ĐẠI THỪA QUẢNG BÁCH LUẬN – THÍCH LUẬN
Tác giả: Bồ tát Thánh Thiên.
Giải thích: Bồ tát Hộ Pháp.
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 6

Phẩm 4: PHÁ KIẾN

Lại nữa, nếu như đã nói tánh tướng của các pháp theo sự thế tục thì có nhưng theo lý thắng nghĩa thì không, Như Lai ở trong trí kiến vô ngại, ngôn âm biện giải khéo biết tha tâm, làm sao thế gian hãy còn vì các loại vọng kiến mê hoặc tranh luận rối ren? Vì người có khả năng nghe có những sai lầm. Những gì gọi là người nghe sai lầm? Nghĩa là tham lam với chỗ thấy của bản thân, không mong cầu sự hiểu biết thù thắng, đối với thiện ác giải thích không thể nào hiểu biết. Nếu ba loại sai lầm như vậy không có, thì gọi là tài năng nghe chánh pháp. Để hiển bày nghĩa nầy, nên nói tụng:

Bẩm hòa hy thắng tuệ
Thị pháp khí ưng tri
Dị thử hữu sư tư
Vô nhân hoạch thắng lợi.
(Tánh hòa mong thắng tuệ
Là pháp khí nên biết
Đây khác có thầy dạy
Không nhân được thắng lợi).

Luận nói: Cần phải đầy đủ ba đức gọi là pháp khí: Một là bẩm tánh nhu hòa không có nghiêng về bên nào, luôn luôn tự xét kỹ không tham đắm với cái thấy của bản thân. Hai là thường hy vọng thắng giải mong cầu pháp không chán, không giữ lấy phần mình mà sinh mừng vui đầy đủ. Ba là vì tánh thông tuệ nên đối với lời nói tốt xấu có thể hiểu biết rõ ràng chính xác được mất khác nhau. Nếu không có ba đức đã nói 6 như vậy, cho dù có thầy chỉ dạy nhưng cuối cùng chẳng được thắng lợi. Nói là thắng lợi, nghĩa là thầy chỉ dạy khai ngộ chứng đạt như thứ tự đó. Như hàng lục sư ngoại đạo kia, tuy nghe chánh pháp nhưng không có gì chứng đạt, không phải Đức Phật không có tâm xót thương cứu độ đối với hạng ấy, cũng chẳng phải Thánh giáo không hợp với chánh lý, mà vì những ai cần cứu độ nơi thế gian, nghe Thánh giáo của Phật đều đã được độ xong. Để hiển bày nghĩa nầy, nên tiếp theo tụng nói:

Thuyết hữu cập hữu nhân
Tịnh dữ tịnh phương tiện
Thế gian tự bất liễu
Quá khởi tại Mâu-ni.
(Nói có và có nhân
Tịnh với phương tiện tịnh
Tự thế gian không hiểu
Lỗi nào ở Mâu-ni?).

Luận nói: Trí kiến vô ngại của chư Phật Như Lai quán sát việc lợi tha không vượt quá bốn loại, đó là sự xả chứng và hai nhân nầy. Thể và nghĩa đều chân thật, danh và ngôn chẳng sai lầm, tức là thuộc về bốn đế Thánh giáo. Phật tuy nói nhiều nhưng hạng ấy không biết, sai lầm ở thế gian chứ chẳng phải lỗi của Mâu-ni. Vì giác tuệ của các ngoại đạo ít ỏ, tầm thường và thiếu sự chánh tu nên không thể nào hiểu được, như mặt trời đỏ rực kia phát ra ngàn vạn tia sáng, người mù không thấy chứ đối với mặt trời đâu có lỗi gì.

Lại nữa, các ngoại đạo kia chắc chắn vì vô minh, phóng dật, thùy miên ràng buộc lấp che tâm thức, đối với những gì mình chấp nhận không thể nào tin tưởng nương theo. Vì sao? Do đó tiếp theo tụng nói:

Xả chư hữu Niết-bàn
Tông tà sở cộng hứa
Chân không phá nhất thiết
Như hà bỉ bất hân.
(Bỏ các có Niết-bàn
Tông tà đều chấp nhận
Phá tất cả chân không
Tại sao họ không vui?).

Luận nói: Chủ trương của các ngoại đạo đều nói xả bỏ tất cả mọi sự ta có, chỉ riêng ngã tồn tại một mình, xa lìa mọi ràng buộc kéo lôi. Vắng lặng giải thoát vô vi yên lành, gọi là Niết-bàn, lìa tướng chân không tuyệt các cảnh vọng, cũng không có các tâm phân biệt chấp hữu. Quán xét những vậy có thể trừ bỏ tất cả tâm cảnh. Chính là quay về đại bát Niết-bàn vô thượng, không trái với sự mong cầu giải thoát của các ông, làm sao ghét bỏ mà không sinh vui mừng? Niết-bàn của chúng tôi chỉ trừ dẹp ngã sở, không cũng phá trừ ngã, biết mừng vui nơi nào? Trong Niết-bàn của ông nếu có ngã kiến, chắc chắn không lìa đối tượng, sao thành tựu Niết-bàn? Ngã như trước đã phá trừ, không nên tiếp tục chấp, vì thế đáng vui mừng lìa xa ngã – chân không nầy. Có thì có thể trừ bỏ – không thì không thể bỏ đi. Chấp có khởi sai lầm quán không liền trừ bỏ. Không – hữu hai đường được mất cách xa nhau, vì sao các ông bênh vực có mà bài bác không? Đáng thương thay đám tà si cuồng vô trí, không thể tin nhận chân không hữu ích, thường thích cầu tà vọng hữu vô ích, đối với chánh giáo lại sinh hiềm nghi đố kỵ, như ác tử kia tâm mê dâm loạn, say đắm sắc thanh, càn rỡ, ngang ngược không còn thể diện, đối với lời mẹ hiền khuyên bảo không biết kính trọng vâng theo, tự ở nơi hung ác gàn bướng trở lại sinh ra oán hại. Lại nữa, nếu lìa chân không rốt ráo không xả riêng để chứng phương tiện, nên tiếp theo tụng nêu:

Bất tri xả chứng nhân
Vô do năng xả chứng
Thị cố Mâu-ni thuyết
Thanh lương dư định vô.
(Không biết nhân xả – chứng
Không do năng xả – chứng
Cho nên Mâu-ni nói
Sẽ không ngoài thanh lương).

Luận nói: Các ngoại đạo kia cho dù trở lại phát tâm, cầu chứng đạt Niết-bàn và lìa bỏ sinh tử, vì không khéo biết phương tiện xả chứng, đối với sự xả chứng rốt cuộc không thể nào thành tựu. Ghét bỏ chân không, đắm say vọng hữu, nên đối với phương tiện gọi là không khéo biết, ngoài quán chân không ra không bỏ sinh tử, và chứng Niết-bàn vì phương tiện khác biệt. Những điều tham cầu mà ngoại đạo nhìn thấy đó, cuối cùng không thể đạt đến pháp thanh lương xuất thế. Nói thanh lương tức là tất cả khổ và khổ nhân cuối cùng đều vắng bặt. Chỉ có không quán là nhân chứng đắc, vì trừ không quán nầy ra lại không có phương tiện nào khác. Không quán như vậy có trong pháp Phật, tất cả ngoại đạo tà luận đều không có, nên Đức Mâu-ni nói bốn quả Sa-môn có trong pháp của Ta, các pháp khác chắc chắn không có. Vì các ngoại đạo chấp trước chỗ thấy của mình, bài bác không quán nên không thể chứng Niết-bàn. Tại sao nên biết cái chấp của chúng ta chắc chắn không phải phương tiện xả chứng đúng đắn? Trước đã nói đầy đủ, câu nghĩa chấp thường thiết lập thật có thời, đều có sai lầm, sau nầy sẽ phá rộng hơn. Chấp các căn cảnh cho nên biết ông chấp không phải là phương tiện đúng đắn. Lại nữa, các ngoại đạo ở nơi Niết-bàn thật sự không thể nào lìa bỏ các cái thấy của ngã sở mà cho nơi đó có nội ngã của mình. Giải thoát ngã sở gọi là Niết-bàn, vì sao như vậy? Vì ngã và ngã sở, suy cho cùng không có nghĩa lìa bỏ nhau, ông có thể nói các pháp khổ lạc ở nơi Niết-bàn lìa xa đối với ngã, vì ông tự thiết lập là có ngã sở, như tự thể của ngã ông vốn chấp, cũng không thể nói tự thể của ngã chẳng phải là có ngã sở mà là đồng dụ không nhân. Ông chớ chấp ngã không có tự thể, sẽ tựa như hoa đốm có sai lầm trái với tông chỉ, nên cái chấp của ngoại đạo các ông cuối cùng không thể lìa bỏ sinh tử, cũng không thể chứng được cứu cánh là Niết-bàn, do đó nên biết chẳng phải là phương tiện đúng đắn.

