đại thừa luận

Phật Quang Đại Từ Điển

(大乘論) Những bộ luận thư trình bày về nghĩa Lục độ (sáu ba la mật), Chư pháp giai không (các pháp đều không) và chú giải kinh điển Đại thừa. Đối lại với luận Tiểu thừa. Cũng gọi Đại thừa a tì đàm, Bồ tát đối pháp tạng. Khi đức Phật còn tại thế, không có tạng Luận, nhưng sau khi Ngài nhập diệt, các vị Bồ tát mới làm ra những bộ luận để phân biệt và giải thích nghĩa sâu xa của các kinh, nhằm giáo hóa những chúng sinh độn căn. Như các bồ tát Long thụ tạo luận Đại trí độ, Đề bà tạo Bách luận, Vô trước tạo luận Du già sư địa, Thiên thân tạo luận Đại thừa thành nghiệp, Hộ pháp tạo luận Thành duy thức, Thanh biện tạo luận Chưởng trân v.v… Sau khi các bộ luận ghi trên truyền vào Trung quốc và được các ngài Cưu ma la thập, Bồ đề lưu chi, Chân đế, Huyền trang, Thí hộ v.v… nối nhau phiên dịch thì phong trào giảng diễn và học tập mỗi ngày một thịnh. Nhập tạng lục trong Khai nguyên thích giáo lục quyển 15 chia luận Đại thừa làm Thích giáo luận, Tập nghĩa luận, trong đó, Thích giáo luận có 21 bộ gồm 155 quyển, Tập nghĩa luận có 76 bộ gồm 363 quyển, tổng cộng là 97 bộ 518 quyển. Chí nguyên pháp bảo khám đồng tổng lục quyển 8 liệt kê 117 bộ 629 quyển; Súc loát đại tạng kinh nêu 128 bộ 659 quyển. Ngoài ra, những bộ luận chưa được dịch ra Hán văn gồm có: Trung luận thích (bản Phạm) của ngài Nguyệt xứng, luận Vô úy của ngài Long thụ, Vô tận ý kinh quảng thích của ngài Thế thân, Đại thừa trang nghiêm luận thích của ngài An tuệ, Nhân minh tập của ngài Trần na (từ luận Vô úy trở xuống là bản Tây tạng)… [X. Lịch đại tam bảo kỉ Q.13, Q.15; Ngạn tông lục Q.2, Q.5; Đại đường nội điển lục Q.6; Đại tạng kinh cương mục chỉ yếu lục Q.5; Đại tạng thánh giáo pháp bảo tiêu mục Q.5; Q.6].