đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương

Phật Quang Đại Từ Điển

(大乘法苑義林章) Gồm 7 quyển (hoặc 14 quyển). Gọi tắt: Pháp uyển nghĩa lâm chương. Nghĩa lâm chương, Pháp uyển, Thất quyển chương. Do ngài Khuy cơ soạn vào đời Đường, thu trong Đại chính tạng tập 45. Sách này giải thích rõ ràng về tổ chức giáo nghĩa và nội dung cơ bản của Duy thức, như: Phán giáo, nghĩa lí duy thức, lí luận tu hành, quả vị v.v… Đây là bộ sách rất quí cho những người nghiên cứu Duy thức học từ xưa đến nay. Nội dung chia làm 29 chương: – Quyển 1 có 4 chương: Tổng liệu giản, Ngũ tâm, Duy thức nghĩa lâm và Chư thừa nghĩa lâm. Trong đó, chương Tổng liệu giản là bộ phận tinh yếu nhất của sách này. Ở đây, ngài Khuy cơ đã đứng trên lập trường Duy thức mà giản trạch giáo thuyết từ đời đức Phật trở về sau, chia làm 5 đoạn: 1. Giáo ích hữu thù môn: Nêu ra sự lợi ích khác nhau của các giáo pháp Tiểu thừa và Đại thừa. 2. Thời lợi sai biệt môn: Trước hết, trình bày về phán giáo của các nhà từ xưa đến nay ở Trung quốc. Kế đó, nói về thuyết Tam thời giáo của tông Duy thức. 3. Thuyên tông các dị môn: Trước hết, nêu lên sự bất đồng về việc thành lập các tông phái từ xưa tới nay, sau đó, giải thích yếu nghĩa Trung đạo, Phi hữu, Phi không của tông Pháp tướng. 4. Thể tính bất đồng môn: Đầu tiên chỉ rõ sự khác nhau về giáo thể giữa ngoại đạo, Tiểu thừa, Đại thừa, sau đó, nêu ra thuyết Tứ trùng xuất thể của tông Duy thức. 5. Đắc danh huyền cách môn: Nói một cách khái quát về Lục hợp thích. – Quyển 2 có 4 chương: Chư tạng, Thập nhị phần, Đoạn chướng và Nhị đế. – Quyển 3 có 3 chương: Đại chủng tạo sắc, Ngũ căn và Biểu vô biểu. – Quyển 4 có 5 chương: Qui kính, Tứ thực, Lục thập nhị kiến, Bát giải thoát và Nhị chấp. – Quyển 5 có 7 chương: Nhị thập thất hiền thánh, Tam khoa, Cực vi, Thắng định quả sắc, Thập nhân, Ngũ quả và Pháp xứ sắc. – Quyển 6 có 4 chương: Tam bảo, Phá ma ha, Tam tuệ và Tam luân. – Quyển 7 có 2 chương: Tam thân nghĩa lâm và Phật độ. Tương truyền sách này còn có bản khác gồm 8 quyển 33 chương, tức là ngoài 29 chương nói trên, còn thêm 4 chương: Đắc phi đắc, Chư không, Thập nhị quán và Tam căn. Những chú sớ trọng yếu về sách này thì có: – Nghĩa lâm chương quyết trạch kí của ngài Trí chu. – Nghĩa lâm chương bổ khuyết của ngài Tuệ chiểu. – Nghĩa lâm chương sư tử hống chương của ngài Cơ biện. – Nghĩa lâm chương toản chú của ngài Phổ tịch. [X. Tân biên chư tông giáo tạng tổng lục Q.3; Pháp tướng tông chương sớ; Đông vực truyền đăng mục lục].