Lại nữa, các hàng ngoại đạo chế tác sách luận tuy sự giải thích của họ phần nào có thật, nghĩa là nói bố thí, trì giới, tinh tiến đều là nhân dẫn dắt, có thể dẫn đến nơi tốt đẹp và các sự an vui thù thắng khác. Lại nói sát hại trộm cướp… đều là nhân dẫn dắt, có thể dẫn đến nơi xấu ác và các sự khổ đau cùng cực khác. Nhưng sách luận của họ trước sau trái ngược, lại cũng chấp nhận làm các nghiệp sát sinh, lại có thể dẫn phát các cõi ác kiến, cũng từ kiến thú sinh khởi như vậy, như có người mù dạo chơi gặp được chánh đạo, hoặc lúc không nhận ra hướng lại bước vào nẻo tà, sách luận ngoại đạo lại cũng như vậy, lúc thật lúc hư không thể nương theo tin cậy. Nếu vậy thì ba tạng Thánh giáo của Như Lai, hoặc có chỗ nói khó có thể tin hiểu, thế thì tất cả kinh sách nội ngoại, không thể nào tin được thành ra sai lầm rất lớn. Vì sao như vậy? Trong kinh Phật nói các loại thần kiến không thể nghĩ bàn, lại nói nghĩa lý chân thật sâu xa cùng cực, các loại hữu tình không thể suy lường. Lại nói tác dụng ba nghiệp cả Như Lai, các hàng Thanh văn không thể nào biết được. Nghĩa là không hề dụng công mà khắp nơi ở mười phương vô lượng vô biên thế giới xa xăm cùng cực, tùy theo mỗi mỗi căn tánh của các loài hữu tình, vô lượng vô số phần loại khác nhau, như niềm vui thích của họ có thể ở trong phút chốc hiện bày sắc thân vi diệu làm lợi ích vô tận. Tuy đoạn tất cả tầm tứ sai biệt, nhưng luôn luôn vì vô lượng hữu tình kia diễn nói vô biên pháp âm sâu xa rộng lớn chân thật vi diệu vô tận, ở trong một niệm có thể trừ sạch vô lượng vô biên tâm hạnh xấu xa của các hữu tình. Tâm đó tuy không thật sinh thật diệt, cũng không tất cả chủ thể duyên đối tượng duyên, nhưng trong một niệm hướng về khắp tất cả cảnh giới của đối tượng nhận biết hiện thấy không sót, vào lúc hiện thấy xa lìa tất cả mọi chủ thể đối tượng nhận thức phân biệt tư duy. Tuy đoạn tất cả sự ràng buộc của tùy miên nhưng ở nơi tam hữu nhận chịu sinh tử, tuy lìa dục lâu dài nhưng sạch ở cõi dục, hiện tại ở nơi lao ngục chật hẹp của gia đình, tích chứa giữ gìn các loại của cải, lúa thóc quý hiếm, nuôi nấng vợ con thân quyến, đồng bộc… các việc như vậy đều khó tin hiểu, cho nên ta đối với những việc nầy hết sức hoài nghi do dự. Sự nếu đích xác có thể sinh nghi ngờ, nhưng sự cũng không.

Vì thế tiếp theo tụng nói:

Nhược ư Phật sở thuyết
Thâm sự dĩ sinh nghi
Khả y vô tướng không
Nhi sinh quyết định tín.
(Nếu với lời Phật nói
Sự sâu, do sinh nghi
Nên nương vô tướng không
Mà sinh tin quyết định).

Luận nói: Ý tụng nầy nói, Như Lai làm cho bầy hươu ngoại đạo khiếp sợ khi cất tiếng gầm của đại sư tử, thị hiện chân không. Như vậy nghĩa đó quyết định chân không, lý giáo phân minh cùng nhau thành lập. Các bậc có trí sử dụng định lượng nầy, chất vấn sắc sảo, suy tư tinh tế đều không thể nào vượt hơn, tùy thuận lý chân không, tu tập chuyên cần không trái ngược, các điều thiện trang nghiêm thành tựu của vô thượng, đối với lý chân không nầy nên sinh tin hiểu chắc chắn, chỉ không là thật, còn lại đều chẳng phải chân. Nhưng Như Lai tùy theo hoàn cảnh căn cơ mong muốn, khéo léo quyền biến phương tiện hiển thị tuyên dương. Hơn nữa, lời Phật đã nói tuy có vô lượng nhưng tóm lược chỉ là hai loại, đó là không và bất không. Nếu đối với bất không có những điều nghi ngờ thì có thể căn cứ theo lý không để so sánh, suy lường sẽ biết, các pháp đều không tại sao có thể thấy, do thức nói cảnh có thì nghĩa ấy không thành tựu. Thể tướng của các pháp tóm lược có hai loại, đó là thức, sở thức (đối tượng nhận thức) và ngôn, sở ngôn (đối tượng nói năng). Một cảnh đồng tùy theo có nhiều thức khởi lên, tùy theo cái thấy sai biệt nên cảnh tướng khác nhau. Thức nầy không thể tùy theo ngoại cảnh mà phát khởi, vì thể của một cảnh không thể có nhiều tướng, do đó biết đối tượng nhận thức chắn chắn không có. Ngôn từ là giả lập chỉ giải thích về cộng tướng, tất cả cộng tướng đều chẳng thật có, do nhiều pháp hợp thành nên giống như những quân lính, rừng cây. Lại nữa, các cộng tướng đều nương theo pháp riêng biệt, chỗ dựa của pháp riêng biệt đó số nhiều vô lượng, những người thấy tiếp cận sẽ không thể thấy khắp nơi, đã không thấy cái riêng thì không thể thấy cái chung, như hai tánh cũng dựa theo hai vật không nhìn thấy chỗ dựa chắc chắn không thể là chủ thể nhận biết. Như vậy cộng tướng đã chẳng phải đối tượng nhận biết, làm sao nương theo nơi đó mà kiến lập chủ thể chứng đắc, nên cộng tướng chỉ tạm thời nêu bày, chẳng phải là thật có, có thể làm ngôn ngữ giảng giải. Lại nữa, nếu các cộng tướng thật có, trên mỗi mỗi pháp hoàn toàn có phân biệt có, đều không thể thành tựu. Trên mỗi mỗi pháp nếu là hoàn toàn có sẽ như pháp riêng biệt, nên cộng tướng thường không thành trên mỗi mỗi pháp nếu là phân biệt có, sẽ thành ra nhiều phần chẳng phải một cộng tướng. Lại nữa, trên thật đẳng không riêng biệt có một, vì tổng tánh thật đều là đối tượng duyên của tuệ, như chẳng phải thật v.v… thì tổng tánh tức là cộng tướng của các pháp, nên cộng tướng chẳng có thể thật, chỉ là các thế gian tạm thời cùng nhau nêu đặt. Như vậy các pháp hoặc là thức, đối tượng nhận thức, hoặc là ngôn, đối tượng nói năng, cả hai loại suy ra đều chẳng phải thật có, trừ hai cảnh nầy ra lại không có pháp nào riêng biệt, vì thế cần phải tin hiểu các pháp đều là không. Do đó Khế kinh nói như vầy: Thật tánh của các pháp không thị hiện, không đối đãi, đều cùng chung một tướng, đó gọi là vô tướng. Tánh tướng của các pháp chẳng phải chốn hành của ngôn từ, ngôn từ không thể nào giải thích được nên gọi là không thị hiện, vì chẳng phải cảnh nơi nẻo hành của tâm và tâm pháp, chẳng phải duyên với đối tượng đối chủ thể đối của hữu đối nên gọi là không đối đãi, chẳng phải khởi lên hai loại ngoài tướng nơi đối tượng hành riêng biệt có tướng khác, nên gọi là vô tướng, không tướng không có hai, nên gọi là nhất tướng, không bị các mũi tên độc của tham sân vọng chấp làm tổn hại, chân thật thấy chỗ chứng đắc là chân không phân minh có thể hiểu rõ nên gọi là tướng. Lại nữa, lý chân không lìa xa tất cả các pháp có – không nên gọi là vô tướng, vô tướng không có hai tướng, nên nói là một, tức là dùng vô tướng như thế là tướng, do đó gọi là tướng chẳng phải biệt hữu tướng.

Lại nữa, các hàng ngoại đạo kia nói lời như vầy: Chư Phật đã nói lược có hai loại, gọi là không và bất không, nói không nếu là thật thì các thuyết khác sẽ hư dối, nếu lời Phật đã nói có một phần là thật thì giống như các phần khác cũng chẳng phải hư dối, lời chúng tôi đã nói cũng sẽ như vậy, tại sao bác bỏ tất cả, nói là không đáng tin tưởng? Vì ngoại đạo các ông ở trong sự việc hiện tại có những sai lầm nên không đáng nương theo tin tưởng. Vì sao như vậy? Do đó tiếp theo tụng nói:

Quán hiện thượng hữu vọng
Tri hậu định vi hư
(Quán hiện hãy còn vọng
Biết sau chắc là giả).

