đại thừa phật giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(大乘佛教) Phạm:Mahàyàna. Đại thừa cũng đọc là Đại thặng, nghĩa là cỗ xe lớn. Những người không tự thỏa mãn với sự giác ngộ cá nhân, mà lấy việc cứu độ chúng sinh làm mục đích, giống như một cỗ xe lớn có thể chuyên chở được nhiều người cho nên gọi là Đại thừa. Nền Phật giáo lấy đó làm tông chỉ thì tức là Phật giáo Đại thừa. Nguồn gốc và đặc chất của Phật giáo Đại thừa: Nếu đứng về phương diện hình thức mà nhận xét sự phát triển của Phật giáo nói chung, thì ta thấy đến thời đại Phật giáo bộ phái, tổ chức Phật giáo đã khá hoàn bị. Những kinh điển căn bản và sự giải thích về giáo nghĩa đã được xác định, rồi đến những qui định của giáo đoàn, cũng càng ngày càng trở nên tinh vi, cho nên không bao lâu, cái tinh thần hoạt bát của Phật giáo nguyên thủy cũng đã phai phờ dần. Và cuối cùng, đối với lòng người, Phật giáo không còn có được sự tiếp xúc chặt chẽ. Trong tình hình ấy, phái tự do thừa kế Đại chúng bộ hệ đả phá tất cả hình thức bộ phái Phật giáo, khôi phục tinh thần của đức Phật để thích ứng với thời đại, đó là sự vận động của Đại thừa. Nhưng phong trào Phật giáo Đại thừa được phát động vào thời kì nào, từ địa phương nào, do nhân vật nào và lấy gì làm tiêu biểu? Về vấn đề này, dĩ nhiên phần chi tiết tuy có điều không thể biết, nhưng phần đại thể thì ta có thể khảo sát theo thứ tự sau đây: Trước hết, căn cứ vào thời đại để nhận xét, thì tư tưởng Đại thừa đã nảy mầm từ Phật giáo nguyên thủy, nhưng mãi khoảng trước sau kỉ nguyên Tây lịch mới thật sự trở thành phong trào rõ rệt. Theo văn hóa Ấn độ, căn cứ vào những văn phẩm được trứ tác vào khoảng thời gian vừa nói, thì tư tưởng Đại thừa vẫn chưa hình thành, còn theo lịch sử dịch kinh của Trung quốc thì cũng mãi đến thế kỉ II Tây lịch các kinh điển Đại thừa mới được phiên dịch. Cho nên, nếu cho rằng Phật giáo Đại thừa đã phát khởi từ trước kỉ nguyên Tây lịch thì e không được ổn thỏa. Về hình thức tuy đại khái như thế, song ta có thể tin chắc là Phật giáo Đại thừa đã manh nha vào khoảng thời gian đó. Kế đến là vấn đề liên quan đến khu vực trung tâm của Đại thừa lúc mới phát khởi. Nam Ấn độ, nhất là khu vực thuộc Án đạt la phái, là cái nôi của Phật giáo Đại thừa, đặc biệt nơi đã phát sinh ra Bát nhã Đại thừa. Địa phương Án đạt la là vùng mà phái tự do thuộc Đại chúng bộ rất hưng thịnh, tư tưởng phái này quan hệ khá mật thiết với Đại thừa, do đó, miền Nam Ấn độ có thể đã là địa điểm cơ bản của Phật giáo Đại thừa. Hiện trong Tiểu phẩm bát nhã cũng nói: Kinh Bát nhã ba la mật đa này bắt đầu ở phương Nam, rồi từ phương Nam truyền đến phương Tây, lại từ phương Tây truyền qua phương Bắc. Câu nói trên đây là một trong những truyền thuyết đáng tin cậy. Tuy thông thường vẫn cho Đại thừa phát khởi ở phương nam, nhưng, trái lại, Bắc Ấn độ mới là trung tâm phồn thịnh của Đại thừa. Nếu ta đem nghệ thuật và văn học của Phật giáo còn lưu truyền đến nay làm chứng cứ để đối chiếu, thì ta thấy điều đó rất rõ. Bởi vậy, nếu nói một cách tổng hợp thì tư tưởng Đại thừa đã nảy sinh ở cả hai miền Nam và Bắc Ấn, Nam Ấn đại biểu cho Không luận, Bắc Ấn đại biểu cho Hữu luận. Đến khi cả hai trào lưu hợp lại thì cuộc vận động Đại thừa đã trở nên rõ rệt. Nhưng ai đã đề xướng cuộc vận động Đại thừa? Về vấn đề này, trên đại thể, ta có thể nói đã do hai hạng người phát động: Thứ nhất là các vị tỉ khưu có đầu óc tiến bộ; thứ hai là những nam nữ cư sĩ theo chủ nghĩa tự do. Đặc biệt do hạng người thứ hai mà tư tưởng Đại thừa đã trở thành vô cùng hoạt bát. Theo kinh điển Đại thừa thì những vị cư sĩ như: Duy ma cật, phu nhân Thắng man, Hiền hộ v.v… tất cả 16 nhà hiền sĩ đều được coi là những nhân vật rất quan trọng, nghĩa là họ đã đóng một vai trò đáng kể trong việc phân phối giáo lí. Thông thường, những tỉ khưu bị truyền thống giới hạn, còn cư sĩ tại gia, tuy cũng theo truyền thống, song trực tiếp thích ứng cuộc sống với hoàn cảnh, muốn cố duy trì chân tinh thần của đức Phật, nên kết quả đã nảy sinh ra cuộc vận động đó. Như vậy, cuộc vận động Đại thừa bao gồm cả tăng và tục. Giáo lí của Phật giáo nguyên thủy đã nói, bất luận hạng người nào, chỉ cần lập đại thệ nguyện, cuối cùng đều có thể thành Phật. Vì thế Đại thừa đã lấy Phật làm lí tưởng tối cao. Tuy nhiên, Đại thừa công nhận rằng người ta không thể thành được Phật trong một sớm một chiều, mà điểm then chốt của Đại thừa là người ta phải tu hạnh Bồ tát (Phạm: Bodhisattva – người cầu Đại giác), trên cầu Bồ đề, dưới phát đại nguyện hóa độ chúng sinh, vì lợi ích của chính mình và của mọi người mà nỗ lực tu hành làm tất cả việc thiện mới mong được viên mãn như Phật. Một trong những đặc sắc của Đại thừa là chủ trương cho rằng, bất cứ ai, chỉ cần phát tâm bồ đề, lập chí nguyện cứu độ chúng sinh, là đều có thể dự vào hàng Bồ tát. Sau, Đại thừa còn được gọi là Bồ tát thừa chính vì lí do ấy. Mà một vị Bồ tát, như trong kinh Bản sinh đã nói, không cứ phải xuất gia làm sa môn, trái lại, những người tại gia, mặc dầu còn phải gánh vác nhiều chức vụ, chỉ cần phát tâm niệm trên cầu đạo Giác ngộ, dưới hóa độ chúng sinh, đều có thể gọi là Bồ tát. Do đó mà phạm vi hoạt động của Đại thừa trở nên rộng rãi và nhân sinh quan cũng có tính cách tích cực, khẳng định. Đối với Tiểu thừa,đây là tiêu biểu rõ nhất của Đại thừa. Cho nên, đặc sắc của Đại thừa tuy lấy Phật làm lí tưởng tối cao, nhưng thực thì muốn xã hội hóa Phật giáo. Chính vì muốn thực hiện mục đích và lí tưởng này mà các vị Bồ tát đều xả thân làm việc. Trở lên, mới chỉ đứng về phương diện nội bộ của Phật giáo nguyên thủy để tìm hiểu nguồn gốc sự phát khởi của Đại thừa, nhưng ngoài điểm ấy ra còn một nguyên động lực khác nữa đã thúc đẩy phong trào Đại thừa bành rướng mạnh, đó là tư tưởng giới Ấn độ thời bấy giờ đối với Phật giáo có tính cách kích thích. Đương thời ấy, hai thi phẩm tuyệt tác Ramàyàịa và Mahàbhàrata đã được hoàn thành, Số luận, Thắng luận và nhiều triết thuyết khác cũng đã được thiết lập, còn Tân bà la môn giáo (Hinduism) lấy Tì nữu noa (Phạm: Viwịu) và Thấp bà (Phạm: Ziva) làm trung tâm cũng đã dần dần đến thời kì hưng thịnh. Thêm vào đó, ở miền Bắc, văn hóa Hi lạp, Ba tư cũng đã xâm nhập Ấn độ. Đó là một thời đại có ảnh hưởng về mọi mặt. Cuộc vận động Phật giáo Đại thừa tuy là kế thừa hệ thống của Phật giáo nguyên thủy và Tiểu thừa, song về một khía cạnh nào đó, người ta có thể nói cuộc vận động ấy là một sách lược đáp ứng với nhu cầu thời đại, muốn phát huy tinh thần Phật giáo giữa các trào lưu phồn tạp đó. Thường theo sát thời đại để mở rộng phạm vi giáo tuyến, áp dụng thái độ hoằng pháp của Phật giáo nguyên thủy, khác hẳn với thái độ coi thường thời đại của Tiểu thừa, đó là đặc chất của Phật giáo Đại thừa. (xt. Ấn Độ Phật Giáo).