Đại Thừa Khởi Tín Luận

Từ Điển Đạo Uyển

大乘起信論; S: mahāyānaśraddhotpāda-śās-tra; J: daijō kishinron;
Một tác phẩm Ðại thừa xuất hiện trong thế kỉ 5-6, tương truyền do Mã Minh (s: aśva-ghoṣa) soạn. Mã Minh lại sống trong thế kỉ thứ 1-2 nên điều này vẫn còn là một nghi vấn. Nguyên bản chữ Phạn cũng như bản dịch Tạng ngữ không còn. Hiện nay người ta chỉ còn bản chữ Hán của năm 557, được các học giả sau này xem là một tác phẩm Phật giáo Trung Quốc thuần tuý.
Tác phẩm này là bộ luận về Ðại thừa và được xem là căn bản nhập môn của giáo lí này. Ðó là một tác phẩm trong số các kinh sách hiếm hoi được Thiền tông coi trọng. Luận này được chia làm 5 chương: 1. Lí do luận này ra đời: để giúp chúng sinh thoát khổ, truyền bá chính pháp, hỗ trợ người tu hành, làm tăng trưởng tín tâm của kẻ sơ căn, chỉ phương pháp đối trị tà kiến, dạy cách thiền định đúng đắn, chỉ ích lợi của niệm A-di-đà, chỉ cách tu tập thiền định; 2. Giảng giải các khái niệm quan trọng nhất của Ðại thừa; 3. Trình bày giáo pháp Ðại thừa: về ba tính chất của tâm, về giác ngộ và phi giác ngộ, về vô minh, đối trị tà kiến và các thành kiến khác, chỉ phương pháp đúng đắn đưa đến giác ngộ, Phúc đức và hạnh nghiệp của Bồ Tát; 4. Phép tu theo Ðại thừa: Phát triển tín tâm bằng hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, trí huệ và phương pháp Chỉ-Quán; 5. Ích lợi của phép tu Ðại thừa.