Luận nói: Các hàng ngoại đạo kia giác tà, tâm loạn, trong sự việc thiển cận hãy còn có những điên đảo, huống hồ ở đời sau xa xăm cùng cực khó biết. Trong lý nhân quả không sai lầm, nên những gì đã nói không đáng nương theo tin tưởng, đối với chỗ nào thiển cận có tôi đánh đổ quân tà. Nghĩa là ngoại đạo Thắng luận cho đồng – dị đều là cảnh hiện lượng. Ngoại đạo Số luận cho khổ đều là cảnh hiện lượng, các sự việc như thế số nhiều vô biên, đều có điên đảo. Vì sao? Vì như Thắng luận chấp đồng – dị tánh đều là cảnh hiện lượng, lý đó không đúng, tánh các loài trâu ngựa phân biệt về ý thức, đối với các sắc của pháp tạm thời nêu bày mà có, vượt qua các căn cảnh chẳng phải là hiện lượng đạt được, vì khắp nơi các chỗ dựa không hề sai biệt, như thể hòa hợp. Hạng kia cho thức thứ sáu hòa hợp với câu nghĩa, thể đó là một hiện bày khắp các chỗ dựa, vượt qua các căn cảnh chẳng phải là hiện lượng đạt được, các tánh đồng – dị nghĩa của nó cũng vậy, tại sao chấp là cảnh giới hiện lượng? Lại nữa, luận kia nói có thật câu nghĩa, là cảnh hiện lượng, lý cũng không đúng, vì sao như vậy? Vì các vật như bình chậu, áo quần nhờ ý thức để phân biệt, đối với các sắc của pháp tạm thời nêu bày mà có, tại sao chấp là cảnh giới hiện lượng? Nhưng luận kia nói các vật như bình chậu, áo quần nhân nơi đức nghiệp chân thật hòa hợp với đồng – dị là mắt nhìn thấy và thân xúc chạm, nên căn cảnh nầy là hiện lượng đã biết. Điều nầy tất nhiên không đúng. Trước đây nói về nhờ đức dẫn dắt thật trí chẳng phải thuộc về hiện lượng. Nghĩa là nhờ vào các đức của màu xanh vàng và hơi ấm dẫn dắt thật trí, chắc chắn không phải nhìn thấy, xúc chạm (kiến, xúc) thuộc về hiện lượng. Chẳng phải nghiệp đồng dị thật sự dẫn dắt sinh ra mà vì nương theo tướng khác hòa hợp sinh ra, như nhờ vào hương vị dẫn dắt thật trí, nhờ vào nghiệp dẫn dắt sinh ra thật trí cũng như vậy. Nếu như tỷ lượng phù hợp với sự ngăn chặn phá trừ, nghĩa là nhờ vào các nghiệp dẫn dắt thật trí, cũng chẳng phải thuộc về hiện lượng của kiến – xúc, chẳng phải tánh đồng dị thật sự dẫn dắt sinh ra mà vì nương theo tướng khác hòa hợp sinh ra, như nhân nơi hương vị dẫn dắt thật trí, nhân nơi thật sự dẫn dắt sinh ra thật trí vốn có, như thấy các ấm bình biết là những trâu ngựa, đã phá bỏ các câu nghĩa thật của các bình ấm, chẳng phải những kiến – xúc, tức đã phá bỏ sự dẫn dắt của thật trí kia, vì trí của các bình ấm chắc chắn nhờ vào đức nghiệp mới có thể được sinh ra. Điều nầy trước đây đã phá bỏ, nên cũng chẳng phải thuộc về hiện lượng, nhân nơi tánh đồng dị dẫn dắt thật trí, cũng chẳng phải thuộc về hiện lượng của kiến, xúc, nương theo tướng khác hòa hợp sinh ra, như các trí vốn có chẳng phải là cùng thật. Nghĩa là chẳng phải thật trí đối với các đức nghiệp nói ở đây, không thật sự dựa theo tướng khác hòa hợp mà sinh, chắc chắn không phải thuộc về hiện lượng của kiến, xúc, trí khác cũng vậy. Do đó nên biết: Tất cả câu nghĩa tạm thời hòa hợp sinh ra trí, đều chẳng phải chân thật duyên với hiện lượng kia. Nghĩa là duyên với thật trí chẳng phải là chân thật duyên với hiện lượng thật tạm thời hòa hợp mà sinh, như trí của các đức. Như vậy cho đến duyên hòa hợp trí cũng chẳng phải chân thật, duyên với hiện tượng kia tạm thời hòa hợp sinh ra, như các trí chân thật nên không thể chấp có cảnh hiện lượng trong câu nghĩa và thức thứ sáu. Vì vậy, Thắng luận đối với các sự việc thiển cận trong đời hiện tại đó cũng có điên đảo. Lại nữa, Số luận kia chấp các sắc của pháp do ba đức hợp thành, là thật chẳng phải nhờ và hiện lượng mà đạt được. Lý cũng không đúng, vì nhiều pháp thành tựu, như những quân lính rừng cây, các sắc sẽ là tạm, vì sao nói là thật? Lại nữa, vì khổ lạc tham si ba tánh đó khác biệt, nếu chưa thay đổi phần vị thì không thể trở thành một. Lại nữa, các sắc của pháp nếu là thật có, sẽ như những khổ lạc, chẳng phải ba đức hợp thành. Lại nữa, ba tánh của những khổ lạc đều khác biệt về tướng, tại sao hòa hợp cùng trở thành một tướng, vì lúc không thể hòa hợp chuyển thành một tướng, và lúc chưa hòa hợp thể không hề khác nhau. Lại nữa, ba tánh của những khổ lạc đã đều khác nhau, tướng không thể giống nhau, ông chấp tánh tướng chắc chắn là một thì tánh sẽ như tướng giống nhau, tướng sẽ như tánh khác biệt. Lại nữa, khổ lạc là riêng biệt, các sắc là tổng quát, ông chấp riêng biệt và tổng quát đã nhất định là một, thì tổng sẽ như biệt là ba chẳng phải một, biệt sẽ như tổng là một chẳng phải ba, tại sao ba cái biệt trở thành một cái tổng? Lại nữa, lúc các khổ lạc chuyển biến mà ba đức nếu không hòa hợp cùng tạo thành một tướng, như lúc chưa chuyển biến thì tướng của nó khác nhau, không thể hiện thấy là cùng một sắc. Nếu ba đức hòa hợp cùng trở thành một tướng thì sẽ mất đi ba loại biệt tướng của khổ lạc nên không thể nói ba đức khổ lạc đều có hai tướng là một tổng hai biệt. Vì sao như vậy? Vì tổng tướng nếu là một thì tướng không thể chính là ba, tổng tướng nếu là ba thì không thể thấy là một. Nếu nói mỗi mỗi khổ lạc đều có, thì cộng tướng của ba tướng khổ lạc hòa hợp lẫn lộn khó có thể biết rõ. Vì vậy thấy một điều nầy cũng không đúng. Đều có ba tướng trở lại sẽ thấy là ba, làm sao chỉ thấy một, tại sao có thể biết các khổ lạc có khác nhau? Lại nữa, nếu mỗi mỗi đều có ba tướng cần gì phải hòa hợp cùng trở thành các sắc, tức mỗi mỗi sẽ có thể tạo thành các sắc, căn cảnh sai biệt là thọ dụng của ngã. Lại nữa, ba đức nầy đều có ba tướng, có khác biệt lẫn nhau, làm sao tướng cả các sắc đó là một? Lại nữa, nếu mỗi mỗi khổ lạc đều có thể tạo thành các sắc của pháp, mỗi mỗi pháp thể đều do ba đức hợp thành, thế thì hoặc là tánh hoặc là tướng của các pháp, sẽ không hề sai biệt, vì cùng lấy ba đức ba tướng mà tạo thành. Nếu vậy thì tất cả nhân quả các đại chủng, chỉ tùy theo sự sai biệt của các căn các đại chủng, tất cả không thể trở thành các vật tịnh – uế, tình và chẳng phải tình hiện thấy ở thế gian. Hiện lượng tỷ lượng cũng không sai biệt, nên trái ngược với chỗ thấy hiện tại của các thế gian, thành ra sai lầm vô cùng. Các loại như thế, ngoại đạo tà sư chấp trước, tuy nhiên đều không hợp lý. Ai có thể làm công việc ngăn cản sự khuấy rối đống phẩn uế? Trong pháp của Phật ta có nhiều các vị pháp tướng, đã đánh đổi kẻ đối địch kia, do đó không phiền nói đến. Ngoại đạo như thế ở nơi thiển cận, giữa ban ngày trên đường phẳng lặng hãy còn có thể bước đi chòng chành, huống hồ ở nơi xa xôi nguy hiểm núi cao rừng rậm đêm dài tối tăm mà không sai lạc! Ai là người có hiểu biết, tin lời tà vạy kia là đích thực quay về tà, do đó tiếp tục tụng nói:

Thành y bỉ pháp hành
Bị cuồng chung vô dĩ
(Thật nương pháp hành kia
Bị cuồng mãi không dứt).

