật đã xuất hiện ở đời, tất cả ngoại đạo đều phải nghiêng ngả. Thế nên hôm nay chúng ta muốn xuất gia học đạo.

Lúc ấy, Kiều-thi-ca từ nhà người bạn thân liền đến Tăng phòng xin xuất gia. Xuất gia rồi, về sau chứng quả A-la-hán.

Vì nhân duyên gì mà nói lên việc này? Vì các ngoại đạo thường bị các luận thuyết tà kiến, mê hoặc cho nên phải nói Thập Nhị Nhân Duyên Kinh Luận để đả phá những tư tưởng đó.


CHƯƠNG 3

Phàm gieo trồng ruộng phước nên lựa chọn đức, không lựa chọn theo trẻ, mạnh, già, yếu.

Tôi từng nghe:

Thuở xưa, có người đàn-việt nhờ một đạo nhân quen biết đến chùa thỉnh chư Tăng, nhưng ông ta yêu cầu chỉ thỉnh những vị Tăng lớn tuổi, chứ đừng thỉnh những vị Tăng trẻ tuổi.

Sau đó, vị đạo nhân quen biết đi thỉnh chư Tăng, theo thứ lớp đến Sa-di, nhưng người đàn-việt ấy không chịu. Một vị Sa-di nói:

–Tại sao không chịu thỉnh các Sa-di chúng tôi?

Đạo nhân đáp:

–Vì người đàn-việt ấy không chịu thỉnh Sa-di chứ không phải do tôi.

Vị đạo nhân khuyến hóa liền nói kệ:

Tuổi già tích đức nhiều
Tóc bạc và mặt nhăn
Chân mày dài, răng rụng
Lưng còng, tứ chi yếu
Đàn-việt thích như vậy
Không ưa người trẻ tuổi.

Khi ấy trong chùa có các vị Sa-di đều chứng quả A-la-hán. Ví như có người chọc tức sư tử, đụng vào hông nó, làm nó nổi giận, nên các vị Sa-di đều nói:

–Người đàn-việt kia si mê, không có trí tuệ, không mến người có đức mà chỉ ham người già cả.

Các Sa-di liền nói kệ:

Các danh từ Trưởng lão
Không hẳn tóc phải bạc
Mặt nhăn nheo, răng rụng
Si mê không trí tuệ.
Đáng quý chỗ tu phước
Dứt bỏ các điều ác
Và tịnh tu phạm hạnh
Gọi đó là Trưởng lão.
Chúng tôi đối khen, chê
Không sinh tâm vui, buồn
Chỉ sợ đàn-việt kia
Bị mắc nhiều tội lỗi
Đối với ruộng phước tăng
Phỉ báng sinh hơn thua.
Ta nên đến đó ngay
Để cho đàn-việt kia
Không đọa vào nẻo ác.
Sau đó các Sa-di
Dùng năng lực thần thông
Hóa thành những người già
Tóc bạc, da mặt nhăn
Chân mày dài, răng rụng
Lưng còng phải chống gậy
Đến nhà đàn-việt kia.
Đàn-việt thấy như vậy
Trong tâm rất mừng vui
Đốt hương, rải hoa quý
Vội thỉnh các vị ngồi
Vừa ngồi trong chốc lát
Trở lại hình Sa-di.
Đàn-việt sinh kinh ngạc
Sao biến hóa như thế
Vì uống cam lộ trời
Dung mạo bỗng hóa trẻ.

Lúc bấy giờ, các Sa-di bèn nói:

–Chúng tôi đâu phải là Dạ-xoa hay La-sát. Vì thấy đàn-việt lựa chọn người già cả, đối với ruộng phước tăng mà sinh ý tưởng cao thấp, làm hư mất căn lành của đàn-việt, cho nên chúng tôi biến hóa như thế để cho ông ăn năn sửa đổi.

Sa-di liền nói kệ:

Ví như con muỗi nhỏ
Muốn uống cạn biển lớn
Người thế gian không thể
Lường công đức chúng Tăng
Tất cả đều không thể
Đo lường công đức Tăng
Huống một mình đàn-việt
Mà muốn lường đức ấy!

