đại thừa khởi tín luận nghĩa sớ

Phật Quang Đại Từ Điển

(大乘起信論義疏) I. Đại Thừa Khởi Tín Luận Nghĩa Sớ. Gồm 2 quyển, do ngài Đàm diên soạn vào đời Tùy. Cũng gọi Khởi tín luận nghĩa sớ, thu vào Vạn tục tạng tập 71. Đây là sách chú sớ luận Đại thừa khởi tín, nhưng bản lưu truyền hiện nay chỉ có quyển thượng, còn quyển hạ thì nội dung cũng giống với sách Đông hải sớ của ngài Nguyên hiểu người Tân la, cho nên Vạn tục tạng chỉ thu chép quyển thượng mà thôi. Nội dung quyển thượng gồm 3 môn: 1. Biện đại ý (Bàn về đại ý). 2. Giải đề hiệu (Giải thích tên sách). 3. Nhập văn giải thích (Giải thích chính văn). II. Đại Thừa Khởi Tín Luận Nghĩa Sớ. Gồm 4 quyển, do ngài Tuệ viễn soạn vào đời Tùy, thu vào Đại chính tạng tập 44. Cũng gọi Khởi tín luận nghĩa sớ, Khởi tín luận sớ, Tịnh ảnh sớ, là một trong ba bộ sớ lớn của luận Đại thừa khởi tín. Đây là bộ sớ giải thích luận Đại thừa khởi tín theo bản dịch của ngài Chân đế. Trước hết, ngài Tuệ viễn phân biệt luận Đại thừa khởi tín thuộc về tạng Bồ tát trong hai tạng (Thanh văn, Bồ tát) và thuộc về tạng A tì đàm trong ba tạng (Tu đa la, Tì ni, Tì đàm); kế đến, soạn giả nói rõ rằng luận Khởi tín lấy lí của tám thức làm thể, lấy hành pháp làm tông, rồi giải thích tên luận Khởi tín và người soạn luận; cuối cùng, giải thích chính văn. Sách này văn nghĩa hời hợt, thô kệch, có nhiều chỗ sai lầm nên người ta ngờ đây không phải tác phẩm của ngài Tuệ viễn. [X. Khởi tín luận nghĩa kí yếu quyết Q.thượng; Tục cao tăng truyện Q.8 Tuệ viễn truyện; Tân biên chư tông giáo tạng tổng lục Q.3; Tam luận tông chương sớ lục; Đại thừa khởi tín luận chi nghiên cứu].