Luận nói: Nếu các hữu tình tùy theo cái thấy mê muội của ngoại đạo kia trở lại chấp các pháp hành đã nói, tùy theo lực giáo hóa của bạn ác và giáo tà kia, nên huân tập vọng kiến tùy ý giữ lấy, hủy báng Như Lai chứng pháp đã thành lập, mắc phải tội nghiệp to lớn số lượng vô biên, do nhân duyên nầy bị đọa vào các đường ác, nhận chịu ưu khổ cùng cực, không có kỳ hạn thoát khỏi. Vì vậy ai là người có trí, đừng giống như kẻ ngu tối đi theo bạn ác mà tự lừa dối mình, nên thuận theo chư Phật chân thật không tội lỗi, mau chóng chứng đạt thoát khỏi khổ đau, như Thánh giáo tu hành.

Lại nữa, như trên đã nói: Trong kinh Phật nói các loại thần biến không thể nghĩ bàn, lại nói nghĩa lý chân thật sâu xa cùng cực, các loại hữu tình không sao suy lường được, thậm chí nói nhiều về các sự việc như vậy, điều khó tin biết ấy quả thật như đã nói. Công đức chư Phật và nghĩa lý đã nói đều sâu xa vô cùng nên khó có thể tin biết, những kẻ ngu tối các ông phước mỏng trí cạn, chỉ mong cầu lợi mình mà không nguyện cứu giúp người, chưa uống pháp vị cam lồ đại bi, há có thể tin hiểu pháp môn như thế! Nếu có ánh sáng trí tuệ phá tan bóng tối vô minh, thâm tâm xót thương tất cả hữu tình, cầu Bồ-đề quả Phật đầy đủ phước đức rộng lớn, mới có thể tin hiểu pháp môn như vậy. Nghĩa là các Đức Như Lai ở vô lượng kiếp ngày xưa huân tập chủng tánh bi tuệ phát khởi tâm đó, vì nhổ sạch khổ đau sinh tử cho hữu tình, vì cầu Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng. Ở nơi chư Phật cung kính cúng dường, lắng nghe chánh pháp tâm niệm tư duy, tu tập vô biên pháp tùy pháp hành. Nghĩa là các độ thí – giới nhẫn cần định – tuệ, các loại thắng hạnh vi diệu khó hành, tha thiết không bỏ tu tập trọn vẹn, chứng được Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng, gặt hái thần lực tự tại không thể nghĩ bàn, bản nguyện sở hành diệu dụng không cùng tận. Đối với điều nầy vì lý do gì mà không tin hiểu? Hiện thấy các sự việc liên quan ở thế gian, trước uy lực dẫn dắt mặc ý chuyển vận dao động, thần biến thù thắng của Như Lai như vậy, bản nguyện dẫn dắt tùy ý chuyển vận mà nêu đặt thực hành. Lại như người luyện tập huyễn thuật ở thế gian, nếu đạt đến mức thành tựu hoàn toàn ở giữa mọi người, hiển bày diệu dụng khó nghĩ suy, huống hồ Như Lai đã tu tập thắng định lâu xa, đầy đủ tăng thượng, thần thông tác dụng lại có thể suy lường sao? Do đó các ông đối với những sự việc không thể nghĩ bàn của Đức Như Lai, nên phát sinh tin hiểu, đối với thần thông tự tại công đức viên mãn của Phật nên chí tâm mong cầu, chớ hoài nghi phóng dật. Có những Thanh văn đối với thần lực vô biên không thể nghĩ bàn của Phật, tự biết tuyệt thần nên đau buồn gào khóc than vãn, tiếng chấn động ba ngàn thế giới, các ông tại sao hủy báng không tin?

Lại nữa, các bậc có trí, tự hướng đến Niết-bàn mà hiểu biết mơ hồ, gặp thầy không thể theo học. Để hiển bày nghĩa nầy, nên nói tụng:

Trí giả tự Niết-bàn
Thị năng tác nan tác
Ngu phu phùng thiện đạo
Nhi vô tùy thú tâm.
(Người trí tự Niết-bàn
Là làm điều khó làm
Phàm ngu gặp nẻo thiện
Mà tâm không hướng theo).

Luận nói: Phiền não trói buộc từ vô thỉ đến nay, biết bao thói quen vững chắc khó đoạn trừ, Niết-bàn vắng lặng yên tĩnh không tướng không danh, thắng đức vô biên cao vời sâu xa khó chứng đạt. Những người có trí, không nhờ người khác chỉ dạy, tự nhiên có thể vượt qua biển lớn sinh tử, chứng đạt đại bát Niết-bàn cứu cánh, là bậc đại trượng phu có thể làm công việc khó làm. Phàm phu ngu tối chìm đắm lâu dài trong bùn lầy của các dục, mê say mùi vị hoan lạc không mong cầu thoát ra, như chó ham gặm khúc xương khô, cho dù gậy gộc bức bách hãy còn không vất bỏ, phàm phu ngu tối cũng như vậy, say đắm mùi vị của các dục thì lời Hiền Thánh trách mắng cũng không hề chán bỏ. Như vậy người trí tự nhiên mở bày, thức tỉnh chứng đại Niết-bàn, là làm việc khó làm, phàm phu phóng dật không hiểu biết thức tỉnh, cho dù gặp được Thánh ngôn cũng không mong cầu tịch diệt.

Lại nữa, sinh tử đau khổ vô cùng, Niết-bàn an vui vô vận, lỗi lầm công đức rõ ràng dễ hiểu, tại sao hữu tình an nhiên không mong muốn, chán ngán lìa bỏ sinh tử vui mừng hướng đến Niết-bàn? Vì sự ngu si đó nên có những sợ hãi. Nghĩa là hoài nghi mình thích nghe về Niết-bàn chân không, sợ rằng chứng đạt vô dư mình sẽ đoạn diệt. Do sự sợ hãi nầy nên không mong muốn chán ngán lìa bỏ sinh tử vui mừng hướng đến Niết-bàn. Sợ hãi như vậy vì trí kém hiểu biết sinh ra. Tại sao như vậy? Vì thế tiếp theo tụng nói:

Bất tri vô bố úy
Biến tri diệc phục nhiên
Định do thiểu phần tri
Nhi sinh ư bố úy.
(Không biết, không sợ hãi
Biết nhiều cũng như vậy
Nhất định do biết ít
Mà sinh ra sợ hãi).

Luận nói: Nếu các hữu tình đều không có giác tuệ, đối với tất cả các pháp chẳng hề hiểu biết, thì đối với Niết-bàn kia không sinh lòng sợ hãi. Nếu có người biết tất cả chánh lý của các pháp, thông suốt sinh tử và Niết-bàn, lúc sinh tử sinh ra chỉ là giả khổ sinh, lúc sinh tử diệt đi chỉ là giả khổ sinh, xưa nay vô ngã, các pháp đều không, nên đối với Niết-bàn hoàn toàn không có gì sợ hãi. Nếu có chỉ là lúc hiểu rõ bát Niết-bàn, các hành đều diệt hoàn toàn không có gì, không biết hành khổ tự nhiên tự diệt, không có thể dụng thật sự lìa bỏ ngã và ngã sở.

Lúc ấy do thân kiến ngã ái chủ trì nghe không trong Niết-bàn không hề có gì, sợ mình sẽ đoạn diệt liền sinh ra sợ hãi. Sự sợ hãi như vậy vì trí kém hiểu biết sinh ra, nên người có trí cần phải đích thực đoạn trừ. Hơn nữa, chẳng phải luyện tập thường ngày vì thế sinh ra sợ hãi. Tại sao như vậy? Do đó, tiếp theo tụng nói:

Sinh tử thuận lưu pháp
Ngu phu thường tập hành
Vị tằng tu nghịch lưu
Thị cố sinh bố úy.
(Pháp sinh tử thuận dòng
Phàm ngu thường tập hành
Nghịch dòng chưa hề tu
Cho nên sinh sợ hãi).

Luận nói: Các loài chúng sinh ấy gọi là ngu phu, phiền não tùy miên không thứ gì là không tạo thành, mừng vui trong sinh tử chẳng hề ưa thích Niết-bàn, từ vô thỉ đến nay đã từng biết bao lãnh thọ, sinh đạo tăng thượng dị thục đáng yêu, chưa từng tu tập thắng đạo quyết định, các quả dị thục trong sinh đạo tăng thêm, tham sân, tùy miên làm những nơi nương dựa. Tuy bị lửa đau khổ thường xuyên thiêu đốt, nhưng không hề thức tỉnh hiểu biết mà vui say du húy, nên đối với sinh tử khổ đau thường xuyên huân tập thực hành, không biết lỗi lầm tai họa nên tâm không hề chán bỏ, đối với mùi vị an lạc không hề đau khổ của sự giải thoát, vì không từng biết đến nên chẳng vui thích tu chứng. Như heo nhốt trong chuồng ở thế gian mê say vui với phẩn uế, thanh nhàn ăn uống ngon ngọt lại chẳng hề vui sướng cầu mong. Phàm phu ngu tối ưa thích sinh tử khổ đau như thế, đối với sự giải thoát an lạc không có ý mong cầu ngưỡng mộ, vì không thường xuyên luyện tập, nghe nói đến tên gọi đó không thể tin nhận, trái lại sinh ra sợ hãi. Những người có trí nhờ khả năng tư duy chọn lựa, đối với sự giải thoát an lạc nên đúng đắn chăm chỉ mong cầu, đừng giống như hạng ngu phu trở lại sinh lòng chán ngán sợ hãi.