Vị Sa-di lại nói:

–Đàn-việt không nên so sánh hình tướng già trẻ của chúng Tăng. Hễ là người cầu pháp thì không nên xem xét hình tướng, chỉ chú trọng trí tuệ. Các Sa-di tuy còn trẻ tuổi nhưng nếu đã dứt sạch các kết sử lậu hoặc, đạt được Thánh đạo. Người tuy già cả mà buông lung cũng gọi là trẻ con. Việc làm của đàn-việt không đúng, nếu dùng ngón tay để đụng tới đáy biển thì không bao giờ được. Cũng như vậy, đàn-việt muốn dùng trí của mình đo lường ruộng phước, để biết cao thấp, cũng không bao giờ được. Đàn-việt há không nghe kinh Tứ Bất Khinh do Như Lai nói ư? Bốn thứ không được xem thường đó là:

1. Thái tử còn nhỏ.
2. Rắn con.
3. Đốm lửa nhỏ.
4. Sa-di nhỏ tuổi.

Tất cả đều không được xem thường. Đức Thế Tôn có nói thí dụ về quả xoài: bên trong còn sống mà bên ngoài đã chín, bên ngoài còn sống mà bên trong đã chín, đừng đánh giá sai lầm đối với người khác, vì trong một niệm cũng có thể đắc đạo. Hôm nay đàn-việt có lỗi rất lớn, nếu đàn-việt có thắc mắc điều chi thì ngay bây giờ hãy hỏi. Từ nay về sau, đừng sinh tâm phân biệt đối với ruộng phước Tăng như thế nữa.

Vị Sa-di nói kệ:

Biển công đức chúng Tăng
Không thể đo lường được
Phật còn sinh tôn kính
Dùng trăm bài kệ khen
Huống chi là mọi người
Mà lại không khen ngợi.
Ruộng phước lành rộng lớn
Trồng ít thu lợi nhiều
Chúng hòa hợp họ Thích
Gọi là báu thứ ba
Đối với các đại chúng.
Chớ xem tướng đoán người
Không dựa vào dòng giống
Oai nghi, nói năng khéo
Chưa biết đức bên trong
Thấy tướng đã tôn kính
Trông tướng tuy còn nhỏ
Nhưng thông minh, đức cao.
Không biết rõ tâm hành
Mà có ý khinh thường.
Ví như rừng cây lớn
Cúc thơm lẫn hoa hôi
Các cây tuy khác nhau
Nhưng gọi chung là rừng
Tăng tuy có trẻ già
Nhưng không nên phân biệt.
Ca-diếp muốn xuất gia
Bỏ y đẹp trên người
Chỉ giữ y xấu nhất
Nhưng giá đáng ngàn vàng
Ruộng phước của chúng Tăng
Việc ấy cũng như vậy.
Cúng dường người thấp nhất
Được quả báo mười lực
Ví như nước biển cả
Không dung chứa thây chết
Biển Tăng đoàn cũng vậy
Không chứa người phá giới.
Đối với Tăng phàm phu
Thấp nhất, giữ ít giới
Cung kính và cúng dường
Sẽ được quả báo lớn
Vì thế đối chúng Tăng
Trưởng lão hay thiếu niên
Tâm bình đẳng cúng dường
Không nên sinh phân biệt.

Lúc đó người đàn-việt nghe lời ấy rồi, khắp mình nổi ốc, gieo năm vóc sát đất, cầu xin sám hối:

–Con là kẻ phàm phu ngu muội có nhiều lầm lỗi, nguyện xin sám hối. Con có những điều thắc mắc, mong ngài giải thích cho.

Vị đàn-việt liền nói kệ:

Ngài có trí tuệ lớn
Đã xé toang lưới nghi
Nếu con không thưa hỏi
Thì chẳng phải người trí.
Vị Sa-di bảo đàn-việt:

–Tùy ý đàn-việt hỏi, tôi sẽ giải thích cho.

Vị đàn-việt hỏi:

–Bạch Đại đức, kính tin Phật và Tăng thì kính tin Phật hơn hay kính tin Tăng hơn?

Sa-di đáp:

–Đàn-việt không biết có ba ngôi báu ư?

Vị đàn-việt nói:

–Con tuy đã biết có ba ngôi báu, nhưng trong ba ngôi báu lẽ nào lại không có một báu nào là hơn hết hay sao?

