đại thừa thập dụ

Phật Quang Đại Từ Điển

(大乘十喻) Các kinh điển Đại thừa thường dùng 10 thí dụ hiển bày lí Không để giúp người học thành tựu Không quán. Đó là: 1. Như huyễn: Ví như nhà ảo thuật giả tạo ra các vật và tướng nam nữ, thể tuy không thực, nhưng huyễn sắc thì có thể thấy. Tất cả các pháp cũng giống như thế, đều là có giả. Nhưng vì chúng sinh ngu mê, vọng chấp là thực. Người tu không quán, đối với các pháp huyễn hóa, tâm không dính mắc, thảy đều rỗng lặng. 2. Như dợn nắng (dương diệm): Người không có trí, mới thấy dợn nắng, lầm tưởng là nước; các pháp phiền não cũng giống như thế, người ngu không rõ, ở trong kết sử, chấp càn tướng ngã, người trí biết suốt, đều là vọng tưởng, hư dối chẳng thật. 3. Như bóng trăng trong nước: Trăng giữa hư không hiện bóng trong nước, lũ trẻ dại khờ, thấy thế vui mừng, muốn bắt lấy trăng. Người ngu cũng giống như vậy, ở trong năm ấm vọng chấp là ta, của ta, cho giả là thật, ở trong pháp khổ mà sinh vui mừng, bị người có trí chê cười, thực cũng đáng thương. 4. Như hư không: Hư không chỉ có tên suông chứ không có thật thể, người ngu không rõ lại cho là thật. Tất cả các pháp cũng hệt như thế, chẳng có gì hết, người không có trí, ở trong hư vọng, chấp bậy có thật, khởi lên ngã chấp. Người tu pháp Không quán biết rõ tất cả các pháp đều là có giả. 5. Như tiếng vang: Ở trong núi thẳm, hang sâu, khi người ta gọi hoặc gõ vào vật gì thì lập tức có tiếng vang dội lại. Người ngu không rõ, cho là thật có. Tất cả âm thanh, ngôn ngữ cũng thế, người trí biết rõ lời nói chẳng thật, tâm không dính mắc. 6. Như cung điện Càn thát bà: Lúc mặt trời mới mọc, trên mặt biển lặng sóng, thấy có cung điện lâu đài thuyền bè thành thị, khi mặt trời lên cao dần thì tất cả đều biến mất. Hết thảy các pháp cũng giống như thế, người trí biết rõ nên không tham đắm. 7. Như chiêm bao: Việc trong chiêm bao vốn không phải thật mà cho là thật, đến khi tỉnh dậy mình tự cười mình. Tất cả các pháp cũng giống như thế, hết thảy phiền não kết sử đều là giả dối, người ngu không biết chấp là có thật, đến khi đắc đạo giác ngộ liền biết là giả cũng lại mỉm cười một mình. 8. Như bóng: Người ta thấy bóng mà không nắm bắt được, tất cả các pháp cũng lại như thế; như các căn mắt, tai v.v… tuy có thấy nghe hay biết, nhưng không có thực thể. 9. Như hình trong gương: Hình dáng trong gương chẳng phải gương làm ra, chẳng phải mặt làm ra, chẳng phải gương và mặt hòa hợp mà làm ra, cũng chẳng phải không nhân duyên mà tạo ra, tuy chẳng phải có thật, nhưng vẫn thấy được; người ngu không biết, cho là có thật, rồi sinh phân biệt. Tất cả các pháp cũng giống như thế, do nhân duyên sinh, không có thực thể, chỉ có tên suông, phàm phu không biết, khởi tâm phân biệt mà sinh phiền não.Người trí tuy cũng thấy, nghe, nhưng biết rõ đó là giả dối. 10. Như hóa: Những vật do chư thiên và các vị tiên dùng thần thông biến hóa ra, tuy có tướng nam nữ mà thực sự không có khổ, vui, sống, già, bệnh, chết. Tất cả các pháp cũng giống như thế, không có sinh diệt, như hóa mà thành, chứ không có thật; như người sinh ra, chỉ do nhân kiếp trước mà có thân đời này, thảy là hư dối. [X. Pháp giới thứ đệ sơ môn Q.hạ phần trên]. (xt. Thập Dụ).