Lại nữa, những người có niềm tin cầu mong giải thoát không lùi, hoặc là tánh hiền thiện, hoặc nhờ vào tuệ lực, lúc sắp tu phương tiện thấy chân thật, nếu ở trong đó vì xảy ra sự chướng ngại, nên nhận chịu tội lỗi số lượng vô biên. Để hiển bày nghĩa nầy, nên nói tụng:

Chư hữu ngu si nhân
Chướng tha chân thật kiến
Vô do sinh thiện thú
Như hà chứng Niết-bàn.
(Có những người ngu si
Ngăn che thấy chân thật
Vì không sinh cõi thiện
Làm sao chứng Niết-bàn?).

Luận nói: Thấy không chân thật là nhân chứng đạt trí vô thượng viên mãn, lại là phương tiện Niết-bàn mãi mãi diệt trừ tất cả nghĩa vô (không có). Đạo phương tiện nầy là nơi sinh ra công đức không thể nghĩ bàn. Do đó lần lượt mau chóng chứng quả Bồ-đề, không trụ nơi Niếtbàn lợi lạc không cùng tận, tùy theo căn tánh bất đồng của vô lượng hữu tình ở nơi giáo hóa đó, an lập các chủng tử và thành thục của vị, lợi lạc không cùng tận cho những người ngu si. Do bóng tối vô minh che lấp tuệ nhãn chính mình, không thấy cái không chân thật lại dùng thuyết tà và các phương tiện khác, chướng ngại sự tu tập của người, như công đức trước đây, người kia nhận chịu tội nghiệp vô lượng vô biên. Chỉ có Như Lai mới luôn biết được cảnh ngộ đó. Vì nghiệp ác nặng nề nhiễm đắm hủy hoại tâm ấy, đời sau ngăn cách đường thiện rất xa, tùy miên trói buộc tiếp tục kiên cố, bao nhiên nghiệp nhân có thể làm cho chướng ngại nặng lên, phương tiện thuận theo nhẫn chịu hãy còn không thể sinh được, đích thực thấy Niết-bàn làm sao có thể chứng? Biết chướng ngại nơi chánh pháp, tội nghiệp đã sâu nặng như vậy, người trí cần phải tự mình nên phòng ngừa chớ phạm vào.

Lại nữa, những người chướng ngại người khác tu tập chánh pháp, sau đó tự mình dẫn khởi tà kiến làm cho nó phát sinh. Tà kiến nầy tội lỗi còn hơn phá giới, để hiển bày nghĩa, nên lại nói tụng:

Ninh hủy phạm thi la
Bất tổn hoại chánh kiến
(Thà hủy phạm giới luật
Không tổn hoại chánh kiến).

Luận nói: Như thế kinh nói: Thà phá hủy tịnh giới không tổn hoại chánh kiến. Ý nầy là sao? Vì người phá hủy tịnh giới chỉ có thể tự mình hỏng đi, nếu tổn hoại chánh kiến thì mình và người cùng hư hoại, khiến cho vô lượng đời kiếp nhận chịu quả báo khổ đau vô cùng, và mất đi vô lượng vô biên lợi ích an lạc. Lại nữa, người phá hủy giới luật là do phạm giới nên thường ôm lòng xấu hổ trách móc chán ghét tự thân, người phá hoại chánh kiến không biết xấu hổ thẹn thùng, tán thành với tà kiến, thường tự mình trở nên cao ngạo. Lại nữa, người hủy phạm giới luật không tăng thêm tà kiến, nếu phá hoại chánh kiến thì khiến cho tội lỗi phá giới chưa sinh sẽ sinh, sinh rồi càng thêm nhiều hơn, kiên cố khó phá hoại. Lại nữa, phá hủy tịnh giới chỉ tạo chướng ngại việc sinh lên cõi trời, người phá hoại chánh kiến thì tạo chướng ngại nơi niềm an lạc Niết-bàn. Vì sao như vậy? Do đó tiếp theo tụng nói:

Thi la sinh thiện thú
Chánh kiến đắc Niết-bàn
(Giới luật sinh đường thiện
Chánh kiến đạt Niết-bàn).

Luận nói: Hủy giới hoại kiến, tuy lại cùng có thể tổn hoại thiện nhân chướng ngại lạc quả, nhưng hủy giới lỗi nhẹ, hoại kiến tội rất nặng. Vì sao như vậy? Vì trì giới sinh đến cõi trời tăng thêm kiết sử trói buộc nhận chịu khổ đau sinh tử, chánh kiến có thể chứng quả Bồ-đề ba thừa đạt đến Niết-bàn an lạc, nên người trí chớ phá hoại chánh kiến.

Lại nữa, chân lý của các pháp ấy là gì? Nghĩa là lý vô ngã – không của tất cả các pháp. Nếu vậy lý nầy cũng có sai lầm. Vì sao? Vì nếu như có một loại nghe không – vô ngã cho pháp đều là không, bài bác tất cả chánh lý nhân quả, thậm chí đoạn diệt tất cả thiện căn. Tự thấy như vậy là có lỗi, chẳng phải sai lầm do không – vô ngã, mà do chấp giữ ác không, vọng khởi tà kiến, làm các hạnh ác, lý không vô ngã tâm tư và ngôn từ không thể suy lường, chẳng phải sự chứng đạt của hạng kia. Phàm phu ngu tối nghe nói các pháp đều không, không biết rõ Thánh ý, liền bác bỏ cũng không nhân quả thế tục, diệt trừ các pháp thiện, điều nầy lẽ nào sai lầm do không – vô ngã? Bậc Thánh nói về giáo nghĩa chân không có ý gì vậy, là trừ bỏ tất cả sự chấp có hư vọng. Nếu vậy cũng nên nói về các pháp có, vì để trừ bỏ vọng chấp về các pháp không. Quả thật như vậy nếu có chấp về các pháp không, Như Lai cũng nói các pháp là có. Đã là trừ chấp nên nói có nói không, chân lý của các pháp là không là có, chân lý của các pháp chẳng phải có chẳng phải không, mọi phân biệt lý luận đều không thể nào đạt đến. Vì lý do gì bậc Thánh nói chẳng phải là hư vọng? Vì trừ dẹp tà chấp nên chẳng phải hư vọng. Hai giáo nghĩa không – hữu đều có thể trừ chấp vì sao Như Lai nói nhiều về giáo nghĩa không? Do đa số các hữu tình chấp có, đa số sinh tử chấp có mà sinh, nên Như Lai nhằm trừ dẹp chấp có để diệt khổ đau sinh tử, vì vậy nói nhiều về giáo nghĩa không. Hoặc là không, hoặc là có đều là giáo môn, vì sao trước đây nói không có chân lý. Vì theo phương tiện mượn nói cũng chẳng trái nhau. Lại nữa, nói về không nầy là ngăn chặn chứ chẳng phải là biểu hiện, chẳng phải chỉ không có mà cũng là không không, khắp nơi trừ dẹp tâm chấp trước khiến cho phù hợp với các pháp, chẳng phải có chẳng phải không là chân lý cứu cánh. Chân lý của các pháp thật ra chẳng phải là không tánh, không làm môn nên mượn nói là không, chân lý chẳng phải là không. Môn không làm tức là chân lý chẳng phải có, nên môn có làm tùy theo căn cơ nói môn, có cũng không sai lầm. Nhưng nghĩa của ông đó thuận theo ở chỗ không có – có có đều là tùy thuận nơi tâm chấp trước, không không – không đều trái ngược với vọng chấp Vì vậy người có trí nghe nói đến ngôn từ không thì nên lìa bỏ tất cả các chấp có – không, hiểu rõ chân lý của pháp chẳng phải có chẳng phải không, đừng khởi lên những hý luận phân biệt về có – không.

Lại nữa, người trí tuệ kém cỏi, trước hết không nên luôn luôn nói đến lý không – vô ngã mà tăng thêm ác kiến kia. Vì sao như vậy? Vì tiếp theo tụng nói:

Ninh bỉ khởi ngã chấp
Phi không vô ngã kiến
Hậu kiêm hướng ác thú
Sơ dung bội Niết-bàn.
(Thà khởi bày ngã chấp
Đừng thấy không – vô ngã
Sau cùng đến đường ác
Đầu chỉ trái Niết-bàn).

