đại thừa thất chủng đại nghĩa

Phật Quang Đại Từ Điển

(大乘七種大義) Cứ theo Đại thừa trang nghiêm kinh luận quyển 12 nói, thì chữ Đại trong danh từ Đại thừa có 7 nghĩa: 1. Duyên đại: Bồ tát tu hành pháp Đại thừa, lấy vô lượng pháp nghĩa rộng lớn của Tu đa la làm duyên. 2. Hạnh đại: Bồ tát tu hành Đại thừa, tự lợi, lợi tha, diệu hạnh đầy đủ. 3. Trí đại: Bồ tát tu hành Đại thừa, thường dùng trí tuệ quán xét, biết rõ nhân, pháp đều vô ngã, khéo phân biệt các cảnh. 4. Cần đại: Bồ tát tu hành Đại thừa, từ các kiếp xa xưa đến nay phát tâm quảng đại, tinh cần tu tập không gián đoạn cho đến khi đạt được Thánh quả. 5. Xảo đại: Bồ tát tu hành Đại thừa, dùng phương tiện khéo léo, hiện thân vào các cõi, tự tại trong sinh tử hóa độ chúng sinh. 6. Úy đại: Úy tức là vô sở úy. Nghĩa là Bồ tát tu hành Đại thừa, trí lực đầy đủ, quyết định sáng suốt, ở giữa đại chúng diễn nói tất cả pháp nghĩa mà không sợ hãi. 7. Sự đại: Bồ tát tu hành Đại thừa, vì muốn khiến tất cả chúng sinh thấy rõ đại sự nhân duyên, cho nên thường thị hiện ở thế gian, nói Đại diệu pháp, vào Đại niết bàn.