Sa-di đáp:

–Tôi đối với Phật và Tăng không thấy có sự hơn kém.

Vị Sa-di liền nói kệ:

Bà-la-môn cao quý
Tên là Đột-la-xà
Khen chê, Phật không động
Bèn cúng Phật thức ăn
Nhưng Đức Phật không nhận
Ba cõi không thể tiêu
Nên đổ hết xuống sông
Khói lửa cùng bốc lên.
Cù-đàm-di dâng y
Phật dạy cúng dường Tăng
Do vì nhân duyên này
Nên ba ngôi bình đẳng.

Đàn-việt nói:

–Nếu như Phật và Tăng bình đẳng không khác thì tại sao Đức Phật đổ thức ăn xuống sông mà không cho chúng Tăng?

Sa-di đáp:

–Đức Như Lai đối với thức ăn không có tâm bỏn sẻn, chỉ vì muốn hiển bày công đức, năng lực của chúng Tăng cho nên Ngài làm như vậy. Vì sao? Vì Đức Phật quán thấy thức ăn này không ai trong ba cõi ăn có thể tiêu được, nên Ngài đổ thức ăn xuống sông, lửa liền bốc lên. Nhưng Cù-đàm-di dâng y lên Đức Phật, Đức Phật chuyển y ấy lại cho chúng Tăng. Chúng Tăng thọ y ấy rồi không có sự khác nhau. Vì thế nên biết, chúng Tăng có đức lớn, được đại danh xưng, Phật và Tăng không khác nhau.

Lúc ấy người đàn-việt liền nói:

–Bạch Đại đức, từ nay về sau, đối với chúng Tăng hoặc già hoặc trẻ, con đều cung kính với tâm bình đẳng, không có sự phân biệt.

Vị Sa-di nói:

–Nếu đàn-việt làm được như vậy thì chẳng bao lâu sẽ được đạo kiến đế.

Vị Sa-di liền nói kệ:

Đa văn cùng Trì giới
Thiền định và Trí tuệ
Người hướng đến ba Thừa
Đắc quả và các hướng.
Thí như sông Tân-đầu
Chảy ra nơi biển lớn
Các bậc Hiền thánh này
Đều vào biển chúng Tăng.
Thí như trong núi Tuyết
Có đủ các thuốc hay
Cũng như mảnh ruộng tốt
Giúp hạt giống thêm lớn
Bậc Hiền thiện trí tuệ
Đều từ Tăng mà ra.

Sa-di đọc kệ xong, nói:

–Chẳng lẽ đàn-việt không nghe trong kinh nói: Có ba vị thuộc dòng họ cao quý là A-ni-lự-đầu, Nan-đề và Kiềm-tỳ-la. Vị đại tướng quỷ thần tên Già-phu đã bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, tất cả thế giới, hoặc trời, hoặc người, hoặc Thiên ma, hoặc Phạm vương, nếu tâm nghĩ đến ba vị thuộc dòng họ cao quý này thì họ sẽ làm cho người đó được an vui, lợi ích.” Chỉ niệm ba vị trong Tăng còn có lợi ích an vui, huống chi là cả đại chúng.

Sa-di liền nói kệ:

Ba vị không thành Tăng
Nghĩ nhớ được lợi ích
Như tướng quỷ kia nói
Chưa gọi là niệm Tăng
Còn có lợi ích lớn
Huống gì là niệm Tăng.
Vì vậy ông nên biết
Các việc thiện công đức
Đều từ Tăng mà ra.
Thí như trời mưa lớn
Chỉ biển đủ sức chứa
Chúng Tăng cũng như vậy
Thọ được mưa pháp lớn
Vì thế đàn-việt nên
Chuyên tâm nghĩ nhớ Tăng.
Chúng Tăng mà như thế
Là tập hợp các thiện
Đại chúng đã giải thoát
Tăng như đoàn quân mạnh
Phá được giặc ma oán,
Chúng Tăng được như thế
Là rừng cây thắng trí
Tất cả các hạnh lành
Chứa nhóm ở trong Tăng
Hướng ba Thừa giải thoát
Là đoàn thể lớn mạnh.

Lúc vị Sa-di nói kệ khen ngợi như vậy, thì người đàn-việt và quyến thuộc rất vui mừng, đều chứng đắc quả Tu-đà-hoàn.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15