Luận nói: Hạng kia nghĩa là những người trí tuệ kém cỏi ở thế gian, ngã chấp tức là Tát ca da kiến (Thân kiến), cái thấy của ngã đó cũng bao hàm ngã chấp, nên nói ngã chấp cũng thuộc về cái thấy kia. Tuy ngã chấp lại không xứng hợp chánh lý, nhưng thà khởi chấp kia vì sai lầm nhẹ nhàng hơn, thấy không – vô ngã tuy phù hợp chánh lý, nhưng điều đó không thể nào liễu đạt như thật, nhân đó bài bác các pháp đều sai lầm nặng nhẹ khác nhau. Nghĩa là ngã chấp ban đầu chỉ trái với Niết-bàn, giữ lấy ác không ở sau bao gồm hướng về cõi ác. Hạng trí tuệ kém cỏi kia lúc giữ lấy ác không, hãy còn chán bỏ thiện căn, huống hồ các loài hàm thức! Kẻ kia do chán bỏ điều thiện và thế gian, đoạn diệt thiện căn làm tổn hại đến hàm thức, không chỉ xả bỏ quay lưng với Niết-bàn thanh lương, mà tự thân cũng giữ lấy đầy đủ lửa của địa ngục. Người khởi ngã kiến không có chuyện như vậy. Vì sao? Vì người kia tham lam sự an lạc của mình và mong muốn mình lìa xa đau khổ, không tạo các lỗi tu tập nhiều những phước thiện, thoát khỏi các đường ác, không mất nẻo đường người, chỉ sợ không chứng được Niếtbàn giải thoát. Do đó Khế kinh nói: Thà khởi ngã kiến như núi Diệu

Cao, chẳng giữ lấy ác không, tăng thượng mạn. Nếu vậy lý không – vô ngã của các pháp sát bên cạnh nơi nguy hiểm, bậc Thánh không nên nói, người trí tuệ kém cỏi trước đây thực sự không nên nói, nhưng người trí tuệ thù thắng tùy theo đấy tu hành gặt hái nghĩa lợi to lớn, do đó cần phải nói. Vì sao như thế? Tiếp theo tụng nói:

Không – vô ngã diệu lý
Chư Phật chân cảnh giới
Năng bố chúng ác kiến
Niết-bàn bất nhị môn.
(Diệu lý không – vô ngã
Là chân cảnh chư Phật
Hay sợ các ác kiến
Niết-bàn chẳng hai môn).

Luận nói: Người cầu giải thoát ngại trừ diệu không quán ra, không có phương tiện nào khác có thể chứng đạt Niết-bàn. Người trí muốn trừ sạch cấu bẩn của các ác kiến, lìa bỏ quán nầy không có phương tiện thù thắng nào khác, vì có kiến chấp có cảnh nơi đối tượng duyên, như các kiến khác không thể chứng Niết-bàn, cũng không thể nào trừ sạch cấu bẩn của các ác kiến. Người tu tập thực hành không nầy đến chỗ cứu cánh, có thể chứng được quả Bồ-đề vô thượng, vì tất cả hữu tình theo phương tiện khai thị, lại khiến cho hoàn toàn chứng được quả diệu mong cầu. Những người có khả năng thành tựu lợi lạc tự – tha, quán không – vô ngã là nhân thù thắng nhất, vì thế sẽ khéo léo biết rõ căn tánh của hữu tình, phương tiện khai thị khiến cho thức tỉnh đi vào nơi đó.

Lại nữa, Như Lai vì trừ dẹp ác kiến quỷ mị, nói phương thuốc A yết đà không – vô ngã. Vì sao như vậy? Vì những người có ác kiến, nghe nói đến danh từ của không đều sinh lòng sợ hãi, điều phục dần dần tự nhiên trừ bỏ. Để hiển bày nghĩa nầy, nên nói tụng:

Ngu văn không pháp danh
Giai sinh đại bố úy
Như kiến đại lực giả
Khiếp liệt tất bôn đào.
(Người ngu nghe pháp không
Đều sinh tâm sợ hãi
Như thấy người sức mạnh
Kẻ yếu trốn chạy hết).

Luận nói: Ngu nghĩa là các kiến, che lấp tổn hại đến tuệ nhãn. Kẻ ngu kia nghe danh từ không, tánh mạng của các ác kiến tự nhiên tổn hoại. Không tuy chẳng có tâm muốn làm hại ác kiến nhưng vì là đại lực nên nghe danh mà tự diệt, như nghe danh cọp thì người khiếp sợ tự mất mật. Lại như thế gian khéo điều phục voi quý, đối với hai loài đó dùng uy lực chế ngự lẫn nhau, tuy lại là không có tâm tổn hại đến tánh mạng loài vật, nhưng vì loài voi quý kia có sức lực to lớn, các loài khác thấy nghe loài đó thì kinh hồn bạt vía, trốn chạy trối chết. Lý không cũng vậy, vì uy lực to lớn khiến người ác kiến nghe danh đều kinh hãi, tự nhiên tổn hoại mà diệt chứ lý không chẳng hề cố ý, chẳng hề làm tổn hại mọi vật. Người chứng đạt lý không sẽ làm cho người khác sợ hãi. Nếu chứng đạt chân không thì tâm đó vắng lặng thanh tịnh, bình đẳng không hai, lẽ nào muốn người khác sợ hãi, nhưng vì nhằm tạo lợi lạc cho các hữu tình, phương tiện khai thị lý không – vô ngã. Người ôm giữ ác kiến nghe đến lý không liền tự tiêu diệt. Để hiển bày nghĩa nầy, nên tiếp theo tụng nói:

Chư Phật tuy vô tâm
Thuyết tồi tha luận pháp
Nhi tha luận tự hoại
Như dã hỏa phần tân.
(Chư Phật tuy vô tâm
Nói pháp phá luận khác
Nên luận khác tự hoại
Như lửa đồng đốt củi).

Luận nói: Chư Phật không có tâm phá vỡ luận khác, nhưng vì lợi lạc cho hữu tình được hóa độ, khai thị con đường thênh thang của chư Phật xưa nay. Nghĩa là tánh tướng của tất các pháp đều không, các Đức Như Lai trước sau thảy đều đi lại trên đó, dẫn dắt quần mê từ nhân đến quả. Các luận ác kiến của ngoại đạo tà đồ, nghe giáo nghĩa không ấy liền tự nhiên hoại diệt, như nơi núi rừng hoang dã ngọn lửa hừng hực bốc cao, củi ướt chồng chất đã khô dưới ánh mặt trời chói chang, tuy không có người mang lửa đến đó, nhưng củi đè áp nhau nên lửa như tự dẫn phát thiêu cháy. Các luận của ác kiến, tà đồ cũng vậy, do uy lực của giáo nghĩa không mà tự đổ nhào, tan hoại.

Lại nữa, chủ trương của các ngoại đạo đều nói vọng có, vì muốn khiến cho lìa bỏ nên nói chân không. Vì sao như vậy? Vì như tiếp theo tụng nói:

Chư hữu ngộ chánh pháp
Định bất lạc tông tà
Vị dư xuất ngụy môn
Cố hiển chân không nghĩa.
(Những người ngộ chánh pháp
Tông tà hẳn không vui
Vì đưa ra môn giả
Để hiển nghĩa chân không).

Luận nói: Người có trí tự mình có thể chọn lựa phân biệt chân – giả, gặp được chánh pháp nầy không thích gì tông tà, như người biết báu vật được báu vật vô giá cuối cùng không trở lại thích thú với ngọc thủy tinh khác. Chủ trương của các ngoại đạo đều thành lập có hư vọng, cách xa chánh pháp là môn hư giả, lừa dối mê hoặc hữu tình làm cho mất đi lợi ích to lớn, nên tôi hiển bày rõ môn không của Phật chỉ dạy, khiến hạng tà đồ kia hướng về chân xa rời vọng.

Lại nữa, vì duyên cớ gì mà ngoại đạo vui thích đối với tông tà, chán ngán xa lời Thánh giáo? Vì lực của thân kiến. Nếu biết là vô ngã thì chắc chắn không vui mừng hay chán ngán. Vì sao như vậy? Do đó, tiếp theo tụng nói:

Nhược tri Phật sở thuyết
Chân không – vô ngã lý
Tùy thuận bất sinh hân
Quai vi vô yếm bố.
(Nếu biết lời Phật nói
Lý vô ngã – chân không
Tùy thuận không sinh vui
Trái lại không chán sợ).

Luận nói: Nếu biết lý không – vô ngã là lời Phật nói, đoạn trừ tùy miên phát khởi của thân kiến, quán sát thế gian như nhà cửa rỗng không, các hành hư vọng, luân hồi nơi sinh tử, hưng thịnh không vui mừng, suy tổn không chán nản, ung dung tự tại không lo buồn, không vui mừng, không sợ hãi. Nếu có thân kiến nghĩa là ngã có tăng giảm, lúc suy thịnh phát khởi liền sinh ra buồn lo – vui vẻ, nhân đó liền có sợ hãi không cùng, vì thế người có trí cần phải trừ diệt ngã chấp.

