đại tống tăng sử lược

Phật Quang Đại Từ Điển

(大宋僧史略) Gồm ba quyển, do ngài Tán ninh (930 – 1001) soạn vào đời Tống, thu vào Đại chính tạng tập 54. Gọi tắt: Tăng sử lược. Trong bài tựa, ngài Tán ninh cho biết vì không vừa ý với Hoằng minh tập và Cao tăng truyện nên ngài mới soạn bộ sách này. Nội dung gồm trong ba quyển như sau: – Quyển thượng trình bày về niên đại đản sinh của đức Phật, sự truyền bá về phương đông của Phật giáo, sự sáng lập già lam, dịch kinh, dịch luận, dịch luật, xuất gia, thụ giới, sám hối, sự thay đổi phương thức giảng kinh luận, Tăng giảng, Đô giảng và quá trình Thiền pháp truyền vào Trung quốc v.v… – Quyển trung chủ yếu tường thuật về chế độ giáo đoàn, như sự thay đổi Tăng chính, Tăng thống v.v… là tư liệu rất quí cho việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo Trung quốc. – Quyển hạ nói về áo đỏ, danh hiệu Đại sư, nguồn gốc trai hội, kết xã và phương pháp độ tăng. Ngoài ra, còn ghi chép các sự kiện về Ma ni giáo. [X. Tán ninh cập kì thời đại (Mục điền Đế lượng); Trung quốc cận thế Phật giáo sử nghiên cứu].