đại thừa ngũ uẩn luận

Phật Quang Đại Từ Điển

(大乘五蘊論) Có 1 quyển, do bồ tát Thế thân tạo, đại sư Huyền trang dịch vào đời Đường. Cũng gọi Thô thích thể nghĩa luận, Ngũ uẩn luận, thu trong Đại chính tạng tập 31. Nội dung sách này chủ yếu thuyết minh các pháp Đại thừa ngũ uẩn, Đại thừa thập nhị xứ và Thập bát giới. Là một trong 12 chi luận Du già của tông Pháp tướng. Thuyết nhất thiết hữu bộ Tiểu thừa chia vạn hữu làm 5 vị, 75 pháp, trong đó, Ngũ uẩn bao nhiếp 72 pháp hữu vi. Trái lại, Đại thừa chia các pháp làm 5 vị, 100 pháp, trong đó, Ngũ uẩn bao nhiếp 94 pháp hữu vi. Tức là Sắc uẩn có 5 căn, 5 cảnh, vô biểu sắc; Thụ uẩn có thụ tâm sở; Tưởng uẩn có tưởng tâm sở; Hành uẩn có 67 pháp gồm tất cả tâm pháp và bất tương ứng hành pháp ngoại trừ Thụ tâm sở và Tưởng tâm sở; Thức uẩn bao gồm 8 thức, như A lại da v.v… Trong các kinh điển Đại thừa, bộ luận này thuyết minh pháp ngũ uẩn rất là đơn giản mà cô đọng. Luận Đại thừa quảng ngũ uẩn do ngài An tuệ soạn, ngài Nhật chiếu dịch, tức là tác phẩm mở rộng luận này. [X. Đại đường nội điển lục Q.5; Khai nguyên thích giáo lục Q.8, Q.9; Phật gia danh tướng thông thích (Hùng thập lực)].