Lại nữa, các chúng ngoại đạo, vì tham đắm ngã chấp, thường làm tự mình bị ràng buộc mà cũng ràng buộc đối với các hữu tình, sự tổn hại đã nhiều càng đáng xót thương. Để hiển bày nghĩa nầy, nên nói tụng:

Kiến chư ngoại đạo chúng
Vị đa vô nghĩa nhân
Lạc chánh pháp hữu tình
Duy bất thâm bi mẫn.
(Thấy các chúng ngoại đạo
Tạo nhiều nhân vô nghĩa
Hữu tình vui chánh pháp
Ai không hề xót thương?).

Luận nói: Các chúng ngoại đạo tham ái ngã chấp, thường làm cho mình và mọi người khởi phát vô lượng tội lỗi. Tát ca da kiến (thân kiến) là cội gốc phát sinh tất cả điều ác như nói điều ác vốn có và pháp bất thiện, tất cả đều lấy Tát ca da kiến làm gốc và phát sinh. Những hữu tình trong lòng vui thích với pháp thiện, tự bản thân không hề dứt bỏ chấp trước mà thuận theo mọi duyên khác, nên bị tà ngôn của ngoại đạo kia lừa dối mê hoặc, cũng tham đắm ngã kiến phát khởi vô lượng tội lỗi. Như vậy ngoại đạo thường khiến cho mình và người cùng khởi lên biết bao sự ràng buộc kiên cố, ai là người có trí mà không thương xót. Cho nên hữu tình thanh tịnh ý niệm vui thích chánh pháp, khởi tâm lợi lạc nên vô cùng xót xa thương cảm, ân cần vì đó nói vô ngã – chân không, khiến tu tập chánh kiến, lìa xa những ràng buộc.

Lại nữa, chư Phật, Bồ-tát thường trụ ở thế gian, thật có chân tâm thanh tịnh tạo lợi lạc cho mọi người, vì sao thế gian còn có vô lượng hữu tình tin vào tà kiến mà lại phỉ báng chánh pháp? Vì cảnh và trí Đức Phật đã nói sâu xa vi tế cùng cực, khó hiểu được, còn ngoại đạo thì không như vậy. Tại sao? Do đó, tiếp theo tụng nói:

Bà-la-môn hy hệ
Như Lai tam sở tông
Nhãn nhĩ ý năng tri
Cố Pháp Phật thâm tế.
(Bà-la-môn ly hệ
Ba tông của Như Lai
Nhãn – nhĩ ý thường biết
Nên pháp Phật sâu, diệu).

Luận nói: Các Bà-la-môn chỉ thường xuyên tu tập đọc tụng hư ngôn làm đạo, nhĩ thức có thể nhận biết, chẳng phải là sự tường tận của ngoại đạo Ly hệ. Chỉ lấy lộ hình thân thể xú uế và các loại tự khổ mãnh liệt làm đạo. Nhãn thức năng tri, cũng chẳng phải là sự tường tận về Thánh giáo của Như Lai. Vì chứng đạt tuệ kiếm chân không vô lậu, vĩnh viễn đoạn trừ tất cả giặc phiền não bên trong, gặt hái được Chánh đẳng Bồ-đề vô thượng, tạo lợi ích an lạc cho tất cả hàm thức. Diệu nghĩa của lý giáo sâu xa vi tế vô cùng, những người thông đạt lý như thật ấy là đối với Thánh giáo của Phật hoặc biết hay không biết, vì lý giáo của Phật rất sâu xa vi tế. Hàng ngoại đạo ngu phu không thể nào ngộ nhập được, phần nhiều tin theo tà ngôn thô thiển của ngoại đạo, rất ít người tin vào Thánh giáo sâu xa mầu nhiệm của Như Lai. Ở thế gian đa số tin theo Bà-la-môn, vì Bà-la-môn làm nhiều điều lừa gạt dối trá, tụng chú thờ lửa tự khổ trừ tội, giả vờ tốt đẹp vọng nói phước họa, vì mạng sống làm biết bao phương tiện lừa dối những người nữ thuộc hàng Thú-đạt-la, khiến những người kia sinh tâm hy hữu, cung cấp những thứ cần đến và suy tôn làm bậc quý trọng. Các vị Bà-la-môn thông tuệ thời xưa, ngầm trước tác minh thư (sách vở) nói là tự nhiên có, chỉ có tự mình được tụng không cho phép người khác xem, ca ngợi Bà-la-môn là hàng tôn quý nhất, các hàng như Sát-đế-lợi… đều là loại thấp kém, cung cấp bố thí những vật cần dùng sẽ gặt hái được phước vô lượng. Hạng ngu phu vô trí không thể nào suy lường, cho là phước điền thật sự nên tín kinh cúng dường. Nhưng minh thư kia chẳng phải tự nhiên mà có, có do khổ chứng đắc nên như lời nói của thế tục. Hơn nữa minh thư kia chẳng phải là toàn bộ phù hợp với nghĩa lý, chẳng phải lời bậc Thánh nói nên giống như hư ngôn cuồng trá. Dòng Bà-la-môn chẳng phải thật sự tôn quý, chẳng phải phước điền chân thật, vì thường đi khất thực để nuôi vợ con giống như người bệnh hủi bần hàn. Vì thế người có trí không nên vui lòng quy phục. Pháp của Bà-la-môn đã nhiều sự dối trá, kiến giải của ngoại đạo Ly hệ lại như thế nào? Pháp ấy đa số thuận theo loại ngu si, vì sao như vậy? Do đó, tiếp theo tụng nói:

Bà-la-môn sở tông
Đa linh hành cuồng trá
Ly hệ ngoại đạo pháp
Đa phần thuận ngu si.
(Tông của Bà-la-môn
Phần nhiều hành dối trá
Pháp ngoại đạo Ly hệ
Phần nhiều thuận ngu si).

Luận nói: Ngoại đạo Ly hệ đều không biết chân thật, chỉ có tham lạc sau, hiện thọ nhận khổ đau ác liệt. Những điều đã nói phần nhiều không hợp lý, chủng loại ngu si kết tụ thành bầy, làm nơi quay về quy phục của hạng ngu si ở thế gian. Tại sao chắc chắn biết kia là ngu si? Vì lộ rõ thân hình không biết hổ thẹn, như cuồng dại, như súc vật, giống như trẻ nít. Nếu hàng Bà-la-môn thật sự không phải tôn quý, vì duyên cớ gì sự cung kính đối với họ cũng hơn hẳn bậc tôn quý? Do vì họ luyện tập đọc tụng các minh luận đó. Các hàng Bà-la-môn, thật ra chẳng hề biết gì, vì mạng sống nên vào tất cả mọi lúc đọc tụng các minh luận (Vi đà – Phệ đà luận), trá hiện dị tướng để tâm người dao động, hàng tôn quý thù thắng ở thế gian không xem xét quan sát, cho họ có đức nên cung kính tôn thờ họ. Lại nữa, trong minh luận tuy không có thắng nghĩa, nhưng có đôi phần lễ nghi của thế tục, nên hàng tôn quý thù thắng ở thế gian lấy làm nơi học tập. Tuy họ không có đức nhưng cũng răn dạy cung kính tôn thờ. Ngoài ra có người không đọc tụng các minh luận ấy, vì đồng chủng loại nên kế thừa lẫn nhau theo thói đời mà không xem xét quan sát cùng tôn kính hầu hạ. Ngoại đạo Ly hệ so với hạng đó không giống nhau, vì sao thế gian cũng có nhiều người cung kính tôn thờ? Do họ dùng cái biết ít ỏi về tinh tú, sách lịch, tính toán phương hướng xem qua giải mộng đoán tướng lành dữ đó, nên người ngu ở thế gian đa số tỏ ý cung kính tôn thờ. Lại nữa, hàng Bà-la-môn đọc tụng các minh luận, vì khó thành tựu nên thế gian cùng nhau cung kính họ. Ngoại đạo Ly hệ vì khổ hạnh nên thế gian cùng nhau thương xót nghĩ đến. Những loại nầy đều không thể nào giải thoát sinh tử. Những người có trí nên hiểu biết đúng đắn, đừng thuận theo cái thấy kia, do đó tiếp theo tụng nói:

Cung kính Bà-la-môn
Vị tụng chư minh cố
Mẫn niệm ly hệ giả
Do tự khổ kỳ thân.
(Cung kính Bà-la-môn
Vì tụng các minh luận
Xót thương hàng ly hệ
Vì tự tạo khổ thân).

Luận nói: Pháp của Bà-la-môn là chăm chỉ đọc tụng các minh luận, thế gian cho là khá nên cùng nhau cung kính. Nhưng các minh luận chẳng phải là nhân giải thoát, vì chỉ có hư ngôn mà không có nghĩa thật. Ngoại đạo Ly hệ tự làm thân mình đau khổ cùng cực, cũng cho là khó, nên thế gian cùng nhau thương xót nghĩ đến, tại sao tự làm khổ đau chẳng phải là nhân giải thoát? Vì là quả dị thục chẳng phải pháp thiện. Những người đó nhổ tóc, co chân… sinh ra khổ nơi thân, do hạnh ác ở đời quá khứ gây ra, vì là nghiệp dị thục chứ chẳng phải pháp thiện như lạc dị thục chẳng phải nhân giải thoát. Nếu nói khổ nầy sinh ra công lực hiện tại, chẳng phải quả dị thục thì nhân không thành được. Điều nầy cũng không đúng, vì người kia thọ nhận khổ đau là quả dị thục, vì chẳng ích lợi gì và sắc căn thức cùng sinh ra đau khổ, như thân nhận chịu khổ đau trong địa ngục. Tự mình xếp đặt cũng có mà không chấp nhận khổ đau nầy, là dị thục, nên dùng tỷ lượng nầy mà quyết định được điều đó. Thân khổ đau của mọi người chẳng phải là dị thục, cũng chẳng phải nhân gần gũi để có thể chứng đạt giải thoát, vì thân hữu lậu thọ nhận duyên sinh hiện tại, như thích dâm dục. Lại nữa, tự mình làm đau khổ như thế chẳng phải là nhân giải thoát, vì trái với Thánh giáo, như tự mình làm khổ đau tổn hại là những lời sư kia đã nói, chẳng phải là Thánh giáo, chẳng phải các Đức Như Lai cùng nhau nói ra, như các loại dâm thư. Do đó người kia tự làm khổ mình, chỉ là hạnh ác đời trước gây ra, cho đến hiện tại phát khởi ngu si, chắc chắn chẳng phải là nhân có thể chứng đạt giải thoát chân thật.

Lại nữa, có người nói như vầy: Dựa vào thân tôn quý thù thắng có thể được giải thoát, hàng tôn quý thù thắng ở thế gian gọi là Bà-la-môn, nên Bà-la-môn có thể chứng đạt giải thoát, chẳng phải chủng loại hỗn tạp khác có thể đạt được Niết-bàn. Điều nầy cũng không đúng, nên tiếp theo tụng nói:

Như khổ nghiệp sở cảm
Phi chân giải thoát nhân
Thắng thân nghiệp sở sinh
Diệc phi chứng giải thoát.
(Như chiêu cảm nghiệp khổ
Chẳng thật nhân giải thoát
Sinh thân nghiệp thù thắng
Cũng chẳng chứng giải thoát).

Luận nói: Như chủ trương của ngoại đạo Ly hệ là nhận chịu thân khổ đau, vì nghiệp dị thục nên không phải là nhân giải thoát. Thân của Bà-la-môn giả sử cho là tôn quý thù thắng, cũng là chiêu cảm từ nghiệp chẳng phải là nhân giải thoát. Thân tuy không thể nào tự nó chứng đạt giải thoát, nhưng thiện trong thân là nhân của giải thoát. Nếu vậy thân thiện khác cũng như thế, tại sao chỉ nói là hàng Bà-la-môn thôi chăng? Lại nữa, những căn cảnh trong pháp của Bà-la-môn, so với các chủng loại khác thì tất cả đều giống nhau, tại sao tự mình nói hạng kia thù thắng, loại khác thấp kém? Vì vậy lời của họ nói chỉ có lừa gạt kẻ ngu tối, những người có trí không đáng tin nhận. Nhưng hàng Bà-la-môn chẳng hơn gì chủng loại khác, vì là người ở châu nầy, như hàng Thúđạt-la. Hàng Thú-đạt-la không kém gì dòng họ kia, vì là người ở châu nầy, như hàng Bà-la-môn. Đã nói những lời của ngoại đạo đều là trống rỗng, không biết pháp của Như Lai có gì chân thật. Để lìa bỏ nghi ngờ ấy, nên nói tụng:

Lược ngôn Phật sở thuyết
Câu nhị biệt dư tông
Bất hại sinh nhân thiên
Quán tông chứng giải thoát.
(Lược nói lời Phật dạy
Đầy đủ hai tông khác
Không hại sinh trời người
Quán không chứng giải thoát).

Luận nói: Đức Phật tuyên thuyết vô lượng pháp môn thâm diệu, tạo lợi lạc hữu tình chủ yếu chỉ có hai loại: Một là không hại đến khả năng chiêu cảm hàng trời người. Hai là quán không để có thể chứng đạt giải thoát. Làm tổn não ý người khác và những điều phát sinh của họ, hai nghiệp thân ngữ như vậy gọi chung là hại. Nếu có thể đoạn trừ pháp có hại mà người kia đã nói, tu tập các nhân thiện gọi là bất hại. Đó là mười nghiệp thiện, bố thí ái ngữ lợi hành đồng sự và các tĩnh lự, định vô sắc…, do đó được sinh đến đường thiện của hàng trời người, thọ nhận các quả báo thắng diệu không nhiễm, nương vào đây có thể trừ sạch tất cả phiền não, và có thể tu tập vô lượng nhân thiện. Chân như thật tế lìa tướng gọi là không, đích thực quán sát không nầy chứng đạt lý không – vô ngã đến nơi Niết-bàn an lạc. Ở trong các pháp vô tướng vô danh, tất cả cùng chung một vị tịch tĩnh an lạc, tức là Niết-bàn. Cần phải quán xét không nầy mới có thể chứng đạt. Như vậy hai nhân giải thoát của đường thiện, chỉ có trong pháp Phật hoàn toàn đầy đủ có thể đạt được, ngoại đạo tuy nói đôi chút về các thí giới, là nhân sinh trong hàng trời người nhưng không đầy đủ trọn vẹn. Vì sao? Vì các ngoại đạo ấy không có trí tuệ để phân tích rõ ràng về nhân quả, không nói ý nghĩa phát sinh thắng phước, không phân biệt giải thoát và các pháp luận nghi. Nghiệp thô nơi đường thiện hãy còn không biết đích xác, nhân diệu của Niếtbàn vì thế chẳng hề có phần. Lý giáo Như Lai đã nói trọn vẹn đầy đủ, ngoại đạo, tà đồ làm sao chẳng hề vui thích? Vì chánh giáo của Phật trái ngược với tông tà của họ, trái với tham vốn có, nên họ không vui thích. Để hiển bày nghĩa ấy, nên tiếp nói tụng:

Thế nhân đam tự tông
Như ái bản sinh địa
Chánh pháp năng tồi diệt
Tà đảng bất sinh hân.
(Người đời đắm tông mình
Như yêu chốn quê sinh
Chánh pháp hay diệt trừ
Tà nhóm không mừng vui).

Luận nói: Như chốn quê mình sinh ra tuy không màu mỡ tốt tươi, ở trong đó lâu dài nên không bằng lòng từ bỏ. Tông đó cũng vậy, tuy trái ngược so với lý nhưng vì kế thừa bản sư nên không thể lìa bỏ, tông chỉ của ngoại đạo khác hãy còn không mong cầu thích thú, huống hồ ngưỡng mộ cam lồ Thánh giáo của Như Lai. Lửa trí chân không thật tướng thâm diệu, thường đốt cháy đống củi tà chấp của ngoại đạo, trái với bản tâm của họ, nên không thể vui mừng. Những người có trí nên cố gắng tư duy, đừng nhiễm theo tông tà dẫn đến trái ngược với chánh pháp.

Lại nữa, pháp Phật chiếu rọi khắp nơi giống như vầng mặt trời sáng ngời, người cầu thắng trí cần phải tin tưởng ngưỡng mộ. Để hiển bày nghĩa nầy, nên nói tụng:

Hữu trí cầu thắng đức
Ưng tín thọ chân tông
Chánh pháp như nhật luân
Hữu mục nhân năng kiến.
(Có trí cầu thắng đức
Nên tin nhận chân tông
Chánh pháp như mặt trời
Có mắt nên thấy được).

Luận nói: Trong đây hiển bày rõ cần phải đầy đủ hai đức mới có thể tin pháp Đại thừa: Một là có trí, hai là mong cầu công đức thù thắng. Đại thừa luôn luôn trừ diệt tất cả tông tà, tùy thuận Đại thừa gặt hái được nhiều điều lợi ích. Đó là tự mình có thể chứng đạt vô lượng Niết-bàn, khiến cho mọi hữu tình khác cũng thoát khỏi sinh tử. Chánh pháp Đại thừa giống như vầng mặt trời, soi sáng khắp nơi thế gian, phá tan bóng tối vô minh, người có mắt tuệ nhờ ánh sáng chánh pháp ấy, soi chiếu biết rõ cảnh tượng chân – vọng, bỏ tà theo chánh, lánh hiểm cầu an, lợi lạc tự tha không việc gì không thành tựu. Những người có trí nên tin tưởng Đại Thừa, đừng quay lại với tông tà phỉ báng chánh pháp, tự nhận chịu chìm sâu xuống trong bùn lầy sinh tử, lừa dối mê hoặc hữu tình khiến cho mất đi lợi ích to lớn. Người trí và kẻ ngu khác nhau, nghĩa là hiểu biết đúng sai nên người trí đừng giống như kẻ ngu không phân rõ chân – vọng. Nếu có tâm chân thật lợi lạc cho người, nên dùng pháp Đại thừa phá tan quân tà dựng lên chánh giáo, siêng năng tu tập quán không, mau chóng chứng quả Bồ-đề, tạo lợi lạc cho hữu tình cùng tận đời vị lai!

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10